- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

"Phiến Cộng" Trong Dinh Gia Long [the Communist Rebels In The Gia Long Palace] (phần 3 Của 4)

30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 92748)


dgl_0_300x176_1

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
Sự lo ngại của Nhu có lẽ do sự lo sợ Mỹ sẽ thay đổi chính sách.
Phiếu trình ngày 9/1/1962 của Nha Á Châu-Đại Dương phản ảnh vị thế “khó xử” của Pháp. Pháp có trên 15,000 kiều dân tại miền Nam (trên 17,000 năm 1963), một số tiền đầu tư khá quan trọng, và liên hệ văn hóa. Một mặt, khó thể cung cấp viện trợ quân sự cho miền Nam. Tình trạng hiện nay xảy ra không có sự hiện diện của Pháp, và cách nào đó, chống lại Pháp. Mặt khác, nếu Pháp ngả về phe Mỹ, lập tức sẽ bị Việt Minh trả đũa. Sự quan hệ giữa Pháp với Việt Nam là quyền lợi vật chất và tinh thần, trong khi Mỹ cơ bản là vấn đề chiến lược. Nếu bị áp lực, Pháp có thể sẽ hợp tác, nhưng trong bí mật và ít thôi, chỉ vừa đủ thỏa mãn chế độ Diệm [une coopération aussi modeste et discrète que possible, mais suffisante pour qu’il s’en contente.] Về phương diện chính trị, biên độ hoạt động của Pháp rất hẹp. Chính phủ Pháp khó thể ra một tuyên cáo ủng hộ Diệm. Có thể nhờ đài truyền hình Pháp đi một bản tin về hiểm họa Cộng Sản, hoặc cử một phái đoàn Dân biểu tới tham quan. Về phương diện quân sự, Pháp khó thể làm gì trong khi Mỹ tiếp tục gia tăng sự can thiệp. Hai cách hành động là cung cấp viện trợ quân cụ và chuyên viên. Hiện Pháp còn một kho quân trang ở Marseille vốn dự định gửi qua Đông Dương. Cũng có thể cố vấn việc phòng thủ vùng cao nguyên Trung phần. Về phương diện hành chính và kinh tế, Pháp có thể yểm trợ trên nhiều mặt. Pháp không muốn yểm trợ chính trị cho chế độ Diệm, nhưng cũng không thể không bảo vệ quyền lợi Pháp tại đây. Oái oăm là mặc dù biết rõ lập trường của Pháp, Diệm vẫn tiếp tục áp lực, yêu cầu Pháp có bổn phận bảo vệ miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản. Mỹ, bị cô lập, cũng muốn các quốc gia khác nhập cuộc. Bri-tên, dù thiện cảm với chế độ Diệm, chỉ bí mật tiếp tay.( 153)
Ngày 31/3/1962, Diệm đích thân viết thư cho Tổng thống de Gaulle xin trợ giúp chống lại sự xâm lăng của CSBV. Theo Diệm, CSBV đang công khai xâm lăng VNCH. Từ ngày 18/1/1962, đài Hà Nội đã loan tin thành lập Đảng Nhân Dân Cách Mạng mà mục tiêu tức khắc là đoàn kết dân chúng và lật đổ chính quyền miền Nam [“dont la tâche immédiate” est d’unifier le peuple et de “renverser” le gouvernement du Viêt Nam]. Đảng này cũng kêu gọi dân chúng miền Bắc xây dựng một miền Bắc giàu có và vững mạnh, để biến thành một hậu phương vững chắc cho cuộc tranh đấu giành thống nhất hòa bình cho xứ sở và để yểm trợ tích cực đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng [Elle fait aussi “appel à la population du Nord pour bâtir un Nord-Viêtnam toujours plus propère et plus fort, en vue d’en faire une base solide pour la lutte pour la réunification pacifique du pays, et de donner un soutien actif aux compatriotes du Sud- Viêtnam dans leur lutte révolutionnaire.] Trong Đại hội kỳ III Đảng CSVN năm 1960, Hà Nội cũng khẳng định sẽ “giải phóng miền Nam.” Tài liệu bắt được cho thấy Hà Nội xâm nhập người vào Nam.( 154)
Trong thư trả lời, de Gaulle chỉ ghi nhận lời kêu gọi của Diệm, nói chung chung là cần tôn trọng Hiệp định Geneva, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, và dân tộc Việt Nam xứng đáng được sống trong hòa bình và tự do.( 155)
Ngày 31/5/1962, Ngô Đình Nhu từ London tới Paris, sau chuyến đi của phái đoàn Dân biểu tới Roma và Bonn. Tuy nhiên, không rõ de Gaulle có tiếp kiến Nhu hay Lệ Xuân theo lời yêu cầu hay chăng.
Ngày Thứ Bảy, 30/6/1962, Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville tiếp Vũ Văn Mẫu tại nhà riêng vì tình bạn học cũ, nhưng giao tình giữa hai nước vẫn chẳng cải thiện bao lăm. Chủ trương của de Gaulle là trung lập hóa toàn Đông Dương, trong khi Nhu chỉ muốn lợi dụng Pháp để giảm bớt áp lực Mỹ.
Ngày 7/7/1962, XLTV Đại sứ Pháp báo cáo rằng các cấp lãnh đạo VNCH có tinh thần bài Pháp vì các Pháp kiều không chịu chống Cộng theo đường lối Mỹ-Việt. Hai Pháp kiều Etchegarray và de la Chevrotière vẫn bị giam giữ sau vụ đánh bom Dinh Độc Lập. Chỉ có Heurtier được phóng thích. Tổng Lãnh sự Pháp đã gửi hai thư phản kháng về việc chính quyền địa phương trưng dụng tài sản của Pháp kiều làm đồn binh hay trại tạm cư cho dân tị nạn. Một quản lý đồn điền cao su ở Minh Thành đã bị cáo buộc nạp cho Việt Cộng 27,000 đồng, rồi mỗi tháng đóng thuế 1,200 đồng. Lời cáo buộc này xảy ra sau một tai nạn tại phi trường của đồn điền trên: 4 du kích Việt Cộng đã cướp đoạt một xe Jeep của viên Trưởng ty Cảnh sát rồi bỏ chạy khi một chiếc phi cơ chở Giám mục Đà Lạt hạ cánh xuống đồn điền này.( 156)
Ngày 16/8/1962, BNG Việt Nam còn phản đối với Đại sứ Pháp về việc Y sĩ Phạm Huy Cơ từ Pháp qua Nam Vang gặp gỡ Việt kiều.( 157)
Chuyến ghé Paris của Nguyễn Đình Thuần vào ngày 3/10/1962 cũng chẳng mang lại được lời hứa nào của Ngoại trưởng Couve de Murville.( 158) Ngày 5/12/1962, Diệm phải than thở với Đại sứ Lalouette là không hiểu nổi chính sách của Pháp; Pháp có quyền lợi kinh tế ở Việt Nam, mà dửng dưng.( 159)
Từ đầu năm 1963, có dấu hiệu cải thiện liên hệ Pháp-Việt. Tháng 2/1963, phái đoàn Quốc hội VNCH qua thăm Pháp được tiếp đãi nồng hậu. Cầm đầu là Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội. Lễ là nhân vật thứ ba của Việt Nam CH, rất trung thành với Diệm. Dòng giõi Petrus Key, nói tiếng Pháp thành thạo. Tháp tùng có Hà Như Chi, Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Văn Thọ.( 160)
Thứ Tư, 10/4/1963, Ngoại trưởng Mẫu than phiền với Rusk về những nỗ lực của một số người Pháp trong kế hoạch trung lập hóa và tự hỏi tại sao những phần tử như Trần Văn Hữu có thể qua Mỹ.( 161)

1. Đại sứ Roger Lalouette
Những tài liệu văn khố đã giải mật cho thấy phía sau lớp bình phong “không can thiệp chính trị” của chính phủ de Gaulle, Đại sứ Lalouette tích cực dàn xếp cho Nhu tiếp xúc đại diện Hà Nội. Theo Lalouette, vì kinh tế miền Bắc gặp khó khăn, và áp lực Trung Cộng ngày một gia tăng, Bắc Việt thành tâm muốn tìm giải pháp chính trị, để trục xuất Mỹ khỏi miền Nam, và tránh áp lực Trung Cộng. Hơn nữa, Hồ vốn là người bài Hoa, thân Tây phương.( 162)
Vai trò của Lalouette thoáng bộc lộ trong chuyến về nước nghỉ phép vào tháng 6/1963. Ngày 25/5/1963, Diệm tiếp kiến Lalouette. Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 3 tiếng đồng hồ này, Diệm bàn về rất nhiều vấn đề. Về các nước lân bang, Diệm đặc biệt quan tâm đến Lào. Theo Diệm, Hà Nội và Bắc Kinh tạo nên tình trạng căng thẳng ở Lào. Vì cảm thấy phải bỏ ý định chiếm Nam Việt Nam bằng võ lực nên Hà Nội muốn bành trướng ảnh hưởng Pathet Lào dài theo biên giới Việt Lào. Về Bắc Việt, Diệm cho rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội đã bắt đầu nhận hiểu chỉ vô dụng khi đánh chiếm miền Nam. Chẳng cần phải có thương thuyết, cuộc chiến sẽ một ngày đột ngột ngừng lại giống như lúc khởi sự năm 1960. [“à se lasser eux aussi d’une lutte dont ils comprendraient aujourd’hui l’inutilité.” . . . “sans qu’il soit nécessaire d’ouvrir un dialogue entre Saigon et Hanoi, la guerilla pourrait bien un jour cesser soudainement comme elle avait commencé au début de 1960.”] Lalouette có cảm nghĩ rằng chính do sự tiên đoán này, và để chuẩn bị cho điều này, Diệm và Nhu đã nêu lên vấn đề triệt thoái từ từ các cố vấn Mỹ” [“dans son esprit comme dans celui de M. Nhu, c’est en prévision d’une telle évolution, et peut être pour la préparer, que Saigon a posé la question du retrait progressif des Conseillers militaires Américains]. Tuy nhiên, Diệm không nhắc gì đến vấn đề này.( 163)
Về bang giao Việt-Pháp, Diệm ghi nhận sự hợp tác của Pháp kiều tại Nam Việt Nam trên các lãnh vực kinh tế và văn hóa, và hy vọng sẽ tiếp tục như thế. Diệm hài lòng khi các đồn điền cao su bí mật cho mượn đất làm ấp chiến lược. Diệm mừng thấy liên hệ giữa hai nước cải tiến, đặc biệt là chuyến qua Pháp của Trương Vĩnh Lễ, vào tháng 2/1963.( 164)
Về tới Pháp, Lalouette làm phiếu trình đặc biệt ngày 21/6/1963 lên Couve de Murville. Không rõ Bộ Ngoại Giao Pháp có quyết định nào hay chăng.( 165)
Trở lại Sài Gòn, Lalouette tiếp tục làm chim xanh cho Nhu và Hà Nội. Lalouette, phối hợp với các Đại sứ India, Italia và Vatican giới thiệu Nhu với Maneli.
Như để tiếp tay de Gaulle, ngày 29/8/1963, Mao Trạch Đông gặp phái đoàn đại diện MT/GPMN tại Bắc Kinh. Đây có thể chỉ là dấu ấn đóng lên MT/GPMN, biến cơ cấu ngoại vi của Đảng Lao Động Việt Nam thành một thực thể chính trị; nhưng cũng có thể hàm ý một thông điệp ngoại giao nào đó.
Qua Lalouette và một số nhà ngoại giao khác, tối 25/8/1963, Maneli gặp Nhu, mở đường cho cuộc gặp mặt chính thức tại Dinh Gia Long. Năm ngày sau, 30/8, Maneli lại tiết lộ kế hoạch “đi đêm” này với CIA. Lodge bèn tới gặp Lalouette. Lalouette khuyên Lodge nên làm việc với họ Ngô để chiến thắng, và còn đề nghị đưa Nhu lên làm Thủ tướng. Lalouette cũng nhận định rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc trong vòng 1, 2 năm. Khi cuộc chiến chấm dứt, chính là miền Nam, lúc ấy sẽ mạnh hơn miền Bắc, sẽ đề nghị hiệp thương, trao đổi gạo miền Nam lấy than miền Bắc. Điều này có thể dẫn tới việc thống nhất đất nước với miền Nam vượt thắng. Tuy nhiên, chuyện còn xa.(166)
Hôm sau, Lodge báo cáo thêm rằng Lalouette đã có mặt bên Nhu khoảng 4 tiếng đồng hồ trong cuộc “vét chùa.” Một nguồn tin đáng tin cậy còn cho Lodge biết là Lalouette muốn Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, và Pháp sẽ đứng ra dàn xếp giữa Bắc và Nam Việt Nam. . . . Nhu đang ở vào tình trạng bốc đồng và một vài cử chỉ với Bắc Việt qua Nhu chẳng phải là không thể xảy ra.( 167)
Ngày Thứ tư, 4/9, Lodge báo cáo thêm rằng, trong buổi gặp mặt, Lalouette lập lại rằng Nhu có thể dàn xếp một thỏa hiệp với VC để ngừng chiến tranh. Khi Lodge hỏi với điều kiện nào [quid pro quo hay consideration trong luật khế ước], Lalouette đáp: “Triệt thoái một số lính Mỹ.” Lalouette còn nhấn mạnh rằng không có một giải pháp khác Diệm và Mỹ phải hợp tác với Diệm [Lalouette “reiterated that Nhu believed he could work out an arrangement with the VC whereby the guerrilla war would be ended. I asked what would be the quid pro quo, and he said: the withdrawal of some US troops.” Điều mà Lalouette muốn đặc biệt nhấn mạnh là niềm tin của ông ta chẳng có một giải pháp nào khác Diệm, và Mỹ phải làm việc với họ để chiến thắng [“particularly stressed was his belief there is no alternative to the Diem regime and that we must work with them as partners to win the war.”] (168)
Ngay hôm sau, 5/9, New York Thời báo đăng bản tin của Robert Trumbull, tiết lộ rằng Lalouette muốn khuyến khích Lodge ngưng chỉ trích chế độ Diệm. Theo Trumbull, Lalouette được các Đại sứ Tây Đức, Italia và Khâm sứ Vatican yểm trợ. Giới ngoại giao cho rằng de Gaulle đã giữ Lalouette tại Sài Gòn lâu hơn lệ thường nhằm chống lại Lodge, người bị cáo buộc là chống Pháp. Vẫn theo Trumbull, Lalouette đã khuyến khích Nhu liên lạc với miền Bắc, qua trung gian Maneli để thành lập một nước Việt Nam thống nhất, trung lập. Bài viết kết luận bằng câu: “Bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố trong tuần này rằng ông Lalouette là một Đại sứ khả kính [éminent] và bà ta chỉ trích Lodge.” Thông báo cho Lalouette bài báo nói trên, Giám đốc Chính trị Vụ BNG Pháp chỉ thị:
“Tôi muốn lập lại với ông [Lalouette] rằng chúng ta không hề có ý định can thiệp vào nội tình Việt Nam hay biến thành những nhà vô địch bên cạnh ông Nhu hay bà Nhu. Những công điện trước đây của tôi đã chỉ thị chính xác vấn đề này. Chúng ta cũng không muốn cố vấn cho ông Cabot-Lodge hay chịu trách nhiệm về việc ông ta làm hay không làm đối với gia đình Diệm. Cuối cùng, ví thử thống nhất là mục tiêu của chúng ta, chúng ta cũng không khuyến khích những cuộc tiếp xúc của ông Nhu với các sứ giả của miền Bắc.”( 169)

Một chi tiết trong đoạn kế tiếp của Lucet khiến gợi nhiều tra vấn. Lucet viết:
Bài viết trên New York Thời Báo xác nhận những tin đồn đã báo cáo lên chúng tôi từ Đại sứ Bri-tên (xem CĐ số 740). Nó theo đúng điều ông đã trình bày trong phiếu trình ngày 21/6 vừa qua và nó, trên mọi phương diện, không thể là bản văn những chỉ thị mà ông nhận được.
Trong mọi điều kiện, làm ơn, sau khi nhận được công điện này, báo cáo cho tôi bằng công điện những gì là sự thực trong bản tin của ký giả Mỹ và cho tôi biết một cách hoàn toàn chính xác về thái độ mà họ nói về ông.( 170)

Hôm sau, BNG Pháp cho hãng tin AP cải chính rằng Lalouette không hề dính líu vào nội tình chính trị Việt Nam. Hơn nữa, lời tuyên bố ngày 29/8 của Tổng thống de Gaulle là lời phủ nhận rõ ràng nhất những chi tiết trong bài viết của Trumbull. Kế hoạch “con thoi” giữa Hà Nội và Sài Gòn của Lalouette bị chấm dứt ngày này.
Riêng báo cáo của Lalouette về buổi gặp mặt Diệm ngày 2/9/1963, chẳng hiểu có gây phản ứng nào tại Quai d’Orsay? Trong buổi họp kéo dài 3 giờ do Diệm yêu cầu này, theo Lalouette, Diệm có vẻ bình tĩnh hơn thường lệ. Lalouette trao cho Diệm bản tuyên ngôn của de Gaulle. Diệm nói về liên hệ với Mỹ, và có lúc đổi sắc mặt nói: “Người ta nói về một cuộc đảo chính. Người ta nói với tôi rằng mạng sống tôi đang nguy hiểm. Thật không thể chấp nhận được rằng người ta có thể đối xử như thế với một chính phủ bạn.” [On parle d’un projet de coup de force. On me dit que ma vie serait en jeu. Il est inconcevable qu’on puisse recourir à de tels agissements contre le gouvernement d’un pays ami]. Tuy nhiên, Diệm thêm rằng hiện tại tình hình tạm lắng dịu. Tổng thống Mỹ, do sự khuyến khích của Đại sứ Lodge, đã khôn ngoan không bật đèn xanh. Đó là chiều hướng ôn hòa của lời tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 2/9.( 171)
Ngày 10/9, đúng ngày Lalouette nhận lệnh triệu hồi, Lalouette gửi về Paris báo cáo chót về buổi gặp mặt với Lodge. Lodge nói với Lalouette là chính phủ Mỹ chưa có quyết định nào về khủng hoảng bang giao Việt-Mỹ. Lodge như người đi trong sương mù [Il se trouvait lui-même, m’a-t-il dit, en plein brouillard]. Buổi gặp mặt giữa Diệm và Lodge ngày 9/9 “chưa chín mùi” vì ông ta không có gì để nói nữa [prématuré puisque de son cote, il n’avait rien plus dire].” Lodge sợ rằng Quốc Hội Mỹ sẽ đặt vấn đề viện trợ với chế độ Diệm. Lodge hy vọng rằng khó khăn sẽ vượt qua vì Tổng thống Kennedy mới tuyên bố là “Liên bang Mỹ đã quyết định ở lại Việt Nam nếu nước này tiếp tục chống sự tấn công của Cộng Sản [les Etats Unis sont décidés à rester au Vietnam tant qu’il faudra lutter contre l’offensive communiste].” Với hiện trạng cần thận trọng khi phán định.( 172)

2. Kế hoạch trung lập hóa Việt Nam:
Ngày 29/8–giữa lúc Bạch Cung chấp thuận cho các Tướng làm đảo chính, với mục tiêu tối thiểu là loại bỏ Cố vấn Nhu–Bộ trưởng thông tin Pháp Peyrefitte đột ngột công bố quyết định của de Gaulle về Việt Nam trong một buổi họp Hội đồng chính phủ tại Paris: Đó là dân tộc Việt Nam xứng đáng được sống trong hòa bình, độc lập, thoát khỏi sự can thiệp của ngoại bang. Do những liên hệ của Pháp với Việt Nam bấy lâu, chính phủ Pháp sẽ vận dụng hết khả năng để thực hiện mục tiêu này.( 173)
Ngày 30/8, báo chí Mỹ phản ứng giận dữ. Nhiều báo cho rằng de Gaulle muốn can thiệp vào Việt Nam, loại bỏ ảnh hưởng Mỹ. Bộ Ngoại Giao Mỹ phải yêu cầu Đại sứ Pháp tại Oat-shinh-tân giải thích rõ lập trường của de Gaulle. Alphand được yêu cầu phải giải thích lời tuyên bố của de Gaulle chỉ là một viễn kiến cho tương lai.
Nhưng báo chí Việt trong hai ngày 30 và 31/8 nồng nhiệt tán thưởng đề nghị của de Gaulle. Theo Quyền Ngoại trưởng Cừu, bản tuyên bố này được cứu xét trong phiên họp Hội đồng chính phủ và đi đến quyết định cho in nguyên văn bản dịch tin này trên trang nhất bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam. Bản tin VTX chỉ bỏ đi câu trả lời của Peyrefitte với phóng viên hãng Reuter rằng “Elle signifie que nous donnons un rendez-vous à l’avenir.” [Điều này có nghĩa chúng tôi có một cuộc hẹn gặp trong tương lai]. Các giới chức chính phủ, theo Cừu nói với Lalouette, hiểu tất cả ý nghĩa lời tuyên bố của de Gaulle, và giữa lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Việt Nam, lời tuyên bố của de Gaulle được một sự cộng hưởng đặc biệt [la portée de la déclaration qui, dans la crise que traverse présentement le Vietnam, avait une résonnance particulière.] VTX viết: “Trên bình diện chính thức, không có gì chứng tỏ rằng lời tuyên bố trên làm phiền đến Tổng thống Kennedy” [que, sur le plan officiel, rien ne permet de justifier l’interprétation d’après laquelle cette déclaration pourrait être ‘une nouvelle facon d’ennuyer le Président Kennedy’]. Lalouette kết luận: “Quelque soit l’issue de la crise actuelle la sémence est jetée, elle germera.” [Dù cuộc khủng hoảng hiện tại này ra sao, việc gieo mạ đã bắt đầu, nó sẽ nẩy mầm].( 174)
Tại Paris, ngày 2/9, Đại sứ Phạm Khắc Hy xin yết kiến Couve de Murville, yêu cầu Ngoại trưởng Pháp giải thích thêm về lời tuyên bố của de Gaulle ngày 29/8/1963. De Murville khẳng định Pháp chỉ có quyền lợi kinh tế văn hóa ở Nam Việt Nam, và đứng ngoài vấn đề chính trị [Quant à la politique, [France] s’abstient d’en faire]. Khi thông báo tin này cho Đại sứ Lalouette, Couve de Murville chỉ thị: “Trong hoàn cảnh hiện tại, thái độ chờ đợi và không can thiệp phải được triệt để thi hành ở Sài Gòn cũng như Paris.” [Dans les circonstances présentes une attitude d’expective et de non ingérence s’impose pour nous à Saigon comme à Paris.”] (175)
Trong khi đó, tại Sài Gòn, trong buổi gặp mặt Lodge từ 16G00 tới 18G00 tại Dinh Gia Long, Nhu tuyên bố: De Gaulle có quyền phát biểu ý kiến, nhưng những người không tham chiến không có quyền can thiệp. Sự trung thành của chúng tôi với Mỹ ngăn cấm chúng tôi nghiên cứu tuyên bố của de Gaulle hay Hồ. Người Mỹ là dân tộc duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam.( 176)
Cùng ngày 2/9, Giám đốc Nha Á châu-Đại dương Lucet cũng thông báo cho Lalouette biết rằng theo tình báo Bri-tên ở Sài Gòn, người ta tự hỏi phải chăng chính sách của Pháp là yểm trợ Ngô Đình Nhu như người tốt nhất để theo đuổi chính sách thống nhất và độc lập với Mỹ [on pouvait se demander si la tendance actuelle de la politique francaise n’était pas de soutenir M. Ngo Dinh Nhu comme étant l’homme le mieux placé pour engager son pays dans une politique d’unité et d’indépendance vis-à-vis de l’Amérique.] BNG Pháp trả lời với Đại sứ Bri-tên tại Paris rằng “Đây không hề là chính sách của chúng tôi”[“ceci n’était en aucune facon notre politique.”] Lucet chỉ thị cho Lalouette phải trả lời cho Đại sứ Bri-tên tại Sài Gòn, nếu được hỏi, rằng: “Chính sách của Pháp là không can thiệp vào nội tình Việt Nam.”( 177)
Ngày 3/10, Couve de Murville giải thích trước Ủy ban Ngoại giao QH Pháp về lời tuyên bố ngày 29/8 của de Gaulle: Pháp ủng hộ giải pháp thống nhất, độc lập của Việt Nam. Đây là chính sách dài hạn không phải là mục tiêu của một hành động tức khắc [une politique à long terme qui ne fait pas l’objet d’une action immédiate], Lời tuyên bố của de Gaulle không được đón nhận tốt đẹp ở Oat-shinh-tân cũng như Mat-scơ-va vì cả hai chế độ tại miền Bắc và Nam đều phải thay đổi. Trung Cộng đã bành trướng ảnh hưởng tại Bắc Việt. Mục tiêu duy nhất của Pháp tại Việt Nam là “thống nhất trong độc lập” [la réunification dans l’indépendence].( 178)
Ngày 5/9, sau khi New York Thời Báo đăng bản tin về Lalouette yêu cầu Lodge ngừng công kích Diệm, chính phủ Pháp cho AP đăng bản tin cải chính:
“Những tin tức trên tuyệt đối không phù hợp với chính sách của Pháp . . . Thật khó thể tưởng tượng được rằng một Đại sứ Pháp có thể hướng dẫn một cuộc vận động như trên. Người ta thêm rằng lời tuyên bố tại phiên họp Hội đồng chính phủ tuần qua của Tướng de Gaulle, mong muốn rằng nền hòa bình nội bộ của Việt Nam sẽ được thể hiện không do ảnh hưởng ngoại bang, tự nó đã phủ nhận những tin tức trên tờ New York Times. Vả lại, cần nhấn mạnh rằng lời tuyên bố của Tướng de Gaulle nhằm diễn tả một quan điểm cho tương lai và không nên coi như chống lại Liên bang Mỹ.( 179)
Ngày 6/9, khi tiếp kiến phái đoàn Nhật Ohira và Haguiwara, Couve de Murville tái khẳng định rằng lời tuyên bố của de Gaulle nhắm vào tương lai, không phải là giải pháp tức khắc. De Gaulle theo đuổi lập trường các ngoại cường không nên can thiệp vào nội tình các nước khác [non-ingérence]. Chính sách của Pháp là không can thiệp vào nội tình Việt Nam [ne pas intervenir dans les affaires intérieures du Vietnam]. Chỉ muốn kinh tế và văn hóa. Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Cộng nhiều hơn Nga [Il apparait bien que ces pays subissent plus l’influence de la Chine que celle de la Russie]. Về miền Nam, theo Couve de Murville, hiện trạng sẽ kéo dài một thời gian. Có thể một Tướng lãnh sẽ được đưa lên cầm quyền. Nhưng đây không phải là một chính phủ được dân ủng hộ. Sai lầm của chế độ hiện nay là không được dân chúng giúp đỡ và ủng hộ. Một tay độc tài khác lên thay sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Couve de Murville phủ nhận là không có một ứng cử viên người Việt tị nạn nào ở Pháp để thay thế Diệm [nous n’avons pas de candidats]. Tránh không trả lời về vị thế của Pháp nếu có cuộc thảo luận về Phật giáo tại Hội đồng LHQ.( 180)
Nhưng ngày 18/9, báo Washington Post vẫn đăng bài “Very Ugly Stuff” [Những thứ rất xấu xí] của Joseph Alsop. Bài này dựa theo tin đồn và những cuộc phỏng vấn, kể cả Nhu. Nói về nỗ lực tìm cách giải hòa Nam-Bắc với sự tiếp tay của Pháp. Alsop nghĩ rằng hai anh em họ Ngô có lẽ không còn tỉnh táo nữa [he feels that “both Ngos brothers may no longer be rational.”]( 181)
Như để trả lời, ngày 28/9, de Gaulle lập lại ước muốn thống nhất và hòa bình cho các quốc gia nghèo, bị chia cắt do sự can thiệp từ bên ngoài với sự trung gian tự nguyện của nước Pháp.( 182)
Hai ngày sau, Đại biện Pháp ở Sài Gòn, Perruche, giải thích với Sullivan rằng cả Nhu lẫn Lalouette đều kết luận rằng sự tiến triển của trận chiến, trước khi xảy ra những vụ rắc rối mới đây, khiến cuộc giao dịch Bắc-Nam có thể hoàn tất vào cuối năm [1963]. Việc Nhu tiết lộ với ký giả Alsop khiến người Pháp bẽ mặt và bây giờ họ tuyên bố không tín nhiệm được mục tiêu tối hậu của Nhu.( 183)

III. “SỰ ĐIÊN CUỒNG TẬP THỂ CỦA MỘT GIA ĐÌNH CAI TRỊ”

Ngày 11/9/1963, trong buổi họp Ban Tham Mưu Bạch Cung, sau khi bàn về công điện số 478 của Lodge về hiện tình Nam Việt Nam và đề nghị có những biện pháp trừng phạt (sanctions), Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, McGeorge Bundy khá nhức đầu vì bài “On Suppressing the News Instead of the Nhus” [Về việc cắt bỏ tin tức thay vì vợ chồng Nhu] trên New York Thời Báo của James Reston. Giữa lúc đó, Michael Forrestal báo tin Tổng Giám Mục Thục đã rời Roma qua New York để dàn xếp cho Lệ Xuân sang Mỹ “giải độc.” Trong một cơn nóng giận, Bundy buột miệng:
Đây là lần đầu tiên thế giới phải đối diện với “sự điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị” chưa hề thấy sau thời các Nga hoàng.( 184)

Thực ra, Bundy chưa nghiên cứu kỹ tiểu sử Diệm và họ Ngô, nên cho rằng gia đình Diệm đang điên rồ tập thể. Lời phê bình của ký giả Alsop một tuần sau, rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ, cũng quá phiến diện.
Lý lẽ của họ Ngô, nếu biết rõ về gia đình này, rất dễ hiểu ở Việt Nam. Đó là không ăn được thì đạp đổ. Năm 1907, Khả và Bài, với sự tiếp tay của Hội truyền giáo, đã tung tin Toàn quyền Paul Beau “tru diệt Ki-tô giáo” khi truất phế vua Thành Thái (đã rửa tội). Những tháng cuối năm 1933, sau khi “từ chức” Thượng thư Bộ Lại, Diệm và họ Ngô mở chiến dịch bôi nhọ Toàn quyền Pierre Pasquier và kế hoạch đại cải cách Sarraut-Pasquier khiến Pasquier phải truất cả chức tước, phẩm hàm của Diệm và cha đỡ đầu là Bài, đầy ra Quảng Bình.( 185)
Anh em họ Ngô, sau buổi họp gia đình vào cuối tháng 6/1963, có lẽ đã quyết định theo đuổi chính sách “ăn không được thì đạp đổ” này. Không những thẳng tay đàn áp Phật Giáo, họ Ngô còn dùng báo chí trong nước, kể cả tờ Việt Nam Thời Báo bằng Anh ngữ ở Sài Gòn, và vài ký giả ngoại quốc chịu ảnh hưởng hay có cảm tình với họ Ngô. Margueritte Higgins chỉ là một trong số này. Không kém hiệu lực là Tổng Giám mục Thục và Lệ Xuân. Thục có tước vị Tổng Giám Mục Ki-tô. Lệ Xuân thì có nhan sắc, và miệng lưỡi “tinh tinh” đã được tinh luyện qua những lần gọi điện thoại chửi bới Trần Văn Đỗ khi Đỗ , em cùng cha khác me với Chương, nghiêng về phía Bình Xuyên, hay những Dân biểu VNCH dám chống lại dự thảo Luật Gia Đình. Mùa Thu 1963, sau khi bị đuổi khỏi nước, Lệ Xuân chỉ trích cả Kennedy hay các viên chức Mỹỳ. Nhu cùng đi một chuyến đò. Nhưng vì còn e sợ người Mỹ, Nhu chỉ cho tung tin có âm mưu ám sát Lodge mà không dám dùng những lời đe dọa công khai như “treo cổ” cha vợ (Trần Văn Chương) tại bùng binh Sài Gòn, để Lệ Xuân hớn hở “xiết chặt giây thòng lọng.” (Người thay Nhu làm việc này với cả hai vợ chồng Chương vào tháng 7/1986 là Trần Văn Khiêm, em trai Lệ Xuân) Diệm cũng vậy. Ẩn dấu phía sau bề ngoài “đạo đức Khổng học” là một tâm hồn bệnh hoạn (psychopath), vui buồn bất chợt (maniac). Người Việt chưa quên những ngón nghề tra tấn như dùng nến đốt hậu môn nghi can Cộng Sản của tri huyện, tri phủ Diệm ngày nào–những trò tra tấn giúp Tể tướng Bài cho Diệm thăng quan, tiến chức không ngừng từ 1922 tới 1933; nhưng cũng đồng thời, nếu tin được lời Thục viết cho Toàn quyền Decoux ngày 21/8/1944, khiến Cộng Sản phải thuê sát thủ người Hoa ra tận Phan Rang trừ khử đi, nhưng Diệm may mắn chỉ bị thương.( 186)
Trong những năm cầm quyền ở miền Nam, nhiều đêm Diệm bất thần gọi các Bộ trưởng, Tướng lãnh vào Dinh Độc Lập hay Gia Long, bắt thức thâu đêm suốt sáng.( 187)

IV. KẾT TỪ:

Hành động “ve vãn” [flirtation] Cộng Sản của anh em Diệm-Nhu–và như thế phản bội lại đa số dân chúng miền Nam–chỉ được đồn đãi từ năm 1962 ở Sài Gòn, và được bạch hóa sau ngày các Tướng làm đảo chính giết chết họ Ngô năm 1963. Yếu tố “phiến Cọng” này mới thực sự mang lại sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963), mà không phải cuộc tranh đấu của Phật Giáo, hay cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia,” “quốc thể,” “nền độc lập” như nhiều người tưởng nghĩ.
Trong công điện gửi về Oat-shinh-tân ngày 31/8/1963 để báo tin hoãn lại cuộc đảo chính dự trù vào hôm sau, ngày 1/9, Đại sứ Lodge ghi thêm chi tiết: Cố vấn Nhu đang bí mật tiếp xúc với Cộng Sản Bắc Việt qua trung gian hai đại sứ Pháp và Poland [Ba Lan], vì hai chính phủ này muốn một giải pháp Việt Nam trung lập. Ngay trong ngày 31/8, Hội Đồng ANQG Mỹ đã thảo luận về việc này. Hilsman tuyên bố đã có trong tay một công điện chứng tỏ Nhu liên lạc với Việt Cộng qua trung gian Pháp, và đang vận động trục xuất các cố vấn cấp tỉnh. Cựu Đại sứ Nolting, có mặt trong buổi họp, bào chữa cho Nhu là Nhu sẽ không chịu chấp nhận mọi điều kiện của Hồ Chí Minh.( 188)
Tuy nhiên, hột xúc xắc đã được gieo xuống.
Cơ sở thành lập chế độ miền Nam sau Hiệp định Geneva (20-21/7/1954) là lập trường chống Cộng. Sở dĩ người Mỹ đổ bao tiền của, vũ khí và nhân vật lực vào miền Nam từ năm 1950 cũng chỉ nhằm mục tiêu chiến lược duy trì “một tiền đồn chống Cộng của thế giới tự do.” Bởi thế, sau Hiệp định Geneva, họ Ngô được toàn quyền Tố Cọng, Diệt Cọng, bắt giữ hàng chục ngàn người tình nghi. Chỉ cần liên hệ hay phổ biến tài liệu Cộng Sản đã là một hình tội, được qui định rõ ràng trong luật pháp cũng như sinh hoạt hàng ngày ở miền Nam. Chính quyền Diệm ngày đêm ra rả lập trường chống Cộng. Viên chức chế độ mang còng sắt, súng đạn và máy chém đến khắp hang cùng ngõ hẻm, làng xóm, thôn bản phía Nam vĩ tuyến 17 để tiêu diệt “phiến Cọng”–tội danh chính thức của các cán bộ Cộng Sản hoặc những người tình nghi. Các trại “cải huấn” chật ních cán bộ Cộng Sản, kể cả những cán bộ cao cấp của tổ chức trí vận Sài Gòn-Gia Định như Dược sĩ Phạm Thị Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bùi Thị Nga (vợ Huỳnh Tấn Phát, Tổng thư ký MT/GPMN), v.. v...
Nhưng ai ngờ chính anh em Diệm-Nhu, người đang được Mỹ ủng hộ và trao phó trách nhiệm chống và Diệt Cọng, từ đầu năm 1963 đã trở thành, âm mưu trở thành, hoặc bị Mỹ tình nghi là, “phiến Cọng” nằm vùng hàng đầu trong Dinh Gia Long–và như thế đáng bị tử hình theo Sắc Luật 10/59 do chính Diệm ban hành.( 189)
Khó kết luận thực chăng anh em Diệm-Nhu muốn bắt tay với Hà Nội, hay chỉ muốn đánh một canh bạc với Mỹ. Ngày 30/9/1963, Phụ tá đặc biệt Thứ trưởng đặc trách Chính trị vụ BNG là Sullivan báo cáo rằng XLTV Đại sứ Pháp, Canada và India đều tỏ ý nghi ngờ về thực chất của những tin đồn quanh mối giao dịch Hồ-Diệm. Tuy nhiên, tất cả nhấn mạnh rằng mối giao dịch đó có thể xảy ra trong tương lai. XLTV Đại sứ Pháp [Perruche] cho rằng có thể xảy ra trong vòng ba, bốn tháng.( 190)
Tất cả cảm thấy rằng miền Bắc đang bị suy thoái về kinh tế và biết rằng Việt Cộng đang thua trận tại miền Nam (sic). Vì thế miền Bắc sẽ thương thuyết một hiệp ước ngưng bắn để đổi lấy hai điều kiện: hiệp thương Nam-Bắc và việc triệt thoái quân Mỹ. Một yếu tố nữa là áp lực của Trung Cộng. Nếu Mỹ rút khỏi miền Nam, Trung Cộng sẽ giảm bớt áp lực và cho Hà Nội được nhiều quyền tự trị hơn. Phần Nhu có thể muốn hoàn tất cuộc đổi chác này vì hai lý do: Trước hết, sự tự tin thái quá về khả năng “đả bại Cộng Sản ngay trong chiếu bạc của họ;” và, thứ hai, ý muốn loại bỏ người Mỹ.”( 191)
Robert S. McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng Liên Quân Mỹ–những người không muốn thay ngựa–cũng chẳng dấu nổi khó chịu về sự “trở cờ” của Nhu. Trong báo cáo ngày 2/10/1963 đệ trình lên Kennedy sau khi tham quan Việt Nam, McNamara và Taylor nhận xét:
Một khía cạnh gây khó chịu khác nữa là việc Nhu đang ve vãn ý đồ thương thuyết với Bắc Việt, dù ông ta có thực tâm hay chăng. Điều này gây bối rối cho những người Việt có trách nhiệm và, trên căn bản, tạo sự lo ngại rằng có thể không có sự đồng nhất với các mục đích của Liên Bang Mỹ. (192)

Trong công điện gửi lên TT Lyndon B. Johnson ngày 1/1/1964, Lodge cho rằng Kennedy chưa được ca ngợi đúng mức về việc ngăn chặn khuynh hướng tàn hại ở Việt Nam: Nếu trong mùa Hè và Thu 1963, Kennedy không kịp thời ngăn chặn, tình thế ở miền Nam đã dẫn đến đại họa.( 193)
Lời chứng của Lodge trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện ngày 30/6/1964, còn đi thẳng vào vấn đề hơn:
Mùa Thu [1963] vừa rồi, nếu chính phủ Diệm không bị dứt điểm và tồn tại thêm khoảng một tháng nữa, tôi nghĩ chúng ta đã thấy Cộng Sản cướp chính quyền. Tôi nghĩ yếu tố này rất quan trọng.”( 194)

Lodge, tưởng cần nhấn mạnh, được Kennedy giao cho đặc quyền hành xử ở Sài Gòn. Bởi thế, dù Lodge có bất mãn về những trò khiêu khích của vợ chồng Nhu hay chăng, việc ve vãn Cộng Sản của Nhu–giống như hành động của Raymond Khánh vào cuối năm 1964, đầu năm 1965–là chiếc đinh cuối cùng đóng lên nắp quan tài chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.
Những lời cáo buộc các Tướng cầm đầu cuộc đảo chính 1/11/1963 là “sát nhân” mà Lệ Xuân rên rỉ, hay âm thầm nguyền rủa trong vùng bóng tối lạnh lẽo của kiếp lưu vong tại Paris, chỉ là dư hưởng của “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị” đã bị ném xuống mặt đất sau cuộc tế lễ “chống Cộng.” Hai viên đạn bắn vào gáy anh em Diệm-Nhu, cuộc hành hình Cẩn vào tháng 5/1964, hay cảnh chết già trong điên loạn, bị rút phép thông công của Tổng Giám mục Thục hai mươi năm sau ở Missouri–dù có khiến trạnh lòng trắc ẩn của người Việt, một dân tộc đầy lòng độ lượng và khoan hồng–nhưng chính thực là những bản án xứng đáng cho tội bội phản và âm mưu bội phản của họ Ngô.

Houston, 12/8/2003-1/8/2010
Chính Đạo
© 2003, 2010 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 35743)
L à lời thơ của những buổi chiều Những đêm cô độc Những tiếng cười từ ngày cũ Bỗng dưng mọi chuyện không còn cần thiết
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 41370)
N àng mất liên lạc với Thẩm cho đến hôm hai mươi ba tết. Có lúc, nàng đã thầm nghĩ Thẩm kết thúc công việc với nàng rồi. Biết đâu như vậy tốt hơn. Nàng cũng không thích cảm giác nhận tiền của người khác mà chẳng phải làm gì. Khi nàng vừa cúng ông táo xong, Thẩm gọi: “Tôi đang đợi cô, đi với tôi về phố Hoài được chứ?” Phố Hoài ư?
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 29856)
D ựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dựng thành phim, kết hợp các thể loại của điện ảnh: viễn tưởng, ly kỳ, lãng mạn. Bối cảnh phim vào năm 2030, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cả vùng ven biển miền Nam chìm trong nước, kèm theo đó là những bi thương trên thân phận con người…
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33568)
E m nhường anh cho người ta ôm về chiều bão đổ cây thuỳ dương tím mắt gió cát phủ trắng nhói đau.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 31522)
...trò chơi đĩ điếm, gian lận và lừa đảo, làm một thứ vũ nữ chính trị bám quanh cái cột Marx Lê nin để múa cột à ơi ...
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33396)
N hư những chuyến đi xa nỗi muộn phiền bỏ lại không đem theo gì ngoài trái tim phủ bụi .
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34063)
V à chúng ta dễ dàng nhận ra màu đỏ của “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” thường xuyên nhất được dùng để tả máu. Máu khi người vợ sinh con, và máu khi những con chim sẻ bị bắn chết: sự đối lập của màu đỏ của bắt đầu sự sống và màu đỏ của bắt đầu sự chết.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 32776)
C ỏ mùa mưa xưa Đưa em về với gió Xanh tím lòng mắt nhói cơn đau Sắc trầu cau quệt ngang vôi tứa
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 31408)
Buồn miên man hoàng hôn. Buồn chảy ra từ mười đầu ngón tay hoang mang. Buồn là máu. Lênh láng chờ trăng lên để lóng lánh. Buồn là chất rắn nóng chảy. Đóng vảy trên da thịt.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 32701)
T hời gian như ngắn đi dần Chiếc kim giây tích tắc lần cuối chưa Mà bao đôi mắt tiễn đưa Cứ ngân ngấn… phút tay vừa vẫy tay