Hợp Lưu 114 đến với quí độc giả và văn hữu trong những ngày đầu tháng 7 khi những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn và Hà Nội báo hiệu một mùa ngập lụt mới. Trong khi cuộc cách mạng tự do dân chủ như những cơn bão lốc xoá tan và thay đổi các thể chế độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi, mặc cho những cuộc trấn áp, bưng bít thông tin, ngăn chận những mạng lưới điện tử toàn cầu... Nhưng tất cả rồi cũng như một ván cờ đã đến hồi tàn cuộc.
Những ngày đầu hè thật nóng như các cuộc xuống đường liên tục của người dân Việt Nam để phản đối Trung Quốc về sự lấn chiếm vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những cuộc biểu tình của người Việt cùng khắp từ trong nước ra hải ngoại; từ Hà Nội, Sài Gòn đến Liên bang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc...như những dòng nước mưa tìm nơi thoát, khiến người ta có cảm giác bớt tù túng, nhất là người dân trong nước. Và đây cũng là dịp chúng ta thấy ra sự gắn bó, tình yêu quê hương và tổ quốc của người dân Việt; đất nước như một điểm tụ để hướng về, như những dòng sông hợp lại... sức mạnh của quần chúng, tự do và nhân bản sẽ thăng hoa đời sống của con người.
Hợp Lưu 114 được mở đầu với (phần 2) bài biên khảo của Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu về giai đoạn ngắn ngủi từ ngày 9-10/3/1945 tới ngày 21/8/1945, khi guồng máy quân sự Nhật bị sụp đổ là một trong những thời kỳ quan trọng trong lịch sử cận đại chấm dứt hơn tám mươi năm Pháp đô hộ, và kích động một cuộc cách mạng xã hội mà đặc điểm là hiện tượng Việt-Nam-Hóa tất cả các cấu trúc xã hội. Và một biên khảo của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng với “Tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật tử Việt Nam thời kỳ đầu quốc gia tự chủ” một tấm gương sáng cho các đời sau noi theo.
Hợp Lưu 114 đặc biệt với song truyện hay cặp truyện, vì là hai truyện riêng, nhưng cùng nhân vật, cùng cốt truyện, nhìn từ hai nhân vật chính khác phái của Trần Vũ và Trầm Hương. Truyện kể về thân phận của hai người đi vượt biên sau năm 1975, thay vì đến Indo hay Mã Lai, lại tấp vào đảo Iwo Jima năm 1944, lúc Nhật và Mỹ đang huyết chiến trên hòn đảo bé tí sắp bom đạn này... khi đã lìa xa quê hương và tổ quốc không dung chứa, tương lai sẽ đi về đâu? Đây là song truyện thật lạ trong văn chương Việt Nam ở cả trong nước và hải ngoại.
Hợp Lưu 114 có nhiều văn thi hữu lần đầu cộng tác, như Nguyễn Thị Khánh Minh có nhiều thi phẩm đã xuất bản từ 1991 đến 2009 tại Việt Nam. Nguyễn Thị Quyên ở Bình Định. Nguyễn Lệ Uyên người viết trong nước từ trước 1975. Nhà văn Quý Thể mới định cư tại Hoa Kỳ. Cùng những người còn rất trẻ như Nguyễn Lãm Thắng, Trần Hồ Thuý Hằng, Song Ninh...
Ngoài ra là những sáng tác mới nhất về thơ, truyện, tuỳ bút, của các văn thi hữu quen thuộc như Lý Thừa Nghiệp, Luân Hoán, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Xuân Tường Vy, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Đức Bạn, Lữ Thị Mai, Đoàn Minh Châu, Đỗ Phấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lê Nguyệt Minh, Đoàn Nhã Văn, Vũ Trọng Quang, Khiêm Nhu, Trần Thiên Thị, Song Thao, Trần Mộng Tú, Hoàng Chính, Lưu Diệu Vân, Lưu Na, Phạm Thị Ngọc, Khaly Chàm, Đặng Hiền...
Phần truyện dịch là trích đoạn hồi ký Samuraï của Saburo Sakai do Nguyễn Nhược Nghiễm chuyển ngữ. Mục thường xuyên vẫn duyên dáng sâu sắc với Phiếm Luận của Song Thao và Mạn Đàm Văn Học với Trần Thiện Đạo...
Hợp Lưu 114 hân hạnh giới thiệu bức tranh bìa Ngày Mùa của hoạ sĩ Ái Lan một tác phẩm thể hiện nét đẹp xưa của Việt Nam như một lời mời cùng Hợp Lưu và những cơn mưa tự do đi vào mùa nóng 2011.
Chúc quí độc giả và văn hữu một mùa hè vui tươi hạnh phúc.
Tạp Chí Hợp Lưu