Nhà văn Lữ Thị Mai
Người đàn ông xa lạ ấy tìm đến nàng, cứu vãn cuộc hôn nhân của vợ chồng nàng, bằng tiền. Chính xác là như thế. Giữa lúc nàng đang hoang mang trước những cái gạch đầu dòng dài dằng dặc các khoản chi tiêu trong khi mâu thuẫn giữa vợ chồng nàng đã đến mức không thể đối thoại với nhau quá năm phút thì Thẩm đưa ra gợi ý, hãy giúp Thẩm viết một cuốn hồi kí. Đều đều mỗi tháng, Thẩm trả công số tiền hậu hĩnh mà vợ chồng có dành dụm cả năm cũng không dư ra được. Nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên thì Thẩm đã đẩy xấp tiền về phía nàng bằng thái độ khá lạnh lùng: “Hợp đồng sẽ chấm dứt khi tôi cảm thấy không còn gì để kể cho cô nữa!” Sau hôm ấy, ngoài thời gian đến cơ quan, nàng thành người làm công cho Thẩm. Anh không yêu cầu nàng phải đến gặp anh. Mọi việc thường thông qua email, điện thoại… Đôi khi, anh gửi cho nàng một dòng tin nhắn địa chỉ. Nàng đến. Thẩm trầm ngâm ngồi giữa mịt mù khói thuốc. Chồng nàng hài lòng về công việc của vợ. Anh không bận tâm cả những lúc đêm khuya Thẩm bất chợt gọi cho nàng. “Cô ngủ chưa, nói chuyện với tôi không phiền chứ?” Lần nào nàng cũng dạ vâng nhẹ nhõm. Thẩm bắt đầu thở dài trước khi bước vào câu chuyện. Giọng Thẩm nhỏ dần, tan loãng trong đêm. Các con nàng đã ngủ, chồng vắt vẻo trên sofa xem trận bóng gay cấn. Nàng tiến dần ra balcon tránh làm ồn lũ trẻ. Anh vẫn không bận tâm, mắt dán vào màn hình tivi. Thôi! Hôm nay tạm thế, cô viết rồi ngủ đi. Lần nào nàng cũng chờ Thẩm nói câu ấy, mau chóng kết thúc cuộc trò chuyện để ghi lại trước khi cơn mệt mỏi ập đến. Dẫu vậy, màn hình máy tính lại có sức mê dụ đặc biệt với nàng, màu xanh như mảnh trời thất lạc hiện ra sau âm thanh khởi động nhanh chóng xua tan cơn mệt mỏi. Nàng bắt đầu chép vào hồi kí của Thẩm thêm những chi tiết mới. Xong việc, nàng còn dư tỉnh táo nấu thêm cho chồng bát mì. Nhìn bát mì đầy màu sắc anh ngước nhìn nàng: “Cảm ơn em, ngồi xuống ăn cùng đi.” Nàng ngạc nhiên: “Ơ! Anh quên là em ăn khuya sẽ bị đau bụng à!” Chồng đành cười chữa ngượng trước khi xì xụp bát mì.
Chuyện cha tôi lấy vợ hai cả phố Hoài không ai không biết. Nhưng điều lạ là mẹ tôi và người ấy vẫn sống chung sống hòa bình, chưa một lần điều qua tiếng lại. Tôi là con trai độc nhất trong gia đình hiếm muộn. Đủ để mọi người hình dung tôi được cưng chiều thế nào. Mẹ tôi người gốc Hoa, bà có một cửa hàng chuyên bán vải vóc lớn nhất phố Hoài. Khi dì hai về, mẹ xởi lởi rủ dì cùng bán chung tiệm vải. Càng nhiều người biết đến gia đình tôi hơn, đơn giản bởi cha tôi giàu sang lại có hai người vợ sắc nước hương trời, buôn bán có duyên. Mẹ và dì thường mặc áo lụa, đeo kiềng bạc, dáng vẻ khoan thai khuê các. Ngay cả cách giao hàng, nhận tiền của khách cũng thật thư thái, nhẹ nhàng. Như thể họ là nghệ sĩ, đang biểu diễn màn mua bán đầy lịch thiệp giữa khu phố u hoài. Ngày ngày, cha dậy lúc năm giờ sáng, dì hầu ông bàn đèn thuốc phiện trong lúc mẹ chỉ trỏ cậu bếp làm món bánh nếp hấp và trà gừng quen thuộc của gia đình. Dì hai về làm dâu lúc tôi mười lăm tuổi, dáng dấp lớn tồng ngồng nhưng sáng sớm vẫn biếng lười cuộn tròn trong tấm chăn thu lu như con mèo hen ngồi trên trường kỉ giữa nhà. Trở ra từ phòng ngủ của cha là dì bước đến bên tôi. Dì ân cần pha nước ấm vào thau đồng để tôi rửa mặt rồi trao tôi bộ quần áo mới đã được gấp phẳng phiu. Người phố Hoài cứ băn khoăn, sao trong nhà tôi, hai người đàn bà có thể chung chồng như vậy. Họ cam chịu hay đang ngấm ngầm ấp ủ mưu mô? Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên chuyện của mẹ và dì, nhưng sau này, tôi chỉ quan tâm đến hơi ấm mang theo mùi thảo dược tỏa ra mỗi sáng dì bưng thau nước bốc hơi rón rén tránh phát ra âm thanh trên sàn gỗ.
Thẩm nhắn tin: Nếu không bận, tôi đón cô ở đầu phố. Nàng xếp lại mớ công văn cơ quan rồi rảo bước. Chiếc xe hơi bóng loáng khiến đôi chân nàng chợt lừng khừng. Thẩm đã kịp lịch sự mở cánh cửa đón nàng. Chiếc xe vun vút lao đi, phố xá liêu xiêu nhòe nhoẹt dần. Nàng thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy, Thẩm đã đỗ xe trước một hồ nước bao la. “Anh đưa tôi đi đâu thế này?” Thẩm ra khỏi xe, giấu đôi tay trong túi áo măng tô dày sụ. “Sao anh đưa tôi đến đây?” Nàng bắt đầu nhìn quanh. Hồ nước rộng thấp thoáng rặng phi lao, cây bụi đìu hiu tịnh không một bóng người. Khi nàng bắt đầu không giấu nổi sự hốt hoảng trong ánh mắt thì Thẩm mới lầm rầm: “Mẹ tôi nằm dưới ấy.” Mặt hồ, từng con sóng lăn tăn tỏa theo đường đồng tâm càng lúc càng ma mị. Mẹ Thẩm đã thề non hẹn biển với người tình thương lái năm xưa, phụng dưỡng chồng tới khi ông ta mất sẽ đi theo tiếng gọi tình yêu. Vì bà mang ơn chồng, người đã cứu bà ra khỏi vũng lầy nghèo khó, người đã lo ma chay cúng giỗ cho cha mẹ bà sau đợt dịch bệnh kéo dài ở ngôi làng hẻo lánh ven chân núi. “Cô không cần viết chuyện này. Bỗng dưng muốn đưa cô đến đây thôi.” Giọng nàng phả ra cùng hơi ấm: “Tôi hiểu ạ!” Thẩm đột nhiên quay ngoắt sang nhìn nàng: “Cô không cần tỏ ra phục tùng tôi như vậy. Mình làm bạn đi.” Nàng hơi bất ngờ, nhưng im lặng.
Tôi chỉ là con của mẹ với một thương lái. Chuyện cha tôi mắc chứng bất lực là có thực. Chẳng qua ông ấy giàu. Của cải chất đống từ nhiều đời trước, đến đời cha tôi chỉ gác chân nằm hút thuốc phiện chẳng phải lo toan gì. Các cụ tôi xưa khổ cực mãi nên luôn ước ao đời mình lăn ra làm để đời con cháu được ăn sung mặc sướng. Cha mất đủ trăm ngày thì dì hai đi biệt xứ. Tôi khi ấy đã là chàng trai ngoài hai mươi. Trước lúc đi, dì hai vẫn dậy sớm nhưng không còn vào phòng ngủ của cha, dì ngồi đối diện với tôi trên trường kỉ, cách nhau mặt bàn gỗ lim đen nhẫy. Như bao ngày tháng qua, dì vẫn ân cần pha nước cho tôi rửa mặt, ân cần chìa ra trước mặt tôi bộ quần áo phẳng phiu nhưng là tấm áo đỏ dì mặc lần đầu tiên bước vào nhà tôi. Im lặng hồi lâu, dì bảo nhất định tôi sẽ trở về. Thẩm đợi tôi nhé! Nhưng dì đi biệt không một hồi âm. Mẹ nhìn tôi ngồi mất hồn giữa căn nhà gỗ trống trải, bà nghĩ tôi buồn vì cái chết của cha, vì quá khứ của bà cùng nỗi sợ rằng tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Bà xin tôi đưa bà đi tìm cha đẻ. Sau thời gian lặn lội lên gần biên giới, mẹ con tôi mới tìm ra ông ấy. Cha đẻ của tôi đã đề huề nhà cửa, vợ con. Ông khước từ tôi - đứa con trai ngoài giá thú. Ông đã có quá nhiều con cái, với nhiều bà vợ khác. Mẹ không khóc. Chỉ dựa vào vai tôi rất lâu.
Con nàng, đứa chị đọc truyện cổ tích cho đứa em nghe mỗi tối. Đột nhiên đứa em hỏi nàng: “Vì sao Lạc Long Quân và Âu Cơ lại chia nhau đàn con hả mẹ?” Nàng đáp khi còn khua mười đầu ngón tay trên bàn phím: “Vì bà thì nhớ rừng, ông thì nhớ biển, hơn ngày xưa nhớ nhau…” Đứa chị thở dài như người lớn: “Buồn mẹ nhỉ!” “Ừ, buồn!” Chồng nàng đã bỏ thói quen chơi đùa cùng con vào buổi tối. Nàng đơn độc duy trì thói quen ấy được một thời gian thì chính anh đã cắt ngang niềm hứng thú. Anh bảo, chắc gì các con đã thích chơi đùa. Một ngày, học chính, học thêm, ngoại khóa đã quá đủ mệt với lũ trẻ. Buổi tối nên để chúng tranh thủ học bài rồi đi ngủ. Lời nói anh chạm vào sự nhạy cảm vốn có của nàng. Nước mắt nàng bỗng dưng giàn giụa. Anh xẵng giọng: “Em lạ nhỉ! Hơi tí là khóc.” Từ hôm ấy, nàng hiểu rằng, anh đã không còn là anh của thời hai người yêu nhau nữa. Những buổi tối ngồi trên sân thượng khu nội trú, hai đứa đã cùng mơ về một gia đình nhỏ tối tối quây quần trong căn bếp sực nức mùi đồ ăn hoặc nằm ngang dọc trên giường đùa nghịch. Bây giờ, mỗi người trong gia đình nàng là một thế giới riêng. Hai đứa con, khi bơ vơ chúng tìm đến truyện cổ tích, nàng và chồng vật vờ trong hỗn độn công việc làm chính làm thêm. Từ ngày bắt đầu viết hồi kí cho Thẩm, chồng nàng không phải nhận việc làm thêm nữa, anh bắt đầu có thêm thời gian chú tâm tới những trận bóng đá, những cuộc hẹn bia bọt với đàn ông cơ quan. Như vậy cũng tốt, nàng chẳng cần phải tham dự vào sự nhàn hạ, hưởng thụ của gia đình, chỉ cần ngắm nghía chồng con vui là nàng đã mãn nguyện. Tính nàng là vậy, bao năm qua, nàng vẫn âm thầm thu vén những điều thật nhỏ nhoi cho tổ ấm như chỉ mua quần áo đại hạ giá cho mình dành tiền sắm cho anh và hai con áo quần tươm tất… Những chuyện ấy thoạt đầu đụng vào sĩ diện đàn ông của chồng nàng nhưng sự eo hẹp về tiền bạc và tính chịu đựng của nàng đã khiến anh đành nhắm mắt làm ngơ. Anh cố quên để khỏi phải đau đầu. Sự hi sinh của vợ trong anh dần trở nên mờ nhạt.
Mẹ cùng tôi trở về phố Hoài, căn dặn bà vú già hãy chăm sóc tôi, để bà yên tâm cho một chuyến đi dài. Tuổi đôi mươi nhưng lâu ngày được sống trong sự bao bọc, tôi nghĩ hết sức đơn giản là mẹ đi lấy hàng. Đâu ngờ bà đã lần ra hồ nước – nơi bà và cha đẻ tôi gặp gỡ buổi đầu tiên. Mẹ vĩnh viễn nằm lại dưới hồ không tìm thấy xác. Bà vú già đành đến thầy cúng, nhờ gọi hồn mẹ tôi trở về bằng tấm vải lụa. Tấm lụa ấy được cuộn lại đem thờ. Những đêm ngồi thu lu trên trường kỉ, nhìn di ảnh của cha mẹ bên cạnh gia tộc đăm đăm nhìn mình từ ban thờ, tôi lại ước có dì hai bên cạnh. Nếu dì còn ở cùng, chắc tôi không đến nỗi cô độc đến thế. Tôi nhớ dì. Nhớ cảm giác của áo lụa loang loáng trượt qua tôi mỗi sáng thức dậy. Ánh mắt tôi đậu lại trên nếp áo lụa chảy trên thân thể dì. Những đường vân vải mướt mềm như cánh hoa. Dì tuổi đôi mươi, nhìn tôi, mắt long lanh cười như đứa trẻ. Giữa dì và tôi như có sự gắn kết vô hình từ kiếp trước. Ngay ngày đầu cha đưa dì về, cặp đồng tử của tôi đã bị đánh thức bằng tấm áo đỏ nhức nhối dì vận trên người. Mẹ đến bên dì thỏ thẻ: Người nhà ta không mặc áo đỏ bao giờ. Hai má dì ửng đỏ, ngượng nghịu nép trong phòng cưới để mẹ ướm tấm áo lụa bạch lên người. Sau này, tôi nghe người ta nói nhiều đến chuyện chung chồng cay nghiệt lắm. Tôi về hỏi mẹ, mẹ chỉ sang hỏi dì. Dì lặng lẽ cười, dì trêu, lớn lên Thẩm lấy nhiều vợ đi rồi hỏi vợ. Dì cười khúc khích, khóe mắt hơi ngân ngấn vài giọt nước trong ngần như sương sớm.
Lần này, Thẩm đưa cho nàng số tiền nhiều gấp đôi. Vẫn thái độ lạnh lùng, Thẩm bảo: Tôi ứng thêm cho cô, dạo này tôi nhiều tâm sự quá. Có thể phải phiền cô dài dài. Nàng mang cọc tiền về cho chồng trong nỗi băn khoăn khó lý giải. Nàng lo có điều bất thường xảy đến. Hay không làm cho Thẩm nữa. Đúng rồi, nàng sẽ nói với chồng rằng mình không làm cho Thẩm nữa. Bỏ thì cũng tiếc đấy nhưng sẽ không phải lo ngay ngáy. Không làm việc này thì làm việc khác. Dự định của nàng bốc hơi ngay tức thì khi thấy những ngón tay anh đếm tiền xoành xoạch, anh bỏ lại phần dư mỏng mảnh đẩy về phía nàng, số còn lại anh gõ nhẹ xuống mặt bàn hân hoan: Đủ đóng tiền xây từ đường ở quê em ạ! Đấy, hôm qua bố mẹ mới gọi điện lên, lộc giời mình có được cũng do phúc phần tổ tiên để lại. Nàng im lặng. Còn gì hơn ngoài sự im lặng. Bởi nàng hiểu, nếu tranh luận lại với anh sẽ chỉ mang về cãi cọ, mâu thuẫn và nước mắt. Sáng mai, khi hai người rời khỏi nhà, mấy người hàng xóm tuổi cao sẽ nhìn vào hai khuôn mặt hốc hác, thâm quầng để ngầm phán xét sau lưng. Kinh nghiệm ấy, nàng rút ra được sau hơn mười năm chung sống cùng anh. Cô sao thế? Cô có lạnh không? Giọng Thẩm đỡ bớt xa lạ hơn nhưng ánh mắt anh vẫn đăm đăm nhìn hồ nước. Ngàn nỗi lo cũng đang lan man trong đầu khiến nàng không thể tập trung vào những điều Thẩm nói. Khi lái xe về thành phố, Thẩm thầm quan sát nàng qua gương rồi lặng lẽ quay đi khi thấy nàng bất chợt nhìn sâu vào trong đó. Nàng còn đẹp lắm, đường nét hơi buồn phiền lắng đọng vẻ truân chuyên. “Vì sao anh chọn tôi để kể về hồi ức?” Thẩm lại nhìn gương: “Vì tôi tin vào tiền kiếp”. Chẳng hiểu sao câu nói ấy khiến nàng rùng mình. Ngày nàng và chồng còn yêu nhau, họ vẫn trêu đùa vì kiếp trước còn mắc nợ duyên tình nên kiếp này phải trở về ái ân cho trọn. Giờ sống cùng chồng rồi thì nàng không còn tin nữa. Câu nói của Thẩm đột ngột kéo về trong nàng biết bao kí ức. “Cô lên đây ngồi đi, trống trải quá”. Xe dừng. Nàng ngoan ngoãn mở cửa lên ngồi cạnh Thẩm. “Cô có tin vào tiền kiếp không?” “Trước thì có, giờ hết rồi”.
Đời sống giữa tôi và vợ không có chỗ cho hạnh phúc. Trước khi lấy vợ, ngoài dì hai ra, chẳng ai biết tôi mắc bệnh giống cha mình. Mà dì hai thì bấy lâu bặt vô âm tín. Chính dì là người phát hiện bệnh của tôi nhờ những buổi sang bưng nước cho tôi rửa mặt. Tôi cũng không hiểu sao dì lại tinh tường đến vậy. Sự tinh tường của dì là khởi nguồn bi kịch đời tôi. Ban đầu, dì lặng lẽ đi tìm thầy lang bốc thuốc. Đến cả mẹ cũng không biết sự thực tôi mắc bệnh gì. Dì nhỏ nhẹ nói với mẹ rằng, họ hàng nhà dì giỏi nghề bốc thuốc. Nhà chỉ có mỗi mình tôi, phải bồi bổ để có sức khỏe tốt, sau này an tâm kế nghiệp tổ tông. Mẹ gật gù đặt trọn niềm tin vào dì. Thế là sáng sớm, sau khi tôi rửa mặt và thay quần áo xong, dì lại bưng thuốc đến. Mỗi lần nhìn tôi lắc đầu nhăn nhó, dì mỉm cười mắng yêu: Thẩm không được hư đâu nhé! Lần đầu nghe thấy, tôi tức tối gạt bát thuốc rơi tung tóe dưới sàn nhà. Dì chạm vào tự ái của thằng con trai gần hai mươi tuổi. Tôi còn bé bỏng nữa đâu. Đột nhiên tôi nhìn xuống, máu đang rỉ qua kẽ tay trắng trẻo của dì, dì vẫn lặng lẽ nhặt nhạnh từng mảnh vỡ. Tôi vội vàng cúi xuống, chạm vào tay dì. Dì gạt nhẹ, quay đi.
Nàng tỉnh dậy khi ánh nắng chiếu thành luồng bụi li ti xuyên qua cửa sổ. Chồng và các con nàng đã đi học. Nàng ốm. Ốm sau buổi chiều dầm sương bên hồ với Thẩm. Anh ta đã cảnh báo rồi mà nàng vẫn từ chối chiếc áo khoác Thẩm đưa. Giờ thì nàng nằm ở nhà một mình. Điện thoại báo tin nhắn mới. Của chồng. Anh đã gọi đến cơ quan em xin cho em nghỉ. Anh có dặn bà bán cháo đầu ngõ mang cháo cho em. Chắc bà ấy treo ngoài cửa. Chồng nàng là thế. Chu toàn trong nỗi vô tâm. Bao năm qua, anh đáp trả sự quan tâm của nàng bằng sự quan tâm nghĩa vụ. Đúng giờ đón con, đúng tháng nhận lương, vợ ốm mua cháo… tất cả không bao giờ sai, máy móc như đã được anh lập trình sẵn trong đầu. Nàng mở cửa. Chồng không gửi cặp lồng nên bà bán hàng đựng cháo trong túi nilon, vừa nhìn thấy nàng đã buồn nôn, nó khiến nàng tưởng tượng ra những chiếc túi nilon nàng vẫn úp mặt vào nôn thốc nôn tháo mỗi khi bị say xe. Nàng mở máy tính lục tìm hồi kí viết cho Thẩm. Chà, đã khá dày dặn rồi đây. Những kỉ niệm nếu gạch đầu dòng ra thì ít ỏi nhưng luôn được nối dài thêm bằng cảm xúc và tâm sự ngoài lề của Thẩm sau mỗi chuyến đi. Nàng ôm đầu gục xuống. Tâm trí nàng quặn thắt trong mớ hỗn độn không thể sắp xếp nổi. Gần tết rồi, chán vạn nỗi lo. Nàng sẽ phải xin cơ quan nghỉ sớm để về quê chồng. Quê anh bao giờ cũng ăn tết ngót một tháng trời. Chồng nàng lại là con cả. Lại mỗi mình anh có công việc, nhà cửa trên thành phố. Xong tết quê chồng thì bươn bả qua quê nàng vài hôm mới được trở về nhà. Điều khiến nàng lo hơn là đã nhận của Thẩm số tiền lớn thế, làm sao có thể duy trì công việc giữa lúc bận rộn thế này, nhất là khi nàng đã về quê… Thẩm gọi. “Cô ốm phải không?” Nàng chối đây đẩy. Trong điện thoại, giọng Thẩm hơi ngập ngừng: “Sức khỏe cô có vẻ bị yếu đi. Hôm đứng bên hồ, có lúc còn nghe cô khó thở. Cẩn thận vẫn hơn”. Thẩm cúp máy. Tắt luôn điện thoại.
Dì hai ngâm mình trong bồn nước làm bằng gỗ. Quanh thân thể dì là hoa trắng quyện vào từng làn hơi nóng bốc lên. Cảnh tượng trần tục ấy níu con mắt và bước chân tôi lại. Tôi đã quên đi thân phận mình khi tiến sát bên dì. Cha mẹ đã về quê làm giỗ ông bà ngoại, sự vắng vẻ của căn nhà, mùi thơm thảo dược đầy mê hoặc đánh thức nỗi ham muốn âm ỉ trong tôi. Sức mạnh tuổi đôi mươi đã trấn át được sự run rẩy của dì. Phút chốc, hai thân thể đã đắm chìm trong nước. Tôi ghì chặt dì bằng cả thân hình to lớn. Lạ thay, ánh mắt dì không có vẻ gì thù hận, dì nhìn tôi đầy xót xa… Nửa chừng, tôi sững lại trong buốt nhói, sụp xuống như con thú bị thương. Sau này, tôi cưới vợ vì sĩ diện với bạn bè. Vì nỗi hi vọng mong manh nối dài thêm cuộc sống. Tôi chọn một người na ná giống dì hai. Tôi sợ người giống mẹ bởi trái tim và thể xác mẹ thuộc về một người khác cha tôi. Nhưng điều tôi không ngờ đã xảy đến, người đàn bà ấy cũng như mẹ tôi, sống đủ đầy nhung lụa mà vẫn mơ tưởng đến người đàn ông khác. Dần dần, vợ tôi cũng chẳng thiết tha gì chuyện chăn gối và con cái. Cô ấy cần tiền, cần nhà cửa, cần một điểm tựa kinh tế để vững tâm chờ ngày tôi rời bỏ.
Nàng mất liên lạc với Thẩm cho đến hôm hai mươi ba tết. Có lúc, nàng đã thầm nghĩ Thẩm kết thúc công việc với nàng rồi. Biết đâu như vậy tốt hơn. Nàng cũng không thích cảm giác nhận tiền của người khác mà chẳng phải làm gì. Khi nàng vừa cúng ông táo xong, Thẩm gọi: “Tôi đang đợi cô, đi với tôi về phố Hoài được chứ?” Phố Hoài ư? Cái tên quen quen lạ lạ. Chồng nàng chau mày - lần đầu tiên anh tỏ thái độ khi nàng đi làm cho Thẩm - giọng anh bổ nhát gừng: “Tết nhất đến nơi rồi còn đi đâu nữa, nếu nghe tôi về quê sớm hơn đã không phiền phức thế này”. Nàng sững người nhìn dáng anh nặng nề án ngữ ngay trước cửa. Chồng nàng ư? Thân hình vững chãi năm xưa làm chỗ dựa cho nàng, giờ ngang nhiên trở thành vật cản. Nàng tự cảm thấy mình không đủ sức bước qua, không đủ sức đứng vững. Nàng định quay vào, cánh tay chồng bỗng đưa ra mở cửa. Dứt khoát như muốn tống khứ nàng ra khỏi nhà. Nàng quay vào bên trong nhìn hai đứa con như muốn cầu cứu. Bỗng dưng nàng trở nên yếu đuối lạ lùng. Hai đứa vẫn còn tranh luận ỏm tỏi trước mớ đồ chơi. Nàng lùi lũi bước đi. Dáng vẻ đầy cam chịu. “Cô khóc đó sao?” – Thẩm hỏi nàng, đôi bàn tay gầy xoay vô lăng điềm tĩnh. “Không”. Lại thêm lần nữa nàng nói dối trơn tru. Thẩm dừng xe đột ngột. Anh mở đĩa nhạc. Giai điệu cổ xưa ủy mị. Những giai điệu quen thuộc với tuổi trẻ của nàng. “Cô đẹp lắm. Đẹp như một bài ca. Nhưng đừng vì thế mà chết trong lãng mạn”. Giọng Thẩm chẳng có vẻ gì bỡn cợt. Trái lại, rất thật lòng. Người đàn ông chưa bao giờ nghe nàng tâm sự lại tỏ ra rất hiểu nàng. Nàng sụt sịt: “Tôi buồn. Và đơn độc”. Thẩm nhìn vào gương xe nhấn nhá từng lời: “Tôi còn hơn cả những người đơn độc”. Nàng về khi cả nhà đã ngủ. Chồng nàng dang chân tay chiếm nguyên nửa cái giường, miệng phì phò thở. Nàng khẽ tiến đến gần để nhìn rõ anh hơn. Khuôn mặt anh như đã chai lì cảm xúc. Lâu rồi nàng không bị chồng quát tháo. Nhưng cách anh im lặng như để minh chứng nàng là người thừa. Nàng cũng trở nên chai lì sau mỗi đêm chồng úp mặt vào tường, vợ úp mặt vào gối. Giấc mộng thời son trẻ bỗng chốc xa vời. Trên chiếc giường này, họ đã từng hạnh phúc, đã từng ấm êm và giờ đây, họ nằm bên nhau như hai pho tượng đá. Ngay cả chuyện gối chăn cũng rơi rụng dần những tiếng thở gấp gáp, những môi hôn nồng nàn, chỉ còn âm thanh khô khốc dộng xuống căn phòng cho thỏa cơn bức bối. Nàng cố nín thở, kìm nén cơn đau đang trỗi lên trong lồng ngực. Thẩm nói đúng. Sức khỏe nàng đang có vấn đề. Đến Thẩm còn nghe ra hơi thở khó nhọc của nàng. Hình bóng Thẩm sao đến vào lúc này. Những ngón tay bần thần trên vô lăng, nụ cười nhếch môi thỉnh thoảng anh nhìn nàng kín kẽ.
Cả tôi và dì hai đều không giấu nổi lòng mình. Bao nhiêu năm dì vật vờ như cái bóng trong ngôi nhà u âm, khu phố âm u với bàn đèn thuốc phiện là chừng ấy tuổi trẻ của tôi rung động trước dáng vóc lụa là, tâm hồn thánh thiện. Màu đỏ chói lòa len vào giấc ngủ của tôi. Rồi cuối cùng, chính dì là người đầu tiên đau khổ. Sau khi cha tôi mất, dì đã thề với tôi, sẽ có ngày trở về. Tôi tin. Trí tưởng tượng của tôi có phong phú bao nhiêu tôi cũng không thể ngờ dì hai của tôi đã chết oan khuất trong chính gian nhà ấy. Lúc tôi còn lang thang khắp nơi tìm dì. Người phố Hoài đồn đại dì bị hồn ma mẹ tôi trở về bóp cổ, vì khi sống bà phải kìm nén cơn ghen nên chết đi phải quay lại rửa cho hết oán thù, có người lại bảo hồn ma ấy là cha tôi trừng phạt vì chính dì đã kết liễu đời ông để đi theo người đàn ông khác, trông dì trẻ đẹp thế kia mà… Đêm nào tôi cũng mơ thấy dì. Dì mặc áo đỏ ngập ngừng nhìn tôi. Tôi càng tiến tới bóng dì càng mờ xa. Chỉ còn vệt đỏ lững lờ chảy trôi như nước. Dì sẽ trở về vào ngày đã ra đi, lời hứa năm nào hòa vào gió. Kể từ đó, năm nào vào ngày giỗ dì tôi cũng trở về căn nhà thâm u ấy chờ đợi. Ngay cả khi tôi đã có vợ rồi…
“Em hãy xóa hết những trang hồi ức của tôi đi”. Thẩm đổi cách xưng hô khi nàng chưa hết bàng hoàng. “Vì sao anh lại chọn tôi để viết, bây giờ thì lại bảo xóa đi?” Nàng rơm rớm nước mắt. Nàng đã suy nghĩ rất nhiều về số tiền lớn Thẩm đưa, và công việc không đâu vào đâu của mình. “Anh không ưng gì sao? Tôi sẽ tập trung viết lại cho anh”. “Hay anh đã không còn gì để kể tôi nghe?” Thẩm nhìn sâu vào mắt nàng: “Em không hiểu được đâu. Mà nếu có thể có tiền kiếp thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì kiếp sau, chúng ta đã là những con người khác biệt. Tôi để ý đến em từ nhiều năm về trước, ngày em có mặt trong đoàn phóng viên đến phố Hoài, chính bà vú già đã bị em thuyết phục để mở cửa ngôi nhà và sạp vải cổ xưa cho mọi người tham quan. Em nhớ không, em thuyết phục bà ấy bằng những quan niệm của mình về kí ức. Tôi đã nhìn em rất lâu, sau tấm gương này. Em nhớ không. Em đã nắm tay bà ấy mà nói rằng, hiện tại là phương thuốc chữa lành kí ức. Giây phút ấy tôi tin, dì hai đã thực sự trở về trong hình dáng của em…”
Thẩm khẽ đặt tay lên tóc nàng mặc cho cả thân hình nàng đang run rẩy. Hãy cho tôi tin một lần như thế. Ngoài trời, từng đợt mưa bụi đang bắt đầu giăng kín. Như một bức màn mong manh. Hai dòng hơi thở ngập ngừng hòa trong nhau man dại…
Khi nàng còn bận túi bụi với việc sắp cỗ bàn ở quê chồng thì nhận được tin nhắn của cô bạn cũ giờ vẫn làm phóng viên: Bí mật ngôi nhà hoang phố Hoài đã được nối dài phần kết, người đàn ông cuối cùng của gia đình ấy đã treo cổ tự vẫn cạnh chiếc bồn nước đầy hoa trắng vào giữa đêm giao thừa.
Nàng ngủ thiếp khi về đến nhà mình. Tỉnh dậy, chồng và các con nàng đang ở bên. Chúng líu ríu kể về cơn sốt của nàng. Chồng nàng bảo: Có bà cụ tóc đã bạc phơ gửi em cái này. Một chiếc hộp vuông vức được bọc rất cẩn thận phía tên gửi đề: Người phố Hoài. Nàng giở ra xem: Là một tấm áo lụa đỏ nhức nhối. Nàng bắt đầu nhớ lại. Mẹ nàng thường bảo: Người nhà ta không mặc áo đỏ bao giờ. Ngày cưới, chồng ướm lên người nàng chiếc váy trắng tinh khôi, trong khi đôi mắt nàng dừng lại ở chiếc váy rừng rực đỏ. Nàng cảm giác như hơi thở mình dần tắt lịm cạnh tiếng gọi của chồng con.
LỮ THỊ MAI