- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MẠN ĐÀM VĂN HỌC HL 115

22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 97465)

ttdao
 Trần Thiện Đạo

Văn học
VĂN HỌC PHÁP CÓ GÌ MỚI, LẠ TRONG BA MƯƠI NĂM QUA ?


Ba mươi năm là thời gian tối thiểu cho phép giới nghiên cứu và phê bình có thể dòm thấy, trong một nền văn học có truyền thống lâu đời bắt nguồn từ thời trung đại, những biến chuyển nội tại mà nền văn học Pháp đã và đang trải nghiệm. Qua chính nội dung và hình thức các tác phẩm của thế hệ viết văn ‘’ trẻ ‘’, mới và khác trước.
 Dưới đây, chúng tôi sẽ phác họa hiện tình, vạch ra những nét chánh, nhận thấy trong số tiểu thuyết khổng lồ xuất bản hằng năm từ 30 năm nay. Cố gắng trình bày ngắn gọn các chủ đề : * sanh hoạt văn chương nghệ thuật trong ba mươi năm qua. * chiều hướng tự sự hư cấu, * mười gương mặt đáng giá và tác phẩm điển hình của họ. Ba chủ đề tiêu biểu cho thấy diễn biến sống động của nền văn học Pháp trong thời gian 1981-2010.

Sanh hoạt văn học
 Về số lượng tác phẩm thể loại hư cấu, nói chung là tiểu thuyết, nền văn học Pháp có một đặc điểm ít nước nào sánh kịp : bội thu. Chúng tôi đã nhiều dịp thưa cùng bạn đọc đặc điểm này. (1) Mỗi năm qua là một năm số truyện phát hành, không kể sách tái bản, trội hơn năm trước. Thí dụ gần đây nhứt, theo thống kê của tuần báo chuyên ngành Livres Hebdo (Sách hàng tuần), vào mùa gặt hái văn chương 2010 gọi là rentrée littéraire 2010, tổng cộng truyện in trong năm là bảy trăm lẻ một, vâng, 701 tác phẩm, so với con số sáu trăm năm mươi chín, 659, trong mùa tiểu thuyết 2009. Những con số này cho thấy, mặc cả sự thống trị của các phương tiện giải trí thính thị, văn hóa đọc ở đây vẫn thạnh hành và giới viết văn vẫn dư sức cung ứng nhu cầu.
 Song cũng nên nhấn mạnh rằng mùa gặt hái tiểu thuyết vào thu mỗi năm là thời gian giới cầm bút nôn nóng, mong có cơ hội đoạt giải này giải nọ, nhứt là các giải lớn, Goncourt, Renaudot, Fémina, Académie française (Viện Hàn lâm Pháp), Interallié (dành cho tác giả hành nghề làm báo), Médicis… Họ mà may mắn trúng một trong số độc đắc vừa kể, thì, với tác quyền thâu lượm được vào dịp này và tiếp sau đó, họ sẽ rảnh tay để dành trọn cuộc đời cho sở nguyện của mình. (2) Chẳng trúng độc đắc, thì vẫn có thể đoạt giải khuyến khích không do các ban chấm giải quyết đoán trao tặng mà qua trưng cầu í kiến độc giả và thính giả, do các phương tiện truyền thông đại chúng tổ chức - như các giải Đài truyền thanh Inter (Quốc nội), tuần san Elle (Phụ nữ), Đài truyền thanh truyền hình RTL và nguyệt san Lire (Đọc sách) chẳng hạn. Loại khuyến khích này vốn được đề xướng và thực thi mấy năm qua hầu đối trọng với các giải lớn cho tới bấy giờ đơn phương độc mã chiếm ngự thị trường văn chương chữ nghĩa xứ này.
 Ngoài chỗ may mắn trúng giải, hoặc, như trước kia, được giới thiệu trên đài truyền hình hàng tuần trong các chương trình văn nghệ loại Apostrophes (Vấn đáp) của nhà bình luận lừng danh Bernard Pivot (nay đã dẹp tiệm) và bị, hay được, nhà phê bình khét tiếng thành viên viện Hàn lâm Pháp Angelo Rinaldi (nay đã dẹp bút xét xử) chém cho một mẻ trên tuần báo L’Express (Tin nhanh) (3), thì nay phải kể thêm một hiện tượng khí bất ngờ giúp cho tác phẩm bán chạy và tác giả nổi tiếng. Bởi ảnh hưởng các nhà bình luận và phê bình ít còn chuyển qua trung gian màn ảnh nhỏ và trên trang giấy theo kiểu vừa nhắc tới trên, mà qua thứ hiện tượng được chỉ định bằng một từ ngữ mới là buzz, là oa thị, là rì rào, là nhủ thầm, lan truyền trên mạng điện tử. Chưa từng có nhịp trống dồn hồi nào vang dội đến tai mọi người mau lẹ và ấn tượng bằng internet như hiện nay. Chỉ cần một cái nhấp chuột khen chê là tác phẩm và tác giả tức khắc được giới thiệu và bình bầu một thời gian dài, kèm theo mọi hậu quả tốt đẹp về mặt tăm tiếng và tài chánh. Tác phẩm L’Élégance du hérisson (Con nhím lịch lãm – 2006) của Muriel Barbery là một trong những thí dụ điển hình cho hiện tượng bouche-à-oreille (rỉ tai) này : trong vòng một năm từ ngày cho tác phẩm ra đời, nhà xuất bản đã phải in thêm bốn mươi mốt, vâng, 41 lần liên tiếp mà vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. (4)
 Tựu trung, các yếu tố kể trên, số sách xuất bản, giải thưởng hằng năm, cách bình bầu tác phẩm, đã nghiễm nhiên hợp thành ba chơn vạc vững chắc nâng đỡ thư quán và thư viện, thư quán có người mua sách, thư viện có người xem sách. Nhờ vậy mà văn hóa đọc cho tới nay không hề bị lấn áp, thua thiệt trước các phương tiện truyền thông thính thị và kĩ thuật số.
 
Chiều hướng tự sự hư cấu…
 Năm 1977, Serge Doubrowski, tác giả cuốn truyện Fils (Đứa con), giới thiệu tác phẩm này qua một từ ngữ mới lạ là autofiction, là tự sự hư cấu, đúc kết hai từ auto (chính mình) và fiction (hư cấu) trong mục đích bày tỏ nội dung có phần nào tự truyện của mình. Ông đâu có dè tên gọi mới này lại tự dưng lan truyền nhanh chóng như làn sóng thần, rồi tràn ngập khắp cùng, trùm phủ lên hầu hết các văn bản ra đời. Nào là hội thảo, luận án, chuyên đề trong đại học. Trên sách báo, nào là truyền thanh, truyền hình, internet. Rồi vượt ra ngoài khuôn khổ ban đầu, xen lấn vô trong ngành kịch nói, phim ảnh và cả hội họa. (5)
 Tự sự hư cấu nghiễm nhiên trở thành chiều hướng hầu như chủ đạo bàng bạc trong nền văn học hiện thời, đặc biệt trong nền văn học Pháp. Nó xâm chiếm hầu hết các tác phẩm chẳng những của nhà văn mới bước vào nghề, mà còn của nhà văn vào độ tứ tuần ngũ tuần và đòi (với dấu huyền) phen của cả nhà văn lớp trước. Đa số, lạ thay, thuộc phái nữ - chưa có chuyên khảo nào giải thích chỗ so le số lượng nam / nữ rất dễ nhận thấy ở đây : giống cái thường hay (thỏ thẻ) tâm sự và tự sự hơn giống đực chăng.
 Cái lạ nữa là chiều hướng này chẳng xuất phát từ một trường phái tiên phong tiên nghiệm nào cả. Chẳng có hình ảnh chủ xướng chụp chung với những kẻ đồng hội đồng thuyền, như vào thời các * trào lưu siêu thực nằm dưới huy quyền của ‘’giáo hoàng’’ André Breton (1896-1966) (6), hay phong trào Tiểu thuyết mới dưới bàn tay sắt của ‘’giáo hoàng’’ Alain Robbe-Gillet (1922-2008) (7) trước đó. Có thể ví cao trào tự sự hư cấu hiện nay như một quán ăn tự chọn, khách thích thì bước vô, không thích thì bỏ đi, tùy í.
 Còn lạ hơn nữa là các nhà bình luận chuyên ngành, sau khi đà trình bày chiều hướng mình vừa khảo sát, thảy đều ra vẻ không mấy thần phục, lại còn cầm nhầm, chẳng thuần nhứt trong nhận xét của mình. Nêu lên nhiều tên tuổi cho là thuộc dòng tự sự hư cấu trong khi các đương sự thì lại quyết liệt phản đối, không (chịu) thừa nhận. Lấy một thí dụ điển hình. Khi lí thuyết gia tiểu thuyết của cái tôi, nói theo nguyên tác là le roman du moi, Philippe Forest, tác giả luận thuyết Le Roman, le je (Tiểu thuyết, hay là cái tôi – 2001), chỉ định hai nhà văn nữ đà có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn là Annie Ernaux (8) và Christine Angot (9) như hai nhà văn tiêu biểu nhứt cho dòng tự sự hư cấu, thì liền bị họ lớn tiếng chối bai bải, cho rằng mình chẳng hề bê cái tôi riêng tư của mình vào trong tác phẩm.
 Dầu thế nào, thì mâu thuẫn kể trên cũng chứng tỏ rằng dòng văn tự sự hư cấu tuy có đó, hiện diện, chảy trong huyết quản đa số tác phẩm đương thời, nhưng khái niệm lập nên chính nó cho tới nay vẫn chưa được mọi người, kể cả các tác giả được, hay bị xếp chung vào trong cái rọ tự sự hư cấu, chấp nhận. Vì sao vậy ? Vì rằng, trên thực tế, người đọc thường nhìn sự việc thể theo tỉ lệ hư cấu nhận thấy trong tác phẩm. Họ có thể cho rằng lớp sơn hư cấu bao bọc tự sự nào đó chỉ là loại hư cấu dành cho hải quan, hay fiction pour la douane, để nhại theo nguyên tác hóm hỉnh của nhà lí luận văn học Gérard Genette (10), trỏ thứ tự truyện trá hình trong bộ áo hư cấu hòng vượt qua cửa khẩu chận bắt hàng lậu. Hàng lậu ở đây là chuyện riêng tư sâu kín bất khả xâm phạm của người khác mà tác giả tự tiện khắc họa trên giấy mực, mang ra ánh sáng. Đã có nhiều trường hợp tương tự gây nên kiện cáo, chẳng hạn giữa hai nhà văn nữ Camille Laurens và Marie Darrieussecq bốn năm trước đây. (11)

Mười gương mặt
 Tại sao chỉ có 10 gương mặt mà không 30, hay nhiều hơn ? Bài này chủ yếu nhằm phác họa hiện tình văn học Pháp mấy năm gần đây, tất nhiên, không thể kể lể tường tận bất kì khía cạnh nào. Mười gương mặt, sắp được trình bày dưới đây theo thứ tự thời gian tác phẩm tiêu biểu của họ được xuất bản, xét ra cũng đủ để đạt tới mục tiêu đặt định,
 (1) Édouard Glissant và tác phẩm La Case du commandeur (Túp lều của ngài trưởng tộc – 1981)
 Sanh trưởng trên hòn đảo Martinique ở vùng Antilles thuộc Pháp, Édouard Glissant (1928-2011) đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc phục hồi nền văn hóa da màu gốc châu Phi. Vượt qua í niệm négritude (bổn sắc da màu), ông lần hồi đề xướng khái niệm créolisation (tạp chủng) và tout-monde (toàn cầu) để thay thế. Khai mào sự nghiệp với hai tập thơ đầu tay Un champ d’îles (Quần đảo bao la – 1953) và La Terre inquiète (Trái đất lo âu – 1954). Năm năm sau, truyện La Lézarde ( Dòng sông quanh co – 1958), trúng giải Fémina, mở màn cho một bích họa không gian rộng lớn gồm các tác phẩm Le Quatrième Siècle (Thế kỉ thứ tư – 1964), Malemort (Hận thù ở Malemort – 1975) và Túp lều của ngài trưởng tộc. Qua nhơn vật Marie ám ảnh bởi công cuộc truy tìm nguồn gốc của mình, tác giả dựng lên gia phả dòng họ Celat, dẫn người đọc thọc sâu vô mọi ngõ ngách xứ sở Martinique của mình. (12)
 (2) Marguerite Duras và tác phẩm L’Amant (Người tình – 1984)
 Phải đợi vào tuổi bảy mươi, Marguerite Duras (1914-1996, sanh trưởng ở Sa đéc, Nam kì) mới đuợc vinh danh qua giải Goncourt với cuốn tiểu thuyết (rất mỏng) Người tình và tài chánh dồi dào nhờ số sách bán chạy như tôm tươi trên thế giới, tổng cộng lên tới những hai triệu bốn trăm ngàn, vâng, 2.240.000 cuốn trong năm đầu. Người tình không chỉ là câu chuyện tự thuật của một thiếu nữ Pháp mới 15 tuổi rưỡi giao tình với một đại gia Hoa kiều, gặp phải phản bác dữ dội không những trong gia quyến và cả trong xã hội thực dân ở Việt nam. Mà còn là câu chuyện học làm người cô nàng nhơn vật của Marguerite Duras bắt buộc phải trải qua để trưởng thành. Mãi ba mươi bốn năm sau kiệt tác Un barrage contre le Pacifique (Đập ngăn sóng Thái bình dương – 1950) ra đời, qua câu chuyện tâm tình và tình dục Người tình, tác giả lại trở về thời niên thiếu, hoàn tất tự truyện của mình.
 (3) Jean Échenoz và tác phẩm L’Équipée malaise (Vong mạng ở Mã lai – 1986)
 Câu chuyện diễn ra trên đường phố Paris và trong rừng trồng cao su ở Mã lai. Nhơn vật chánh là hai người đàn ông cùng chung số phận là cùng yêu chung một người đàn bà. Đúng hơn, họ là một thứ nhơn vật không thật thụ là nhơn vật, des anti-héros, nói theo tiếng Pháp. Hoạt đầu trong thiên truyện còn có vô khối dân tình xảo trá, vô khối giặc cướp dở hơi, cấu thành một cuộc vong mạng nửa nạc nửa mỡ, giả hiệu, cười ra nước mắt, khóc không ướt lệ. Trước quyển truyện này, Jean Échenoz, sanh năm 1947, đã có hai tác phẩm khác và đã trúng giải Médicis 1983 với cuốn Cherokee (Cherokee da đỏ). Từ bấy đến nay, có thêm chín tác phẩm nữa, trong số này thiên truyện Je m’en vais (Cáo từ) đoạt giải Goncourt 1999. Tình tiết trong tác phẩm thảy đều ngắn gọn, bút pháp giản dị, biến tác giả thành một tiếng nói đặc dị trong môi trường văn học Pháp hiện nay.
 (4) Jean Rouaud và tác phẩm Les Champs d’honneur (Sa trường – 1990)
 Hành nghề bán báo kiếm ăn ở Paris, Jean Rouaud bấy giờ vừa tuổi 37 khi tác phẩm đầu tay Sa trường của mình bất ngờ đoạt giải Goncourt 1990. Bất ngờ vì hai lẽ : * tác giả là nhà văn chưa từng được ai, kề cả trong giới nghiên cứu và phê bình, nghe nói tới trước đó, * viện hàn lâm Goncourt chưa từng chấm giải cho tác phẩm đầu tay nào, lần đầu tiên này coi như động thái phá giới. Sa trường là một tự sự gợi nhớ đời sống tâm tư trải dài vào thời Đại chiến 1914-1918 của một gia đình bình thường. Mọi sự được dựng trên hình ảnh người kể không hề ló mặt và diễn biến chung quanh cái chết của người cha. Ba năm sau, tác phẩm được nối tiếp với cuốn Des hommes illustres (Những con người lừng lẫy – 1993) và ba thiên truyện khác. Thảy đều trần thuật chuyện thường tình trong cuộc đời qua một bút pháp nhẹ nhàng, tỉ mỉ, thú vị và cảm động.
 (5) Marie Darrieussecq và tác phẩm Truismes (Hóa thân – 1996)
 Sách bán chạy nhứt ngay khi mới ra đời và liên tục bán chạy sau đó. Được dịch ra 40 thứ tiếng, tác phẩm đầu tay này của nhà văn nữ mới vừa tuổi 27 mang một cái nhan lạ lùng về câu chữ cũng như về đề tài. Cái nhan Truismes có nghĩa là chuyện tầm thường, nhưng về mặt từ ngữ nó còn ẩn thêm trong mình chữ trui(e) có nghĩa là heo nái. Đề tài xoay quanh người kể chuyện hóa thân làm heo nái sanh hoạt hằng ngày trong xã hội. Qua thứ văn phong nửa hư nửa thực suôn suốt câu chuyện, toát ra tinh thần phê phán, phản bác xã hội trọng nam khinh nữ và, đồng thời, dấy lên nhiều suy luận liên quan tới thân xác, bản năng và ngôn ngữ con người. Trong mấy tác phẩm sau, Bref séjour chez les vivants (Lưu trú ngắn với người sống – 2001), Le Pays (Làng xã – 2005) và Tom est mort (Tom từ giã cõi đời – 2007), tác giả tiếp tục tra hỏi về thân phận làm người.
 (6) Michel Houellebecq và tác phẩm Les particules élémentaires (Hột cơ bản – 1998)
 Với tác phẩm bất ngờ trúng giải Novembre này, tác giả, sanh năm 1956, đột nhập văn đàn một cách chộn rộn. Người khen kẻ chê, vì nội dung dâm loạn bàng bạc trên trang sách một ít, mà vì thủ thuật đánh trống rao hàng rùm beng thì nhiều. (13) Trong tác phẩm, tác giả bộc lộ tinh thần bi quan của mình qua tác phong hai nhơn vật anh em cùng mẹ khác cha là Bruno và Michel : càng ngụp mình trong vui thú tình dục đồng tánh lẫn dị tánh, thì quan hệ con người với con người càng tan rã mau lẹ, dẫn tới bao nhiêu là hụt hẫng không tài nào khỏa lấp được. Trong hai tác phẩm tiếp theo, Plateforme (Nền móng – 2001) và La Possibilité d’une île (Với tới hòn đảo – 2005), tác giả miêu tả tinh thần khủng hoảng và thần kinh rối loạn của dân tình tây âu. Năm 2010, cuốn La Carte et le Territoire (Bản đồ và Địa phận) đoạt giải Goncourt trong lời qua tiếng lại, ầm ĩ hệt như vào thời tác giả đột nhập văn đàn gần nửa thê kỉ trước.
 (7) Christine Angot và tác phẩm L’Inceste (Lăng loàn nội thích – 1999)
 Chỉ vào độ tứ tuần, tác phẩm đẩu tay Vu du ciel (Nhìn từ trên cao – 1900) của nhà văn nữ này mới được nhà xuất bản Gallimard chiếu cố. Nhưng chỉ với cuốn tiểu thuyết Interview (Phỏng vấn – 1995), kể chuyện một nhà báo phỏng vấn một nhà văn về tình mẫu tử với một giọng văn vô cùng phóng khoáng, gan góc, không gò bó, tác giả mới khởi sự được giới nghiên cứu và phê bình chú í, theo dõi, trước khi gây nên tranh cãi, bàn tán bốn năm sau chung quanh tác phẩm Lăng loàn nội thích. Trong cuốn tự sự hư cấu có cái nhan đề quá ư khêu gợi và khiêu khích này (từ đây, tác giả bị gọi là ‘’giáo hoàng’’ tự sự hư cấu), qua một cuộc dan díu đồng tánh chỉ vài ba tháng tường thuật một cách trơn bóng không sơn phết, Christine Angot tấn công mọi thói tục theo đuôi thiên hạ : đồng tánh, dị tánh, gia giáo cùng một bè với nhau. Và đặt vấn đề quan hệ giữa nhà văn và sự thật, giữa diễn từ và tánh chất chánh xác.
 (8) Catherine Millet và tác phẩm La Vie sexuelle de Catherine M. (Cuộc đời tình dục của Catherine M. – 2001)
 Câu chuyện được trần thuật bởi một con người mê « làm tình như hít thở ». Nhơn vật Catherine M. ‘’ mất trinh khi lên 18 - có sớm sủa gì đâu – và đã tham dự biết bao cuộc làm tình hổ lốn chỉ mấy tuần sau khi hết còn trinh’’. Cho nên sau đó, cô nàng chẳng còn e dè ngại ngùng gì nữa, thả cửa làm tình. Sáng, trưa, chiều, tối. Khắp nơi, khắp chốn, không trừ chỗ nào. Trong chái đậu xe, dưói hầm nhà, trên đường mòn mỗi khi dạo cảnh, giữa mồ mả nghĩa trang, trong xó bếp, nơi dựng chổi... Nhơn vật Catherine M. chính là tác giả, chẳng ai khác lạ. Sanh năm 1946, giám đốc tập san chuyên ngành Art Press (Nghệ thuật báo), với tập tự sự hư cấu đuợc dịch ra gần 40 thứ tiếng và best-seller này, xuất bản cùng lượt với tập ảnh tươi mát do ông bồ Jacques Henric chụp, Catherine Millet đã gây nên tranh cãi sôi nổi, bàn tán dai dẳng. Người thì cho rằng đây mới thật sự là văn chương, kẻ thì coi nó là dâm thư đồi bại báo hiệu một xã hội trên đà xuống dốc.
 (9) Irène Némirovski và tác phẩm Suite française (Chuyện kể tiếp ở Pháp – 2004)
 Giải Renaudot 2004 trao tặng cho di cảo viết vào khoảng 1940-1942, khi tác giả đã qua đời hơn sáu chục năm trước. Chuyện kể tiếp ở Pháp gồm hai tập đầu một cuốn tiểu thuyết năm tập cỏn dang dở. Irène Némirovski (1903-1942) vốn tộc người do thái gốc Nga di tản sang Pháp năm 1919, bị hiến binh bắt ngày 13/07/1942 và bị quản giáo xả hơi đôc trong trại tập trung Auschwitz ngày 19/08/1942. Di cảo chữ nhỏ tí ti giấu trong đáy rương chỉ được phát hiện hơn nửa thế kỉ sau, vào năm 1998. Câu chuyện sơ thảo này là một thứ hiện thực hư cấu đánh dấu thời kì nước Pháp thua trận, người dân di tản trước sức xâm lược vũ bão của quân đội Đức, dưới con mắt tinh tế và cương nghị của một nhà văn tuy chưa ở tuổi tứ tuần nhưng đà già dặn, tiếc thay lại mạng yểu. (14)
 (10) Jonathan Littell và tác phẩm Les Bienveillantes (Nhân từ thay các cô – 2006)
 Đây là một tác phẩm độc đạo và độc đáo. Dầy cộm, 900 trang. Tác giả là người quốc tịch Hoa kì, con của nhà văn Robert Littell một thời làm phóng viên cho tuần báo Newsweek (Tin hàng tuần) thường trú tại Paris. Viết tiếng Pháp. Bốn năm ròng dành để xây dựng tác phẩm dưới nhan đề nhắc tới các tiên nữ rửa hận trong huyền thoại Hi Lạp. Vẽ nên nhơn vật Maxìllien Aue. Một tên quốc xã ác ôn, lập trường vững chắc, lí tưởng sắt đá. Tàn bạo mà không hề cảm thấy tội lỗi, dẫu là kẻ có học, thông minh, đủ khả năng suy xét. Lang chạ trong đời tư, lăng loàn, đồng tánh. Là cựu sĩ quan quân cành quốc xã Đức, Maxillien Aue hồi tưởng thời kì trải qua trong Thế chiến thứ II. Tường thuật mọi sự một cách lạnh lùng, vô cảm các cuộc bắn giết, những cảnh máu đổ nhà tan do chính tay mình gây nên. Cuốn sách dấy lên bàn tán dữ dội về trách nhiệm của nhà văn mỗi khi nhúng bút vô dòng chảy lịch sử để xây dựng tác phẩm hư cấu của mỉnh. Tranh cãi vẫn còn văng vẳng đâu đây. Giải Goncourt 2006. (15)
 ( 10 bis) Marie NDaye và tác phẩm Trois femmes puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực – 2009)
 Nhà văn nữ da đen này đặt chưn lên văn đàn rất sớm, với quyển tiểu thuyết đầu tay Quant au riche avenir (Còn như tương laì xán lạn – 1985), khi cô chưa đầy 17 tuổi, váy còn mài rách trên ghế nhà trường Lakanal ngoại thành Paris. Người ta kể rằng chính giám đốc nhà xuất bản Minuit (Nửa đêm), vừa đọc xong bản thảo gởi qua bưu điện, tức khắc thân hành đến tận nhà trường để kí hợp đổng đã soạn sẵn với cô học trò. Rồi năm 2001, tiếp sau nhiều truyện ngắn, truyện dài, kịch bản, tác phẩm Rosie Carpe (Rosie Carpe) của cô trúng giải Fémina. Tám năm sau, đến lượt tác phẩm Ba thục nữ giàu nghị lực đoạt giải Goncourt 2009. Câu chuyện dựa trên ba gương mặt phái nữ, tự sự qua những lời lẽ tâm tình vô cùng tế nhị, chánh xác, trầm tư về số phận của mình. Cũng như trong mọi trang khác của tác giả, hiện thực và huyền ảo không ngừng đan cài vào nhau, đắm trong bầu khí huyễn hoặc, mập mờ. (16)

Dẫn chứng
 Trở lên trên là những chủ đề phác họa hiện tình văn học Pháp, vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Tuy chỉ là một sơ đồ, bỏ sót một số đề tài khác, đóng góp của các nhà văn Pháp ngữ ngoại quốc, địa vị người cầm bút trong xã hội, biến chuyển trong ngành xuất bản…, nhưng đủ khả năng dẫn chứng ghi nhận sau đây.
 Với số lượng tiểu thuyết xuất bản ngày càng rầm rộ, với các chiều hướng đa dạng nằm dưới một tên gọi tập trung, với các gương mặt đáng giá phần đông thuộc phái đẹp - nền văn học Pháp hiện thời tỏ ra hết sức linh hoạt, sống động. Phủi bỏ các học thuyết đã ít nhiều làm tê liệt óc sáng tạo - tiểu thuyết mới, cấu trúc, tân hình thức, hậu hiện đại… , nó xông xáo bước ra khỏi những con đường mòn và những động thái thời thượng học đòi. Tóm lại, dám là mình, để chào đón nhiều chơn trời mới lạ.
 Chẳng đáng mừng cho tương lai của nó hay sao ?

 (Paris, 17/07/2011)
------------------------

(1) Xem : Trần Thiện-Đạo, Mùa tiểu thuyết Pháp 2005 - Vẫn bội thu (Thể thao & Văn hóa, số 76, ngày 26-07-2005), và Mùa tiểu thuyết Pháp 2007 – Năm nay vẫn bội thu (Thể thao & Văn hóa, số 48, ngày 22-08-2007).
(2) Xem : Trần Thiện-Đạo, Nhà văn hốt bạc (Hợp lưu, số 108, tháng 1 & 2 năm 2010).
(3) Được đại diện viện Hàn lâm Pháp chém khác nào là hân hạnh được giới nghiên cứu và phê bình quan tâm tới tác phẩm của mình.
(4) Xem : Trần Thiện-Đạo, Một hiện tượng trong văn học Pháp năm 2007 – Con nhím lịch lãm của Muriel Barbery (Thể thao & Văn hóa, số 18, ngày12-09-2007).
(5) Xem : Trần Thiện-Đạo, Tự sự hư cấu (Hợp lưu, số 113, tháng 4 & 5 năm 2011).
(6) Xem : Trần Thiện-Đạo, Trào lưu siêu thực (Hợp lưu, số 113, tháng 4 & 5 năm 2011).
(7) Xem : Trào lưu Tiểu thuyết mới ở Pháp, trong Trần Thiện-Đạo, Cửa sổ văn chương thế giới (Nxb Văn hóa Thông tin – 2003), và Văn chương hay dâm loạn (Hợp lưu, số 100, tháng 5 & 6 năm 2008). Alain Robbe-Gillet là tác giả luận thuyết Pour un Nouveau Roman (Phấn đấu cho một nền Tiểu thuyết Mới – 1963).
(8) Annie Ernaux, tác giả cuốn tiểu thuyết có tánh cách tự truyện La Place (Quảng trường), giải Renaudot 1984.
(9) Christine Angot, tác giả cuốn tiểu thuyết L’Inceste (Lăng loàn nội thích – 1999), dựa trên cuộc đời người bạn nạn nhơn xiđa tên là Guillaume Dustan.
(10) Gérard Genette, nhà lí luận và nghiên cứu văn học, chuyên ngành tự sự học. Xem : Trần Huyền Sâm, Gérard Genette, nhà tự sự học tu từ, trong Những vấn đề lý luận văn học phương Tây hiện đại – Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – 2010).
(11) Xem ; Trần Thiện-Đạo, Gậy ông đập lưng ông ? (Thể thao & Văn hóa, số 57, ngày 01-10- 2007). Camille Laurens, tác giả cuốn tiểu thuyết Dans ces bras là (Trong những vòng tay ấy – 2000), giải Fémina 2000. Marie Darrieussecq, tác giả cuốn tiểu thuyết Truismes (Hóa thân – 1996), hụt giải Goncourt, nhưng bán chạy và liên tục bán chạy, năm đầu ba ngàn cuni mỗi ngày (xem mục Mười gương mặt trong bài).
(12) Xem : Trần Thiện-Đạo, Một vì sao rụng. Edouard Glissant (1928-2011) - Nhà văn tâp chủng toàn-cầu (Sông Hương, số 266, tháng 04/2011 ; Văn nghệ, số 14, ngày 02/04/2011 ; Hợp lưu online, ngày 16/04/2011).
(13) Xem : Trần Thiện-Đạo, Văn chương hay đánh trống rao hàng (Thể thao & Văn hóa, số 90, ngày 30-02-2005 ; Evan, ngày 30/08/2005) và Đúng là ‘’ đầu voi đuôi chuột’’ (Thể thao &Văn hóa, số 94, ngày 06-09-2005).
(14) Xem ; Trần Thiện-Đạo, Giải Renaudot 2004 - Phần thưởng cho một di cảo (Evan, ngày 09/11/2004) và Định mạng của Irène Némirovski (Evan, ngày 29/04/2005).
(15) Xem : Trần Thiện-Đạo, Giải Goncourt 2006 - Độc đạo và độc đáo (Thể thao & Văn hóa, số 135, ngày 11-11-2006).
(16) Xem : Trần Thiện-Đạo, Giải Goncourt 2009 – Marie NDiaye : Ba thục nữ giàu nghị lực (Hợp lưu online, ngày 5 tháng 11/2009 ; Văn nghệ, số…, ngày…). Gương mặt số 10 bis này biểu hiện nền văn học Pháp hiện thời : phái nữ chiếm đa số, đủ loại màu da trong giới viết văn, tài năng trẻ, cộng đồng Pháp ngữ.


Góc nghĩ
Q U Ĩ T H Ờ I G I A N

 Quĩ thời gian ? Là phần thời gian còn lại trên đời, khi chúng ta đà cao tuổi, gần đất xa trời. Trong những lần trò chuyện vui vẻ với các sanh viên nam nữ ở Sài gòn, Huế hay Hà nội, trước khi chia tay, họ thường thân ái trách chúng tôi một cách dí dỏm như vầy : «Thầy, thầy, sao quĩ thời gian của thầy còn ít quá vậy ? » Chúng tôi hiểu lời trách này hàm cùng một lúc hai nghĩa : một, là thời gian chúng tôi có mặt ở Việt nam đối với họ quá ngắn, dầu thường xuyên là ba tháng (tối đa, nếu không xin được gia hạn), hai, là thời gian còn lại ở tuổi chúng tôi, trước khi nhắm mắt, cũng không dài.
Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều đáp, cũng không kém phần hóm hỉnh, cười trừ : « Tuy chưa được bầu vô Viện Hàn lâm Pháp, thầy cũng hệt như các thành viên trong viện, đã trở thành bất tử (1). Nếu không thật tình bất tử, thì chắc cũng sống lâu, chớ bộ. »

Tuổi đời xưa nay hiếm
Thật ra, đâu có hiếm như thành ngữ nghiễm nhiên chấp í. Chỉ cần ngó qua năm bẩy trường hợp nhắc tới trên báo chí đông / tây gần đây thì rõ : chẳng thiếu bóng dáng những ngưởi cao tuổi, gọi là gần đất xa trời mà vẫn cường tráng, trí nhớ dẻo dai, đầu óc minh mẫn, thuận bưồm xuôi gió trong với xã hội.
Như ở bên ta, bà Nguyễn Thị Trù (118 tuổi, cao tuổi nhứt trên thế giới, sanh ngày 04/05/1893), ông Huỳnh Văn Lạc (110 tuổi) và các bà Lâm Thị Tơ (104 tuổi), Lai Thị Ngữ (103 tuổi), Nguyễn Thị Chánh (102 tuổi), các bà 101 tuổi Nguyễn Thị Cần, Lê Thị Định và Nguyễn Thị Huỳnh, các bà 100 tuổi Võ Thị Các, Vi Thị Đắc, Nguyễn Thị Vĩnh và Nguyễn Thị Hai (2). Trẻ hơn thì có bà * Trần Thị Vui, sanh năm 1925, thời trẻ vào cung phục vụ Hoàng thái hậu Từ Cung (Hoàng Thị Cúc - ? - 1980), đảm nhiệm công việc ‘‘ quạt, bóp chưn, vấn tóc, nâng khăn, dâng nước, bê tráp trầu…’’, cho tới khi vua Bảo Đại (Nguyễn Vĩnh Thụy – 1913-1997) thoái vị năm 1945 ; rời cung, lấy chồng, không sanh nở, cưới vợ hai cho chồng sanh con đẻ cái ; khi ông chồng và vợ hai qua đời, bà ở vậy hòa thuận với con ghẻ cho tới ngày nay, * bà Công tôn nữ Trí Huệ, như tên gọi, vốn dòng dõi hoàng tộc, sanh năm 1920, đương nhiên ‘’ được phép vào trong Đại nội học may vá thêu thùa như các Công tôn nữ khác’’, đặc biệt học nghề may gối trái dựa (3) và luôn cả việc may áo cho Hth Từ Cung ; bước vào tuổi xưa nay hiếm 90, bà vẫn gắn bó với nghề may gối trái dựa theo truyền thống cung đình, * ông Lữ Hữu Tài, sanh năm 1910 trong một gia đình trọng thị nhã nhạc : từ nhỏ, ông đã thuộc nằm lòng các bản Vạn thọ đánh trong ngày chúc tuổi nhà vua, Đăng đàn cung vào dịp đón tiếp chư tướng, hay Kim tiền trong yến tiệc, năm 2003 ; nhã nhạc được Unesco (Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, ông được vời làm cố vấn, truyền nghề cho Đội nhã nhạc đương đại cho tới nay (4).
Tất cả các cụ, đại đa số là các cụ bà, kể trên vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn, chăm lo công việc hằng ngày. Còn trên thế giới ?
Lấy mấy thí dụ do các thông tấn xã đưa tin, chúng ta có thể nhắc tới trường hợp một số binh sĩ còn sống sót trong Đại chiến I ở châu Âu (1914-1918) và, ngược thời gian, trong chiến trận Nam Bắc phân tranh ở Hoa kì (1861-1865). Trước hết là các ông * binh sĩ Đức Erich Karher, từ trần ngày 01 tháng 01/2008, hưởng thọ 107 tuổi, * binh sĩ Pháp Lazare Ponticelli, qua đời ngày 12 tháng 03/2008, hưởng thọ 110 tuổi, * binh sĩ Íđạilợi Delfino Borroni, từ trần ngày 26 tháng 10/2008, hưởng thọ 110 tuổi, * binh sĩ Hoa kì Franck Buckles, qua đời ngày 12 tháng 02/2011, hưởng thọ 110 tuổi, và * binh sĩ vương quốc Anh Claude Choules, từ trần ngày 04 tháng 05/2011, hưởng thọ 110 tuổi - ông được xem là binh sĩ chót cùng trong Thế chiến I bấy giờ còn sống. Và cũng nên nhắc thêm * ông Walter Breuning, vừa qua đời ngày 14 tháng 04/2011, ở thị trấn Great Falls bang Montana Hoa kì, sau khi đã sống suốt thời gian 114 năm và 205 ngày : hồi nhỏ ông từng nghe ông nội là người sống sót trong trận chiến Nam Bắc phân tranh kể nào là chiến công hiển hách, chiến bại đau thương, máu lửa ngụp trời. Các binh sĩ tuổi đời xưa nay hiếm nói trên thảy đểu có dịp tiết lộ bí quyết sống lâu của mình, có thể tóm gọn như sau : « Khi trí óc ta thường xuyên làm việc, cùng với tay chưn, thì chắc chắn ta sẽ còn đó lâu dài. ». Một châm ngôn quả tình thâm thúy.

Bất tử bất diệt
Vượt giới hạn

Nhưng sống lâu đâu phải là bất tử. Thế cho nên các tôn giáo từ xưa tới nay chỉ có thể, chỉ dám hứa hẹn với con chiên đời sống bất tử ở kiếp sau. Trên Thiên đường hoặc trong cảnh Bồng lai. Còn các nhà khoa học thì, ngược lại, thiết thật hơn, thực dụng hơn, họ không ngừng tìm tòi, miệt mài thí nghiệm trong mục đích chuyển hóa đời sống ngắn ngủi của con người sao cho nó trở nên bất diệt. Gần đây nhứt là công trình của nhà di truyền học Miroslav Radman, ông vừa cho ra mắt đầu năm nay tập sách khảo cứu Au-delà de nos limites biologiques (Vượt qua giới hạn sanh vật của chúng ta – Nxb Plon, 2011). Ông chẳng ngại, dựa trên thực nghiệm, báo hiệu rằng, trong tương lai không xa mấy, tuồi thọ của con người sẽ với tới những 150 / 200 năm, rồi cứ thế mà dài lâu thêm mãi.
Từ mấy năm nay, Miroslav Radman đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu trình tự oxy-hóa các tế bào, nguyên nhơn khiến cho tế bào bị rỉ sét chẳng khác cục sắt một chút nào. Tuy trong máu huyết có tiềm ẩn một chất đạm tự động đề kháng, làm chậm bớt rỉ sét. Nhưng không tương xứng, thành ra tế bào cứ càng ngày càng già cỗi. Rồi chết dần, chặt đứt tuổi đời của con người. Trên yếu tố này, nhà nghiên cứu bèn tập trung công sức vào việc sáng chế một vaccin, thuốc tiêm chủng đặc biệt có thể làm tăng thêm chất đạm đề kháng bẩm sanh hầu ngăn chận tiến trình lão hóa nếu không hủy bỏ được nó.
 Viễn tượng
 Giả thử công trình tìm kiếm Miroslav Radman đang thử nghiệm thành công, giả thử tế bào không còn bị rỉ sét và trở thành bất diệt, giả thử nhờ đó mà chiếc đồng hồ sanh vật được chế ngự hoàn toàn … Thì tất nhiên chúng ta ắt sẽ bất tử, không còn biết cái chết là gì. Vấn đề con người bất tử và hệ quả phải được đặt ra ở đây. Đầu đề cho một cuộc thi tuyển trường lớn. (4)
Con người trường xuân bất diệt thiệt ư ? Cảm tưởng thoạt đầu là một niềm vui vô tận. Bởi cho tới nay, chúng ta thường hay than phiền mình không có đủ thời gian để thực thi, hay hoàn tất việc này việc nọ, cuộc đời vốn dĩ quá ư ngắn ngủn dẫu có sống lâu tới đâu. Bây giờ thì tha hồ mà cựa quậy, mà học hỏi, mà khám phá, mà sáng tạo, tha hồ và tha hồ… và trên hết (hay nói theo tiếng Pháp : cerise sur le gâteau, quả xơri trên miếng bánh ngọt) là tha hồ vui thú, yêu đương. Lại nữa, vì chưng mớ người thân thuộc, gần gũi, ông bà, cha mẹ, anh em, chú bác, bạn bè… thảy đều trường xuân bất diệt, thì chúng ta chẳng còn có cơ phải sống qua tình cảnh chia lìa, than khóc, nước mắt dầm dề, tình cảnh mà ngày xưa có ai đó đã gọi là la pire expérience humaine, là trải nghiệm kinh hoàng nhứt của con người trên cõi đời này.
Rồi lại suy diễn tiếp liền. Niềm vui như mở hội nói trên bỗng dưng tan biến. Con người bất tử thiệt chăng ? Căn cứ trên dữ liệu dân số học, thì trên trái đất nhỏ bé và hữu hạn của chúng ta, vào đầu thế kỉ XIX (năm 1900), toàn thể dân số đếm có cả thảy là 1 tỉ rưỡi, 30 năm sau (năm 1930) là 2 tỉ, đầu thiên niên kỉ thứ II (năm 2000) là 6 tỉ và theo dự kiến thì vào giữa thế kỉ 21 (năm 2050) sẽ vùn vụt vọt lên tới chừng 9 tỉ… Giả thử con nguời thật tình bất tử, mà lại cứ sanh con đẻ cái, thì dân số sẽ tăng lên gắp bội với một tốc độ phi phàm, exponentielle, để nói theo tiếng Pháp. Bấy giờ có còn chỗ ở cho con người chung sống trên trái đất hay phải phân chia di dời sang các hành tinh khác ? Vậy thì bắt buộc phải triệt để ngăn ngừa sanh đẻ, sống trong cảnh buồn hiu, dã tràng ngày đêm xe cát mà không có con cái quấn quít vui vầy. Cũng chẳng còn khác biệt nào giữa thế hệ này thế hệ nọ nữa, chỉ toàn có mỗi một thế hệ bất tử, già cỗi với nhau mà thôi.
Một viễn tượng khó trở thành hiện thực.
 
(Paris, 13/09//2011)
---------------------------
(1) Thành viên Viện Hàn lâm Pháp thường được gọi là immortel(s), là bất tử. Hội họp, họ phải mặc đồng phục màu lục và mang gươm nạm biểu hiệu cá nhơn. Cái chung (đồng phục) và cái riêng (thanh gươm) này biến đương sự thành bất tử.
(2) Xem : Thi Ngoan, Cụ già Sài gòn sống thọ nhất Việt Nam (VnExpress, ngày 12/09/2011)
(3) Gối trái dựa : gối có nhìều nếp, có thể gập lại mở ra tùy í để gối đầu, dựa lưng, tì cùi chỏ.
(4) Xem : Văn Nguyễn, Nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn (VnEpress, ngày 08/04/2011) ; Người phụ nữ may gối cho vua Bảo Đại (VnExpress, ngày 12/05/2011)) ; Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn (VnExpress, ngày 27/06/2011).
(5) Tường lớn : đại học đào tạo tinh hoa đất nước, sanh viên chỉ được nhận qua thi tuyển, với trình độ khoa học, triết học, văn học và nhứt là suy luận cao.
 




Văn chương chữ nghĩa
ĐẠO VĂN, TRÍCH DẪN, VAY MƯỢN ?


Mở đầu bài Văn hóa xã hội - Đạo văn, chúng tôi có nhắc đến hai vụ đạo văn với nghĩa thật thụ của nó như sau : « Nôm na mà nói thì là ăn cắp văn. Như nhà văn Võ Thị Hảo có lần đã lên tiếng : “Truyện của tôi đã bị ăn cắp trắng trợn (…). Tôi là Võ Thị Hảo, chứ không phải Phạm Minh Phong.’’, khi tác phẩm Máu của lá của bà bị/được chép nguyên xi (chỉ đổi tên các nhơn vật) in lại trên tuần báo Văn nghệ, kí tên Phạm Minh Phong. Một thí dụ khác ít kĩ xảo hơn (không bỏ bớt hay sửa chữa một chữ nào) mà nạn nhơn chính là kẻ kí tên dưới bài này : người ta đã ăn cắp bản dịch tiểu luận Jean-Paul Sartre, một tiểu thuyết gia của Maurice Nadeau do chúng tôi chuyển ngữ, đem in lại trong tập Tiểu thuyết Pháp từ Thế chiến thứ hai cũng của Maurice Nadeau do Trần Nhựt Tân phiên dịch. » (1)
Người ta ăn cắp không chỉ văn sáng tác mà cả văn dịch. Chúng tôi bấy giờ có í ngóng chờ phản ứng của các đương sự, của giới làm văn và của độc giả trên báo chí hoặc trên các phương tiện truyền thông khác. Nhưng cuối cùng đành phải thất vọng, chẳng thấy một dòng hay một lời ngắn ngủi nào biểu hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong Nam ngoài Bắc. Người ta không đủ can đảm lên tiếng thú nhận mình đã đạo văn, hoặc cải chánh, hoặc (tự) bào chữa cách này cách nọ chăng ? Các nhà văn nhà báo, vốn rất nhạy cảm, cũng im như thóc đổ bồ, ngại đụng chạm chăng ? Còn độc giả thì lại thờ ơ, cho rằng chuyện nội bộ văn chương chẳng đáng quan tâm chăng ?
Một thái độ hờ hững đồng loạt như vậy, trước một hành vi trắng trợn ăn trộm mồ hôi của kẻ khác, (đã) khiến chúng tôi lấy làm sửng sốt vô ngần. Chắc là vì quen sống trong môi trường văn học Pháp và, nói chung, châu Âu, nơi mà mọi tác phong ăn cắp văn của người khác làm thành văn của mình, tức là đạo văn, thường bị phát hiện ngay liền. Còn thủ phạm thì không tài nào tránh khỏi mất mặt và mất uy tín và, đòi khi, còn bị lôi ra tòa. Xin khỏì nhắc tới các trường hợp đã xảy ra mấy mươi năm trưóc (2), chỉ cần thuật qua vụ nhà báo kiêm nhà văn Joseph Macé-Scaron mới đây thì rõ.
 
Săn lùng Scaron
Tiêu đề trên đây tóm gọn nhan đề La chasse au Scaron est ouverte (Mở cuộc săn lùng Scaron) của bỉnh bút Pierre Assouline, bình luận việc nhà văn kiêm nhà báo Joseph Macé-Scaron đạo văn trong tác phẩm và bài báo của mình (3). Săn lùng như săn lùng sâu bọ, săn lùng loại động vật nguy hiểm. Một cái nhan đề biểu thị rõ rệt tinh thần căm phẫn trước mọi hình thức đạo văn, nhứt là khi thủ phạm có tên tuổi và tiếng tăm trong môi trường văn hóa như đương sự. Thật vậy, Joseph Macé-Scaron mấy năm nay nắm trong tay nhiều chức vụ và trọng trách trên văn đàn và trong ngành báo chí. Ông vừa là giám đốc nguyệt san Magazine littéraire (Tạp chí văn), vừa là phó giám đốc tuần báo chánh trị xã hội Marianne (Tổ quốc), vừa là người dẫn chương trình Jeux d’épreuves (Trò vấn đáp) trên đài truyền thanh France Culure (Văn hóa Pháp), vừa là nhà văn bình luận và phê bình văn học thường trực trên nhiều vô tuyến truyền thanh và truyền hình. Một nhơn vật văn chương quan trọng.
Đầu tháng tư, cuốn truyện Ticket d’entrée (Vé vô cửa – Nxb Grasset, 2011) của ông ra mắt bạn đọc, thuật chuyện một nhà báo dấn mình trong giới đồng nghiệp và đồng…tánh luyến ái, trải qua lắm rắc rối nhọc nhằn. Hai tháng sau, trúng giải La Coupole (Hàn lâm) 2011, là giải dành cho ‘’nhà văn nào có tinh thần nhạy bén’’ do một hội đồng gồm mười hai tay nghề trong ngành báo chí chấm. Lập tức trở thành một best-seller trong số sách bán chạy nhứt và sắp trở thành một long-seller trong số sách liên tục bán chạy. Thế rồi đùng môt cái, có một công dân mạng phát hiện nhiều đoạn trong cuốn Vé vô cửa giống in mấy trang trong tác phẩm American rigolos – chroniques d’un grand pays (Huê kì lại cái - chuyện hằng ngày ở một nước lớn – Nxb Payot, 2003) của nhà văn Mĩ Bill Bryson, và công bố trên … mạng, kèm theo dẫn chứng cụ thể (quá dài, xin khỏi trích lại ở đây).
Theo gót công dân mạng nhà giáo này là cả một số độc giả, văn gia và nhà báo nhập bọn, hè nhau săn lùng. Trước tiên là độc giả và nhà văn.
Và họ đã phát hiện không những trong cuốn truyện nói trên mà còn trong cuốn truyện đầu tay Trésibonde avant l’oubli (Trésibonde trước thời quên lãng – Nxb Robert Laffont, 1990) của đương sự xuất bản hai mươì năm trước cũng có nhiều đoạn giống in mấy trang trong tác phẩm Premier journal parisien, 1941-1943 (Nhựt kí ba năm đầu ở Paris, 1941-1943 – Nxb Christian Bourgeois, 1980) của nhà văn Đức Ernst Jûnger (1895-1998). Ngoài hai cuốn truyện vừa nhắc, các cuốn truyện khác của đương sự cũng không thiếu nhiều đoạn văn cóp nhặt tương tự.
Rồi đến phiên giới làm báo. Và họ phát hiện nhà báo Joseph Macé-Scaron cũng cóp nhặt khá nhiều, hoặc nguyên xi hoặc sửa đổi chút ít hay gạch bớt vài chữ, đoạn này đoạn nọ bài của đồng nghiệp đã đăng trước đó. Thí dụ * bài Catulle, le Rimbaud de Vérone (Catulle, nhà thơ Rimbaud của thành phố Vérone) (4), đăng trên tuần báo Marianne ngày 6 tháng bảy 2006 có một đoạn dài cóp nhặt trong bài điềm sách Roman de Catulle (Truyện nhà thơ Catulle) của nhà phê bình Laurence Liban đăng hai năm trước trên nguyệt san Lire (Đọc sách) tháng bảy 2004. Hay * bài Le tiers état culturel (Thế giới văn hóa thứ ba), cũng đăng trên tuần báo Marianne ngày 16 tháng chín 2006 và cũng có một đoạn dài khác cóp nhặt không bỏ sót một dấu phẩy trong bài điểm sách La condition littéraire (Điều kiện văn chương) của nhà phê bình Delphine Péras đăng … hai ba tuần trước cũng trên nguyệt san Lire tháng chín 2006. Và nhiều nữa…

 Gỡ gạc

Trong bối cảnh này, nhớ lại thời ông cộng tác với tờ nhựt trình Le Monde (Thế giới), nhà báo Olivier Biffaud kể : « Một hôm, cũng lâu rồi, tình cờ đọc một bài báo kí tên Joseph Macé-Scaron, tôi vụt nhận thấy có nhiều câu và đoạn văn chính mình đã tạo tác trước kia. Sửng sốt và sững sờ khôn tả. Tôi bèn nguệch ngoạc mấy dòng gởi cho đương sự một thông điệp, phàn nàn và nói mỉa rằng nên cho tôi biết trước các đề tài sắp biên soạn, để tôi có đủ thì giờ mớm cho anh ta…Vài bữa sau, bất ngờ nhận được một thùng sâm banh thượng hảo hạng… ». Tác phong thú nhận chăng ?
Dầu bị bắt quả tang không chỉ một lần như vừa trình bày và không thể chối cãi, đương sự vẫn cố tránh né, núp đằng sau khái niệm liên văn bản. Liên văn bản, hay intertextualité, là một khái niệm rất thạnh hành vào những năm 70 thế kỉ trước trong giới phê bình văn học ở Pháp, do nhóm Tel Quel (I nguyên) với những Julia Kristeva, Philippe Sollers… khởi xướng, rồi lần hồi lan rộng khắp nơi, kể cả trong giới đại học ở Việt nam. Qui định sau đó bởi nhà lí luận văn học Gérard Genette, khi ông nghiên cứu các mối liên hệ của một văn bản hiện tại với các văn bản có trước. Ông phân biệt ba loại liên văn bản như sau : * trích dẫn (nguyên tác : citation), từng chữ, có đề tên tác giả, * đạo văn (nguyên tác : plagiat), từng chữ, nhưng giấu tên tác giả, như là của mình và * ám chỉ (nguyên tác : allusion), tùy cơ vay mượn, không i chang câu văn, không đề tên tác giả, nhưng không úp mở giấu diếm, độc giả dễ dàng nhận thấy vay mượn của ai.
Để gỡ gạc, Joseph Macé-Scaron viện dẫn triết gia tiền bối Michel de Montaigne (1533-1592), tác giả năm tập Essais (Cảo luận - xuất bản từ năm 1580 tới năm 1595, tập cuối là một di cảo). Vốn là tác giả tập biên khảo Montaigne, notre nouveau philosophe (Montaigne, triết gia mới của chúng ta - vừa tái bản trong tủ sách CNRS, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia), nên ông chẳng ngại căn cứ trên tác phẩm của triết gia này để giảm khinh hành vi của mình. Tuyên bố : « Văn chương đâu phải là tự trên trời rớt xuống (5), các tác giả từ xưa tới nay thảy đều bú mớm nhau, nuôi dưỡng nhau, không trừ một ai. Liên văn bản là khái niệm cố hữu, dầu tôi chẳng có mảy may tham vọng nâng mình lên hàng các nhà văn lớn. Trong tác phẩm của Montaigne có ít nhứt là 400 chỗ vay mượn Plutarque. » Triết gia Michel de Montaigne đã vay mượn sử gia Lamã Plutarque (46-125 scn) mà không đề xuất xứ hệt như Joseph Macé-Scaron vừa rồi chăng ?
Câu hỏi này, lạ lùng thay, đã được giáo sư văn học Isabelle Konstantinovic, tác giả tập biên khảo Montaigne et Plutarque (Montaigne và Plutarque – Nxb Droz, 1989), giải đáp rạch ròi hơn hai mươi năm trước. Trong các tập cảo luận của mình, Michel de Montaigne thường xuyên nhắc tên Plutarque mỗi khi trích dẫn, tất cả là tám mươi tám lần, và đó là không kể những chỗ triết gia dùng câu theo nhà Tu từ học thời cổ để chỉ Plutarque. Nói cách khác, triết gia đã vô hình trung liên văn bản bằng trích dẫn mà không hề biết mình liên văn bản, cũng như nhơn vật Jourdain trong hài kịch nọ hằng ngày không ngớt ăn nói bằng văn xuôi mà không hề biết mình sử dụng văn xuôi (6).
Các trích dẫn kèm theo xuất xứ, trực tiếp hay gián tiếp, nhận diện trên đây, chứng tỏ rằng Michel de Montaigne không lúc nào ngừng tỏ lòng ngưỡng mộ và đội ơn nhà Tu từ học thời cổ Plutarque, xuyên suốt năm tập Cảo luận. Ngay tập đầu, ông cũng đã nói rõ :«Tôi chưa từng miệt mài với một quyển sách vững vàng nào, ngoại trừ Plutarque và Sénèque (7). » Trong khi Joseph Macé-Scaron, nói nào ngay, cũng có nhắc tới Bill Bryson một lần duy nhứt trong cuốn truyện của mình, mấy chục trang trước các đoạn văn sao chép.
Giải thích
Trước những lời cáo buộc, ngày 22 tháng 08/2011 trên mạng, rồi lần lượt trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác, việc ông đã đạo văn nghiễm nhiên bùng lên sôi sục, có thể bảo là rùm beng, và sau những lời gỡ gạc không mấy hiệu quả và còn bị chế diễu mỉa mai, Joseph Macé-Scaron đành phải trịnh trọng lên tiếng. Để giải thích, pour s’expliquer như ông nói. Trên tuần báo Marianne ngày 12 tháng chín vừa qua, ông giải thích : « Tôi xin được phép nhắc các bạn rằng, trong cuốn Vé vô cửa và mấy cuốn sách khác, tôi hằng mải mê chơi trò vay mượn, nháy mắt, trích dẫn theo kiểu liên văn bản. Nhưng chẳng nên vì vậy mà, trong cơn thịnh nộ tranh cãi, người ta lại lẫn lộn cách viết văn ấy với một cách viết khác - vốn dĩ sai lầm - là, nói riêng về phần mình, trong sự hối hả của nghề làm báo, cứ hay trích dẫn và sao chép mà không đề xuất xứ và đánh dấu ngoặc kép. Vậy thì xin các đồng nghiệp cả nam lẫn nữ liên quan sẵn lòng tha thứ nếu như họ không còn căm giận, nếu như họ chịu hiểu những điều tôi trình bày – và luôn cả độc giả. »
Qua mấy dòng giải thích phần nào lắt léo trên đây, chẳng biết các đồng nghiệp liên quan và độc giả rồi có sẵn lòng chấp nhận lời xin lỗi mập mờ của đương sự hay không. Một điều chắc chắn là Joseph Macé-Scaron đã không ít mất mặt và uy tín. (8)

TRẦN THIỆN-ĐẠO
(Paris, 18/09/2011) 
----------
(1) Xem : Trần Thiện-Đạo, Văn hóa xã hội - Đạo văn (Tạp chí Hợp lưu, số 92, tháng 12/2006 & 01/2007 ; Tổ quốc điện tử, ngày 09/03/2007). Xin cảm ơn ông Trần Hinh, giảng viên văn học Pháp Đại học khoa học xã hội nhân văn Hà nội, đã phát hiện và kiểm chứng các trang liên quan, rồi thông báo chúng tôi. Các trang này in trong hai tập biên khảo : Trần Thiện-Đạo, Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc (Nxb Văn học – 2001, tr. 211-227) và Maurice Nadeau, Tiểu thuyết Pháp từ Thế chiến thứ hai (Nxb Văn học - 2002, người dịch : Trần Nhựt Tân, tr. 119-133).
(2) Vụ nhà văn nổi tiếng Bernard-Henry Lévy là một thí dụ điển hình. Trong bài phỏng vấn đăng trên nhựt báo Le Monde (Thế giới), ngày 05 tháng giêng 1978, ông đã cứ gọi là vô tình cóp nhặt (chỉ có) sáu dòng thi phú của nhà thơ Saint-John Perse (1887-1975) lắp ghép vô lời nói như là của chính mình, thì liền bị giới phê bình đồng lượt lên tiếng chỉ mặt ngay ngày hôm sau trên báo chí và trên vô tuyến truyền thanh và truyền hình. Phần nhắc lại vụ này trong bài Đạo văn đã bị tòa soạn Tổ quốc điện tử tùy tiện cắt bỏ.
(3) Xem : http///passoline.blog.lemonde.fr, cùng năm trăm ba mươi mốt, vâng, 531 phản hồi, cho thấy độc giả Pháp rất nhạy cảm đối với hành vi đạo văn.
(4) Catulle, Caius Valerius Catullus (87-54 tcn), nhà thơ Lamã, mạng yểu cũng như nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud (1854-1891).
(5) Nguyên tác : La littérature ne s’écrit pas ex nihilo.
(6) Trong hài kich Le Bourgeois gentilhơmme ( Trưởng giả học làm sang, 1670) của Molière (1622-1673).
(7) Nguyên tác : Je n’ay dressé commerce avec aucun livre solide, sinon Plutarque et Sénèque. * Plutarque (Ploútarkhos, 46-125 scn), sử gia Lamã ; * Sénèque (Lucius Annaeus Seneca, 4 tcn-65 scn), triết gia Lamã.
(8) Chỉ bị mất mặt và mất uy tín. Còn may hơn các * ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa liên bang Đức, đã phải từ chức ngày 01/03/2011, vì bị phát hiện đã đạo văn trên dưới 200 đoạn trong Luận án tiến sĩ Luật bảo vệ mấy năm trước, và * ông Patrick Poivre d’Arvor, nhà báo truyền thanh và truyền hình, đã bị tòa án Paris ngày 07/09/2011 xử phạt 30.000 euro (1 euro = 28.000 Vnđ), bồi thường tác quyền của nạn nhơn bị ông sử dụng thư từ trong nhiều chương mà không xin phép trong cuốn tiểu thuyết hồi kí Fragments d’une femme perdue (Mảnh vỡ một người đàn bà bị đánh mất). 
 







 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 114045)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 105440)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 103444)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78432)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 92151)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99102)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 94398)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 97636)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 83719)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 109118)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...