Lời người dịch. Đứa con gái đồng hoang (La fanciulla della Pampa) dịch từ nguyên bản Ý ngữ là một trong bảy truyện ngắn trong tập truyện Sette donne intorno al mondo (Bảy người phụ nữ vòng quanh thế giới) của Arnaldo Fraccaroli, một nhà văn kiêm nhà báo và diễn viên hí viện Ý vào thời đầu cho đến giữa thế kỷ 20.
- Cô bé kia đi đâu vậy?
Con bé ngừng lại, chào tôi bằng một nụ cười, hai má phúng phính đi lên che cả đôi mắt ti hí làm chúng trông như biến đâu mất. Nó nhìn chiếc xe hơi của tôi đậu giữa những bụi cây một cách hiếu kỳ rồi nhìn sang gã gaucho đang ngồi trên lưng ngựa cạnh đó.
Nó mỉm cười nhưng không đáp lại.
Đây là một cuộc gặp gỡ khá kỳ thú, gặp gỡ giữa pampa bát ngát xứ Á Căn Đình sát biển xanh bao la, nơi mà gặp được một sinh vật của Thượng Đế là một niềm an ủi khó diễn tả.
Tôi đang trên đường du hành đi đến một estancia (gia trang). Mấy người bạn bản xứ tôi quen ở thủ đô đã mời tôi đến chơi vài tuần tại gia trang của họ nằm trong đồng bằng bát ngát để “sống cuộc sống pampa” cho biết. Họ nói sẽ tổ chức những cuộc du ngoạn, các buổi lễ lạc tiệc tùng kiểu đồng quê, có các cuộc chơi rodéo của các tay gaucho, đi săn, vân vân.
Và tôi đã rời Buenos Aires lái xe đi từng chặng đường cố tìm đường đi xuyên qua những cánh đồng, đi giữa những ụ đất, những vũng bùn, những ổ gà và các đụn cát mặt dợn sóng lên dưới ngọn gió mạnh kinh khủng của đồng bằng thổi tốc lên những cơn lốc bụi. “Đồng quê thổi tôi bay đi”, dân cầy cấy ở đây ví von thế, có nghĩa gió thổi bay đi cả cánh đồng lôi họ theo đưa về nơi nào khác xa xăm.
Tôi lái xe như thế đã được hai ngày và tính ra còn thêm cả một ngày trời nữa mới đến nơi.
Lũ bạn đã nhờ một tay gaucho thổ công pampa dẫn đường cho tôi. Tôi và hắn ngừng chân vì tôi lái xe đã mệt và hắn cũng đã mệt mỏi ngồi trên lưng ngựa suốt ngày.
Hắn nhìn xe tôi với cái nhìn có vẻ mỉa mai.
- Señor, đi trên đồng cỏ thì cỡi ngựa, còn xe hơi thì để dành cho đường xá thành phố.
Ngay cả đứa con gái ngừng chân cũng ném cho chiếc xe tôi cái nhìn hiếu kỳ xấc xược, có lẽ thầm đồng ý với gã gaucho.
Tôi nhìn nó. Con bé trông còn rất trẻ nhưng tôi không sao đoán chắc được tuổi tác của dân pampa. Nó có một khuôn mặt khôn lanh và láu cá, hai má hồng chắc đánh phấn (mà làm sao lại đánh phấn má hồng nơi chốn hoang vu này), một thân hình trẻ con ăn mặc hở hang hầu như chả có gì, nó nói vì trời nóng.
Tôi thấy nó từ đàng xa, một bóng dáng nho nhỏ lắc lư trên lưng ngựa nổi bật trên nền trời chói chang nắng sau lưng là một chân trời biển xanh ngát. Tôi hỏi gã gaucho:
- Ai vậy?
Khi nhận ra bóng dáng nho nhỏ đó là ai, gã trả lời với một nụ cười đểu:
- Con chệt.
Con chệt là đứa con gái của vùng đồng hoang mênh mông, bông hoa dại đồng quê, là đứa con gái biết khôn lanh sống cuộc sống du mục đi hoang từ làng này đến làng nọ tìm kiếm những cuộc thám hiểm dễ dãi: nó là nguồn an ủi cho lũ đàn ông bị cô lập trong niềm cô đơn bao la, người trao tặng những xúc cảm xác thịt cho những ai bị lưu đầy ra khỏi thế giới.
Nó để cuộc sống bình nhật của nó trôi theo bất cứ gì bất chợt xảy ra trong ngày. Sáng thức dậy con bé không biết đêm nay mình sẽ ngủ đâu và ngủ với ai. Nó là sinh vật của số phận và số phận đưa đảy nó đến đâu thì đến và ngay cả vào trong vòng tay đàn ông.
Giữa chốn hoang dã này với cuộc sống sơ khai của con người thì con chệt là một trong những loại người được xem là có nhan sắc. Lắc lư trên lưng ngựa đơn độc giữa đồng hoang mênh mông, nó thủng thẳng đi đến chỗ tôi và gã gaucho với một thái độ tỉnh bơ không lo sợ đến ngạc nhiên.
- Cô bé kia đi đâu vậy?
Tôi hỏi nó như hỏi một đứa bé gái vì trên yên ngựa nó thật sự trông như một đứa con nít.
Tôi đứng cạnh chiếc xe hơi đang bị lún bùn đúng lúc mà chẳng thèm tìm cách lôi ra. Vội vã làm gì. Bạn tôi đang tà tà đợi tôi không mong ngóng. Giữa pampa thời gian không có ý nghĩa gì. Vội vã cho ai? Vội vã để làm gì? Chỉ để đến sớm hơn? Rồi sau khi đến thì làm gì? Bình tĩnh lại. Đời sống trôi đi thản nhiên không cần bị hối thúc. Rồi đêm lại đến, rồi đêm khác lại đến và cứ thế mãi mãi, vì thế cần gì hối hả vội vã chi cho mệt và lo lắng.
Con chệt dán cặp mắt tò mò trắng trợn của nó lên tôi và chiếc ô-tô như nó đang thắc mắc về bí mật của người đàn ông này và chiếc xe của ông ta đi lạc giữa đồng hoang.
Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, nó nói một câu với giọng nhẹ nhàng lanh lảnh.
- Cầu Thượng Đế phù hộ che chở ông.
- Chào cô bé chệt. Cô bé từ đâu đến vậy?
- Từ làng.
- Và giờ đi đâu?
- Làng khác.
- Để làm gì?
Con bé không đáp, chỉ cười cười. Không mắc cở bối rối, chỉ ngạc nhiên là tôi đã hỏi một câu như thế. Nó đưa mắt nhìn gã gaucho. Gã hiểu ý và đáp thay cho đứa con gái:
- Con nhỏ này đi lòng vòng trong vùng để an ủi những ai đau khổ. Nó là chuyên viên chữa bệnh tình cảm và nhớ nhung. Ngoài đồng con người cô đơn lắm! Nếu được một ít phụ nữ thì đó cũng như là một món quà quý báu làm ấm lòng người.
Đứa con gái lắng nghe, trịnh trọng ra vẻ ngạc nhiên vì có người diễn tả như thế về nó với lời lẽ tán dương. Nó mỉm cười thật hồn nhiên, cái hồn nhiên của một đứa bé gái.
Tôi hỏi nó:
- Con không mệt sao?
- Sao lại mệt?
Tôi chợt hiểu con bé có lẽ nghĩ câu tôi hỏi là đường đột và gây hiểu lầm hàm ý mà tôi không có ý hỏi, tôi vội nói thêm để tránh bị nghi là mình thô lỗ:
- Con không mệt vì cỡi ngựa suốt ngày sao? Bộ con không muốn xuống đất à.
- Ồ, thế thì dễ. Đây!
Rồi nó nhẩy thót xuống đất. Chiếc áo mỏng manh tung lên trên tấm thân nhỏ bé như là một lá cờ tung bay trong gió. Ngọn gió thật trơ trẽn và lắm chuyện: nó cho thấy đứa con gái chỉ mặc mỗi một chiếc áo mỏng nhẹ. Thế thì thoáng khí. Tôi thấy trên lưng ngựa nó có một bó gì gói lại.
- Đồ đạc con đó hả?
- Dạ.
Nó cười xong quay lại ân cần vuốt ve con ngựa, một người bạn tốt lợi dụng nghỉ chân tự thưởng cho mình bữa ăn sáng cỏ mềm.
Tôi đi lại gần con bé (trước mặt tôi nó thật bé nhỏ) và hỏi:
- Con có nhà ở không?
Nó ra vẻ ngạc nhiên.
- Nhà, con? Không, mà có nhà để làm chi. Con luôn luôn đi lang thang. Khi nào cần ở đâu thì ở đó. Có lúc ngủ trên cỏ, thích lắm. Ngủ trên cỏ mình ngửi thấy mùi thơm của cỏ non tươi, ngửi mùi đất. Mình thấy khỏe người hẳn lên.
Chuyến đi lâu cả ngày trên đồng hoang làm tôi đói bụng. Trang trại bạn tôi còn xa lắc, tôi biết mình không tài nào đến đó kịp trước khi đêm xuống.
Trên xe tôi có thức ăn đem theo cho cuộc hành trình, tên quản lý nhà trọ đã bắt tôi sửa soạn mọi thứ đồ ăn nguội đủ cho cả tuần, nào là thịt hộp rồi trái cây, bánh trái, rượu vang, bia vân vân. Tôi nói tên gaucho lên xe lấy thức ăn xuống. Tôi nảy ra ý dựng phòng ăn trên bãi cỏ.
Tôi hỏi đứa con gái:
- Con định ăn sáng ở đâu?
Nó nhìn tôi, ngạc nhiên:
- Bác nói gì?
- Con định đi đâu ăn?
- À, ai biết được? Nó nhìn xa xăm về chân trời, trả lời vu vơ: Đằng đó hay đó. Ai biết nơi đâu. Không có gì phải lo.
- Nhưng con đói bụng không?
- Đói thì lúc nào cũng đói. Không khí đây tốt lành thật, rất tốt.
Rồi nó cười nhe hàm răng trắng nhỏ.
- Vậy sao không ăn sáng với bác luôn?
Tôi bắt đầu thích đứa con gái khác người, đối đầu với đời sống trên cánh đồng hoang bao la bằng một lòng gan dạ bình tĩnh, một mình một ngựa chu du với tuổi trẻ non dại.
Con bé lưỡng lự. Tôi lập lại lời mời:
- Sao con không ăn sáng với bác ở đây.
- Gì? Con, một đứa con gái ma cà bông ngồi ăn với một ông bác? Sang trọng quá, lộn xộn quá!
- Đừng suy nghĩ gì hết. Xem này, nhiều thức ăn ê hề. Bác không có ai hầu ăn. Muốn không? Cháu dọn ra cho bác ăn, bù lại cháu được ăn chung.
Đứa con gái sốt sắng vâng lời ngay lập tức rồi bằng những cử chỉ khôn khéo và duyên dáng mà tôi khó tin có được trong một đứa con gái quê nó quán xuyến dọn thức ăn ra, trải khăn bàn lên bãi cỏ, dọn ly dĩa, mở chai bia, hái vội một bó hoa cắm vào một cái ly. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, con bé uyển chuyển làm việc, thỉnh thoảng quay lại mỉm cười nhìn tôi, từ đôi môi hót ra vài câu ngắn ngủi. Sau cùng nó bắt chước điệu bộ mấy người hầu bàn trong hí viện, cúi rạp người trông thật buồn cười, nói:
- Thưa ngài bữa ăn sẵng sàng.
Trong khi ăn, tôi hỏi:
- Làm sao con nghĩ ra cuộc sống như vầy?
- Con không nghĩ ra, nó tự xảy đến. Đó là định mệnh con và con theo nó.
Và nó kể cho tôi nghe câu chuyện nho nhỏ cuộc đời nó trong khi hai hàm răng mạnh khỏe nhai miếng thịt.
*
Nó kể.
Con bé sống dưới miệt quê trong một trang trại xa xôi gần Mendoza. Cha nó là một nông dân nghèo. Ông đem vợ con đến từ Rosario de Santa Fe để mưu sinh nhưng cơ nghiệp tìm mãi không thấy. Rồi vợ ông ngã bệnh qua đời để lại đứa con gái nhỏ lớn lên như một đứa con hoang dại sống trong một ngôi làng khiêm tốn chỉ có độ trăm nóc nhà, nhà thờ, trường làng, nghĩa trang, một nhà trọ đồng thời là nhà kho và một tiệm buôn. Tất cả gói ghém trong cái làng con đó.
Cuộc sống của đứa bé gái bị bỏ rơi, vì cha phải làm việc ngoài đồng suốt ngày kiếm tiền cho cuộc sống khó khăn bỏ bê nó, con bé đã phải tự lo cho mình. Cứ sau giờ học là nó lê la ngoài đường, phóng túng bay nhẩy và táo bạo, nó không để ai bắt nạt nó, ngay cả lũ con trai to hơn: nó lanh lẩu, xấc láo và hung hăng như chúng.
Nó học cỡi ngựa như những tay gaucho, dẫn bò ra ao uống nước, phụ giúp một cách nhiệt tình và giỏi dang trong việc trị ngựa hoang ... Nó lăn lộn ngoài đời, ngoài trời, trong gió. Bây giờ nhắc lại thời xưa đó, mắt nó long lanh đầy xúc động.
Nó nghĩ nó là con trai cũng như lũ bạn con trai chơi đùa chung nhưng một ngày kia nó thấy có gì khác về nó và lũ bạn nó cũng bắt đầu nhìn nó một cách khác.
Thân hình nó bắt đầu nẩy nở thành một thiếu phụ. Rồi vẻ duyên dáng, nét đẹp đến với con bé: một đóa hoa trên đồng hoang.
Con trai lẫn đàn ông theo nó với cái nhìn thèm muốn. Con bé cảm thấy cái thèm muốn đó dính trên thân mình.
Đã sống khôn lỏi lăn lộn với bọn con trai, con bé bắt đầu hiểu và thấy nỗi nguy hiểm nhưng lại thích khiêu khích trêu chọc ai lại tán nó.
Cha con bé thì thấy mắc cở vì con gái mình nay không còn là một con bé nữa: ông không biết làm sao giữ nó.
Thật thế, bọn theo đuổi nó bắt đầu bu lại xung quanh trái cấm mơn mởn mới chín mọng. Con bé cười cợt nhưng cha nó thì không. Ông biết cuộc sống tự do và chung chạ đồng quê thường đưa đến những hậu quả như chửa hoang và con hoang. Cần giải quyết vụ con gái ông ngay, nó quá xinh đẹp quá nhiều nguy hiểm.
Trong làng đó có một lão nông dân già nổi tiếng là giàu xụ nhưng lại keo kiệt. Lão có lắm pesos dấu kỹ nhờ cho vay lãi cao, có lần lão ra tay “cứu trợ” chủ nhà trọ đồng thời là nhà kho nhưng cứu kiểu gì mà cho vay rồi tịch biên cả tài sản khi con nợ không trả nổi.
Lão sống một mình. Có lẽ góa bụa: ai mà biết được thân thế của những ai sống trong pampa từ đâu đến, đến đây làm cái gì? Một đêm lão tình cờ gặp con bé, lão giữ nó lại rồi nói những lời lẽ ngọt ngào như cha con nhưng lại hàm ý tình cảm và ham muốn không có gì là phụ tử.
“Cháu xinh lắm, đẹp lắm ...”
“Thế à?”
“Lão thích cháu lắm.”
“Xem kìa, rõ nỡm!”
“Nhưng lão muốn xem em đẹp hơn nữa. Sắc đẹp em cần áo đẹp, váy lụa, bông tai vàng, sâu chuỗi đẹp...”
“Em cũng thấy thế nhưng áo đẹp, váy lụa, bông tai vàng, sâu chuỗi đẹp là những thứ đắt tiền mà em không có được một xu.”
“Tiền? Lão có mà, lão có cho em đó.”
“Em tin lão có tiền vì ai cũng nói thế nhưng họ cũng nói là lão keo kiệt.”
“Láo khoét. Lão chỉ cần kiệm thôi nhưng với em thì lão chả cần giữ tiền. Đi! Em ném đi bộ quần áo rách bươm đó đi... lão sẽ cho em quần áo mới đẹp.”
“Vậy thì đưa đây.”
“Nếu em đến nhà lão, mình sẽ kêu tên thợ may của lão đến đo cắt, rồi em sẽ thấy lắm thứ đẹp lão có trong nhà.”
“Cám ơn nhưng em không thích.”
“ Em lầm rồi. Em ...”
“Không thích.”
Con bé bỏ đi, miệng bật cười xấc xược. Nhưng lão già dê không bỏ cuộc. Lão đi theo nó, tìm cách gặp nó vào buổi chiều trên đường về nhà sau giờ học.
“Này em... Em có thể thành giầu có.”
“Không thích.”
“Em không thích giầu?”
“Em không thích lão.”
Và nó cười thẳng vào mặt lão già. Vừa nhỏ thó, vừa già, chảy dãi ... Ghê!
Nhưng ngọn lửa đam mê đã cháy bùng trong lòng lão và lão nhất quyết đòi cưới con bé. Đúng là lão bất chợt nổi hứng.
Cha con bé không ngờ. Bộ lão già giầu nhất bần tiện nhất trong làng chỉ biết yêu tiền bạc định ngạo ông để biến ông thành trò cười cho thiên hạ?
“Ai mà ngạo! Lão đây nghiêm túc xin hỏi cưới con gái ông làm vợ. Tôi cảm thấy quá cô đơn, tôi thích con nhỏ. Tôi sẽ làm cho nó và ông giầu. Chả lẽ một khi con gái giầu rồi cha nó còn phải làm lụng sao?”
“Thật à? Thật thế? Ông không đùa chớ?”
“Không.”
“Lậy trời! Không phải làm lụng nữa? Lậy trời! Ông đừng nghĩ gì khác. Ông sẽ lấy nó.”
Xong, dễ à! Đứa con gái cười ngay cả vào mặt cha nó.
Hai lão già bèn ra tay nặng nhẹ tìm cách thuyết phục con bé: nhốt nó trong phòng, bắt nhịn ăn, thỉnh thoảng nổi đóa bạt tai. Cưới lão già giầu có đó hay sống một cuộc đời hy sinh và làm lụng. Đứa bé gái kháng cự vài ngày xong bỏ nhà trốn đi.
Nó đi sang một ngôi làng khá xa và gặp một người đàn ông tốt bụng cứu giúp nó, đem nó về cho ăn uống tử tế, cho tá túc.
Nghe đến đây tôi hỏi:
- Con chịu là của người đàn ông đó?
- Con chưa chịu, chưa thành ... hay ít ra là ... Nói tóm lại ông ta ... anh ấy là người hảo tâm, không bao giờ đòi con điều gì, không lợi dụng như bọn đàn ông kia mỗi khi gần gái. Anh ta chỉ cần con dọn cơm ăn khi anh đi làm về và khi đêm đến thì hát lên những bài ca hay. Rất tốt bụng. Con thấy anh ấy muốn con lắm nhưng chưa dám nói ra vì sợ con giận. Bộ anh ta tính nhút nhát, dịu dàng? Hoặc chỉ muốn làm việc thiện thôi? Dần dà sự tế nhị của anh đã chinh phục lòng con và con cũng bắt đầu muốn anh. Rồi ... Con không biết nó xảy ra thế nào ... nó xảy đến mà anh ta và con không nghĩ tới, như là chuyện phải đến, thế thôi. Đối với con chuyện đó là đúng bởi vì nó đến từ lòng yêu thật tình của hai người. Sau đó chúng con đã trải qua hai tháng thật hạnh phúc. Mỗi khi nghĩ lại, con còn cảm thấy một cái gì dịu dàng âu yếm trong tim mà trước kia chưa bao giờ từng có. Và chúng con ngày càng thêm hạnh phúc. Nhưng rồi anh phải lên đường đi với các tay gaucho khác và nhóm nông dân dẫn đàn bò đi về đồng bằng dưới miền Nam. Cuộc hành trình kéo dài ba tuần lễ dưới mặt trời đổ lửa và bụi mù do năm ngàn con bò tung lên.
- Con đi với hắn?
- Con muốn đi lắm. Ra đi sẽ là một giải thoát cho con nhưng không được. Anh ấy cũng muốn đem con đi nhưng không được. Có quá nhiều đàn ông con trai trong đoàn. Sau vài ngày du hành với một đứa con gái như con sẽ có ẩu đả đâm chém dù con không làm gì. Anh đề nghị con chờ ngày anh trở lại.
- Và con chờ?
- Con chờ được ba tháng, chờ một mình? Con không có can đảm hứa hẹn gì, con sợ. Chúng con đã khóc rất nhiều ngày chia tay, nói với nhau ngày tái ngộ sẽ rất đẹp nhưng trong tâm khảm biết chắc sẽ không bao giờ gặp nhau lại. Anh đã tặng con một con ngựa và năm ngày sau khi anh ra đi, con cũng lên đường chu du. Không một ý định xấu xa gì. Con đi lang thang đây đó, đến những làng lẻ trên bình nguyên để làm việc, thật đấy. Nấu nướng, giặt giũ tại các nhà trọ.
- Con tìm được việc làm?
- Lúc ban đầu.
- Lũ đàn ông con trai không bu lại?
- Có chứ nhưng con chống chỏi. Khó lắm nhưng con cố. Và con thích cuộc sống độc lập như vậy. Mình cảm thấy một niềm vui, niềm hãnh diện! Rồi, một lần ... Con người đâu phải luôn luôn làm chủ được hành động của mình. Và sau đó con bắt đầu đi đến các làng mạc mà trong đầu không nghĩ đến việc nấu nướng giặt giũ. Con làm việc xấu? Con không biết. Nhưng biết làm gì khác khi mình cô đơn lạc lõng? Bây giờ thì mỗi đêm con đến một ngôi làng, con chắc chắn sẽ tìm được người để hủ hỉ qua đêm. Đã nhiều lần họ năn nỉ con ở lại nhưng con quyết không bao giờ ở hơn một ngày.
- Bộ con muốn đi hoang mãi?
- Ai biết được. Có lẽ thế. Nhưng tâm hồn con là tâm hồn lãng tử và lạc thú một đêm có thể trở thành một sợi xích cột chân mình và con lại sợ tình yêu. Con nói không đúng sao? Con biết yêu là đau khổ. Thay vì thế, con được tự do và đi theo số phận mình.
Đến đây tôi hỏi con bé số phận nó là gì và bất chợt thấy khuôn mặt lanh lợi của con bé sáng lên một niềm vui và nó nhẩy cỡn lên:
- Con sẽ đi lên Buenos Aires. Một hôm bạn con nói có một thành phố đẹp tuyệt vời, lắm cung điện và người ta ăn mặc đẹp lắm, đêm đến thì đèn bật lên, nhiều đèn đến độ sáng như ban ngày.
- Và con sẽ làm gì trên Buenos Aires?
- Không biết nhưng con sẽ đi đến các rạp hát. Con biết vũ, biết hát.
Ồ, cô bé du mục, cô bé gái của đồng hoang đã bị ánh đèn phồn hoa đô hội mê hoặc thôi thúc rồi sao?
Với nhiều nhiệt tình và với tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết con bé có thể đương đầu với bất cứ cam go nào trong số phận. Tôi nghĩ là nó có lắm tài năng nghệ sĩ tiềm tàng trổ ra sau này. Biết đâu đó? Đã có nhiều trường hợp như vậy.
Tôi buột miệng nói với nó:
- Mai đây bác sẽ về lại Buenos Aires, vài tuần nữa.
Con bé nhìn tôi mắt đầy ngạc nhiên.
*
Buổi chiều đã trễ.
Gã gaucho trong giờ ăn sáng dẫn con ngựa đi uống nước, hắn bảo tôi thế, rồi cầm bao thức ăn và chai bia tôi đưa. Hắn tế nhị dẫn ngựa đi xa xa để tôi được kín đáo với đứa con gái. Hắn trở lại vài giờ đồng hồ sau, bảo tôi đã đến lúc phải đi để tránh đến làng lân cận quá khuya để sáng sớm hôm sau lên đường tiếp tục đi đến trang trại bạn tôi.
Tôi nói hắn:
- Chiều nay tôi không muốn đi đâu hết.
Gã buột miệng thốt:
- Sao?!
- Không sao gì hết. Tôi thích ở lại đây.
Gã gaucho ấp úng:
- Xin lỗi ông! Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm ông.
- Không sao đâu chú em. Tôi chợt nảy ra ý ở lại đây vì khí hậu tốt, gió mát mẻ. Trên xe tôi có một cái lều, ngủ đã lắm. Tôi cắm trại ở đây vì muốn được sự yên tịnh cô đơn ngoài đồng.
Gã theo phản ứng đưa mắt nhìn đứa con gái. Bộ hắn không tin vào sự yên tịnh cô đơn sao? Nhưng lần này gã biết thân, không dám thốt “Sao!”, chỉ khiêm tốn hỏi tôi có cần hắn giúp không. Tôi đáp không, nói cám ơn.
Hắn chào tôi rồi lên lưng ngựa phóng đi.
Đứa con gái nhìn tôi ngỡ ngàng.
- Bác ngừng chân chỗ này?
- Ừ, vì bác thích chỗ này, chiều này bác không muốn đi đâu hết.
Con bé nói như thể nó đang theo đuổi một ý nghĩ nào:
- Thế còn con, làm gì đây? Bây giờ trễ rồi. Nếu đi con sẽ bị kẹt ngoài đồng.
- Ở lại đây. Con dọn cơm tối ra mình ăn. Bác thấy là con khéo lắm, và rồi con sẽ giúp bác dựng lều.
*
Khi nghĩ về vụ này, tôi lấy làm ngạc nhiên về cái quyết định bốc đồng.
Nhưng con bé có nét cười yêu kiều dịu dàng lẫn ngoan ngoãn và nhậm lẹ của một đứa con gái nô lệ, là những cái làm cho nó thật dễ thương. Nó còn có vẻ ngây ngô rất trẻ con thật không ngờ đến độ làm tôi thấy vui vui khi nó cất tiếng hát những bài ca quê. Nó thật sự có khiếu ca hát.
Trẻ trung, tươi tắn, cặp mắt long lanh, khuôn mặt rực rỡ, điệu bộ nhẹ nhàng của một con mèo ... Một sinh vật vô cùng dễ thương, một tặng vật nảy nở trời cho tôi vào lúc đang thật cô đơn. Tôi cố hưởng niềm vui đang đến như là đi trên một cuộc hành trình tình cảm.
Sáng hôm sau gã gaucho trở lại cho tôi hay mấy người bạn tôi, chủ của hắn, lại đang bận đưa một đứa con gái của họ đi Rio Blanco vì con bé bị thương khi ngã ngựa và họ sẽ đi vắng vài ngày. Tôi bảo hắn đi lại làng gần nhất, độ ba chục cây số, để mua thêm lương thực.
Hắn ngoan ngoãn nghe lời, không thắc mắc, không một lời, như thể đó là chuyện đương nhiên.
Thế là tôi được ở lại thêm một thời gian để tận hưởng cuộc sống sơ khai tuyệt vời vì tôi cảm thấy nó sôi động hơn vì tuổi trẻ của con bé chệt, con bé càng ngày càng xinh tươi thêm, làm tôi vui hơn. Một con nô lệ ngoan ngoãn.
Tôi tổ chức một buổi đi thăm một làng lân cận. Tôi ghé vào tiệm tạp hóa duy nhất trong làng, nguồn vui nho nhỏ cho mấy cô gái quê, mua cho con bé cái váy đẹp nhất trong tiệm làm cho nó vui lên đến độ mắt long lanh, tôi cũng mua tặng nó một ít nữ trang quê mùa giá vài đồng. Một ngày nọ con bé đi lên một ngọn đồi xa nơi có một nhà trọ xưa để nấu một bữa cơm trưa kiểu quê tuy dã chiến nhưng thật khéo và ngon. Tôi khen nó không ngớt lời làm nó vỗ tay nhẩy cỡn lên như một đứa con nít.
Tôi cảm thấy được con bé để ý chăm sóc, tôi thấy nó lộ một niềm vui rạng rỡ ra mặt với việc tôi bất chợt nghỉ chân nơi đây đã làm cho cuộc đời nó thêm hương vị. Nó liên tục nghĩ ra chuyện làm để cho thấy nó có ích, duyên dáng ngọt ngào làm tôi vui lòng.
Một lần tôi nói với nó:
- Cô bé du mục kia, cô bé thật là một đứa bé gái dễ yêu. Cô bé có thể đem hạnh phúc cho đàn ông.
Nó không biết đáp sao nhưng nhìn tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên.
Đến ngày thứ tư nó hỏi tôi:
- Bạn bác đang chờ bác, bộ bác không nghĩ đến chuyện đi tìm họ sao?
- Không, bác không còn nghĩ đến chuyện đó, không nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác. Ở đây thú hơn.
Im lặng. Tôi hỏi nó:
- Còn cháu?
Nó đáp:
- Như là một giấc mơ cho con. Đẹp quá! Cứ như một giấc mơ.
*
Tôi bắt đầu có thói quen thức dậy khi mặt trời ló dạng.
Con bé chuồn ra khỏi lều tự khi nào và khi tôi vừa thức thì ly sữa hay tách trà nóng khói nghi ngút đã có sẵn, nó còn dọn sẵn bánh mì với bơ và mứt, bóc mấy trái cam mà nó vừa chạy xuống dưới làng mua.
Buổi sáng hôm đó tôi thức dậy giờ như thường lệ. Góc cửa lều không vén lên như mọi hôm. Tôi cất tiếng gọi đứa con gái: không có tiếng đáp. Tôi đứng dậy đi ra. Gài trên lều là một miếng giấy.
Nét chữ con bé viết còn thật trẻ con.
Nó viết:
“Ông bác thân mến, giấc mơ quá đẹp, đẹp quá vì con muốn mơ tiếp. Con thật hạnh phúc, hạnh phúc thật nhiều mà con sẽ không bao giờ được như thế suốt đời mình nhưng con rất hãi mỗi khi thức giấc. Khi xưa con không tin mình sẽ được hạnh phúc như vậy, rằng cuộc đời được êm ả và hít thở mãi hương thơm trong bầu không khí và cảm nghĩ luôn tràn đầy ánh bình minh. Niềm vui bao la! Quá nhiều vui, sống thế quá đẹp. Con không thể tiếp tục được. Thức giấc làm con sợ hãi. Nếu con ở lại thì sau này làm sao con có nghị lực để rời xa? Và con biết rồi con sẽ phải đi. Con không là người đàn bà bác có thể đem theo. Đi bây giờ sẽ đem lại cái chết nhẹ nhàng nhưng con phải đi. Con đi để tránh nỗi đau khổ to lớn hơn. Có lẽ sau vài ngày thì con sẽ không còn biết đến nữa và ai biết được con sẽ khóc nhiều thế nào. Bác rất tốt, quá tốt, nhưng không thể tốt vậy cả đời. Khi bác trở về thành phố lớn, bác sẽ có nhiều bà khác và đứa con gái đồng hoang sẽ chả là gì. Khi đó thì con làm gì? Con bỏ đi, con khóc bây giờ để không khóc sau này. Con là đứa đi hoang mà, đứa con gái đồng hoang. Bác đã thật tốt bụng với con! Con nuốt nỗi đau mà bỏ đi nhưng nếu hôm nay không đi thì mai này ai sẽ cứu con? Con xin được hôn tay bác, bác tốt bụng, hôn tay bác thật âu yếm như chưa bao giờ, một lòng âu yếm với thật nhiều thân yêu đến đau lòng. Và nếu một ngày nào đó mình gặp nhau lại ... Nhưng mình sẽ không gặp nhau lại. Hôm nay mặt trời không mọc”.
Arnaldo Fraccaroli
Bùi Ngọc Khôi chuyển ngữ
(1) pampas: những vùng đồng bằng bao la ở cao độ thấp tại Nam Mỹ với đất đai rất phì nhiêu và những ngọn gió Bắc rất mạnh, nằm trong lãnh thổ Á Căn Đình, Ba Tây và Uruguay
Gửi ý kiến của bạn