( Một góc Hà nội / Ảnh M.H)
LTS: Với những trang viết thật ngắn, bằng nét phát hoạ tưởng như vô tình, Hoài Băng gởi đến độc giả một bức tranh, một khúc phim ngắn như vết dao cắt trong lòng người đọc về xã hội Việt Nam ngày nay.
TCHL
Người đi đường dừng lại, người đàn ông nằm bất tỉnh trên vũng máu loang lổ. Tôi cố tình chen lấn và trí tò mò dành cho tôi một chỗ trong đám người hiếu kỳ đó.
-Tránh ra cho anh ta thở nào?
-Còn sống hay đã chết?
-Gọi cho người nhà anh ta đi, anh ta ở đâu thế? Xem chứng minh nhân dân nào.
-Gọi xe cấp cứu chưa?
-Người đâm anh ta đâu rồi?
Những kẻ hiếu kỳ phía sau nhảy chồm chồm ngó qua đầu những kẻ hiếu kỳ phía trước. Đám người ngày một đông. Họ chen nhau tắc cứng cả làn đường, tôi lạc vào biển ngột ngạt đó từ lúc nào không rõ. Có ai đó gào lên.
-Khiêng anh ta và chiếc xe lên vỉa hè đi.
Một giọng trầm hơn.
-Hắn nói đúng! dính vào người chết xui bỏ mẹ.
Đám đông trở nên nhốn nháo, những chiếc xe nhích dần đến chỗ người đàn ông đang nằm sõng soài trên vũng máu tỏ ra sốt sắng và cáu bẳn. Họ ngó nghiêng, nhăn mặt, chép miệng, tắc lưỡi, chửi thề….
Có một vài cô gái trẻ thì tỏ ra dễ chịu hơn, họ chỉ trỏ chiếc xe nằm cách người đàn ông một quãng bình phẩm.
-Xe đời mới đấy!
-Đẹp nhỉ? Tiếc thật.
-Thằng bồ tao đang hứa sinh nhật tới mua tặng tao một con như thế này.
-Nhìn lão bồ mày có như tên nằm kia không?
-Phỉ phui, chỉ được cái độc miệng. – người ta bắt đầu nghe thấy tiếng cười xì xầm của hai cô gái.
Đường tắc quá lâu khiến hai chú bảo vệ của một công ty gần đấy cũng tỏ ra lo lắng và họ đã chủ động khiêng người đàn ông và chiếc xe lên vỉa hè, và đám đông lại tiếp tục di chuyển.
Anh ta được đặt lên một tấm nilon, nói đúng hơn là một cái áo mưa của kẻ tốt bụng nào đó vừa lôi từ cốp xe ra. Máu vẫn chảy rệu rã, be bét ở đầu và cánh tay. Tôi nhìn thẳng vào gương mặt tái bệch vì mất máu mà khẽ rùng mình một cái, anh ta chết rồi hay sao vậy? tôi không thấy anh ta nhúc nhích. Tôi tạt xe lên lề đường, quay sang hỏi cô gái ngay cạnh mình.
-Chị ơi! Thủ phạm của vụ tại nạn đâu rồi?
Cô gái quay sang nhìn tôi lạnh lùng một lúc lâu rồi mới bình thản đáp:
-Chạy rồi! hai thằng ranh đâm vào xong là chuồn mất tăm luôn.
-Sao đông người vậy mà không giữ chúng lại hay báo cảnh sát?
-Cảnh sát thì sẽ báo, nhưng có trời mới giữ được chúng nó.
Cô gái cau mày quay đi. Một thanh niên anh mặc kiểu nhà quê, có vẻ mặt hiền lành dễ mến dường như đã theo dõi câu chuyện của tôi và cô gái nãy giờ lên tiếng.
-Cô đến trễ.
-Vâng! Tôi hơi hiếu kỳ nên thấy đám đông cũng muốn nhào vô coi thử.
-Vâng! ai cũng có tính hiếu kỳ mà, lúc đó đường chưa tắc, anh ta đi khi thấy đèn xanh bật sáng! Hai cậu bạn vượt đèn đỏ với tốc độ cao đã đâm thẳng vào anh ta. Khổ thân anh bạn này, không biết có qua nổi không?
Tôi hơi chần chừ, nhìn người đàn ông đang cận kề cái chết buột miệng.
-Hai cậu bạn đâm trúng anh ấy có sao không?
-Ai mà biết, chúng cũng bị thương nặng lắm! một thằng bất tỉnh nhân sự - chàng thanh niên chỉ tay về phía người đàn ông – như anh ta vậy. Cậu bạn tỉnh táo hơn bò được dậy đã gọi taxi và tống nó lên đấy! còn chở đi đâu không ai biết. Sau đó, nó dựng xe, rồ ga phóng thẳng bỏ mặc anh chàng này không cần biết sống chết ra sao.
Tôi hơi chạnh lòng, tự dưng lại cảm thấy lo lắng cho cậu thanh niên bất tỉnh trên taxi. Người đàn ông vẫn không hề nhúc nhích.
-Gọi cho người nhà tống khứ của nợ này đi, khẩn trương cho tôi còn đốt vía bán hàng.
Người chủ cửa hàng đồ nội thất phía sau vỉa hè lên tiếng giục giã. Lúc này có một người đàn ông sang trọng rẽ đám đông đi tới ngồi bên cạnh nạn nhân của vụ tai nạn. Hắn lục lọi túi quần bò của nạn nhân. Ở túi thứ nhất hắn lôi ra chiếc ví màu đen, sau khi kiểm tra giấy tờ hắn lại đút chiếc ví về vị trí cũ và nói to.
-Nhà thằng ranh này gần đây thôi! Mọi người đừng lo lắng.
Hắn sờ soạng sang túi quần thứ hai và lôi ra một chiếc điện thoại Iphone vừa đập hộp.
-Tôi sẽ giúp gọi người nhà nó tới, không xa đâu! Có thể họ sẽ tới trước cả xe cứu thương đấy.
Có những tiếng bàn tán.
-Đúng vậy.
-Tắc đường.
-Sao giờ mới có người chịu rút điện thoại anh ta gọi người nhà nhỉ?
Anh chàng bắt đầu giật lên từng hồi và người ta tỏ ra lo lắng. Tôi cũng cố chúi cái đầu về phía kẻ không may kia. Cho đến khi mọi người nói anh ta không ổn rồi và quay ra nháo nhào tìm người đàn ông nọ để hỏi xem người nhà đã đến chưa? Không ai nhìn thấy hắn nữa, chiếc xe SH sang trọng đậu trên vỉa hè lúc nãy cũng biến mất. Lúc này người ta mới ngỡ ngàng đặt ra hàng trăm giả thiết.
Tôi bất bình xô cả đám người để ngồi xuống cạnh anh ta.
-Còn chiếc ví.
-Đồ vô đạo đức, sao nó không khuân nốt đi chứ! Nhân đạo nửa vời à?
-Mọi người im lặng cả đi. Anh ta không ổn rồi!
-Mẹ kiếp quân khốn nạn, đồ ăn cướp.
Sau câu chửi thề của một giọng đàn ông, tôi đưa tay rút lấy ví của anh ta từ trong túi quần ra. Tôi rút chứng minh thư đưa cho chàng trai trẻ lúc nãy đứng bên mình và bảo.
-Anh thông báo cho người nhà anh ta theo địa chỉ này đi, đúng là không xa đâu.
-OK. – chàng thanh niên nhanh nhảu.
Tôi mở ngăn ví bên cạnh, anh ta không có nhiều tiền. Và tôi lôi được trong ngăn khóa ra một tờ hóa đơn màu đỏ, hóa đơn mua điện thoại của siêu thị “thế giới di động”, chiếc iPhone với giá 17.400.000 VNĐ. Gần như anh ta đã dùng cả tiền mua điện thoại nên chỉ còn vài trăm ngàn lẻ. Tất cả mọi người đều nhìn thấy và gần như đoán định ra câu chuyện, họ bắt đầu những màn cười khẩy và lắc đầu.
Tôi nhét tờ hóa đơn trở lại ví. Chàng thanh niên vẫn còn đứng đó.
-Sao anh không đi đi, và thông báo cho người nhà anh ta.
-Cô đưa tôi chiếc ví, tôi đút lại chứng minh vào đó đã.
Tôi đưa chiếc ví cho anh ta và tiếp tục nhìn người đàn ông. Không có ai dám ngồi xuống cạnh anh ta cả. Tất cả mở to đôi mắt nhìn chăm chăm như đang chờ đợi một điều quái quỷ gì đó. Họ tò mò. Họ háo hức. Họ thương cảm.
Tiếng còi báo động của xe cứu thương náo loạn từ đàng xa, nó không làm cách nào chen qua được đám người như nêm trên đường để tới gần anh ta hơn. Bỗng có vài người cả đàn ông lẫn đàn bà hớt hơ hớt hải chạy đến, mồ hôi nhễ nhại từ trán xuống khắp mặt và cổ. Tôi không nhìn thấy chàng thanh niên lúc nãy đi cùng họ. Họ chững lại trước người đang nằm trên những viên gạch vỉa hè vuông vức bật lên những tiếng kêu khóc. Tôi lùi dần lại phía chiếc xe, mở lòng bàn tay nhìn chiếc nhẫn vàng sáng bóng, tôi mơ hồ nghĩ đến tờ hóa đơn nộp học phí có con dấu đỏ chói. Đám đông lặng lẽ tản ra và tiếp tục lộ trình trên con đường tắc cứng, vẻ mặt bình thản. Ai cũng biết anh ta đã chết cách đó vài phút.
Hoài Băng
(Hà Nội 2011)
(Đã in trên Hợp Lưu 113, số tháng 3&4-2011)