- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Luận Về Cột Đồng Mã Viện

17 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 121540)


badoxudangtrong_0_300x250_2Vào năm thứ 9 sau công nguyên ở Trung Hoa, quan đại triều Vương Mãn làm loạn cướp ngôi nhà Hán; tuy thành công nhưng đường lối cai trị lẫn cải tổ kinh tế thất bại đưa đến loạn lạc khắp nơi dẫn đến sự khôi phục lại nhà Hán vào năm 23. Trong thời gian ngắn ngủi nhưng hỗn loạn ấy, dân tình hết sức khốn khổ, người người kéo nhau chạy về phương Nam lánh nạn. Tổng đốc Giao Chỉ bấy giờ là Tích Quang, người nhà Hán, tuy không công nhận Vương Mãn nhưng vẫn đóng cửa biên giới e rằng làn sóng vô chính phủ sẽ từ phương Bắc tràn về. Phần lớn quan lại nhà Hán chạy về dung thân nơi đây củng cố thêm uy tín cho các quan ở địa phương này nhờ sự cộng tác của nhiều người tài đức từ trong số những quan chức về lánh nạn; đời sống Giao Chỉ nhờ thế được cải thiện nhiều, dân tình yên vui. Năm 29 công nguyên, sau khi nhà Hán phục hưng trở lại, Tích Quang do lòng trung kiên với nhà Hán trong thời kỳ Vương Mãn đoạt ngôi đã khải trình về triều xin được ban thưởng; trong khi ấy đa số người Hán lần lượt quay trở về phương Bắc. Người có tài đức hướng về kinh đô hòng kiếm chút phú quí đỉnh chung, để lại sau lưng toàn những kẻ bất tài. Năm Giáp Ngọ (34 sau công nguyên), Tô Định sang làm thái thú thay cho Tích Quang. Viên thái thú mới của Giao Chỉ được biết là một kẻ bất tài vô tướng và rất mực tham lam; đồng thời lại thi hành một chánh sách cai trị bóc lột tàn bạo, sưu cao, thuế nặng đánh lên việc sản xuất muối, sản phẩm thủ công, việc đánh cá nơi các đầm. Không những thế, Tô Định lại còn đè nén, khống chế các Lạc tướng và con cháu họ. Hành động ấy rập khuôn đúng vai trò của những tham quan thường thấy trong lịch sử Trung Hoa, dễ khiến nẩy nở mầm mống phản loạn nơi địa phương đang cai trị. Dân oán hận, quí tộc Âu Lạc cũ cũng oán hận chính quyền đô hộ, bùng nổ lên những phong trào khởi nghĩa ngày càng mạnh mẽ. Các Lạc tướng bắt đầu thăm dò phản ứng của Tô Định bằng những hành động quấy rối và họ ngày càng táo bạo hơn.

Bấy giờ Lạc tướng đất Mê Linh có người con gái tên Trưng Trắc lấy chồng là Thi Sách, Lạc tướng của Chu Diên. Lãnh thổ của Mê Linh và Chu Diên gần kề nhau, hai gia đình Lạc tướng lại là thông gia nên thanh thế và uy danh của họ càng thêm lớn mạnh. Theo cổ thư của Tàu thì Thi Sách là một kẻ hung tợn mà Tô Định phải cố dùng luật để trói tay ông lại bớt chứ không dám đọ sức. Sách viết: “Tô Định thấy tiền thì mở to mắt nhưng bàn đến chuyện trừng phạt phiến loạn thì nhắm kín cả hai mắt. Hắn sợ phải dẫn quân ra đối đầu.” Trưng Trắc vốn là người can đảm dũng lược, bà cổ súy chồng mình ra tay hành động và cùng em là Trưng Nhị trở nên đầu tàu đứng ra huy động các Lạc tướng nổi lên chống lại quân Tàu. Mùa xuân năm 40, khu Hoa kiều định cư bị phiến quân tràn chiếm, Tô Định bỏ chạy. Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố nhập cuộc dấy binh khởi nghĩa chống lại sự cai trị của quân Tàu. Trưng Trắc tự xưng nữ vương, lập đô ở Mê Linh và được Lạc dân ở 65 lãnh địa công nhận.

Đầu năm 41, một trong những danh tướng nhà Hán là Mã Viện, 56 tuổi, vừa mới dẹp loạn ở An Huy xong, được vua Hán phong chức Phục Ba Tướng Quân, cùng các tướng Đoàn Chỉ và Lưu Long thống suất hai vạn quân tiến xuống Giao Chỉ. Mã Viện là một tướng lão luyện, từng đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa của người Khương (Tạng Miến), của nông dân Trung Hoa ở Hoàng Thành. Hai cánh quân thủy bộ của Đông Hán họp nhau ở Hợp Phố để tiến vào Giao Chỉ. Đến đây Đoàn Chỉ bị bệnh chết, Mã Viện nhận thấy 2000 chiến thuyền không đủ chỗ để chuyển tất cả đạo quân nên phải vất vả tiến quân bằng đường bộ dọc theo bờ biển và dùng thuyền để vận chuyển quân lương. Quân Mã Viện tiến quân êm thắm ngược sông Bạch Đằng đến Lục Đầu rồi đánh sâu vào nội địa Giao Chỉ; sau đó dừng chân ở vùng đất Tây Vu chiến lược, đây là nơi quân Việt thường có truyền thống đổ quân ra đánh chận ngoại xâm. Bị chận đường tiến ở gần Cổ Loa, quân Mã Viện rút lên đóng quân ở Lãng Bạc (thuộc huyện Từ Sơn, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), một vùng cao ở phía đông Cổ Loa nhìn xuống bờ nam hồ Lãng Bạc. Hồ này là hồ chứa nước thiên nhiên nối với sông Cầu. Thuyền lương của Mã Viện có thể đã đi ngược sông này để vào đậu ở bên trong hồ. Bấy giờ là mùa xuân năm 42 công nguyên, trời bắt đầu bước sang mùa mưa. Do không quen với thủy thổ nóng và ẩm quân Đông Hán ngưng mọi hoạt động quân sự chờ mùa khô đến.


Theo cổ thư Việt vào thế kỷ thứ 15, tinh thần Lạc quân bắt đầu chao đảo một khi hai bên đều án binh bất động. Nhận thấy nếu không hành động ngay chỉ gây thêm bất mãn, Trưng Trắc quyết định tấn công quân Tàu. Quân hai bà thua thảm bại, hàng ngàn dân quân bị bắt sống và bị chém đầu, đồng thời có hơn mười ngàn buông khí giới đầu hàng. Hai bà kéo quân về núi Tản Viên ở Mê Linh, một số khác trốn về Cửu Chân. Quân Mã Viện tiến quân đuổi theo đến Mê Linh, hai bên giao chiến đến cuối năm ấy thì hai bà bị đánh bại và tuẫn tiết. Về cái chết của hai bà thì có rất nhiều ý kiến khác nhau từ hai phía người Việt và người Tàu. Có sách thì cho là cả Trưng Trắc lẫn Trưng Nhị bị bắt và bị chém, đầu hai bà bị đưa về dâng cho triều Hán ở Lô Giang vào đầu năm sau. Có sách cho rằng hai bà bị bỏ mặc giữa trận tiền và cả hai đều tử trận, riêng Trưng Trắc bị Mã Viện chém chết. Dân gian cũng truyền tụng rằng hai bà trầm mình xuống sông Hát tự vẫn, bị bệnh chết, hoặc bay lên mây biến mất.

Sự thất bại bắt nguồn từ lực lượng của hai bà chỉ là một đạo quân ô hợp, lập trường chao đảo, được qui tụ bởi các Lạc tướng từ các lãnh địa riêng rẽ khác nhau. Khi tình thế ở trong chiều hướng thuận lợi, họ quần tụ chung quanh hai bà; ngược lại khi bị thất thế họ sẵn sàng bỏ mặc để hoặc chạy theo kẻ địch hoặc bỏ trốn về nơi an toàn. Vì muốn giữ quân, hai bà phải vội quyết định tấn công trong khi thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến sự thảm bại. Điều này cho thấy sau một thế kỷ rưỡi bị nhà Hán đô hộ, giá trị truyền thống của việc lãnh đạo chỉ huy đã hoàn toàn bị mai một. Một trong những yếu tố đưa đến sự bất phục hai bà là do quân Tàu rao truyền về một chế độ phụ hệ khác với chế độ mẫu hệ đang áp dụng ở nước ta thời bấy giờ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thuộc thế kỷ thứ 15 đã diễn giải biến cố này như sau: “Trưng Trắc nhận thấy thế địch quá mạnh trong khi quân mình thì quá ô hợp e khó thắng nổi... Dân quân cho rằng bà là một phụ nữ e khó chọi lại với quân địch nên hè nhau bỏ chạy.” Thái độ tâm lý của triều đình nước ta vào thế kỷ 15 có thể phần nào phản ảnh qua lời diễn giải nêu trên nhưng hẳn đã nêu ra đúng cốt lõi của sự thật.

Về phần Mã Viện, ông ở nán thêm suốt năm 43 để xây dựng nền tảng cho việc cai trị của nhà Hán ở đất Giao Chỉ và mãi đến cuối năm ấy mới kéo quân bằng 2000 chiến thuyền tiến về Cửu Chân nơi những Lạc tướng còn lại của hai bà đã chạy về nương thân. Quân Đông Hán tiến vào theo ngã sông Mã, tại đây Mã Viện quét sạch hết mầm mống kháng cự. Một số thoát được vào vùng thung lũng núi non hoặc về phía Nam dọc theo bờ biển. Mã Viện chia đạo quân ra làm hai truy lùng theo hai hướng, toán xuôi Nam tiến xa đến vùng phía Nam của Cửu Chân tức tỉnh Nghệ An ngày nay. Có chừng từ ba đến năm ngàn người bị bắt và bị chém đầu, nhiều trăm gia đình bị đày lên các tỉnh thuộc miền Nam nước Trung Hoa. Mùa xuân năm 44 công nguyên, Mã Viện rút khỏi Giao Chỉ để về Tàu; đến mùa thu năm ấy, đoàn quân về đến kinh đô nhà Hán.


Sách sử Việt Nam luôn nhắc đến cuộc chinh phạt này của Mã Viện với tương truyền rằng trước khi rút về nước Mã Viện cho dựng những cột đồng để đánh dấu cái mốc Hán thuộc của nước Nam với lời đe “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” có nghĩa là nếu những cột đồng này đổ xứ Giao Chỉ sẽ không còn.


*


Đào Duy Anh khởi đầu đề mục “Les Colonnes de Bronze de Ma Vien” trong tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue số tháng 10 và 11 năm 1943 với nhận xét như sau: “Cột đồng Mã Viện luôn là một bí ẩn lịch sử mà mãi đến nay vẫn chưa hề được sáng tỏ.” Ông nêu ra nghi vấn phải chăng cột đồng Mã Viện thực sự hiện hữu? Và nếu ta không tìm thấy dấu vết nào liên quan về chúng vậy biết tìm chúng nơi đâu?

Theo An-Nam Chí Lược của Lê Tắc (đầu thế kỷ thứ 14) là bộ sử lược lâu đời nhất của nước ta có đề cập đến di tích này, thì thuở trước ở vùng hang động Cổ Sâm thuộc Khâm Châu có những cột đồng do Mã Viện dựng nên. Sang đến thế kỷ thứ 19, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng nhắc lại lời hăm dọa trên của Mã Viện. Tuy nhiên sách sử Tàu thì khác, cả Hậu Hán Thư (chương nói về tiểu sử của Mã Viện) lẫn Hậu Hán Ký đều không hề nhắc đến việc Mã Viện cho dựng những cây trụ đồng ở nước Nam. Dựa vào những sự kiện trên, nhà Hán học lừng danh Henri Maspéro trong tập XVIII, số 3 năm 1918 của tập san Bulletin de l'EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ), trong phần biên khảo về cuộc viễn chinh của Mã Viện đã không hề nhắc đến những cây cột đồng Mã Viện mà cũng chẳng có lời phủ nhận về sự hiện hữu của chúng. Về sau, Nguyễn Văn Tố, làm phụ tá cho Viễn Đông Bác Cổ, trong Tri Tân số 14 phát hành ngày 12 tháng 9 năm 1941 đã thu thập được một số tài liệu từ cả Việt lẫn Hán về cột đồng Mã Viện và đưa ra nhiều thắc mắc nhưng bấy giờ ông cũng không giúp làm sáng tỏ gì hơn về nghi vấn nêu trên. Quảng Châu Ký (thế kỷ thứ 4 hoặc 5) có đề cập đến chúng và cho rằng Mã Viện đã cho dựng lên những cột đồng là theo truyền thống đã có từ thuở xa xưa. Tuy nhiên, trước Quảng Châu Ký, Trương Bột trong Ngô Lục (đầu thế kỷ thứ 4) có bàn đến những cột đồng nhưng lại không nhắc đến Mã Viện như sau: “Ở Tượng Lâm nơi vùng biển có một cù lao nhỏ nơi người ta khai thác được nhiều vàng. Nếu đi chừng 30 lý từ Bắc xuống Nam sẽ đến một vương quốc có tên Tây Thuộc (còn được gọi là Tây Đồ). Cư dân ở đây đặt tên như vậy để nhắc nhở họ thuộc Hán tộc. Tại đây có những cột đồng mà người ta truyền rằng để đánh dấu ranh giới của nhà Hán.” Thủy Kinh Chú (cuối thế kỷ thứ 6) cũng đề cập đến truyền thống dựng cột: “Mã Văn Uyên (bút hiệu của Mã Viện) có dựng những kim tiêu để đánh dấu biên giới phía nam của nhà Hán.” Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá cũng góp thêm vào: “Mã Văn Uyên cho dựng hai cột đồng ở bắc ngạn của Lâm Ấp và cho định cư ở đấy chừng mươi gia đình binh sĩ mà không ảnh hưởng gì đến đời sống của cư dân Thọ Linh ở nam ngạn nơi nhìn qua phía những cột đồng. Tất cả những gia đình mới đến định cư này đều thuộc Mã tộc, họ chỉ cưới gả với nhau trong phạm vi tộc họ. Ngày nay ở nơi đây có chừng 200 nóc gia. Người Giao Chỉ coi họ như những người ngoại quốc sống lưu vong nên mới gọi những người Mã tộc này là Mã Lưu. Ngôn ngữ và tập quán ăn uống của họ đều theo lối người Hoa. Nhưng rồi thời gian biến cải vũng nên đồi, núi và sông đều đổi thay, những cột đồng rồi ra đã bị vùi dưới biển sâu, người đời khó tìm thấy lại dấu tích ngày trước.”
 

Trong lịch sử nước Tàu, việc dựng cột để đánh dấu một cuộc viễn chinh là chuyện thường thấy. Sau Mã Viện, những tướng Tàu khác như Hà Lý Trinh, Trương Chu và Mã Tống thuộc đời Đường còn có Mã Hy đời Hậu Tấn cũng dựng cột đồng nơi những xứ ở phía Nam. Theo Đào Duy Anh, chừng nào chúng ta chưa có chứng cớ rõ ràng về việc dựng cột đồng Mã Viện chừng đó chúng ta chưa có lý do phủ nhận điều không thể chối cãi được. Chúng ta phải công nhận về sự hiện hữu của chúng cho đến khi chúng ta có thể chứng minh ngược lại, và hãy thử tìm xem chúng ở đâu.

Trong Nam Phong Tạp Chí số 127 năm thứ 12, ở phần trang tiếng Hoa, một tác giả vô danh đã viết một đề mục bênh vực lập luận về sự hiện hữu của cột đồng Mã Viện. Người ấy phản bác rằng một số tác giả đã dựa vào sự không nhắc đến cột đồng trong Hậu Hán Thư nơi phần tiểu sử của Mã Viện mà phủ nhận sự hiện hữu của chúng; tác giả vô danh cho rằng lý luận như vậy là không công minh. Theo tác giả, Mã Viện là người háo danh ưa lưu lại hậu thế chiến tích hiển hách của mình bằng cách cho dựng những cột đồng, việc làm đó có thể xem như chẳng có gì hệ trọng cho lắm. Nếu Hán Thư với phần tiểu sử của Mã Viện không nhắc nhở gì đến chúng thì hoặc do bởi Mã Viện coi việc ấy chỉ là một thành quả cá nhân hoặc do các nhà viết sử ấy đã bỏ sót. Nhà Tấn lên trị vì không mấy lâu sau nhà Đông Hán, trong Tấn Thư có nói rõ về chuyện dựng cột đồng. Ngoài ra, dưới đời nhà Đường, Mã Tống khi làm Đô hộ nước ta cũng có dựng những cột đồng trên chốn xưa (?) để ghi khắc mối liên hệ với Mã Viện. Tác giả vô danh kết luận rằng dựa vào những sự kiện nêu trên ta có thể kết luận rằng những cột đồng là thực sự có thật. Ngược lại, chẳng lẽ ngày xưa có kẻ phịa ra truyền thuyết ấy để phỉ báng bao thế hệ hậu duệ ngây thơ cả tin. Tác giả đoan chắc đây không phải là một huyền thoại.

Vậy thì tìm đâu thấy những cột đồng kia? Ý kiến của các tác giả trong cổ thư Việt lẫn Hán đều trái ngược nhau, ba hồi thì cho là ở Quảng Đông, trên lãnh thổ nước Tàu, ba hồi thì cho là ở Phú Yên trong vùng đất cổ của dân tộc Chiêm Thành. Theo Lĩnh Ngoại Đại Đáp (đời Đường) và An Nam Chí Lược như đã đề cập ở phần trên thì những cột này được dựng ở Khâm Châu, trong vùng hang động Cổ Sâm. Dưới thời Nguyên Hòa đời Đường (806-820), Đô hộ Mã Tống có dựng trên núi Phân Mao ở Khâm Châu những cột đồng, cho rằng phỏng theo y như của tiền nhân. Trái lại theo Tân Đường Thư cũng như theo dã sử ở nước ta thì những cột đồng Mã Viện được tìm thấy trên ngọn núi có tên gọi là Núi Đá Bia hay Ngũ đồng Trụ sơn nằm ở nam ngạn sông Đà Lang ( Đà Rằng) thuộc tỉnh Phú Yên. Giả thuyết này khó thể chấp nhận được vì cột đá duy nhất tìm thấy trên núi ấy lại hoàn toàn do thiên nhiên mà có.


Khác với trên, sách Lĩnh Biểu Lục Dị kể rằng Vy Công Cán, Thứ sử Ái Châu tìm thấy những cột đồng trong lãnh địa mình, muốn đem phát mại để sinh lợi riêng tư. Dân chúng dâng đơn khiếu nại lên Tổng đốc Hàn Ước. Viên tổng đốc liền tống đạt thư khiển trách Công Cán buộc ông này phải từ bỏ ý định. Lời thuật này cho thấy những cột đồng được tìm thấy ở Ái Châu khá phù hợp với sự diễn giải của nhà Hán học Henri Maspéro về cuộc hành trình của Mã Viện. Tuy hoài nghi về sự hiện hữu của những cột đồng Mã Viện nhưng tác giả đã xác định nơi xa nhất mà đoàn quân viễn chinh của Mã Viện tiến đến là phủ Cư Phong, và đã định vị phủ này nằm ở phần phía Nam của tỉnh Thanh Hóa tức Ái Châu (vào đời Hán, phủ Cư Phong là một phần của huyện Cửu Chân, và huyện này được cải danh thành Ái Châu dưới đời Lương, Tùy và Đường). Ngay chính Cư Phong cũng được đổi tên thành Di Phong vào thế kỷ thứ 3 và về sau trở nên huyện lỵ của Cửu Chân; thủ phủ này nằm bên bờ Lương Giang (tức sông Chu ở Thanh Hóa ngày nay). Tác giả Đào Duy Anh đặt câu hỏi phải chăng đạo quân viễn chinh của Mã Viện đến tận Cư Phong là điểm xa nhất? Biên niên sử cổ kể rằng quân Đông Hán truy đuổi quân của Trưng Trắc đến tận Cư Phong, ở đây mọi sự kháng cự đều bị dập tắt. Đến đó Mã Viện cho dựng những cột đồng để đánh dấu ranh giới cực Nam của nhà Hán (theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục). Suy rộng hơn, nếu Cư Phong là nơi Mã Viện dẹp yên mọi mầm chống đối nhưng có gì chắc là quân ông ta dừng lại nơi đây mà không tiến xuống sâu hơn. Thủy Kinh Chú kể rằng sau khi dẹp yên quân của Trưng Trắc ở Cửu Chân xong, Mã Viện chia quân thành hai đạo, một tiến đến phủ Vô Biên, còn đạo kia tiến đến phủ Cư Phong. Dưới đời nhà tiền Hán, Vô Biên là một phần của huyện Cửu Chân, nhưng trong thời gian Vương Mãn tiếm ngôi, địa danh này đổi tên thành Cửu Chân Đình đồng thời trở nên thủ phủ của huyện Cửu Chân; vào đời nhà Đường (620-907) lãnh địa này bao gồm trong huyện Long Trì (theo Đào Duy Anh chính là phủ Diễn Châu thì đúng hơn). Như vậy, có thể nói rằng quân Mã Viện có thể đã tiến xuống đến tận đất Nghệ An. 

Theo lời thuật của Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá đã dẫn ở trước thì Mã Viện dựng những cột đồng ở bắc ngạn Lâm Ấp. Nhưng vào thời ấy Lâm Ấp chưa hề hiện hữu, có thể hai vị ấy muốn nói vùng bắc ngạn của con sông sau này làm lằn ranh phân chia Lâm Ấp với phần đất bị nhà Hán thôn tính, được biết đó là đất Thọ Linh. Cũng theo hai vị này ranh giới với Lâm Ấp chính là Thọ Linh. Thủy Kinh Chú có kể rằng vào năm thứ 9 thời kỳ Chính Thủy đời Ngụy (năm 247), quân Lâm Ấp xâm lăng Thọ Linh và lấy vùng đất này làm ranh giới của mình. Sách này còn thêm rằng sông Thọ Linh được đặt tên theo một phủ mang cùng tên. Vậy phủ Thọ Linh nằm nơi đâu? Vẫn theo Thủy Kinh Chú, vào năm thứ 6 thời Nguyên Đỉnh (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên), Hán Vũ Đế lập thủ phủ của Nhật Nam ở Tây Quyển, và theo Tống châu Quận chí, vào năm thứ 10 thời Thái Khang, Tấn Vũ Đế cắt bớt đất Tây Quyển để lập thêm phủ Thọ Linh. Như thế Thọ Linh nằm cạnh Tây Quyển và cả hai đều bao gồm trong đất của Nhật Nam.

 L. Aurousseau trong biên khảo về vương quốc Chàm đã mạo nhận Tây Quyển nằm ở vùng phụ cận của Huế mà sông Thọ Linh theo ông chính là sông đào Phủ Cam (trước đây là sông La Ỷ). Theo Thủy Kinh Chú và theo lời bình của hai ông Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá, thì có lúc sông Thọ Linh được chọn làm lằn ranh của Lâm Ấp. Điều này có thể chấp nhận được vì đây là một dòng sông lớn chảy từ Đông sang Tây, trong khi sông Phủ Cam ngày nay chỉ là một con sông đào nhỏ, vừa mới được nạo vét và mở rộng thêm, lại chảy từ Bắc xuống Nam, lẽ nào sông Thọ Linh như ông Aurousseau nói là đây! Nếu quả nơi ông ta muốn nói chính là Lô Dũng thì lại khác với Thọ Linh mà Đại nam Nhất Thống chí mạo nhận với sông Linh Giang (hay sông Gianh). Theo ông Đào Duy Anh sách Thống Chí đã mạo nhận vì nhầm lẫn từ hai chữ đồng âm trong Hán tự. Nếu Thọ Linh quả là Linh Giang thì phải chăng chúng ta nên tìm những cột đồng ở phía Nam dãy Hoành Sơn, nơi sông Gianh, cách Đồng Hới 34 cây số về hướng Bắc? Nếu Nhật Nam bao gồm phần đất Nghệ Tĩnh, và mặt khác Mã Viện chưa từng vượt qua dãy Hoành Sơn thì những cột đồng ấy nên tìm ở phía Bắc chứ không phải Nam của dãy này.

hoanhson_0_300x213_2
Không ảnh dãy Hoành Sơn do người Pháp chụp. Courtesy of BAVH


Nhưng vì sao Ngô Lục ký lại cho là chúng nằm ở Tượng Lâm? Tượng Lâm là tên của một phủ nằm ở phía Nam của Tượng quận (theo đời Tần) và Nhật Nam (dưới đời nhà Hán). Nhật Nam về sau bị Chàm xâm chiếm rồi thành lập vương quốc Lâm Ấp (theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục); nhưng Lâm Ấp cũng còn là tên cũ của một phủ mà nhà Hán gọi là Tượng Lâm, đó là lý do tại sao các học giả Trung Hoa thuộc các thời kỳ sau, do nêu danh không phù hợp với ngày tháng niên đại, thỉnh thoảng đề cập đến Nhật Nam bằng Lâm Ấp hoặc Tượng Lâm.

Một mặt chúng ta đã thấy rằng Mã Viện đã tiến quân xuống đến vùng đất Nghệ An; mặt khác ta cũng đã biết những cột đồng được dựng ở phía Bắc dãy Hoành Sơn. Theo đó, chúng ta có thể khoanh vùng để tìm kiếm trong vùng Nghệ Tĩnh. Sự chú ý của chúng ta cũng bị thu hút đến một ngọn đồi nằm riêng biệt bên tả ngạn Lam giang, cách Vinh khoảng 10 cây số về phía Tây Nam; ở đây có một đường rầy bắt qua con sông. Đại nam Nhất Thống chí gọi đồi này là Hùng Sơn nhưng dân gian quen gọi bằng tên Núi Thành hay Núi Lam Thành hoặc Núi Đồng Trụ. Trên ngọn đồi nay vẫn còn di tích của một thành cổ do tướng Tàu Trương Phụ dựng nên vào cuối thời Trần để trấn áp dân ta. Giữa thành hiện còn tàn tích của đống đá nơi trước đây có dựng cột dinh Trương Phụ nhưng theo truyền thống đây được xem như là nơi dựng cột đồng Mã Viện.

Theo H. L. Breton trong Le Vieux An-Tĩnh thì trong Nghệ An Chí, Bùi Dương Lịch, một quan văn cuối đời Lê và qua luôn thời Tây Sơn, cho rằng các đồng trụ được dựng trên đỉnh Hùng Sơn; ông chỉ biên tập theo các tài liệu cũ nhưng vẫn dựa vào các truyền thuyết địa phương. Cũng không có gì để làm bằng chứng quyết định cho những ý kiến của ông. Điều này cũng rất khó bởi vì đã bao nhiêu thế kỷ, người ta không còn thấy những cột này nữa. Nhân dân An Nam tin chắc rằng đến đời nhà Lý (1010-1225) thì chúng không còn nữa, như vậy thì phải cho rằng việc phá hủy ấy là để xóa nhòa những dấu vết của ách đô hộ mà tổ tiên ta đã phải mang nặng quá lâu. Còn rất nhiều tài liệu, văn bản cũ cần phải soát lại để giải quyết một cách dứt khoát cái điều khó hiểu và vị trí chính xác của “cột đồng trụ” và những giai đoạn đầu tiên của lịch sử Lam Thành. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu cũng như truyền thuyết, điều làm cho người ta nghĩ rằng vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Núi Đồng Trụ và cái thành xây trên ngọn núi (Lam Thành) và tả ngạn sông Lam đúng là giới hạn phía Nam của đế quốc Hán.
 nuidongtru_0_300x90_3

 Núi Đồng Trụ và di tích thành cổ Lam Thành nhìn về hướng hữu ngạn sông Lam và phụ lưu Ngạn San. Courtesy of BAVH

Như đã đề cập ở trên, Trương Bột trong Ngô Lục có thuật lại ở Tượng Lâm nơi vùng biển có “một đảo nhỏ trên ấy người ta tìm được nhiều vàng. Nếu đi 30 lý theo hướng Bắc Nam sẽ đến vương quốc tên Tây Đồ. Cư dân ở đây đặt tên như vậy để nhắc nhở họ thuộc Hán tộc. Tại đây có những cột đồng mà người ta truyền rằng để đánh dấu ranh giới của nhà Hán.” Dọc theo bờ biển Nghệ Tĩnh ngày nay có thể tìm thấy một đảo tên Hòn Niêu nhưng ở đây chẳng có những đặc tính phù hợp với sự mô tả nêu trên, ngay cả vàng cũng không được tìm thấy. Từ Hòn Niêu nếu đi theo hướng Bắc xuống Nam, hay ngay cả Bắc sang Đông, Nam qua Tây thì sẽ đến cửa sông Lam (Cửa Hội), rồi đi 35 km ngược từ hạ nguồn sẽ lên đến Núi Thành; nhưng nếu đi theo đường thẳng, khoảng cách chỉ còn 20 cây số, khá gần với 30 lý mà Trương Bột đã ước tính. Phải chăng Núi Thành là nơi Trương Bột đã tìm thấy những cột đồng? Đây chính là vùng gọi là vương quốc Tây Đồ. Theo Lâm Ấp Ký thì đây là ranh giới giữa đế quốc nhà Hán với vương quốc Tây Đồ nơi Mã Viện đã cho dựng những cột đồng. Nơi vương quốc này các bộ lạc người sắc tộc nằm rải dài đến phía Bắc dãy Hoành Sơn.

Theo lời bình của Du Ích Kỳ và Hàn Khang Bá cùng Lâm Ích Kỳ, sau khi dựng những cột đồng, như ta đã biết, Mã Viện để lại chừng mươi gia đình binh sĩ ở lại định cư trên nam ngạn sông Thọ Linh, nơi nhìn qua phía các cột. Giả sử những cột đồng thực sự hiện hữu ở Núi Thành và những lưu dân Mã Lưu thực sự có định cư ở ngôi làng ở nam ngạn sông Lam (phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Vùng đất thuộc các làng Quang Du, Hưng Nghĩa, và Hưng Phúc ngày nay nằm bên bờ sông, mới hình thành do đất bồi phù sa. Nếu khảo sát trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 ta có thể thấy rõ là ngày xưa Lam Giang đã từng chảy qua Nam Ngạn. Qua nghiên cứu tỉ mỉ, học giả Đào Duy Anh không tìm thấy một quan hệ nào giữa khu làng ngày nay với nam ngạn ngày trước nơi có những người Mã Lưu sinh sống.

Sau cùng, sách Tùy Thư có hé lộ những chỉ dấu khá phù hợp với giả thuyết của chúng ta qua lời thuật như sau: “Tướng Tàu Lưu Phương được phái đi chinh phạt quân Chiêm Thành đã tiến quân ngang qua những cột đồng Mã Viện, và tiếp tục tiến về phía Nam ròng rã suốt tám ngày đến tận kinh đô vương quốc Lâm Ấp.” Đấy chính là đất Trà Kiệu ở Quảng Nam ngày nay. Như ta đã thấy sự hiện hữu của cột đồng Mã Viện là điều không thể phủ nhận được qua sự kể lại của các cổ thư, qua truyền thống dựng cột thường có của các tướng Tàu khi đi chinh phạt vùng đất phương Nam. Tuy nhiên khó có thể chấp nhận là chúng đã được dựng ở đất Thanh Hóa, tên cổ là Ái Châu thời nhà Đường, vì chúng ta đã công nhận là Mã Viện đã đưa đạo quân tiến xa hơn đến tận Nghệ An. Theo đó không có lý do gì phải kiếm chúng bên phía Nam dãy Hoành Sơn. Vậy phạm vi nơi cột đồng có thể được Mã Viện cho dựng lên ắt phải là trong vùng Nghệ Tĩnh.

lamthanh_0_300x214_1Vị trí của Lam Thành ở phía Tây Nam thành phố Vinh theo bản đồ tỷ lệ xích 1/500.000. Courtersy of BAVH


 Chúng ta đã xác nhận Núi Thành nằm bên tả ngạn sông Lam cách Vinh chừng mười cây số về hướng Tây Nam là khá phù hợp với lời miêu tả của Ngô Lục lẫn Tùy Thư về địa điểm nơi có những cột ấy. Sự suy luận này được củng cố mạnh thêm nhờ những truyền thống địa phương khi gọi tên ngọn đồi nơi đây bằng cái tên Núi Đồng Trụ. Vào đời Trần, Lam Thành là lỵ sở của vùng Nghệ Tĩnh.


Tướng Tàu Trương Phụ chiếm đồi này và cho xây Lam Thành để phòng thủ chống lại quân ta bấy giờ vẫn đang còn kiểm soát vùng hữu ngạn và vùng đồi núi lân cận. Lâm Thành có tầm quan trọng chiến lược vì nó kiểm soát được thủy lộ sông Lam lẫn nơi đổ ra của con đường núi chiến lược lịch sử. Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh và trong cuộc Nam tiến chống lại Chiêm Thành của dân ta, Lâm Thành đã đóng vai trò của một tiền đồn bảo vệ bờ cõi. Gần cạnh Lâm Thành ngày nay có con lộ nối liền Vinh với Hà Tĩnh. Lâm Thành vốn là điểm huyết mạch cho cả quân ta lẫn quân Tàu phải đi ngang qua khi tiến xuống phía Nam; đồng thời đây cũng là điểm dừng chân của đạo quân viễn chinh trên đường Bắc tiến, vừa để dưỡng quân vừa để củng cố lực lượng. Chẳng có gì quá đáng khi cho rằng chính trên ngọn đồi này mà Mã Viện, sau khi vừa tái lập trật tự nơi phong địa này xong, đã cho dựng những cột đồng để ghi dấu kỳ công bình định “phản loạn” của mình, đồng thời để đánh dấu biên cương tận cùng của nhà Hán trên vùng đất đô hộ ở phía Nam nước Tàu.


Dãy tường mặt Tây của Lam Thành. Bên trong và chung quanh thành có những di tích thời kỳ đô hộ cuối cùng của quân Tàu năm 1423. Nơi đây Lê Lợi chém. đầu Thái Phúc. Courtesy of BAVH


Triệu Phong


Tài liệu tham khảo:

(1) Keith Weller Taylor, “The Birth of Vietnam”; University of California Press, Berkeley and Los Angeles, California, pp. 33-34, 37-41.

(2) Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, “Lịch Sử Việt Nam, từ Nguồn Gốc đến Năm 1884”; Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, trang 57, 60.

(3) Đào Duy Anh, “Les Colonnes de Bronze de Ma Vien”; Bulletin des Amis du Vieux Hué; I:4 (10-11 / 1943), pp. 22-34; I:2 (4-12 / 1936), pp. 152, 275, 278; I:2 (4-6 / 1935), pp. 167.

(4) Hippolyte Le Breton, dịch giả: Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú, “An-Tĩnh Cổ Lục (Le Vieux An-Tĩnh)”; Nhà Xuất Bản Nghệ An, Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây, trang 247.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 93087)
Nhiều tiếng nổ ầm ì vẳng lại từ xa. Tiếp theo những loạt phản pháo chấn dội phát ra từ khu rừng trước mặt. Một đoàn xe nhà binh mở đèn từ phía Tân Cảng Sài Gòn rầm rộ tiến trên xa lộ Bình Dương, kéo lê theo sau những thùng sắt khổng lồ chứa đựng quân lương và đạn dược.
05 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 108965)
thu đi qua chập chờn đèn lồng đỏ thu đi lại nghiêng ngó giọt trăm năm hể trăm năm bướm ong còn cõng gió thu hả hê vắt tóc suốt bờ câm
05 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 109444)
Đến đi rồi tiễn biệt Chiều cuối năm bay Về nhau dọ dẫm từng giây Hòa cùng cây lòng tôi hẹp lại
28 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 105632)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng tạp chí Hợp Lưu.Thạc sĩ, nhà văn Vũ Đảm hiện là Phó tổng biên tập Tạp Chí Nhà Văn tại Hà Nội Việt Nam, chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Chín Tháng Mười Ngày" của Vũ Đảm đến quí độc giả và văn hữu Hợp Lưu. TCHL
15 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 100550)
Một lần anh hỏi Ước mơ của tôi là gì? Tôi chợt nhớ đến mùa hè xa… Năm 1980, chị em tôi tíu tít khi ông Chín từ Sài Gòn về Quy Nhơn. Chúng tôi thích thú, cái gì ông cũng biết, đêm nào chúng tôi cũng cùng ông ra bờ biển hóng gió và chơi nhảy sóng. Nhìn trời đêm lấp lánh, ông dạy cho chúng tôi cách nhận ra những chòm sao.
04 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 101364)
Trọn năm 1946, New Times chỉ đăng hai bài của A. Guber và Vera I. Vasilyeva (1900-1959), cựu chủ nhiệm Văn Phòng Đông Dương của Ban Phương Đông QTCS về “French-Indochina.” Guber yểm trợ mô hình Khối Liên Hiệp Pháp [L’Union francaise] trong Dự thảo Hiến Pháp của Pháp, và nhấn mạnh vào sự thắt chặt liên hệ giữa “nhân dân Đông Dương” với “lực lượng tiến bộ” Pháp, vì đây là chỗ nương dựa cho những đòi hỏi chính đáng.
04 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 105445)
Trong đời hoạt động của Hồ Chí Minh–ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911–mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris–do Quốc Tế Cộng Sản [QTCS] dàn xếp–là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Hồ giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ QTCS chuyên nghiệp [agitprop = political agitation and propaganda].
04 Tháng Mười Hai 200912:00 SA(Xem: 118557)
* Viết tặng linh hồn Nhà báo Đặng Ngọc Khoa Buổi chiều mưa vụt tắt Tôi vớt điểm những vì sao là lững nơi chân mây.
20 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 116035)
LTG: M ới đây, một số cơ quan ngôn luận trong nước–do Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] làm chủ–đã can đảm nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Dân biểu/sử gia Dương Trung Quốc từng kêu gọi chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phải tường trình đầy đủ về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa. Báo Tuổi Trẻ (Sài Gòn) còn đăng cả ký ức của cựu Thượng sỉ HQ Lữ Công Bảy về trận hải chiến 30 phút, hơn 35 năm trước.
15 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 117325)
Chán đời, y đi buôn màu sắc Gặp ai, y cũng rao mời “Mua màu không? Tôi bán cho!”