- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ ĐỔI MỚI, HÀNH TRÌNH 'CHUYỂN MỘT HƯỚNG SAY'

10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 92967)

dh_inrasara-content

 ( Đ.Hiền và Inrasara _SG 12- 2010 / Ảnh M.H)



1. Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người đời vội đặt cho nó cái tên: Thế hệ gạch nối, thế hệ đệm, cùng bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.

Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, nhà thơ thế hệ mới làm gì để khởi sự cuộc viết?(1) Cụ thể hơn, họ viết thế nào?

Đổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.

Nhưng mới, khác thế nào?

 

2. “Giai đoạn này, ở các tỉnh phía Bắc, các nhà thơ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm lần lượt xuất hiện trở lại, gây được không khí cởi mở trên thi đàn, qua đó tạo ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác trẻ. Dương Tường - Lê Đạt ra mắt trong tập 36 bài tình (1989), Hoàng Hưng in Người đi tìm mặt (1993) sau Ngựa biểnBến lạ của Đặng Đình Hưng được xuất bản năm 1991, Lê Đạt sau Bóng chữ (1994) là Ngó lời (1997), Trần Dần xuất hiện qua Cổng tỉnh (1994),... (1988) năm năm,

Ở Sài Gòn, tuyển tập thơ và tiểu luận Gieo & Mở (1995-1996) ra hai tập rồi ngưng. Sau đó, Thơ Tự do gồm mười tác giả khuynh hướng cách tân in chung (1999) tiếp bước, rồi Tuyển tập Văn chương, ra mắt số đầu tiên vào năm 1999. Tất cả như đang dọ dẫm tìm cách bứt phá, cả trong lối viết lẫn cách xuất hiện”(2).

Thế hệ thơ chống Mĩ, với những thành tựu trong giai đoạn đất nước chiến tranh, và cả mươi năm sau đó qua các sáng tác sử thi và âm hưởng sử thi phát triển mạnh mẽ, coi như đã kết toán phần việc một thời đại. Ít ra là với thơ ca, dù vài người của thế hệ đó vẫn còn viết, còn vắt mình đóng góp. Ngoại trừ một vài người. Nguyễn Duy là một.

Mở cửa, Nguyễn Duy cho ra đời hàng loạt sáng tác đầy phản tỉnh. Trước anh, Chế Lan Viên với những "Ai? Tôi!", những "Bánh vẽ",... thẳng thừng nhìn lại mình và thế hệ mình. Cái nhìn dằn vặt, chua xót, đẫm ân hận của kẻ sắp vĩnh viễn rời cuộc chơi. Cuộc chơi ông hết cơ hội cứu vãn. Nguyễn Duy thì khác, anh đang ở tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Nhìn hiện thực cuộc sống hôm nay - như con người nhập cuộc. Đây là nhà thơ ý thức phản tỉnh self consciousness sớm và sâu nhất, chắc chắc thế. Tự thức từ Đánh thức tiềm lực (1987):

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...

 

sang Nhìn từ xa… Tổ quốc(3):

Có một thời ta mê hát đồng ca

chân thành và say đắm

ta là ta mà ta cứ mê ta

… Vâng - một thời không thể nào phủ nhận

tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược giòng

 

Cho đến tận năm 1992, khi anh cho in bài thơ dài Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ trên tạp chí Cửa Việt. Rồi tuyên bố nghỉ làm thơ! Bởi không còn có thể làm thơ, trong khí hậu thơ đầy giả tạo. “Ai” và dấu “?” xuất hiện liên tục suốt Nhìn từ xa… Tổ quốc. Vô số câu hỏi đặt ra với lương tri thi sĩ trước các vấn đề xã hội. Quá khứ, hiện tại và tương lai. Và lạ là, “Không ai” trả lời. Không muốn trả lời, không thể trả lời hay không dám trả lời. Trả lời sao được, khi ta đang nhất tề hành động thật thà giả và kỉ cương giả, linh thiêng với từ bi giả, cần cù với thông minh giả, bao dung và nhân tình giả,… Tất cả đều là giả tạo trong một xã hội giả tạo của một thời đại nhiều giả tạo. Đặt bao “vấn đề” xã hội, nhà thơ buộc phải đặt vấn đề về chính công việc của mình: làm thơ.

ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo

hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở

… ta khao khát tiếng hát giun dế

không biên tập không kiểm duyệt

 

Nguyễn Duy qua ý thức phản tỉnh xã hội và suy tư về thơ, cũng đã [vô tình] dự cuộc làm mới thơ Việt đương đại. Ta thấy Nguyễn Duy không ngán ngại ngôn từ thông tục, đời thường:

thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ

ợ lên thum thủm cả tim gan

 

Hay Nguyễn Duy của nhại văn: “không có việc gì khó / chỉ sợ không có việc”,…

Là một cách tiếp hơi cho thế hệ đổi mới và cả hậu đổi mới.

 

3. Như thế vẫn là chưa đủ. Thế hệ thơ đổi mới vẫn cứ là một thế hệ thơ hẫng! Họ bơi vô căn trong nỗ lực tìm đường, đối mặt với nỗi cô đơn cùng tận trước trang giấy trắng. Chấp nhận và chịu đựng. Một sức ép đè nặng lên họ. Một nỗ lực và chịu đựng gần như bất khả vượt. Trên bước đường, ngoảnh lại, có không ít nhà thơ tài năng bỏ cuộc. Có kẻ về hưu non, số còn lại chạy náu thân chốn báo chí hoặc cứ viết tới, như thể “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Giữa khí hậu văn chương đó, số ít đã đứng vững. Tiếp tục chiến đấu và sáng tạo. Trong cô độc, bất trắc. Cô độc, họ bị cắt đứt với khí quyển văn chương của một tập thể ít nhiều nhất quán trong ý hướng sáng tạo. Cô độc, họ ít quen biết nhau để có thể lập nhóm, mở trường phái. Cô độc, họ không được “đàn anh” chỉ bảo hay đưa tay dẫn dắt, như không ít nhà thơ thế hệ trước đó. Cô độc, họ càng không nhận được những tài trợ tư nhân như vài khuôn mặt thế hệ sau này. Cùng lắm có đôi ba ưu ái mơ hồ nào đó. Bất trắc, bởi thiếu “định hướng”, họ bước đi đầy rủi ro, sa sẩy. Đại biểu của nỗi rủi ro và sa sẩy đó là Mai Văn Phấn, có lẽ.

Các bài thơ “truyền thống”, những Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995),… với bao giải thưởng, liên tục từ năm 1991 đến 1995, dễ đẩy anh té ngồi lên chiếu văn đầy trang trọng. Nhưng không! Nhìn lùi lại, Mai Văn Phấn vỡ ra rằng có thiếu khuyết nào đó trong thơ anh. Chúng vẫn chưa nói được tiếng nói của hôm nay. Anh quyết rời bỏ chúng, lên đường tìm giọng điệu khác của anh, của chính thế hệ anh.

Đó là thái độ dũng cảm của kẻ sáng tạo, - một thế hệ sáng tạo. Dũng cảm, bao nhiêu tác phẩm thơ được cho ra đời, sau tháng ngày hoài thai và nung nấu. Với bao nhiêu tên tuổi: Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Lê Mạnh Tuấn, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Đặng Huy Giang, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương, Trần Hữu Dũng...

 

4. Khởi đầu thời đổi mới, họ đều khá trẻ. Người nhiều tuổi nhất là Dư Thị Hoàn (1947), ít tuổi nhất: Nguyễn Bình Phương (1965), còn lại đa phần sinh vào khoảng 1955-1960. Họ xuất hiện trên thi đàn ngay thời đầu đổi mới. Tác phẩm đầu tay gây ấn tượng của họ ra mắt độc giả trong thời đoạn này.

Khởi đầu bằng Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn in năm 1988, một năm sau Củi lửa của Dương Kiều Minh ra đời, tiếp theo là Đêm mặt trời mọc của Nguyễn Quốc Chánh (1990), Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều và Tự khúc của Lê Mạnh Tuấn ra mắt trong năm 1992, rồi Trần Anh Thái cho in Độc thoại trắng hai năm sau đó (1994). Xuất hiện muộn nhất là Trần Tiến Dũng với Khối động (1997). Tất cả đều có giọng thơ riêng biệt, như vài hòn sỏi mới, khác lạ được ném vang vào hồ nước lăn tăn sóng.

Như thể vài dọ dẫm dè dặt bước ra khỏi cánh đồng thơ ca phong nhiêu vốn phẳng lặng. Rồi đột ngột, khi thế kỉ hai mươi sắp kết thúc và thiên niên niên kỉ mới bắt đầu, thế hệ đổi mới cho ra mắt hàng loạt tác phẩm quan trọng nhất của mình. Cấp tập, tự tin và dũng mãnh.

 

Đó là thế hệ thơ thôi còn ám ảnh bởi quá khứ cuộc chiến thống nhất đất nước vừa qua. Quá khứ ấy trở lại, nếu có, là để được soi rọi qua một lăng kính khác, được nhìn theo các chiều hướng khác.

Trần Anh Thái, người trong cuộc, có cái nhìn vừa cận cảnh vừa toàn diện. Từ Đổ bóng xuống mặt trời (1999) sang Trên đường (2004) và mới nhất: Ngày đang mở sáng (2007).

Màn đêm lặng phắc bãi chiến trường

… Xác quân thù xác bạn gục vào nhau

 (Trần Anh Thái, Ngày đang mở sáng, NXB Hội Nhà văn, 2007)

 

Khác, không phải là sự đánh đồng địch/ ta, kẻ thù/ đồng đội mà là sự thể cao vời hơn, thăm thẳm hơn: Sự ưu tư về định mệnh dân tộc, khác đi - suy tư về nguồn cội. Về Quê hương, về cái Nhà - như là nơi cư trú của Tính thể con người trên mặt đất. Cảm nhận cuộc chiến theo chiều hướng đó, Trần Anh Thái từ chối kể chuyện theo trật tự thời gian, rù rì thứ lớp với chủ âm là các biến cố lịch sử trọng đại mà là những gì tưởng như vặt vãnh không đáng ghi vào sử sách được sàng lọc qua kí ức phong nhiêu, đời thường và rất con người về cuộc chiến. Chúng có mặt đầy tượng trưng, đánh động tâm thức người đọc, cho dù đấy là kẻ đã hay chưa từng dự phần vào nó, chịu đựng nó. Đây là trường ca đầy chất suy tưởng mang tính phản tỉnh của tác giả, khác nhiều so với không khí sử thi Việt Nam, thời đoạn vừa đi qua.

Hoặc ngoảnh lại để cảm nhận đầy tính nhân văn như Lê Mạnh Tuấn, sau non hai mươi năm cuộc chiến qua đi:

Con đã hi sinh đến cái cuối cùng có thể hi sinh

như bao nhiêu đứa bạn

không biết lấy gì để hi sinh nữa

ngoài một dòng tên một dòng địa chỉ

Đành trở về vô danh!

 (Lê Mạnh Tuấn, Tự khúc, NXB Văn học, 1992)

 

Người trong cuộc hi sinh để trở về vô danh đã đành, ngay thành quả từ sự oanh liệt của nó cũng không hứa hẹn một "ngày mai tươi sáng":

ước mơ vùi trong màu mỡ đất đai

hi vọng vùi trong những giọt mồ hôi chai sần

não nề nâng một tiếng xin ăn

hất bóng xuống tháng năm…

 (Lê Mạnh Tuấn, Tự khúc, NXB Văn học, 1992)

 

Ước mơ, hi sinh, hi vọng… để cuối cùng là thất vọng não nề. Bao nhiêu sinh phận "dưới đáy xã hội" đang phải chịu thiệt như thế, hôm nay? Câu hỏi lớn chưa có câu trả lời…

Ở miền Nam, dự phần cuộc chiến khác, Nguyễn Quốc Chánh nhìn nhận sự thể quyết liệt và dứt khoát hơn:

Thế hệ chúng tôi

Cõng trên lưng quá khứ

Một hình hài tàn tật của chiến tranh

(Nguyễn Quốc Chánh, Đêm mặt trời mọc, NXB Trẻ, 1990)

 

Đó là một cách đặt lại câu hỏi về quá khứ để khép lại quá khứ. Quá khứ như “người chị về núp bóng nâu sồng/ Rung lên những quả chuông hoàng hôn” (Mai Văn Phấn). Quả chuông hoàng hôn khép lại mãi mãi một giai đoạn lịch sử, mời gọi thế hệ hậu chiến - thế hệ đổi mới, đúng hơn - hướng đến chân trời mới, chinh phục các mục tiêu khác. Chiến tranh kết thúc, tâm thức tập thể của thời chiến tranh kết thúc đã đành; ngay ý thức tập thể của thời bao cấp, của hợp tác hóa nông nghiệp với bao sai lầm cũng phải được cởi bỏ sau lưng.

Chân tay ta vừa rút ra khỏi huyễn hoặc giấc mơ, ngón còn tê cứng một đời cuốc cày liềm hái, một đời bàn tay phải lệ thuộc vào tay trái. Cả hai bàn tay lệ thuộc vào nỗi ú ớ toát mồ hôi của cái chết lâm sàng, chỉ biết cứng đơ mặc cho cơn bóng đè trùm lợp. Giờ những bàn tay đã tự do thức dậy, biết cộng lực cho nhau khi bình minh đang đến tái sinh…

 (Mai Văn Phấn, Người cùng thời, NXB Hải Phòng, 1999)

 

5. Khép lại cánh cửa quá khứ, công việc đầu tiên của họ là tái khám phá hiện thực, hiện thực bị đánh mất trong chiến tranh hay trầm tích nơi những vùng đất lâu nay im ngủ. Chiến tranh, giá trị và ý nghĩa của đất được đo bằng sự được/ mất, sự hi sinh và lượng đổ đi của máu; sản xuất, đất là tấc đất tấc vàng, là đổ mồ môi sôi nước mắt. Khi bao trận vào sinh ra tử cho đất đã qua, mấy cày sâu cuốc bẫm tất bật đã lắng lại, đứa con của Đất nhìn và hiểu đất bằng và qua tâm thức khác. Nhà thơ như là kẻ trầm tư đánh thức nó dậy. Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là một. Anh khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác. “Những người đàn bà gánh nước sông”, những “con chó canh giữ nỗi buồn”,…

Khởi xướng từ xứ sở bóng tối đang lan tỏa, những tiếng không phải tiếng
Rồi những tiếng ngập ngừng, rồi thanh thoát, và dâng khắp, vang vang
Hiện lên những gương mặt bị chia sẻ và lắp ghép
Tóc tìm tóc, tai tìm tai, mắt tìm mắt, và máu tìm lại máu
Những ống họng bị cắt đứt lần tìm và tự hồi sức
Và chảy trong thức tỉnh lần mò, và chảy trong mê man lộng lẫy

 (Nguyễn Quang Thiều, Nhịp điệu châu thổ mới, Hội VHNT Hà Tây, 1997)

 

Hiện thực xa có thể là những mảnh vụn của một nền văn minh đang ngủ vùi giấc ngàn thu như văn minh Champa, được Inrasara phục dựng và làm sống dậy. Sống dậy và hòa nhập dòng chảy chung của dân tộc, của nhân loại.

Hiện thực cũng có thể là hiện thực gần của cuộc sống thành phố sôi động bề bộn hay bế tắc trước và sau mở cửa phơi bày trong các sáng tác của Trần Tiến Dũng. Một hiện thực nảy sinh từ va chạm của các thế hệ, các quan niệm sống khác nhau, của các nền văn hóa khác nhau. Sự va chạm sinh ra hệ lụy có khi rất vi tế và cá biệt nhưng mang sức bung phá dữ dội, sẵn sàng làm sụp đổ một ý thức hệ. Lắm lúc nó mang tính khái quát lớn, có tác động rộng lớn trong cộng đồng. Nơi đó, sự tha hóa của con người là một. Nếu “Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng đẫm chất hiện sinh, thì đến Trần Quang Quý, “mặt” người đã khác, rất khác. Chúng biến chất và biến thiên đa dạng, trơn trợt khó nắm bắt. Chúng làm nhạt nhòe cá tính và nhạt nhẽo, vô vị hóa cuộc đời.

Những cái mặt di cư trong nhau

đến nỗi quên lối về

mặt thật!


Phải sắm nhiều vai kịch trong mỗi đời mặt

góc diễn tấu vỉa hè hay trang trọng sân khấu thời cuộc

một ánh chớp

một liu tiu cỏ biếc

mỗi mắt người một ngọn đèn soi


Những đau đáu buồn, khuôn mặt nặn nhào, khuôn mặt nhẵn quen

những cái mặt ẩn dụ xu nịnh

và thương thay những mặt mượn men

cả những mặt đã lạc màu chính khách


Tôi gặp đó đây nhan nhản vô cảm

có khuôn mặt một đời biểu diễn

có khuôn mặt đau nỗi đau không mặt

bóng thời gian làm xiếc phận người

 (Trần Quang Quý, Siêu thị mặt, NXB Hội Nhà văn, 2006)

 

Một cuộc sống trong đó con người biểu diễn hay làm xiếc phận người với “vô cảm tiếng cười vô cảm ánh nhìn nhau” (Trần Anh Thái). Đó có thể là hệ quả của hậu chiến, con người lâu nay quen đồng bộ, đồng bộ ở cách nghĩ, cách viết và phần nào đó cách sống, nay khi đột ngột bị đẩy vào tình thế buộc nhìn lại mặt mình: ta thấy mình không giống ai. Đúng hơn - giống tất cả mọi người mà không nét nào là của mình. Muốn tìm lại mặt mình, cũng không biết tìm ở đâu. Chúng ta chưa chuẩn bị gì cả! “Cuộc sống của tôi là sống giữa tầng tầng thế giới mặt(Trần Quang Quý).

Nhưng, làm thi sĩ thì không cho phép bất kì ai định hướng cho mình, để cứ thế lầm lũi mà đi theo. Sống theo, làm theo và viết theo. Để trở thành thứ theo-ist tệ hại. Hắn càng không tự vạch định công thức sống và sáng tác nữa. Cái đích hắn nhắm tới là tự do. Tự do và sáng tạo. Tự do cho sáng tạo. Trần Hữu Dũng là thế. Thoát khỏi mọi buộc ràng mọi chuẩn tắc, cả chuẩn tắc do chính hắn vạch ra. Dù qua đó, hắn phải trả giá nó bằng bao cô lập, hất hủi.

Rát. Bỏng. Cuồng nộ
Lúc vào cơn mê em và anh tuồn tuột
Rơi theo chiều thẳng đứng
Không bao giờ chạm đáy cuộc sống…
Buổi chiều nay thả bầy email đi hoang

 (Gương mặt, thật & ảo, NXB Hội Nhà văn, 2007)

 

6. Tiếng thơ đổi mới tái khám phá cá nhân và là tiếng thơ kêu đòi tự do cho cá thể bị đánh cắp. “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả” (Albert Camus). Mặt người bị đánh cắp. “Phó thường dân” hay “công dân hạng hai”,… là các hạn từ được đẻ ra để chỉ những sinh phận bị gạt ra ngoài lề: cuộc sống bị đánh cắp. Bị đánh cắp cả quyền con người trong một hiện thực xã hội, nơi đó họ là “một nửa thế giới”. Ở đó phận người nữ cũng trở thành giới tính hạng hai le deuxième sexe, như lối nói của Simone de Beauvoir. Nhà thơ đổi mới nhìn thấy nó và họ quyết định đặt lại vấn đề lâu nay xã hội mặc nhiên xem như không là vấn đề. Từ Lối nhỏ bước sang những Bài mẫu giáo sáng thế (1993), Dư Thị Hoàn là nhà thơ đầu tiên kêu lên tiếng kêu bức bối, tù túng của người nữ trong nỗi quẫn bách của định phận. Một tiếng kêu đòi giải phóng tình dục, lớn hơn - giải phóng thân phận. Tiếng kêu nhỏ, sắc, đầy âm vang.

Cô giáo sĩ truyền đạo đang nhẩy múa

Đám tín đồ hài nhi theo nhịp bi bô

Lời đọc kinh loang như lá cỏ

Bay xa hơn tiếng chuông nhà thờ

Em có...

Em có đôi bàn tay...

Em có đôi bàn tay trắng tinh...

 

Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội

Cầu nguyện cho bàn tay đừng lầm lỗi…

 (Dư Thị Hoàn, Bài mẫu giáo sáng thế, NXB Hội Nhà văn, 1993)

 

Âm vang dội vào miền Nam, Thảo Phương đã có lời đáp vọng lại:

Rừng

Và núi

Và bầu trời

Đầy âu lo

Trái tim ta chợt rời thành phố

 

Ta lần về dòng suối hoang sơ

Đầm mình giữa bầy hà mã hóa đá

 

Những thiếu nữ mơn mởn ngó sen

Tung lên trời những chuỗi cười như ngọc

Đây là nước hay thời gian róc rách?

Vỗ về con hà mã lạc bầy…

Nơi đây sau tiếng ngáp dài khoái cảm

Không có căn hộ hình hộp với ô cửa rộng

Đã vạn năm

Ta – con hà mã thức giữa bầy

 (Người đàn bà do đàn ông sinh ra, NXB Văn nghệ, 1994).

 

Con hà mã thức giữa bầy biểu hiện sự cô đơn và kiêu hãnh, nỗi khát khao tự do vượt thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng. Dư Thị Hoàn và Thảo Phương là hai khuôn mặt tiêu biểu khởi động dòng thơ nữ quyền luận nở rộ sau này.

 

7. Nhưng giọng chủ lưu của thơ đổi mới là giọng đòi vượt thoát khỏi thân phận của mặc cảm tòng thuộc - như đứa con lâu nay phụ thuộc vào bầu vú, hay xa hơn, vào cuống rốn bà mẹ - bước ra khỏi nỗi bao che yên ấm để tự khẳng định trước thế giới bao la. “Bất chấp rủi ro rình rập, những cánh diều vẫn vút lên thăm thẳm bầu trời”. Dương Kiều Minh nói thế.

Ta - cư dân nỗi đau

Ta - cư dân miền khát vọng…

Hiến thân ta - cuộc thử nghiệm này

Kí thác đời ta - bản giao hưởng này

Bản hòa âm kẻ khốn cùng

Kẻ quỷ ám

Kẻ đêm đêm ngước bầu trời yên tĩnh

Hú gọi yêu thương về với con người

 (Dương Kiều Minh, Những thời đại thanh xuân, 1991)

 

Hú, hét, réo gào,… kêu gọi con người quay lại với bản thể con người. Khẳng định và dự cảm. Nó dự cảm về một tương lai sáng nhưng đầy bất trắc. Sự dự cảm có mặt tràn khắp trang thơ thế hệ đổi mới. Nguyễn Quang Thiều “trốn lo âu về lại cánh đồng(4), dự báo về những tai họa thiên nhiên trước sự vô tâm của con người và Nguyễn Quang Thiều dự cảm ánh sáng mới. Dự cảm và hát lên bài ca đầu tiên của ánh sáng tìm thấy đó.

Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn

Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng

Trong nghi lễ của đất đai, của bầu trời, tôi nâng kèn, ngước mắt

Tất cả những cánh đồng loa kèn bùng nổ – Bình Minh

 (Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn, 1999)

 

Mai Văn Phấn có dự cảm khác, thể hiện qua cách nói khác:

Vọng trong cơn mơ thành tiếng sét

trên giường cũ

mặt đất rộng lại về

mùi ruộng ải dâng mưa mù mịt

quyện vào mồ hôi chiếu chăn…

tiếng sét đi không còn vọng

thông với vực sâu lối hẹp

tiếng kẹt cửa réo vang

mở con đường

 (Mai Văn Phấn, Vách nước, NXB Hải Phòng, 2003).

 

Con đường tư tưởng và con đường thơ ca.

 

8. Một thế hệ thơ miệt mài đi tìm khai phá cách biểu hiện mới, thi pháp mới cho thơ. Tất cả dấn mình quyết liệt trong sáng tác ý hướng cách tân thơ, tìm lối thể hiện mới, khác.

Mai Văn Phấn, sau trường ca Người cùng thời (1999) nhiều thể nghiệm mới mẻ, đã dấn sâu hơn trên con đường tìm tòi ở tập thơ Vách nước (2003). Có thể nói, hiếm kẻ trên hành trình thơ ca, đã trải nghiệm lắm gập ghềnh, nhọc nhằn như Mai Văn Phấn. Thay đổi, luôn luôn thay đổi. Từ cổ điển sang hậu lãng mạn đến siêu thực hậu kì và cả hậu hiện đại nữa. Khai phá, ngộ nhận hay sa lầy, nhưng anh biết đứng dậy và làm lại. Từ mù mịt cuộc thơ và hun hút của con đường thơ. Âu đó cũng là định mệnh của thơ Việt. Anh buộc phải bước lên con đường đó.

Sau “tiếng ­___ kẹt ___ cửa”, Mai Văn Phấn bất chợt bắt gặp hơi thơ-hơi thở của mình. “Biến tấu con quạ” và các bài thơ mới nhất của anh đã đổi giọng toàn triệt. Không mảy may dấu vết cử chỉ và dáng điệu. Nhịp thơ đi nhanh, gấp, dứt khoát. Hơi thơ khoẻ khoắn. Biến tấu giúp nhà thơ quyết toán phận hành khất: anh vừa tìm được bản lai diện mục-thơ của/ cho mình.

Trong lúc đó, Nguyễn Quang Thiều với Bài ca những con chim đêm (1999), tiếp tục mở rộng và làm trương nở tối đa giọng điệu đặc thù. Hiện thực và hiện thực huyền ảo, trữ tình mới đầy chất trí tuệ. Âm hưởng và sức lan tỏa của nó đến thơ thế hệ sau đó là không chối cãi.

Lặng lẽ hơn, và khác với một Nguyễn Quang Thiều hay Mai Văn Phấn mang màu sắc phương Tây, Dương Kiều Minh tìm hướng đi khác. Phong thái phương Đông bao trùm và trải dài từ Thời đại thanh xuân (1991), qua Ngày xuống núi (1995) sang Tựa cửa (2000). Một phương Đông hiện đại nhưng không thiếu quyết liệt.

Đặng Huy Giang, riêng năm 2000, cho ra mắt liên tục ba tập thơ: Hai bàn tay sao, Qua cửa Trên mặt đất, tiếp đó là Đời sống (2002) vừa trữ tình vừa “nói lí” rất khác người. Trần Quang Quý, sau thành công của Giấc mơ hình chiếc thớt (2003) là Siêu thị mặt (2006) có những ám ảnh khác và giấc mơ khác nữa. Ám ảnh về “Lời”: "Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác/ chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng/ chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi âm thanh, trên thác ghềnh cú pháp/ chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn”.

Cùng năm này, Inrasara thể nghiệm tân hình thức qua tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức. Đây là dấu mốc ghi nhận sự có mặt đầy “chính thống” của tân hình thức với tư cách một trào lưu văn chương. Trước đó, các tác giả và tác phẩm thuộc trào lưu thơ này như thể đứa con hoang lưu trú bên lề dòng văn chương chủ lưu qua hình thức in photocopy hay đăng trên các website văn học tiếng Việt mở ra hàng loạt từ trong nước đến hải ngoại(5).

Lặng lẽ nhất trong số này là Lê Mạnh Tuấn. Tự khúc in năm 1992, - quá giang hai tập Năm tháng chưa xa (1995) và Mùa (1997) còn vương vấn không khí thơ thế hệ trước - mãi 15 năm sau anh mới cho ra mắt Nghe trong giọt sương (2007). Thời gian nung nấu và chiêm nghiệm quả là dài với một đời người, nhưng không là gì cả cho một chuyển đổi tư duy thơ. Ở đó, từ bỏ đề tài tình yêu với nhiều thất thố và hụt hẫng, cắt đứt mấy giằng co sáng tối trong cách thể hiện, bằng thứ ngôn từ thẳng thừng, góc cạnh, anh đưa thơ trực diện các vấn đề thời sự với mênh mông nỗi nhát hèn và giả dối của cuộc đời và "sự người":

Hèn nhát biến nhau thành giả dối

hay giả dối đánh bẫy đớn hèn

tù và rúc vô hồi bổn phận

… nhơ nhởn sống những mặt hề quan trọng

phả xám khói xe vào sự thật

(Lê Mạnh Tuấn, Nghe trong giọt sương, NXB Hội Nhà văn, 2007) 

 

Ở một chân trời khác, Nguyễn Bình Phương Từ chết sang trời biếc (2001) qua Thơ Nguyễn Bình Phương (2004) vẫn miệt mài với cuộc tìm tòi độc đạo, độc đáo. Anh đưa thơ đi vào cái tinh tế ở chiều sâu, bề sau cuộc sống xô bồ của thời hiện đại. Vẫn ngôn từ chắt lọc ấy, cấu tứ chắc nịch ấy, sức gợi đầy ám ảnh ấy, Nguyễn Bình Phương ngày càng gần đời thực hơn, âm hưởng câu thơ rung động ta ở bề thẳm sâu hơn. Thử nhìn “nhân vật” Buồn được anh nhìn gần trong thế giới bấp bênh:

Buồn phóng xe áo phông trắng ngang trời

Đeo kính khác nhìn sang cuộc đời khác

Buồn nghĩ miên man nhưng chẳng bao giờ lạc

Một cái tên lanh lảnh giữa trưa hè

 

Buồn có đôi tai thật tinh

Bước chân thật nhẹ

Ngón thon gầy mát mượt như tơ

 

Nấp trong bóng sách đổ trên ngực hững hờ

Buồn tắt công tắc điện

Ra đi...

 (Thơ Nguyễn Bình Phương, NXB Thanh niên, 2004)

 

Nơi phương Nam, thật bất ngờ, sau hai lần dừng lại ngưỡng siêu thực hậu thời ở Khối động Hiện (2000), năm 2003, Trần Tiến Dũng đột ngột cho in tập thơ Bầu trời lông gà lông vịt tận trên mạng. Là điều mới mẻ. Mới mẻ ở lối xuất bản và quan niệm về xuất bản lẫn cách viết. Thơ anh bề bộn bụi bặm cuộc sống thực Sài Gòn, với sức mang chứa hiện thực và đậm tinh thần phản kháng. Nhịp thơ gẫy gập, gấp gáp hơn. Và nhất là, anh đã biết chối bỏ mọi ẩn dụ bí bức hay nỗi nhàm cũ của hình ảnh và ngôn ngữ thơ như ta từng biết.

Rốt cuộc

Người đàn ông luôn bị chính cái đầu mình lừa dối

Không gì ngăn cản không gì thôi thúc

Người đàn ông bước theo sau dòng chảy cần mẫn thu lượm bóng cái đầu của chính mình và trả lời thay cho cái đầu về những điều chưa bao giờ cái đầu tự hỏi

Trong khoảnh khắc ấy

 (Trần Tiến Dũng, Hiện, NXB Thanh niên, 2000).

 

9. Và còn bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu thi phẩm khác với bao thử nghiệm khác nữa?! Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Tuyết Nga, Vũ Trọng Quang, Thu Nguyệt…

Một thế hệ thơ lặng lẽ và bền bỉ, khiêm cung nhưng đầy tự tin trong tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Cho dù có thể phần nào đó nó chưa cắt đứt hẳn với hơi thở sử thi từ thế hệ trước, nhưng nó có cái nhìn mới, đầy tính phản biện và chất nhân văn về chiến tranh và phận người trong chiến tranh (Trần Anh Thái); còn lại, tất cả đã biết dấn mình hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của những cá thể bé nhỏ trong cộng đồng mênh mông với bao ưu tư vừa vụn vặt vừa phức tạp, vỡ ra bao vong thân mới của con người trong cuộc sống hiện đại (Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Mạnh Tuấn, Nguyễn Bình Phương, Trần Hữu Dũng) nên nó có những ưu tư khác, cưu mang niềm tin và hi vọng khác (Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều). Một thế hệ dẫu còn giữ mối liên hệ mờ với truyền thống gần, nhưng đã biết dũng mãnh đi tìm thi pháp sáng tạo mới (Nguyễn Quang Thiều), vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mới (Mai Văn Phấn); trong đó có không ít người dấn vào nền mĩ học hãy còn khá xa lạ với văn chương tiếng Việt: tân hình thức và hậu hiện đại (Trần Tiến Dũng, Inrasara).

Một thế hệ thơ thủ đắc tư duy nghệ thuật ở tầm vóc khác.

 

*

Thế nhưng, nó vẫn cứ là một thế hệ thơ hẫng! Không phải hẫng ở tài năng mà, ở nối kết “truyền thống và hiện đại”, như lối nói quen thuộc dễ dãi. Hẫng hơn cả là trong tương quan với người đọc. Nếu trước đó, mỗi tập thơ được in gần như trở thành một sự kiện văn học, hay ít ra cũng được báo chí [bao cấp] đặt hàng giới thiệu thì, các tập thơ của thế hệ thơ đổi mới chịu phận hẩm hiu, như là bị bỏ quên. Cũng có giải thưởng, tuổi tên cũng xuất hiện trên mặt báo, nhưng họ không được cơ chế thông tin bao cấp ưu ái, họ càng chưa thể giỏi xoay sở, sành tiếp thị như các nhà thơ thế hệ sau đó.

Một thế hệ thơ không tuyên ngôn. Không [được] tuyên ngôn mang tính vĩ mô như các nhà thơ thế hệ chống Mĩ. Tuyên bố ồn ào, tủn mủn đến nhảm nhí như thế hệ thơ sau đó, càng không. Họ "được quyền nghĩ những điều đã ước" (Mai Văn Phấn). Về tự do thể hiện và sáng tạo, về dân chủ đích thực, dân chủ cho mọi sinh phần - cho dù lộ trình có bất trắc và gâp gềnh bao nhiêu chăng nữa: "dân chủ/ gai và hoa… dân chủ/ gai là hoa… dân chủ/ gai nở hoa" (Lê Mạnh Tuấn). Không điều kiện phát ngôn, họ tuyên ngôn bằng và qua thơ. Không phải không quyết liệt và tràn đầy niềm tin.

Nguyễn Quang Thiều:

Tôi phải chơi thay những nhạc công đã chết

Và những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng

 

Dương Kiều Minh:

Mùa vàng, mùa vàng

những kí ức không bao giờ nhắc lại

những kí ức không bao giờ lặp lại

ta còn nguyên hơi thở tự do

 

Inrasara:

Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu

gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C

nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một

và tôi vui vẻ tắm với chúng

 

Đó là cách 'chuyển một hướng say' - như lối nói của Trúc Thiên. Hướng say khác. Sau hướng say đó, vài năm sau thôi - từ đầu thiên niên kỉ - các "tuyên ngôn" mới, khác nữa lại xuất hiện. Nguyễn Quốc Chánh ở lời tựa của tập thơ in photocopy Của căn cước ẩn dụ (2001) chằng hạn. Hay các quan điểm của Inrasara khi nhập cuộc phê bình (2002). Nhưng đây lại là một câu chuyện khác rồi(6).

 

*

Mở cửa, thế hệ thơ đổi mới có mặt.

Một thế hệ thơ làm việc và sáng tạo sòng phẳng. Khi - sau tiếng kẹt cửa - một cánh cửa vừa khép lại và cánh cửa mới hé mở ra. Trước sương mù của không gian tự do sáng tạo, họ hoang mang nhưng không sợ hãi, có đôi chút lưỡng lự mà vẫn quyết dấn tới. Họ đã làm nên các tác phẩm trong thời đại họ sống. Và đặt được những viên đá đầu tiên trên con đường cách tân thơ. Hôm nay, cùng với vài khuôn mặt sáng giá của thế hệ trẻ, họ đang sung sức cho những dự án kế tiếp. Họ có đó, đang là tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, ngày mai?

 

Sài Gòn, 11-2008 - 12-2010

_______________

 

Chú thích

(1) Tạm lấy mốc 1986 đánh dấu sự ra đời của thời kì thơ đổi mới, dù có nhiều trường ca và tập thơ quan trọng của thế hệ nhà thơ hậu chiến (1976-1985) được xuất bản sau thời điểm này, nhưng chúng vẫn thuộc hệ mĩ học cũ. Thời kì thơ đổi mới chấm dứt vào đầu thiên kỉ thứ ba sau Công nguyên, khi văn chương mạng ra đời và nhất là, khi trào lưu hậu hiện đại bùng nổ và làm chuyển hướng hệ mĩ học sáng tác. Năm 2001 được xem là khởi đầu cho thơ hậu đổi mới Việt (xem thêm: Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve,org, 2-2009). 

(2) Xem thêm: Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009.

(3) Nguyễn Duy, Nhìn từ xa… Tổ quốc, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1989.

(4) “Trốn lo âu về lại cánh đồng” là từ dùng của Đỗ Minh Tuấn. Xem: Đỗ Minh Tuấn, Ngày văn học lên ngôi, NXB Văn học, H., 1996, tr. 324-331.

(5) Thơ Tân hình thức Việt, do nhà thơ Khế Iêm khai mào trên tạp chí Thơ (Hoa Kì) vào năm 2000, sau đó là tập tiểu luận Tân hình thức, Tứ khúc và những Tiểu luận khác, do nhà xuất bản Văn Mới in tại California, Hoa kì, năm 2003. Hầu hết các tập thơ tân hình thức: Đoàn Minh Hải: Đại nguyện của đá, Sài Gòn, 2002; Nhiều tác giả, Thơ tân hình thức, Sài Gòn, 2003; Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức, Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry, do Đỗ Vinh dịch, Hoa Kì, 2006; Bướm sáu cánh, tập thơ năm tác giả: Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên, NXB Tân hình thức, Sài Gòn, 2008 đều in dưới dạng photocopy hay ấn hành ở hải ngoại. Tập thơ của Inrasara Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, do NXB Hội Nhà văn in năm 2006, được xem là dấu mốc sáng tác tân hình thức xuất hiện chính thống.

Các tác giả có sáng tác thơ tân hình thức gồm: Khế Iêm, Đoàn Minh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Đỗ Minh Tuấn, Lưu Hy Lạc, Đỗ Kh., Mai Ninh, Đài Sử, Nguyễn Phan Thịnh, Inrasara, Lê Thánh Thư, Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Đăng Thường, Trầm Phục Khắc, Lê Giang Trần, Phan Thị Vàng Trắng, Đỗ Vinh, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán, Phan Tấn Hải, Nguyễn Hoài Phương, Đinh Cường, Phạm Việt Cường, Hà Nguyên Du, Bỉm, Biển Bắc, Giảng Anh Yên, Nguyễn Đình Chính, Huy Hùng, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Cù An Hưng, Chu Vương Miện, Dã Thảo, Cao Anh, Hải Vân, Hồ Quỳnh Như, TPKỳ,…

Muốn hiểu thêm về sáng tác tân hình thức, xin xem website: Thotanhinhthuc.org.

(6) Xem Inrasara, "Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại", Vietvan.org, 2009.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88433)
...C ó người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật...
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 97999)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
27 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101108)
N hà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn ở Việt Nam, đã giành được Giải thưởng Tự do Xuất bản năm 2011 “vì lòng can đảm mẫu mực trong việc giữ vững tinh thần tự do xuất bản,” như thông báo của Hiệp hội Quốc tế các nhà Xuất bản (IPA). Chủ tịch IPA, YoungSuk “Y.S.” Chi, chính thức trao giải thưởng năm nay tại một buổi lễ do Hội chợ Sách Buenos Aires lần thứ 37 tổ chức vào ngày 25 tháng Tư năm 2011, như một bộ phận của chương trình Thủ đô Sách Thế giới.
26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101124)
LTS : Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt. Tạp C hí Hợp Lưu
25 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 105392)
Tin Rome - Bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu là cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm thuộc đệ nhất Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam, đã qua đời ngày hôm qua tại tư gia ở Ý Đại Lợi.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88385)
T in tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 195056)
LTS : V ới những trang viết thật ngắn, bằng nét phát hoạ tưởng như vô tình, Hoài Băng gởi đến độc giả một bức tranh, một khúc phim ngắn như vết dao cắt trong lòng người đọc về xã hội Việt Nam ngày nay.( TCHL)
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 92725)
LTS : ... Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 157320)
..." n gười phê bình phải sáng suốt khảo sát tác phẩm và nhất là phải giữ khoảng cách đối với tác giả ...Cần phải nhớ rằng: Văn bản phê bình chỉ dành cho độc giả, không dành cho tác giả mà mình phê bình . Cho nên, nếu viết cho vừa lòng tác giả, đôi lúc, chỉ sản xuất ra những văn bản nịnh bợ... " (Thuỵ Khuê)
20 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 98582)
T heo kế hoạch, ngày hôm qua Ủy ban liên hợp của Ủy hội sông Mekong gọi tắt là MRC sẽ tiến hành cuộc họp về quyết định có cho phép đập Xayaburi được xây dựng hay không tại Vạn Tượng thủ đô Lào. Các tổ chức phi chính phủ thuộc 51 quốc gia đã cùng ký vào biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Lào và Thái Lan phản đối việc xây dựng đập Xayaburi. Các tổ chức lớn như WWF, IUCN, WCD đều ủng hộ việc hoãn xây dựng 12 đập trong 10 năm để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.