- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vấn Đề Tài Liệu Nghiên Cứu Việt Sử (phần 1)

10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 92803)

320666_tunnel_0_300x200_1

Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-968) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.

(Việc đổi từ lịch Ta qua lịch Tây xúc tiến được nhờ một dụng cụ hữu ích là bộ Lịch Vạn Niên của Lý Quí Ngưu, 3 tập, Hà Nội: NXB Văn Hoá Thông Tin, 2004. Mặc dù còn đôi chỗ sơ xuất về niên phổ các triều Trung Hoa, bộ lịch thật giá trị. Đa tạ Giáo sư Mai Quốc Liên đã gửi cho tôi tài liệu này)

Mặc dù đã hoàn tất việc sơ thảo ít năm trước, suốt năm qua, tôi chú trọng vào thời hiện đại, nhất là khía cạnh pháp luật hơn sử học.

Một trong những bài viết cần hiệu đính là bài “Tài Liệu Nghiên Cứu Sử” đã in trong Ngàn Năm Soi Mặt năm 2002. Chuyến du khảo Việt Nam từ tháng 11/2004 tới tháng 5/2005, với học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ, giúp thu thập được thêm nhiều tài liệu quí, có cơ hội làm việc tại các văn khố và thư viện Việt Nam, du lịch từ Nam chí Bắc, tiếp xúc nhiều học giả và nhà nghiên cứu trong nước khiến nhiều chi tiết cần được cập nhật.

Là người nghiên cứu chuyên nghiệp, với tôi, chỉ có sự thực lịch sử mới quan trọng. Tôi không ngả theo, chiều chuộng một thế lực hay cá nhân nào, mà những điều đã và sẽ viết chỉ là sản phẩm của hơn 30 năm nghiên cứu, với hy vọng những thế hệ mai sau nhìn rõ chân diện dân tộc mình, hầu rút ra những bài học hữu ích cho bản thân, cũng như những dự tính phục vụ đất nước, nhân loại.

Tôi không hề có tham vọng chính trị hay một mục đích nào hơn làm tròn trách nhiệm một người học sử. Hơn 2000 năm trước, Trang Chu từng viết: Ngọn gió thổi qua rừng núi, hang động, phát ra muôn vạn âm thanh khác nhau; thế nhân thường chỉ nhận hiểu được những tiếng vang trầm bổng, dị biệt ấy; ít ai tìm hiểu đến cái uyên nguyên của gió. Đời sống nhân loại cũng vậy. Chúng ta chỉ thường được chứng kiến những màn ảo thuật trước mắt, ít ai tận tường những mưu mẹo, bàn định phía sau hậu trường.

Việt Nam không là một đại cường, nhưng cũng là một quốc gia không nhỏ, thiết lập được vị thế đáng nể trọng tại Đông Nam Á và trên thế giới. Khả năng tự sinh tồn và ngày một phát triển, hùng mạnh hơn là công lao, xương máu của biết bao thế hệ. Không hiểu biết tường tận lịch sử dân tộc, đất nước mình mới nẩy sinh những tinh thần chia rẽ, hướng ngoại, hay nuôi dưỡng tham vọng độc tôn–thuận ta thì sống, nghịch ta thì diệt–của luật kẻ mạnh đã có hàng chục ngàn năm lịch sử với những cơn điên rồ tanh máu.

Ở những năm đầu một thiên niên mới không thể dấu diếm niềm ao ước của tôi về sự phục hưng của tinh thần yêu chuộng sử văn trong giới trẻ, và một chương trình giáo khoa mà sử học là một trong những tín chỉ bắt buộc cho các sinh viên đại học.

Ngoài ra, cũng mong giới đồng nghiệp trong nước khởi đầu–hoặc tiếp tục–chương trình sử dụng DNA để sớm giải quyết vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt. Chấm dứt tình trạng “dĩ nghi truyền nghi” trong quốc sử về những tiếng “Hùng” hay “Lạc,”tránh được cảnh những người hồ đồ, thiếu kiến thức hăm hở “khỉ sự”xưng tội rằng tổ tiên mình là người Tàu!

Khi từ Việt Nam trở lại Mỹ, tôi đã có dự định tìm tài trợ cho kế họch này, nhưng sức khoẻ đột ngột suy yếu, đành bỏ dở cùng nhiều dự tính khác.

Bài viết này xin được viết và hiệu đính trong niềm tưởng niệm John R. W. Smail và Richard D. Coy, hai sử gia đã dìu giắt tôi ở những bước đầu vào sử học. Nhưng mọi thiếu sót riêng tôi trách nhiệm.

 

Houston, 9/3/2009

 

 

Người học sử Việt nào cũng bị đối mặt nhiều trở ngại nhức đầu. Nào là vấn đề tên nước, tên dân, nguồn gốc dân tộc. Nào là vấn đề ngày tháng, niên đại. Nào là những âm mưu hiểm độc của ngoại cường dưới chiêu bài khai hóa, tự do, dân chủ, trộn lẫn với tham vọng quyền lực, lợi danh của các phe nhóm bản xứ, với bảng hiệu đấu tranh giành độc lập, giải phóng, v.. v... Căn nguyên chính của chứng nhức đầu kinh niên trên là vấn đề tư liệu, hay thiếu tư liệu.

 

Mặc dù các sử quan Việt cho rằng nước cổ Việt xuất hiện từ năm 2879 Trước tây lịch [TTL], mãi tới thế kỷ XIII, nước ta mới có bộ quốc sử đầu tiên, tức Đại Việt Sử Lược của Bảng Nhãn Lê Văn Hưu (1272). Hơn một thế kỷ sau tới bộ Việt sử cương mục (1386-1427) của Hồ Tông Thốc, hoàn thành vào cuối đời Trần (1226-1400). Nhưng hai bộ sử này bị thất lạc trong thời gian nhà Minh chiếm đóng nước ta (1407-1427). Vào đầu triều [Hậu] Lê, Phan Phu Tiên soạn Sử Ký Tục Biên (1455). Rồi dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1479), gồm 2 phần: Ngoại kỷ (5 tập) và Bản Kỷ (10 tập). Các đời sau tiếp tục viết thêm (tục biên): Vũ Quỳnh (Đại Việt thông giám), Lê Tung (Đại Việt thông giám tổng luận, 1514), Phạm Công Trứ (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, Tục Biên, 1665), Lê Hi và Nguyễn Quí Đức (Bản Kỷ, Tục Biên, 1697), Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá (Quốc sử tục biên), Nguyễn Nghiễm (Việt sử bị lãm), Lê Quí Đôn (Đại Việt thông sử, hay Lê triều thông sử, 30 quyển; và Quốc triều tục biên, 8 quyển), Ngoài ra, còn các bộ Trung hưng thực lục (1289?) của Trần Nhân Tông; Lam sơn thực lục (1431-1432) của Lê Thái Tổ; Thiên nam minh giám của họ Trịnh; [Lê triều] Trung hưng thực lục của Lê Tương Dực (1504-1509), hay các sách tư của họ Ngô, Lịch triều tạp kỷ của họ Cao [có lẽ là Ngô Cao Lãng] tại Ái châu [Thanh Hoa] và con là Siển Trai. (Emile Gaspardone, BEFEO, số 34 (1934), tr. 1-167 tại 75) v.. v...

Tóm lại, quốc sử Việt mới chỉ xuất hiện từ thời Trung cổ. Và vì các điều kiện chính trị, chiến tranh, ý thức hệ (Khổng giáo), thiếu phương tiện bảo quản (giấy rách nát, mọt hoặc mối ăn, chiến tranh), không những sách của Lê Văn Hưu và Hồ Tông Thốc bị thất lạc, tuyệt bản, ngay đến bộ sử của Ngô Sĩ Liên cũng không còn nguyên vẹn. Nó đã bị sửa chữa, hiệu đính qua các lần sao chép, tục biên, v.. v... Bộ quốc sử cũ nhất mà chúng ta được đọc là bản in vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

 

Năm 1798, vua Quang Toản nhà Tây Sơn (1778-1802) cũng cho lệnh sử quan Bắc thành chép sử. Vì bộ Đại Việt Sử Ký cũ nhất bị thất lạc, sử quan phải chép lại từ đời Hồng Bàng tới thập nhị sứ quân làm Ngoại kỷ, và mở đầu Bản kỷ bằng Đinh Tiên Hoàng cho tới ngày bị Minh chiếm đóng [1407], gồm 17 quyển. Ngô Thì Nhiệm có lẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và khắc bản.

Đến đời vua Tự Đức (1848-1883), quốc sử quán nhà Nguyễn hoàn tất bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhưng chỉ khắc bản năm 1884 (đời Kiến Phước, 1883-1884). Ngoài ra, còn hai bộ Đại Nam Thực Lục, từ chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến vua Đồng Khánh (1885-1889), và Đại Nam Liệt Truyện.

Tất cả các bộ sử này đều gây nhiều vấn nạn.

 

 

 

Từ thời Pháp thuộc đến nay, vấn đề biên soạn sử tiến bộ hơn, nhưng vẫn chưa có những nghiên cứu thực sự giá trị. Số người được huấn luyện chuyên nghiệp ngành sử học quá ít. Đa số những người nghiên cứu hoặc viết sử đều là nhà mô phạm, hoặc coi sử như một thứ giải trí thanh cao. Bởi thế, các tác phẩm giá trị nhất đều do học giả ngoại quốc hay học giả Việt ở hải ngoại soạn thảo. Một trong những lý do chính vẫn là thiếu sử liệu. Ngoài ra, còn những áp lực chính trị giai đoạn của chế độ cầm quyền, các tổ chức, phe phái có thế lực khiến sử gia không dám chép hết sự thực; hay thiếu phương tiện vật chất để hoàn thành các tác phẩm tốt, v.. v... Nhiều bộ “sử” chỉ thuần là tài liệu chiến tranh chính trị hoặc truyền giáo. Đa số tác giả, và từ đó người học sử đời sau, dễ bị lạc vào mê hồn trận của các hệ thống tuyên truyền cực kỳ tinh vi của nhiều phe phái, xà cừ mà tưởng lầm thành bạc.

Bài viết này chỉ chú trọng vào vấn đề tài liệu sử. Vấn đề phương pháp sử và triết lý sử sẽ dành cho một dịp khác.

 

I. SÁCH SỬ TỪ THỜI TRUNG CỔ TRỞ VỀ TRƯỚC:

 

Nhiều người tin rằng với bốn ngàn năm văn hiến, dân Việt rất yêu thích lịch sử. Niềm tin này không được phản ảnh qua số sách sử hoàn thành hay việc bảo tồn các sử liệu. Tổng số sách sử còn được lưu truyền vỏn vẹn mươi tựa, vậy mà hầu hết đã tuyệt bản. Các sách sử chúng ta được đọc ngày nay chỉ khắc bản và ấn hành từ cuối thế kỷ XVII. Sách sử cũng thường chỉ tàng trữ tại Bí các (rồi Nội các) hay sử quán (Hàn lâm viện) của các triều đình, rất ít khi lọt ra ngoài. Một số gia đình nổi danh văn học và làm quan to, như họ Ngô ở Hà Đông, mới tồn trữ được những bản tóm lược hay thông sử trong thiên hạ. Chiến tranh với Chiêm Thành, Trung Quốc, và những cuộc nội chiến cũng đóng góp một phần lớn vào việc tàn phá số sách sử cổ thời vốn chẳng dồi dào này. Khí hậu ẩm thấp nhiệt đới, phẩm chất xấu của giấy và bản khắc, mối mọt là yếu tố quan trọng khác. Ngoài ra, còn những loại tội ác văn hóa như các tân trào xé bỏ, thiêu hủy sách vở của các chế độ bại trận (tài liệu nhà Lý, nhà Mạc, nhà Tây Sơn, v.. v...).

Mãi tới thế kỷ XVIII và XIX mới có hai học giả bỏ công ghi chép lại những sách sử đã ấn hành. Đó là Bảng Nhãn Lê Quí Đôn (1726-1784) [Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí; bản Việt ngữ Hà Nội, 1978, tr. 98-113] và Phan Huy Chú (1782-1840) [Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí; bản Việt ngữ Hà Nội 1992, 3:68-77]. Qua hai bộ bách khoa trên, hậu thế mới có được ý niệm tổng quan về các tựa sách đã xuất hiện. Người có công đầu trong việc giới thiệu sách sử Việt với Tây phương là các học giả Pháp vào đầu thế kỷ XX, đặc biệt là Emile Gaspardone. (“Bibliographie annamite” [Thư mục An-Nam]; BEFEO, 34 (1934), tr. 1-167)

Đại cương, các sử quan Việt đều chỉ bắt chước sử quan Trung Quốc để biên soạn quốc sử. Mặc dù có những nỗ lực Việt hóa tư liệu sử Trung Quốc, nhưng vì thiếu sử liệu địa phương, lại bị gò bó trong “thánh Triết” Khổng học, và ràng buộc bằng miếng đỉnh chung cùng danh lợi, những bộ quốc sử Việt còn lưu truyền không chỉ thiếu sót mà đôi chỗ còn thiếu độ khả tín.

 

A. MÔ HÌNH TRUNG QUỐC:

Theo Bảng Nhãn Lê Quí Đôn, nguồn gốc của phương pháp sử Trung Quốc là hai bộ Kinh Thư [Shu Ching] và Xuân Thu [Yinxu].

Kinh Thư (được gọi tâng lên là Thượng thư), chép mỗi việc riêng biệt, từ đầu đến cuối, nên còn gọi là “kỷ truyện.”

Kinh Thư có nhiều bản khác nhau. Theo lời truyền tụng, Khổng Khâu (hay Khưu, K'ung Ch'iu, 551-479 TTL) cũng soạn một bản. Lại có nhiều người bình giải, sửa chữa theo ý mình.

Khổng Khâu tự là Trọng Ni, người nước Lỗ (Lu), thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày nay. Thường được tôn xưng là Khổng tử, chí thánh hay Vạn thế sư biểu [ông thày vạn năm]. Theo truyền thuyết, ngoài bộ Kinh Thư, Khổng Khâu còn soạn Xuân Thu, chú giải Kinh Dịch, v.. v.... (Có người cho rằng Khổng Khâu chẳng soạn được bộ sách nào cả) Muốn hiểu thêm Kinh Thư, người thông thạo ngoại ngữ nên đọc thêm Bernhard Karlgren, The Book of Documents (Stockholm: 1950); Saraphin Couvreur, Chou King: Les annales de la Chine (Paris: 1950); hay Clae Waltham, Shu Ching: Book of History (Chicago: 1971).

 

Xuân Thu (tức sử nước Lỗ), vẫn theo lời truyền thuyết, do Khổng Khâu soạn theo lối “biên niên.”

Xuân Thu được coi như nguồn gốc sử học Trung Hoa. Bộ Xuân Thu có ba bản chú giải: một của Tả Khâu Minh (Tso Ch'iu-ming, cùng thời với Khổng Khâu), gọi là Tả Thị Xuân Thu hay Tả truyện (có thuyết cho là của Tả Khưu, đời Tấn); một do Công Dương Cao (Kung Yang-kao, cuối đời Chu), thường gọi là Công Dương Truyện, và một của Cốc Lương Xích (Ku Liang-ch'ih, đời Hán), tức Cốc Lương truyện. Chính bản của Khổng Khâu và ba bản diễn nghĩa chỉ được truyền khẩu, ai muốn hiểu sao cũng được. Vì sợ va chạm với người quyền thế, sách bị dấu kín, chưa ai được thấy nguyên bản. Nhưng môn đệ Khổng Khâu (như Mạnh Kha) thích ca ngợi Xuân Thu “là việc của Thiên tử,” hay “Khổng tử viết xong Xuân Thu mà rồi loạn thần, tặc tử sợ.” (Xuân Thu Tam Truyện [Hoàng Khôi 1969], I:11) Zhu Xi [Chu Hy, 1130-1200), tán thêm: “Sách Xuân Thu căn cứ vào đương thời đại loạn, thánh nhân cứ thực sự chép ra. Còn như được hỏng, phải trái, đã có hậu thế luận bàn.” (Ibid., I:31) Nói cách khác, Xuân Thu cùng ba bản diễn nghĩa là một tổng hợp kiến thức nhiều đời; chẳng ai rõ chữ nào của Khổng Khâu, câu nào của người khác. Mãi tới thời nhà Hán (206 [202] TTL-8 STL, 25-219), Đổng Trọng Thư mới khởi dạy sách Xuân Thu. Từ đó, Xuân Thu còn tam sao thất bản hơn nữa.

Xuân Thu cùng ba bản giải thích của họ Tả, họ Công, họ Cốc đã được dịch qua tiếng Việt, gọi chung là Xuân Thu Tam Truyện (bản dịch Hoàng Khôi, 3 tập, Sài Gòn: 1969). Những câu ngắn ngủi như “ẩn công, Nguyên niên, Xuân vương chính nguyệt; tam nguyệt, công cập Châu Nghi Phủ minh vu miệt” [ẩn công, Năm đầu, mùa Xuân tháng Giêng [vua nhà Chu lên ngôi] vương; Tháng Ba, [Lỗ] Công [và] Châu Nghi Phủ thề ở đất Miệt], v.. v... thật tối tăm, khó hiểu với người đọc. Dù giống như thể ghi niên biểu sơ lược sau này–theo theo kiểu một chuỗi keywords [chữ chính] chắp nối với nhau, và không ai hiểu được ý nghĩa nếu không đọc thêm những lời bình giải. Nhượng Tống sử dụng những tiếng nặng nề như “băm nhau” để đánh giá Xuân Thu, nhưng nhận xét này hơi quá đáng. Nội dung hay kỹ thuật Xuân Thu chẳng có gì đáng kể, nhưng tính chất cổ thời và giá trị lịch sử là điều không ai có thể phủ nhận–một tác phẩm với hơn hai ngàn năm tuổi đời mà nội dung ngày một nhiều chi tiết hơn, tổng hợp quan niệm sử và chính trị của các nho gia Trung Quốc.

 

Shih chi [Sử Ký] của Sima Qian [Ssu-ma Ch'ien, Tư Mã Thiên, ca. 145-86 TTL), đời Hán–một trong 21 bộ “chính sử” của Trung Quốc trước thế kỷ XVII–cũng là khuôn vàng, thước ngọc của sử quan Việt. Sách này chép theo lối kỷ truyện. Sau Sử Ký, sử quan và văn gia Việt rất ưa chuộng các sách Tư Trị Thông Giám [Tsu-chih t'ung-chien] của Tư Mã Quang (1019-1086), và Thông Giám Cương Mục của Chu Hy, còn được biết như Chu Tử, Trúc Đình, hay Tử Dương. Hai sách này cũng theo thể biên niên. (Lê Quí Đôn, Đại Việt Thông Sử, bản dịch Ngô Thế Long & Văn Tân [Hà Nội: 1978], tr. 19-20).

Các sử quan Việt thiên về phương pháp “biên niên,” nhưng đôi lúc cũng linh động áp dụng lối “kỷ truyện.” Bộ Đại Việt Sử Lược của Lê Văn Hưu–soạn từ cuối đời Trần Thái Tông (1226-1258) tới năm Nhâm Thân (1272) đời Trần Thánh Tông (1258-1278) mới hoàn tất, gồm 30 quyển, từ đời Triệu Võ Vương (207-137 TTL) tới Lý Chiêu Hoàng (1224-1226)–chép theo lối biên niên như Thông Giám Cương Mục của Chu Hy [(Chỉ nên tìm ra ý định [intentions] của tiên Thánh khi đọc kinh sách)]. Nhưng thỉnh thoảng có lời bình giống như Sử Ký của Tư Mã Thiên (kỷ truyện). (Theo Lê Tắc, Lê Văn Hưu sửa sách Việt Chí của Trần Tấn; ANCL, 1961:237)

 

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên–dựa trên các bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu (1272), Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên (1455) và Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi (1435)–vẫn theo cách biên niên, nhưng thêm vào các mục, loại (tị sự), “chê, khen, phân biệt người hay kẻ dở” theo kiểu Xuân Thu của Khổng Khâu và Sử Ký của Tư Mã Thiên.(“ Biểu dâng sách;” Toàn Thư [Giu 1967], I:20)

Phan Phu Tiên sinh quán tại làng Vẽ (Đông Ngạc), huyện Từ Liêm, Bắc Ninh. Ông có công sửa lại bộ Việt sử cũ (không chép tháng), từ Trần Thái Tông (1226-1258) tới năm 1427.([ KĐ]VSTGCM, 18:29, I:970)

Nguyễn Trãi (1383-1442) là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê; lưu lại hậu thế một sự nghiệp văn học đáng kể, đặc biệt là bộ Ức Trai Tập.

 

Như đã lược nhắc, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn lưu truyền hiện nay không phải là nguyên bản của Ngô Sĩ Liên, mà đã được hiệu đính, sao chép lại nhiều lần.

Những người viết tục biên có:

(1) Đầu thế kỷ XVI, Vũ Quỳnh viết Đại Việt thông giám, hay Việt giám thông khảo. Chép từ đời Hồng Bàng tới Thập nhị sứ quân (966) làm Ngoại kỷ. Bản kỷ khởi từ Đinh Tiên Hoàng (968-979) tới năm đầu [Hậu] Lê Thái Tổ (1428).(“ Phàm Lệ,” Toàn thư [Giu 1967], tr. 21)

(2) Lê Tung [Dương Bang Bản, 1452-?] viết Đại Việt thông giám tổng luận, hay Việt giám thông khảo tổng luận (1514), tóm tắt bộ sử của Vũ Quỳnh cho vua Lê Tương Dực (1510-1516) đọc. (Toàn Thư [Giu 1967], I:39; KĐVSTGCM, q.26, tờ 11A)

(3) Đầu đời Lê Huyền Tông (1662-1672), Phạm Công Trứ (1600-1675) soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, Tục Biên (1665), gồm 23 quyển. Chép từ thời Hồng Bàng tới Lê Thái Tổ, y theo sách Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh. Riêng phần Bản Kỷ, Tục Biên–từ Lê Lợi tới Lê Cung Hoàng (1522-1527), tức quyển 11-15, và từ Lê Trang Tông (1533-1548) tới Lê Thần Tông (1619-1643, 1649-1662)–dựa theo Thực lục. (Phan Huy Chú, (Hà Nội: 1992), 3:71; Gaspardone, BEFEO, số 34 (1934), tr. 59). Đây là bộ sử đầu tiên được khắc bản, ấn hành. (Phan Huy Chú, (Hà Nội: 1992), 3:72) Tuy nhiên, bản khắc mới chỉ hoàn tất được 5, 6 phần mười.

(4) Trong thời Lê Hy Tông (1680-1705), Lê Hi (1648-1703) và Nguyễn Quí Đức, soạn Sử ký Tục biên, chép tiếp đến cuối đời Lê Gia Tông (1662-1675). Gồm 5 tập Ngoại kỷ và 19 tập Bản kỷ Tục Biên (1697). Được khắc bản, ấn hành. Đây là bộ sử còn lưu truyền đến hiện nay. (Xem bản dịch Cao Huy Giu [Hà Nội: NXB Khoa Học, 1967]; Đào Duy Anh “hiệu đính, chú giải và khảo chứng.”)

(5) Đời Lê Hiển Tông (1740-1786), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá soạn Quốc sử tục biên. Gồm 6 quyển, chép từ Lê Hy Tông (1675-1705) tới Lê Ý Tông (1735-1740). (Phan Huy Chú, 1992, 3:73)

(6) Nguyễn Nghiễm (1708-1775) soạn Việt sử bị lãm. Gồm 7 quyển.

(7) Năm 1775, Nguyễn Hoản [Hoàn?] (1713-1792), Lê Quí Đôn, Vũ Miên (1718-1788), v.. v... được lệnh soạn Quốc triều tục biên, 8 quyển, từ Lê Trang Tông (1533-1548) tới Lê Gia Tông (1671-1675). Bổ sung chỗ thiếu của sử cũ. [Theo KĐVSTGCM, chép thêm từ đời Lê Hy Tông (1676-1705) tới Lê Ý Tông (1735-1740). (CM. q.44, tờ 26)?].

(8) Đến đời Tây Sơn, năm 1798 Quang Toản cho lệnh viết lại sử. Vì bộ Đại Việt Sử ký bị mất, Ngô Thì Nhiệm (1746-1803?) thu góp tài liệu cũ viết từ đời Hồng Bàng đến thập nhị sứ quân (968) làm Ngoại kỷ, gồm 7 tập, và từ Đinh Tiên Hoàng (968-980) tới năm Lê Lợi giải phóng Đại Việt khỏi ách đô hộ của nhà Minh (1427) làm Bản kỷ, gồm 10 tập; tổng cộng 17 tập. Năm 1800, bản gỗ khắc xong, vua Quang Toản cho in với tựa Đại Việt Sử ký tiền biên. (Gaspardone 1934:65, 73-74; bản dịch của Viện Hán Nôm Hà Nội năm 1997)

Hiện nay, có hai bản dịch Việt ngữ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Một của Nhượng Tống (chỉ có Ngoại kỷ), một của Cao Huy Giu (trọn bộ, 1967, dựa theo bản Lê Hi [1697])

 

Các tác giả Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1856 khởi viết, 1859 hoàn tất, hiệu đính từ 1871 tới 1878, in năm 1884) tự nhận đã theo phương pháp mà bảy thế kỷ trước Chu Hy dùng để viết cuốn Thông Giám Cương Mục. Sử kiện được thuật theo lối biên niên, trước hết tóm lược dữ kiện chính trong vài hàng (cương), rồi diễn giải rõ ràng chi tiết hơn (mục). Tuy nhiên, cách trình bày dữ kiện thì lại theo lối sách Xuân Thu của Khổng Khâu.

Bộ Đại Nam Thực Lục của quốc sử nhà Nguyễn thì, cũng giống như Đại Thanh Thực Lục, theo phương pháp biên niên sử. (Xem, chẳng hạn, Ta Ch’ing Jen Tsung Yue huang ti tu lu [Đại Thanh Nhân Tông [Gia Khánh] Huệ Hoàng đế thực lục] (Taipei: 1964)

 

B. GÁNH NẶNG “THÁNH GIÁO”:

Thứ hai, sợi giây xuyên suốt các nhận định (“đao bút”) trong các bộ quốc sử nhà Lê và Nguyễn nói trên là tinh thần Khổng học như thiên mệnh, chính thống, tam cương, ngũ thường, v.. v... vay mượn từ phương Bắc. Chỉ cần đọc “Phàm Lệ” của các sử quan trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, người ta thấy tinh thần đao bút Khổng giáo quá hiển lộ. Chính vì thế cách sắp xếp các triều đại thiếu tinh thần khoa học, đôi khi vô lý: Như trên thực tế, quân Minh chiếm đóng Đại Việt suốt 20 năm, sử chỉ chép có 4 năm; những năm còn lại chia cho các vua Hậu Trần và thời kỳ kháng chiến của Lê Lợi để bảo tồn “quốc thống!” (Toàn Thư [Giu 1967], I:24) Hay con Lê Đại Hành là Lê Trung Tông vừa lên ngôi được 3 ngày đã bị em là Lê Long Đĩnh giết, nhưng sử quan chỉ cho Ngọa Triều lên ngôi 8 tháng sau “để định tội Ngọa triều cướp ngôi giết anh.” (Ibid., I:23) Lời “Bàn” hay “cẩn án” của các sử quan sau mỗi sự kiện cũng dựa theo nghi lễ và đạo đức Khổng giáo. Đinh Tiên Hoàng (968-979), chẳng hạn, dù được coi như nối dòng chính thống của Hùng Vương (2879-255 TTL), bị chê trách đã lập đến năm hoàng hậu, vi phạm nguyên tắc “tam cương” của Khổng giáo, nên mất đi “thiên mệnh.” (Toàn Thư [Giu 1967], I:45-6, 55) Bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục còn thêm lời “phê” của Tự Đức (1848-1883). Những lời phê này được viết cao hơn văn bản (gọi là viết đề lên). Dù phản ảnh nhân sinh quan và vũ trụ quan của vua vào thế kỷ XIX, nhưng những lời phê trên không thoát khỏi khuôn khổ “chính giáo.” Các tác nhân lịch sử bị đặt lên chiếc giường “thánh giáo” ấy, thừa thì chặt bớt đi, ngắn kéo dài ra cho vừa với khuôn mẫu triết lý chính trị Nho giáo. Đó là chưa kể đến sự thù hằn và lòng ghen tài với những người như Lê Quí Đôn.

Lối viết sử kiểu nhị nguyên này đưa đến lối trình bày và nhận xét nhiều khi quá đơn, giản. Mọi tác nhân bị căng ra giữa hai đối cực chínhngụy. Ki-tô giáo, chẳng hạn, bị lên án là “tả đạo.” Các nhà truyền giáo và giáo mục, giáo dân bản xứ bị lên án là “ngụy” (giặc), “phiến gian thụ đảng” (tụ tập phe đảng làm loạn), “nam nữ hỗn loạn, hạnh kiểm như cầm thú” v.. v.... Ngay đến triều đại lập nhiều chiến công nhất trong lịch sử cận đại Việt như nhà Tây Sơn (1778-1802) cũng bị lên án là “ngụy,” với những cách diễn tả như “tiếm hiệu,” “tiếm ngôi,” “xâm phạm ... nước An-Nam” (khi tiến quân vào Nam truy diệt dòng giõi chúa Nguyễn, hay ra Bắc phò Lê, diệt Trịnh), v.. v... [Xem bài về nhà Tây Sơn]

Lịch sử trở thành tài liệu tuyên truyền, nhồi sọ “thánh giáo”–có thể gọi chung là tài liệu truyền giáo–hơn tấm gương soi mặt ngàn đời, để có thể từ đó rút ra những bài học hữu dụng cho tương lai mà các sử quan mong muốn. (Tổng luận của Lê Tung [1514], Toàn Thư [Giu 1967], I:39)

 

C. THIẾU SỬ LIỆU:

Tư liệu sử dụng để viết các bộ quốc sử Việt phần lớn dựa theo chính sử và dã sử Trung Hoa, được tăng bổ hay chế biến lại theo quan điểm “quốc thống.”

Vì mãi tới thế kỷ thứ X, nước Việt mới giành được quyền tự chủ, việc tìm lại quốc tổ quả thực nhiều vấn nạn. Năm thế kỷ sau, Ngô Sĩ Liên chọn Hùng Vương làm quốc tổ, và lấy Ngô Quyền (939-944) làm đầu mối phục hưng quốc thống của Hùng Vương. Vũ Quỳnh đồng ý Hùng Vương là quốc tổ, nhưng lại khởi viết bản kỷ Đại Việt thông giám từ Đinh Tiên Hoàng (968-979). (“Phàm Lệ,” Toàn thư [Giu], tr. 21) Sử quan các triều kế tiếp đều đồng ý chọn Đinh Tiên Hoàng để mở đầu phần chính biên.

 

Hồng Bàng (2879-258 TTL)

1272: Lê Văn Hưu (1230-1322) không nhắc gì đến nhà Hồng Bàng. Và mở đầu bộ sử của mình bằng Triệu Vũ Vương (Triệu Đà). [Theo Lê Tắc, Lê Văn Hưu chỉ sửa lại bộ Việt Chí của Trần Tấn. (ANCL, 1961:237 [truyện Trần Tấn và Lê Hưu]

Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ghi rằng Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh một trăm con trai; tục truyền sinh 100 trứng. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng, “Ta là loài rồng, nàng là giống Tiên, nước và lửa sung khắc nhau, khó mà hợp nhau được.” Bèn từ biệt nàng, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha xuống ở phương Nam, tôn con trưởng làm Hùng vương nối ngôi. (CM, TB, I:1-2 (Sài Gòn: 1965), I:9-15; ĐVSKTT (Nhượng Tống), tr. 34.

Tự Đức phê:

Kinh Thi có câu: “hàng trăm con trai.” Đó là lời chúc có nhiều con trai. Xét sự thực thì chưa đến số đó, huống chi là một trăm trứng? Nếu quả có như thế thì có khác chi với loài cầm thú, còn là loài người được sao? [Thi vân: Tắc bách tư nam. Thị tụng kỳ đa nam nhi. Khảo kỳ thực diệc vị chi thử, huống bách noãn hồ? Quả nhiên tăc hà dĩ dị ư cầm thú, thượng khả vi nhân hồ?

Chuyện nuốt trứng chim én [hay qụa đen, rồi sinh ra vua lập nghiệp nhà Thương], hay dẵm vào dấu chân người to lớn [rồi sinh ra vua tổ nhà Chu] cũng chưa quái lạ như thế. Thì chuyện ấy với chuyện mình rắn đầu người [Phục Hy], mình người đầu trâu [Thần Nông], đồng một loại hoang đường, không thể kê cứu được.” (CM, TB I:2 (Sài Gòn 1965), II:12-15)

 

Thục (257-208 TTL)

257 TTL [Giáp Thìn]: An Yang wang [An Dương Vương] của nước Thục đánh chiếm Văn Lang, sát nhập vào nước này.

Thành lập nhà Thục (257-207 TTL). Đổi quốc hiệu là Âu Lạc [Ou lo], đóng đô tại Phong Khê. (KĐVSTGCM, TB I:8-9, (Sài Gòn), 1965, I:36-41); (Hà Nội), I:56; (Huế) 1998, I:79] ghi là 267 TTL (Giáp Thìn, Chu Noãn Vương XVIII).

Sử quan triều Nguyễn bác thuyết Thục Phán là người Ba Thục của sử cũ. Thục đã bị Tần diệt từ năm 316 TTL, sao còn vua được? Huống chi từ Ba Thục tới Văn Lang cách nhau khá xa: có các nước Kiến Vi, Dạ Lang, Cùng Tạc và Nhiễm Mang (Vân Nam hiện nay). Sử cũ chép Phán là cháu vua Thục, phải chăng phía Tây Bắc Văn Lang có một họ Thục khác? (CM, TB I:8, (Sài Gòn), 1965, II:38-39)

Cố Hy Phùng quan đời nhà Lương (502-557), ghi trong Dư Địa chí: “Thời nhà Chu (1122-256) nước Giao Chỉ gọi là Lạc Việt, thời nhà Tần (221-206) gọi là Tây Âu [Ou xi]; thế thì nước Tây Âu nằm về phía Tây Phiên Ngô [một huyện thuộc Quảng Đông hiện nay].”

Thời nhà Minh (1368-1644), Hoàng Sâm [Tham] ghi trong Giao Quảng Ký [một sách địa lý về Giao Châu và Quảng Châu]: “Nước Giao chỉ có ruộng Lạc, làm mùa theo nước thủy triều lên xuống; người hưởng hoa lợi của ruộng đó gọi là Lạc hầu, các huyện tự xưng là Lạc tướng. Về sau, con Thục vương đem binh đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương vương, đặt trụ sở ở Phong Khê.” (CM, TB I:9, (Sài Gòn), 1965, II:40-41)

Có lập luận cho rằng Thục Phán là người Tây Âu [Ou xi] ở vùng Cao Bằng. Tây Âu là liên minh các dân tộc Nùng, Tày và Choang mà một bộ phận ở phía Nam Trung Hoa.

Mới đây, có những nghiên cứu cho rằng nước Âu Lạc chỉ hiện hữu từ 208 tới 179 TTL, và Thục Phán có gốc “bản địa.” [Bởi thế, thời Bắc thuộc kéo dài từ 179 TTL tới 909 TL].

Tháng 3 Bính Ngọ [255 TTL]: Xây Việt vương xong thành, tục gọi là thành Khả Lũ (sau này biết như Cổ Loa) (thuộc địa phận huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh; một thời gian đổi tên mới là huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc).

Thành rộng hơn 1000 trượng, xoay quanh tròn như con ốc, gọi là Loa thành. (CM, TB II:9; (Sài Gòn), 1965, II:40-43; (Huế), 1998, I:57?)

 

Lê Tắc [1333?], ANCL: Khả lũ thành [đọc là Kha ngộ]

[Việt vương thành, tục gọi là thành Khả Lũ, có một cái ao cổ, quốc vương mỗi năm lấy ngọc châu dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc đẹp tươi ...

... Nay ở huyện Bình Địa, dấu tích và thành trì của An Dương Vương hãy còn]. (ANCL, q. 1, 1961:39)

Người Đường gọi là Côn Lôn thành. (CM, TB II:9, (Sài Gòn), II:42-43.

Thủy Kinh Chú: Thành An Dương Vương ở huyện Bình Đạo

Thái Bình hoàn vũ kí (thế kỷ X): [của Yo chih (Nhạc Sử) đời Tống (960-1279)]: Cổ Loa, “9 lớp, chu vi 9 dặm”

An Nam Chí Nguyên (XV) [của Cao Hùng Trưng]: Loa Thành, xoay tròn 9 vòng, cũng gọi là Khả Lũ thành. (CM, TB II:9, (Sài Gòn), II:42-43.

Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án: Côn Lôn thành, có nghĩa thành ấy rất cao. Còn gọi là Trung Qui thành, Tụ Long thành (Trương Hồng Châu [1969], tr. 26)

Cổ Loa là Loa Thành (cité de la Conque), tức làng Cổ Loa, tỉnh Phúc Yên thời Pháp thuộc. (Bézacier 14) Ở đây còn tìm thấy những đầu mũi tên đúc bằng đồng. (Bézacier, 125-126)

Cổ Loa [đọc là Ngộ Ca], do người Minh đặt ra trong khoảng 1407-1427 (xây dựng, tu bổ lại 39 thành, kể cả Cổ Loa thành, Chi Lăng cổ thành, Thị Kiều cổ thành). (Lê Văn Hoè (1966), tr. 43-44)

Địa điểm của thành Cổ Loa: Hầu hết các tác giả đều nói là tại Phong Khê.

Hiện nay, còn lại dấu vết 3 vòng thành đất. Nhiều mũi tên đồng. Ngói cổ có “hoa văn” hình hoa sen. Loại ngói này phổ biến từ thời Đông Chu, nhưng tinh xảo hơn. Tìm thấy ở nhiều nơi, kể cả một số thành ở Hoa Lư. Chèm, v.. v... Qua việc quan sát, thấy có lẽ ở vào thời kỳ đồ sắt. Thời Ngô Quyền dời đô về Cổ Loa. [tr. 38-39] (Trương Hoàng Châu, “Chung quanh vấn đề tòa thành đất cổ trên đất Cổ Loa;” NCLS (Hà Nội), 129 (2/1969), tr. 26-41;

[Tường thành đời nhà Hán có hình vuông; sau hình chữ Nhật.

 

Công trình tái dựng nguồn quốc thống ngược tới nhà Hồng Bàng và Hùng Vương trên là một công trình cực kỳ khó khăn và phức tạp.

 

1. Các sử quan và văn nhân Trung Quốc, kể cả Khổng Khâu–do giới hạn kiến thức về thiên văn, địa lý, cùng tự tôn chủng tộc của thời đại họ–chỉ thấy Trung Quốc như tâm điểm của một vũ trụ hình vuông, các dân tộc hay sắc dân khác ở ngoài cái khung hình vuông ấy là “mọi rợ.” Xa hơn nữa thì là nơi đất trời giao nhau. Mặt trời và tinh tú xoay quanh trái đất, nên có những cuộc thảo luận sôi nổi như mặt trời gần trái đất vào buổi sáng hay buổi trưa.

Khổng Khâu sử dụng tới bốn tiếng Bắc địch, Nam man, Tây Nhung, Đông di để gọi các dân tộc “mọi rợ” lân bang. (Seraphin Couvreur, Li Ki: Mémoires sur les bienseances et les cérémonies, 2 tập (Paris: 1913), I:295) Chẳng hiểu dựa theo tài liệu nào, Khổng Khâu còn phán [văn] rằng các dân “Nam man” nằm ngủ “chân, đầu lộn ngược” (để chân người này lên đầu người kia). Văn gia Trung Quốc thì hoang tưởng ra những truyện đại loại như “Quỉ Môn Quan” mà Mã Viện từng dựng bia khi chiến thắng quân Hai Bà Trưng trở về.

[Yo Chih (Nhạc Sử, 930-1007) đời Song (Tống, 960-1279), trong cuốn [Thái Bình] Hoàn Vũ Ký, viết: Đời Tần muốn tới đất Giao Chỉ phải qua Quỉ Môn Quan; mười người qua, chín người không trở lại. (Dẫn trong Lê Quí Đôn, Vân Đài Luận Ngữ [1772], bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 145)]

 

Mãi đến hạ bán thế kỷ XVIII, Lê Quí Đôn còn phải phản đối việc quan chức nhà Thanh gọi sứ đoàn Việt là “mọi” [di nam, di mục], nên nhà Thanh mới đồng ý đổi thành “An Nam cống sứ.” (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 9) Nhưng nhà Thanh vẫn giữ nguyên tên “Trấn Nam Quan” cho cửa ải cuối cùng ở phương Nam, trong khi các văn gia Việt thời Pháp thuộc gọi “Ngưỡng Đức Đài” thành “ải Nam Quan.” Và, dù từ năm 1804 Ngung Diễm (Thanh Nhân Tông, 1796-1820, niên hiệu Gia Khánh) đã đổi quốc hiệu nước ta thành “Việt Nam,” nhưng sách sử giáo khoa Trung Quốc vẫn ghi “An-Nam,” một thuộc quốc của “thiên triều.” (Xem “An Nam chinh vũ ký” của Ngụy Nguyên (1842)

Cho đến thế kỷ XIX, XX người Trung Quốc vẫn chưa sạch lòng cao ngạo chủng tộc [racial supremacy] này. Họ thường gọi người Tây phương là “Bạch quỉ” hay rợ Tây (Tây di). Những bạch quỉ hay Tây di này chỉ ỷ vào vũ lực hùng mạnh, ăn hiếp một dân tộc văn minh duy nhất trên thế giới, biểu lộ qua việc cho quân sĩ xếp hàng dài theo biên giới Nga, tụt quần, chổng mông. Bởi thế, nhan nhản trong sử sách những lập luận như “Hán Vũ đế tru Lữ Gia khai cửu quận, thiết thứ sử dĩ trấn chi, tỉ Trung Quốc nhân tạp cư kỳ gian, sảo sử học thư, thô tri ngôn ngữ, sứ dịch vãng lai, quan kiến Lễ hóa...” [Hán Vũ Đế giết Lữ Gia, mở 9 quận, đặt thứ sử để trấn áp, đưa dân Trung Quốc tới ở chung, giúp mở mang việc học, biết tiếng Trung Hoa một cách thô vụng, sứ đoàn đi lại, cho thổ dân biết được lễ nghĩa, phong hóa]. (KĐVSTGCM, Tiền Biên (Sài Gòn: 1970), III:6A,).

Chẳng khác gì Charles de Gaulle, vào năm 1945, vẫn khăng khăng Pháp “đã mở cửa cho dân Annamite vào thế giới văn minh,” và quyết mang súng đạn, xe tăng xin mượn của Bri-tên và Mỹ để đưa con tàu lạc bến Đông Dương trở lại “vòng khai hóa.”

 

2. Nỗi khổ tâm của các sử quan Việt không chỉ giới hạn trong việc chống lại lối nhìn tiên thiên “mọi rợ” của sử quan và văn thi gia Trung Quốc để viết lại về tổ tiên mình [tương tự như lối diễn tả ước lệ chậm tiến, thế giới thứ ba, hay các nước đang mở mang hiện nay]. Họ còn phải tự trói trong khuôn khổ những “thánh ngôn” của Khổng Khâu và đệ tử mà họ đã bị nhồi sọ từ thuở để chỏm là thần thánh, vĩ đại, bậc thày hàng vạn đời [khoảng 100,000 năm] của nhân loại.

[Khổng Khâu là người đưa ra lý thuyết trái đất vuông, trời tròn, và chỉ khoảng 2,000 năm sau ngày ông ta chết, thuyết trên đã bị phá sản.

Sau này, khi các nhà truyền giáo Tây phương như Malteo Ricci (Lợi Mã Đậu), Ferdinandus Verbiest (Nam Hoài Nhân, tác giả Khôn dư đồ thuyết), Guileo Aleni (Ngải Nho Lược), v.. v.. bàn và viết về đất tròn, biển tròn tại triều nhà Minh, Lê Quí Đôn vẫn tìm được cách ngụy biện rằng “tiên nho” đã biết truyện trời tròn, đất tròn qua thuyết “Hỗn thiên” rồi! (VĐLN, 1972:60, 77, 78, 177-82)]

 

Nếu tin được Lê Tắc và văn gia Trung Hoa, đã có lần Lưu Trang (Hán Minh Đế, 58-74 hay 75) hỏi một sứ giả Việt là phải chăng ở quận Nhật Nam, mặt trời mọc từ hướng Bắc!

Theo Lĩnh Nam di thư, sứ giả này là Trương Trọng, từng làm chức cối kê ở Nhật Nam, qua kinh đô Lạc Dương nạp sổ sách. Lưu Trang hỏi Trương Trọng: “Ở Nhật Nam người ta mở cửa hướng Bắc để trông mặt trời chăng?” [Nhật Nam quận bắc hướng thị nhật dã?] (CM, TB II:27; [Sài Gòn 1965], II:246-249; ĐVSKTT, I:99-100, 320n22). [ĐVSKTB ghi vào đời Tấn Minh Đế]

[Nhan Sư Cổ một học giả đời Đường, thường chú giải ngũ kinh và Hán Thư của Ban Cố, từng nói “Nhật Nam là nói về phía Nam mặt trời; là bảo mở cửa phía Bắc để hướng về mặt trời.” [Nhật Nam ngôn kỳ tại nhật chi nam, sở vị khai bắc hộ di hướng nhật giã]; (CM, II:6 (Sài Gòn, 1965), II:163)

 

3. Nỗi nhức đầu khác của các sử quan như Lê Văn Hưu hay Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, v.. v... là hầu hết các bộ chính sử Trung Quốc cung cấp rất ít dữ kiện về nước Việt. Ngay trong số dữ kiện hiếm hoi được ghi lại thì không chỉ sai lạc, mà còn đứng trên quan điểm một thượng quốc hay thiên triều đối với một thuộc quốc.

 

a. Không hoặc rất ít dữ kiện:

(1) Kinh Thư, chẳng hạn, chẳng nói gì về cổ Việt. Xuân Thu của Khổng Khâu chỉ nói về nước Lỗ.

Sự im lặng này có thể vì hai bộ Kinh ThưXuân Thu đã chịu cảnh tam sao thất bản sau hàng thế kỷ chiến tranh. Đó là chưa kể ngọn lửa phần thư của Tần Thủy Hoàng (221-207 TTL) và Sở Bá Vương Hạng Vũ [Hang Yu] (hỏa thiêu thành Hàm Dương [Hien yang] năm 206 TTL). Mãi tới thời nhà Tiền hay Tây Hán (206 TTL-8STL), mới có những nỗ lực truy tìm cổ thư.

[Nhiều sách Việt từ thời Pháp thuộc sử dụng thuật ngữ “trước” và “sau Công Nguyên”để chuyển dịch những tiếng “trước Jesus” [B.C.] và”sau Jesus [AD]. Jesus, theo những biên khảo khả tín, không sinh vào năm thứ 1 Tây lịch]

 

Chi tiết cổ nhất về nước Việt trong kinh sách Trung Quốc là việc sứ Việt Thường tới cống chim trĩ trắng thời Chu Thành Vương (1115-1079 TTL) của nhà Tây Chu (1122-771 TTL). Chuyện này được Phúc Thắng ghi trong Thượng thư đại truyện (đầu đời nhà Hán). Rồi được lập lại trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, và Hậu Hán Thư (Nam Man Truyện, q. 116).

Tân Mão [1110 TTL, năm Chu Thành vương thứ 6]: Phía nam Giao Chỉ có họ Việt Thường, sau ba lần thông dịch, đến cống chim trĩ trắng.” [Chu Thành vương Tân Mão lục niên, Giao Chỉ nam hữu Việt Thường thị, trùng tam dịch nhi lai hiến bạch trĩ. (Dẫn trong Cương Mục, TB I:6; [Sài Gòn 1965], II:29-31. ANCL của Lê Tắc ghi là chín lần thông ngôn; q. 1, tr. 16 (Hán ngữ), tr. 23 (Việt ngữ); Toàn Thư [Giu 1967], I:313chú 5. [Cũng nhắc năm này, Tư Mã Thiên chép Hùng Huy vương đến cống chim trĩ trắng].

 

Các học giả ngày nay nghĩ rằng chi tiết trên liên quan đến sự chế tạo ra kim chỉ nam hay địa bàn hơn nói về nước Việt Thường. (Sứ giả quên đường về. Chu Công lấy 5 cỗ xe có kim chỉ Nam đưa theo duyên hải mà về; CM TB, I:6B; (Sài Gòn, 1965), II:30-31; Shu (Waltham), tr. 199-200) Ngoài ra, còn có ý ca ngợi Chu Công Đán như “thánh nhân” nên dân mọi rợ phương xa ngưỡng phục ân đức đều tìm đến cống hiến.

Nhưng năm 1804, trong chiếu sắc phong Nguyễn Chủng (vua Gia Long) làm Việt Nam Quốc Vương, Ngung Diễm và triều thần nhà Thanh vẫn nhắc đến nước Việt Thường, để tỏ sự lâu đời của mối bang giao Hoa-Việt. Trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của nhà Nguyễn, tên Việt Thường được gán ghép cho rất nhiều địa danh, mà chẳng bận tâm chứng minh.

Từ đời Đường (618-917), các văn gia Trung Quốc mới bàn nhiều về cổ Việt. Khổng An Quốc, khi chú thích Kinh Thư, diễn giải “Nam Giao” trong thiên Đế điển thành Giao Chỉ. Qua đời Tống (960-1279), Thái [Sái] Trầm cũng lập lại luận cứ “Nam Giao” là “Giao Chỉ” trong Thư Kinh Tập Truyện. (CM,TB (Sài Gòn: 1965), II:27).

Thiên Nghiêu điển của kinh Thư chép: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao tại phương Nam, sắp đặt theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí, là ngày dài nhất [trong một năm] và xem sao Đại hỏa để định cho đúng tiết trọng hạ [tháng 5 âm lịch]. Lúc đó dân cư tản mác, chim và thú thưa lông [vì nóng nực].

 

Cũng dưới thời nhà Tống, Cheng Ch'iao (Trịnh Tiều, 1104-1162) thượng-cổ-hóa hơn nữa mối liên hệ giữa Trung quốc với cổ Việt. Trong cuốn T'ung chih [Thông chí] (in lại trong Shih-t'ung [Thập Thông] (Shanghai: Commercial Press, 1935), Trịnh Tiều cho sứ Việt Thường qua thông hiếu từ năm Mậu Thân [2352 TTL], tức năm thứ năm đời vua Đường Nghiêu (Yao, 2357-2258 TTL). Vật tiến cống là một con rùa thần [Đường Nghiêu Mậu thân ngũ tải, Việt Thường thị lai triều hiến thần qui]. Trên lưng con rùa này còn có chữ khoa đẩu ghi việc trời đất mới mở trở về sau. Nghiêu sai người chép lại, gọi là “quy lịch” (lịch rùa). (Cương Mục, Tiền Biên I:5B-6A; (Sài Gòn: 1965), II:27-29)

Cuối đời nhà Tống và đầu đời Nguyên (1279-1368), Kim Lý Tường (1232-1303) cũng lập lại chuyện cúng rùa thần trên khi dùng Kinh Thư để viết cuốn Thông Giám Tiền Biên tức phần Tiền Biên cho cuốn Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang đã nhắc ở trên. (Cương Mục, Tiền Biên I:6A; (Sài Gòn: 1965), II:28-29)

 

(2) Bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Hán chẳng nói gì nhiều về cổ Việt. Không hề nhắc chuyện nhà Hồng Bàng hay Thục vương. [Burton Watson, Records of the Grand Historian of China, from the Shih chi of Ssu-ma Ch'ien, 2 vols (New York: 1961). Sẽ dẫn: Tư Mã Thiên (Watson)].

Khi viết về Ngô Khởi và Triệu Đà, Tư Mã Thiên chỉ mơ hồ nhắc đến Pai Yue [Bách Việt] ở phía Nam sông Dương Tử.

[Sở Điện vương sai Ngô Khởi đánh dẹp đất Bách Việt ở phương Nam. (Toàn Thư [Giu 1967], I:313chú 4)]

Nhà Tần lại sai Úy Đà, Đồ Thư đem quân Lâu thuyền xuống Nam đánh đất Bách Việt, sai Giám Lộc đào cừ chở lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần trì cứu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại.( Toàn Thư [Giu 1967], I:315chú 27)

 

Tư Mã Thiên còn nhắc đến sứ giả Việt Thường tới cống chim trĩ trắng vào khoảng năm 1110 TTL, dưới thời Chu Thành Vương như đã nhắc ở trên.

Vào thế kỷ thứ II, khi chú giải Sử Ký (q. 31), Ứng Thiệu nói về tục vẽ mình của người Việt: “Vì ở trong nước nên người ta cạo tóc xâm mình để cho giống với giao long nên không bị giao long hại nữa.” (Toàn Thư [Giu], I:314chú 15)

Sáu thế kỷ sau, Tư Mã Trinh, trong Sử ký Sách Ẩn (chú giải Sử Ký của Tư Mã Thiên) mới nhắc đến cổ Việt với nhiều chi tiết hơn, dựa theo một đoạn trong Quảng Châu Ký của Đào [Văn Hàm]. [Xem đoạn dưới]

(3) Hán Thư [Han shu] của Pan Ku [Ban Cố, 32-92] và những người khác, gồm 100 truyện, không nói đến cổ Việt.

(a). Tiền Hán Thư [Hsin Han shu, Annals of the Former Han, 206 TTL- 8 STL)] của Ban Cố chỉ nhắc đến Giao Châu trong “Mã Viện truyện.”

[Chúng tôi tham khảo bản Hán ngữ trong bản dịch Anh ngữ của H. H. Dubs, The History of the Former Han Dynasty by Pan Ku, 3 vols (Baltimore: 1938. 1944, 1955)]

 

(b). Hậu Hán Thư [Hou Han shu] của Fan Yeh (Phạm Việp, 398-446), có Nam Man truyện nói về sứ Việt Thường cống chim trĩ trắng dưới thời Chu Thành Vương đã lược nhắc. (CM, TB (Sài Gòn:1965), I:17n1. Don Luce dịch qua Mỹ ngữ) Ngoài ra, còn những truyện [cung văn] về danh tướng và quan chức Bảo hộ như Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức, Mã Viện, Tích Quang, Nhâm Diên, v.. v....

 

Sự im lặng về cổ Việt này, ít nữa, có thể do một hay nhiều trong những nguyên nhân sau:

(a) Dân cổ Việt, tức tổ tiên chúng ta, chưa hề tiến tới trình độ thành lập một quốc gia; hoặc,

(b) Các văn gia Trung Quốc kiến thức hạn hẹp, không hề biết đến những nước lân bang; và/hoặc,

(c) Trong nỗ lực đồng hóa dân Việt, sử quan và văn gia Trung Quốc cố tình tảng lờ sự hiện diện của nước cổ Việt, mà chỉ thích bàn về công ơn khai hóa của các vua quan Trung Quốc; và/hoặc

(d) Do thiếu phương tiện bảo quản, sao đi chép lại phần lớn do trí nhớ, người sao chép chỉ giữ lại những gì mình ưa thích, nên các tư liệu bị mất mát.

 

b. Sai lạc về chi tiết:

Các chi tiết về cổ Việt, như đã lược nhắc, chỉ bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Đường (618-917), nhà Tống (962-1274) trở đi. Có lẽ vì phong trào tự trị đang lên hay nước Việt đã giành được quyền tự chủ, nên sử quan và văn gia Trung Quốc chú ý hơn về xứ thuộc địa Giao Châu, Giao Chỉ, Tĩnh Hải quân rồi An Nam Đô hộ, Trấn Nam Đô hộ cũ ở phương Nam. Hoặc, sự hiểu biết về các nước lân bang đã phong phú hơn. (Dưới triều Đường, việc buôn bán với phương Tây đã phát triển; vua Đường dùng một số quan chức người ngoại quốc, kể cả một đô hộ ở An Nam; và gửi sứ đoàn đi các nơi, kể cả chuyến thỉnh kinh ở “Thiên Trúc” (India ngày nay)

Từ sau thế kỷ V-VI, văn gia Trung Hoa cũng bắt đầu chú ý hơn đến môn địa lý.

Đời nhà Liang [Lương, 502-557], Cố Hy Phùng (Cố Dã Vương) soạn Dư Địa Chí, trong đó nhắc đến Ou-lo [Âu Lạc], “Giao Chỉ Chu vi Lạc Việt [Lo hay Lạc bộ mã], Tần vi Tây Âu, tắc Tây Âu Lạc, hựu tại Phiên Ngô chi tây.” (CM TB, I:9A; (Sài Gòn: 1965), II:40-41)

Lịch [Lệ] Đạo Nguyên cũng hiệu đính Thủy Kinh Chú–một sách cổ về sông ngòi ở Trung Hoa–nêu lên hơn 60 sai lầm của người trước tác. Bàn luận về những địa danh Giao Chỉ, Bách Việt, v.. v... trong “Diệp Du Hà,” Chương 37, được nhiều người trích dẫn.

Năm 1955, Bắc Kinh ấn hành một bộ Thủy Kinh Chú Sớ do các học giả cuối nhà Thanh hợp soạn để hiệu đính tác phẩm của Lịch Đạo Nguyên. Nguyễn Bá Mão đã chuyển dịch 7 chương (từ 33 tới 39), dựa theo ấn bản năm 1999. Đáng tiếc, dịch giả không in lại phần Hán ngữ cùng cách phiên âm. Bởi thế, khó xác định các văn gia Trung Hoa có dùng địa danh “Việt Nam” hay chăng trong nguyên bản. [e.g., “q. 33: sông Giang;” 2004:56, 57, 427] Đa tạ học giả Nguyễn Bá Mão đã tặng chúng tôi một ấn bản năm 2004 trong dịp du khảo ở Việt Nam.

 

Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm đời Minh (1368-1644): “Giao Chỉ hữu lạc điền [Lạc bộ mã], ngưỡng triều thủy thượng hạ, nhân thực kỳđiền, danh vị Lạc hầu, chư huyện tự danh Lạc tướng; hậu Thục vương tử tướng binh thảo Lạc hầu, tự xưng An Dương vương, trị Phong Khê.” (CM TB, I:9A; (Sài Gòn: 1965), II:40-41)

 

Trong số các tác phẩm giai đoạn này, đáng kể nhất có:

(1) Thái Bình Ngự Lãm [T'ai-p'ing yu-lan] do Li Fang [Lý Phưởng?] (925-996) và nhiều người khác biên soạn, gồm 1,000 truyện. In lại trong thời gian 1807-1812, dùng bản khắc cũ. [Có hai chữ Thái Bình vì soạn xong vào niên hiệu Thái bình hưng quốc (976-983), triều Triệu Quang Nghĩa (976-997)].

(2) [Thái Bình] Quảng Ký của Lý Phỏng [Phưởng?] (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 46-7)

(3) [Thái Bình] Hoàn vũ ký của Yo chih [Nhạc Sử] đời Tống (960-1279). Gồm 200 quyển, nhưng nay chỉ còn 193 quyển. Mất các quyển 113 tới 119. Sách chuyên về địa lý cổ.

Dùng chi tiết “Hùng vương, hùng hầu, hùng tướng, hùng dân, hùng điền trong Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V).

Đất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Đất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân.

Phong châu là quận Thừa hóa, nước Văn Lang xưa.

Quỉ Môn Quan: Đời Tần muốn tới đất Giao Chỉ phải qua Quỉ Môn Quan; mười người qua, chín người không trở lại. Mã Viện lập bia tại đây. (Lê Quí Đôn, Vân Đài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền, tr. 145)

(4) Thông chí của Trịnh Tiều (1104-1162):

Theo Kinh Thư, “Vua Nghiêu sai Hy Thúc sang Nam Giao lo việc làm ruộng mùa Hè ở phương Nam.” Nam Giao tức Giao Chỉ.

Năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu, họ Việt Thường vào cống con rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu ghi việc trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là “quy lịch” (lịch rùa). (Cương Mục [Sài Gòn], 1965, II:28-29)

 

(5). Thông Giám Tiền Biên của Kim Lý Tường (1232-1303):

Năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu, họ Việt Thường vào cống con rùa thần. [Đường Nghiêu Mậu thân ngũ tải, Việt thường thị lai triều hiến thần qui]

 

(6) An Nam Chí Lược của Lê Tắc vào đầu thế kỷ XIV cũng dẫn tờ sớ của Điền Tích, khuyên Triệu Quang Nghĩa ngưng việc binh đao sau cuộc bại trận năm 980:

Tháng 3 Tân Tị [7/4-6/5/981]: Quân Tống chia làm 3 cánh thủy bộ tiến vào Đại Việt. Đích thân Lê Hoàn mang quân chống giữ ở Bạch Đằng. Lê Đại Hành thoạt tiên thua trận, mất hàng trăm thuyền. Sau phục kích ở sông Chi Lăng, sai người trá hàng, bắt được Hầu Nhân Bảo, giết đi. Hai cánh quân Tống khác rút lui, bị chặn đánh].

Điền Tích dâng sớ xin Quang Nghĩa bãi việc binh lửa, chỉ nên lấy nhân đức qui phụlòng người:

Hàn Thi ngoai truyện có nói: “Thời vua Thành vương, Việt Thường tới cống hiến, trải qua chín lớp thông ngôn mới tới, Chu Công [Đán] hỏi vì duyên cớ gì mà đến, thì người đi sứ đáp rằng: Trời không có gió bão, không có mưa dầm, biển không có sóng dữ, đã ba năm nay, chắc là ở Trung Quốc có vị thánh nhân, nên tới chầu vậy. Quang Nghĩa đồng ý, khen ngợi. Giải thích là chỉ muốn bảo hộ cho họ Đinh đã nhiều đời cống lễ. (ANCL, q. 5, 1961:117-118; CM, CB I:17, (Huế), 1998, I:251-252)

 

c. Giọng điệu trịch thượng:

Sử liệu Trung Quốc về Việt Nam luôn mang giọng trịch thượng của thiên quốc đối với chư hầu. Trung Quốc tự hào là mặt trời soi sáng tứ phương; ân sủng vua Trung Quốc tắm gội vua quan Việt và các chư hầu khác.

Vua quan Hán ngang ngược muốn vua Việt phải chấp nhận thứ quan hệ thông hiếu “cha-con, giữ gìn nhau như môi với răng” [“do tử dữ phụ mẫu chi tương thân,” “phụ tử chi quốc, thần xỉ chi bang”], “thuận trời thì sống, nghịch trời thì diệt” [thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong] (Thư Trương Lập Đạo gửi Trần Nhân Tông năm 1291; ANCL, q. 5, 1961:102-103) Năm 1789, sau khi đại bại ở Đại Việt, Ái Tân Giác La Hoàng Lịch (1736-1796)–thường được biết như Càn Long hay Cao Tông–vẫn vui vẻ đón nhận một “Nguyễn Quang Bình” giả mạo tới Bắc Kinh làm lễ “bảo tất” [ôm đầu gối] để tỏ lòng trung hiếu.

“Mềm nắn, rắn buông,” như Phan Phu Tiên ghi nhận, là một thông lệ hơn biệt lệ. Khi hùng mạnh, hay có biến loạn tại nội địa Việt Nam, vua quan Trung Hoa lập tức đưa quân sang xâm chiếm–nêu đủ thứ lý do có thể viện dẫn [pretext], từ không chịu đích thân qua chầu, không cho mượn đường đánh Chân Lạp, hay phò trợ một dòng họ chính thống. Năm 1407, dưới danh nghĩa “phù Trần, diệt Hồ” Chu Lệ (Yên vương Lệ, Minh Thành Tông, 1403-1424) xâm lăng và cướp đoạt chủ quyền Việt Nam, đặt ra “Giao Chỉ” rồi “An Nam đô hộ.”

Như để thiên hạ quên đi hành động giết cháu cướp ngôi, Chu Lệ còn làm lễ dâng tù binh, sai ghi chép trong sử sách số chiến lợi phẩm khổng lồ cùng hơn 3 triệu hộ dân. Sau đó, thi hành chính sách thiến hoạn các thiếu nhi Việt. May mắn, sau hơn 20 năm kháng chiến–do con cháu nhà Trần cầm đầu, hay những lãnh tụ địa phương khác, đặc biệt là Lê Lợi–quân Minh phải triệt thoái khỏi nước ta. “Bình Ngô Đại Cáo” của Lê Lợi–do Nguyễn Trãi soạn thảo–là tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất của người Việt với cường quốc phía Bắc. Tuy nhiên, thực tế chính trị–trong thế giới luật kẻ mạnh–khiến Đại Việt phải chấp nhận hệ thống quan hệ ngoại giao thông hiếu qui tâm về Yên Kinh; nhận sắc phong và triều cống định kỳ vua Trung Hoa. Hệ thống “thông hiếu” [tributory network] này khiến có thể ngộ nhận về chủ quyền chính trị thực sự [sovereignty hay suzerainty] ở Đại Việt. Thực tế, vua Việt luôn tự giữ một khoảng cách vừa phải theo luật kẻ yếu–mềm dẻo, uốn cong mà không gãy. Hoàng Lịch là vua Trung Hoa cuối cùng nếm mùi thất bại trong tham vọng xâm chiếm Đại Việt bằng võ lực năm 1788-1789.

 

 

Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
Copyrighted 2002, 2009; All Rights Reserved

 

(còn tiếp)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 9481)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 9359)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 8903)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.
25 Tháng Mười Hai 202310:36 CH(Xem: 11071)
Em ngồi hứng / ánh sao rơi / Đêm Đông áo mông…/ khép đôi vạt mềm / Ta gieo / lời Thánh kinh đêm / Nẩy mầm xanh / vọng ước nguyền… trổ hoa /
22 Tháng Mười Hai 202310:34 CH(Xem: 11574)
đưa tay đỡ nhẹ cành hoa / thả trôi dĩ vãng nhạt nhòa mùi hương / thấy mắt em cũng vô thường / tan trong nhịp thở hoang đường của tôi /
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 10116)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 11114)
Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh.
22 Tháng Mười Hai 202311:15 SA(Xem: 11815)
tháng chạp, cỏ lau chờ tiết trời lạnh ngày đông đồng loạt trổ trắng màu bông tinh khiết trái bần chín vị ngọt chua tan trong miệng nụ cười tuổi thơ biền biệt biết đâu tìm
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 9148)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 10359)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.