- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Búa đe

08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 67564)

 


christinefalkenland

Christine Falkenland


Lời người dịch: Christine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.

Tôi, nhân vật nữ chính, bị ghì ghè dóp dí giữa mẹ và người tình. Mẹ lạnh lùng, khắc nghiệt. Tôi khát tình, vớ được gia sư, vội bám ngay vào chiếc phao định mệnh. Không ngờ ông thầy trẻ trung, lôi cuốn ấy đã tức khắc biến tôi thành một kẻ mọi, sai khiến tôi cung phụng hòng giải tỏa những ẩn ức dục tình cần được xả ra bằng thú cách. Mẹ tống khứ tôi vì bào thai. Tôi tống khứ bào thai vì anh. Tôi nô lệ nhưng tôi thèm hạnh phúc. Nhờ chị, một người bạn nghệ sĩ kết giao tình cờ, tôi rứt ra khỏi người tình đồ tể - cái phao gai. Nhưng tôi vẫn lại lệ thuộc. Vào chị. Tưởng tình tỉ muội hóa ra lại là… Thêm một lần bỏ đi. Trốn. Tìm. Tiếp tục đưa chân, tiếp tục hổng cẳng. Ngộp nghẹt giữa cô đơn tôi, cô đơn người. Vô vọng. Hoài nghi. Hoang mang. Trống rỗng ngay cả khi đã được sung sướng, thỏa mãn tình ái. Rồi ân huệ cuối cùng đã đến. Sự tha thứ của mẹ. Vòng tay mẹ: món quà tuyệt diệu suốt đời tôi khao khát, cứu cánh cho linh hồn lẫn xác thể. Nhưng cuộc gặp gỡ thiêng liêng rốt cuộc cũng chỉ là một điều ước. Từng ấy nhân vật là từng ấy cái hố cô đơn sâu hoắm không đáy, trùng trùng chồng lọt vào nhau...

Trích đoạn tiểu thuyết Búa Đe được chuyển ngữ từ bản dịch Pháp văn của Marc de Gouvernain và Lena Grumbach.

Mạch Nha



 

Đêm sau cửa sổ. Đêm trong buồng. Máu đã đặc trong xác mẹ tôi.


Hình như có cánh cửa hé mở từ khi tôi gặp Lydia. Một viễn ảnh, từ ấy. Không biết chị sẽ đưa tôi đến đâu, chỉ thấy chị khiến tôi cảm hướng tương lai. Hy vọng.


Liệu tôi có đang quan trọng hóa tình bạn quá không? Tôi phân định rõ hơn một chút cuộc sống với Ivar. Có khi tôi tự hỏi sao mình lại ở với anh. Điều gì xui khiến? Làm thế nào anh chế ngự được tôi? Tôi thật muốn tin khi anh bảo: Em phải tin tưởng anh. Tôi muốn tin tưởng anh. Tôi có còn ai khác đâu.


Tôi đến chỗ Lydia. Xách theo một cái làn dùng để đi dã ngoại. Ba-tê. Trái cây. Một miếng phó-mát vừa mềm tới. Chị ngạc nhiên. Vui sướng. Chị có vẻ chẳng quan tâm gì đến nhà cửa bếp núc. Một nghệ sĩ.


Tôi đưa mời chị quả táo chín hườm, láng bóng, mỏng vỏ. Chị ngoạm ngay. Ngấu nghiến.


Một miếng vải sậm phủ trên ghế. Chị bảo tôi ngồi xuống. Đột nhiên tôi chú tâm hết mức vào khuôn mặt và cử động của mình. Chị bày tôi ngồi, sửa lại dáng ngoẹo đầu. Chỉ tôi cách đặt tay. Xòe ngửa ra trên đầu gối.


Chị vào việc ngay. Im ắng. Tôi ngồi bất động, cảm được cả hình thù cái ghế sau lưng. Lắng đọng đến se cả miệng.


Mãi thật lâu sau đó, Lydia mới gác sơn cọ, hô: Nghỉ chút đã!


Mắt chị tròng ghẹo tôi.


Chúng tôi vào bàn. Tôi dọn ra những món đã mang lại. Lydia reo lên khi nhìn thấy các thức trong làn. Chị nói sao mà tôi cưng chị quá, rồi khui một chai vang đỏ thẫm.


Căn phòng ấm lên. Tôi vào rượu, ra lời. Không biết bằng cách nào, Lydia khơi được tôi thố lộ. Tràng giang. Vừa ăn chị vừa hỏi về đời sống tôi. Và tôi kể. Lâu nay tôi thiếu người tâm tình. Được dịp, nỗi niềm tuôn như thác đổ. Chị lắng nghe. Úp ấp tay tôi. Trầm lặng nhìn vào mắt tôi. Mắt chị lắng.


- Thế nhưng em có yêu anh ta không?


Tôi không đáp ngay. Rốt cuộc, chẳng trả lời chị. Thế cũng đủ hiểu.


Chị khẽ lắc đầu, nghĩ ngợi, rồi nói không hiểu sao tôi nán lại với anh ta lâu đến thế.


- Cái gì làm em dính vào hắn?


- Thú thật, em không biết.


- Em nghĩ đi.


- Em chẳng quen biết ai khác. Em chỉ có anh ấy mà thôi.


- Nhưng em chẳng cần anh ta nữa.


- Có thể. Có lẽ thế.


Tôi rụt lại. Khó chịu. Hối hận đã bộc bạch với chị. Sợ hãi chính lời nói của mình. Sợ cách chị cảm nhận câu chuyện. Bỗng nhiên tôi lại muốn bênh vực Ivar mà không biết phải nói sao. Chẳng có lý do gì đi bênh vực anh ấy. Vô phương. Chắc chắn là không cách gì bênh nổi.


Tôi trở về với cái làn không. Phấp phỏng. Nghe tim mình đập. Đi xúc miệng rồi nhai mấy cọng ngò để tống tẩy mùi rượu. Vẩy nước hoa lên người. Tẩm ướt thái dương. Váng vất vì rượu. Hoặc có thể chỉ tại lòng quá thấp thỏm.


Ivar về trễ. Anh chuồi vào giường nằm cạnh tôi, không đòi hỏi cơm nước. Người lạnh ngắt. Anh quắp hai bàn tay cóng vào vú tôi. Tiến hành cuộc bôi xóa. Hơi thở anh làm tôi tởm lợm. Hừng hực, tanh tưởi. Anh giống một đứa nhỏ đói khát cần được nuôi nấng. Nhưng lại là một đứa nhỏ tai quái và uy quyền. Bạo ngược. Một đứa nhỏ muốn gì được nấy. Song, tôi phải nhớ rằng anh chẳng phải là con, tôi có đâu là mẹ. Tôi không thể xả thân cho anh. Anh không có quyền đày đọa tôi.


Tôi đến chỗ Lydia. Xuất ngồi mẫu trở nên dễ chịu hơn từ khi tôi biết cách duỗi dãn.


Thỉnh thoảng chị vừa vẽ vừa hát khẽ, nhưng trò chuyện thì không. Cứ thế cho đến lúc cùng dùng bữa.


Lydia có vẻ không muốn nói về mình. Ấy nhưng lại giục tôi tâm sự. Chị làm mọi cách để tôi thấy tự nhiên như ở nhà. Thoải mái. An toàn. Để tôi kể chị nghe. Chị đặt những câu hỏi khiến tôi lo ngại. Cuộc sống với Ivar rỗng tuếch. Giờ đây, tôi nhận ra điều ấy. Giờ đây, tôi mới dám suy xét. Mới biết so sánh này nọ.


Một hôm, khi tôi đến, Lydia báo tác phẩm đã hoàn tất. Chị xoay tranh lại cho tôi xem, thế là tôi khám phá chị đã nhìn ngắm, thể hiện mình ra sao. Ảnh hình loang loáng mờ ảo, nhưng đích thị là tôi. Một kẻ nửa bị tẩy xóa, nửa kia đồng thời hiển lộ trên mặt vải. Dung dạng nhị trùng. Tôi nói tôi thích bức tranh. Thích lắm. Nhưng nó làm tôi hãi.


- Hãi? Sao nó lại làm em hãi?


- Vì nó tiết lộ chính em. Điều đó làm em khiếp sợ.


Chị vuốt má tôi.


- Không việc gì phải sợ.


Và bây giờ? Tranh vẽ xong rồi thì sao? Tôi phải ra đi? Tôi lừng khừng trước bức tranh. Phải chi nó đừng bao giờ hoàn tất. Tôi không muốn những khoảnh khắc của chúng tôi biến mất.


Em có thích ngồi mẫu cho chị nữa không… Chị rất muốn tìm hiểu em.


Tôi không giấu nổi mừng vui. Mà chẳng hiểu sao lại như thế. Tôi ôm lấy chị. Thơm ngọt. Tôi định được cái mùi này. Nữ.


Chị sửa soạn khung bố khác. Hạ bức tranh đã vẽ xong khỏi giá và dựng lên bức mới. Không biết rồi Ivar nghĩ gì về bức tranh. Liệu anh có thích không? Anh sẽ không hiểu nó. Anh có nhận ra nổi tôi trên đó? Tôi không cho là anh hiểu tôi đủ.


Lydia tiến đến bức bình phong Tàu, dời nó đi chỗ khác. Một tấm vải phủ dày có trang trí họa tiết đẹp mắt được tung lên giường. Huơ tay, chị ra dấu muốn tôi ngồi lên đó.


Tôi đứng gần giá vẽ. Giữa phòng. Chị thêm củi vào lò.


- Hôm nay, chị muốn em ngồi vào giường à? Tôi hỏi.


- Ừ, em nằm xuống đó nhé.


Tôi làm theo. Một mớ gối lớn. Tôi tựa gối nằm nghiêng, nhìn Lydia chuẩn bị đồ nghề.


- Em có thấy lạnh không? Chị hỏi.


- Không, hôm nay đã khá. Chị sưởi rồi mà.


- Chị tính hỏi em có sẵn lòng cho chị vẽ khỏa thân không.


Tôi nín thinh.


- Sợ Ivar không chịu.


- Anh ta không cứ gì phải biết chuyện này. Cứ giữ riêng giữa chúng ta. Sẽ là một tuyệt tác. Em giúp chị nhiều vô kể. Ngoài em ra, sẽ không ai biết tranh vẽ em. Em và chị, chỉ có mình biết với nhau mà thôi.


Tôi không trả lời, chỉ đưa tay cởi đồ. Giày trước tiên, đặt cạnh chân giường. Xong, tới vớ, vắt lên thành giường. Áo váy rồi đồ lót. Người tôi trông tái mét dưới ánh đèn lạnh. Bụng hằn vết quần lót. Vú vểnh lên. So cứng.


- Em xõa tóc ra. Được không?


Tôi rút kẹp, hất tóc. Chải đầu bằng những ngón tay.


- Em đẹp, chị khen, thản nhiên.


Chị đến bên, xếp đặt thân người tôi từ nãy giờ đã cứng đơ ra vì ngượng. Chị lót gối dưới người tôi để tạo dáng. Xong trở lại giá vẽ. Ngắm tôi. Chi ly. Hiền từ. Mắt chị phân đo tôi.


- Thoải mái đi em, chị bảo. Sắp ấm rồi. Chút nữa thôi mình sẽ tạm ngưng để em sưởi.


Rồi chị im lặng, vào việc, tập trung vô khung bố mới. Tôi khép mi. Cảm thấy ánh mắt chị trên người.


Thả duỗi. Dãn dần. Gần như thiếp đi. Rồi đến lúc giải lao. Lydia đến bên, choàng cho tôi tấm chăn ấm. Tôi cuộn mình trong ấy. Chị dọn cơm cho tôi ăn.


Trời chóng tối. Tôi phải về. Tôi bảo Lydia thế, rồi ngồi dậy với lấy quần áo. Nhưng chị đặt cọ, đến ngồi bên tôi. Chị nắm tay tôi. Cầm giữ. Đưa lên môi. Chị gây cho tôi cảm giác kỳ lạ. Nhộn nhạo. Nhưng tôi không rút tay lại. Cứ để mặc. Chị hôn lòng bàn tay tôi. Dịu dàng. Tôi nghe đầu lưỡi chị nhòn nhọn trong ấy. Nhột. Chị nhìn đăm đắm vào mắt tôi. Vẻ như nghiêm chỉnh. Vẻ như trầm kha. Kề sát mặt. Tôi ngã ngược ra gối. Chị nhào theo, khẽ nâng cằm, hôn. Miệng tôi. Lưỡi chị thanh mảnh, sống động. Tôi trao giao lưỡi tôi vào. Chị thở. Tôi đỡ chiếc gáy mềm, kéo về phía mình. Chị như một con chim. Bé bỏng, tong tênh hơn tôi. Hai bàn tay dính màu. Vỗ cánh trên tôi. Ngực. Chị lướt. Những ngón tay chấp chới. Chị tái tạo tôi. Lần theo những đường cong tôi như thể đang nắn tượng. Bàn tay nhỏ tìm đường đến chỗ kín tôi. Nhẹ nhàng đáp ngón.


Tôi bất thần giật nảy. Một hồi còi huýt lên chát chúa. Thất kinh. Tôi vùng khỏi tay chị. Thình lình. Đột ngột hơn ý muốn. Lò mò tìm quần áo. Như mù. Tôi thều thào xin lỗi. Lydia vẫn nằm, bất động, nhìn tôi. Không một lời. Chị đưa tay chùi miệng. Tôi quấn bừa tóc. Hối hả.


Tôi lập cập trong cầu thang. Vang động. Trễ rồi. Ivar đã có ở nhà khi tôi về đến. Lưng tôi đẫm mồ hôi. Chẳng chào nhau.


- Em đi đâu về đấy?


- Em đi nhà thờ. Nhà thờ ấy mà. Quên khuấy giờ giấc. Tôi bịa. Hẳn là anh thấy tôi bịa?


- Em nói láo.


Anh tiến tới, chộp tay tôi. Xoáy mắt vào mắt tôi.


- Rõ ràng em nói láo. Môi em run bần bật kìa!


- Đâu có. Em khóc.


Anh tỏ vẻ ngạc nhiên.


- Tại sao? Buồn phiền gì mà khóc?


- Là lúc ở nhà thờ. Em nhớ mẹ, buồn quá.


- Mẹ em! Chính bả đã tống em ra khỏi nhà kia mà!


- Đã đành vậy.


- Sao em lại có thể khóc được một khi đã biết là không đáng?


Anh túm gáy tôi. Bóp bóp. Anh đã chịu tin tôi chưa?


- Anh đói. Anh thều thào vào tai tôi.


- Để em đi dọn bữa ngay.


Anh cười.


- Anh bảo anh đói!


Anh cởi áo tôi. Bài bản cũ. Thúc vú.


Đêm xuống. Tôi thao thức. Sát bên, Ivar ngủ ngửa, mê mệt. Thật gần kề. Thật xa lạ. Một kẻ hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi lắng nghe hơi thở anh. Tiếng ngáy. Chẳng đẩy anh ra.


Sáng hôm sau, khi anh thức dậy, tôi vờ chưa đẫy giấc, muốn ngủ thêm. Nằm sấp, nghe anh di chuyển. Giả bộ thiu thiu. Anh đóng cửa. Bước chân trong thang mỗi lúc một xa.


Tôi ngồi dậy. Đầu óc sáng suốt, lạnh lùng. Không cho phép mình suy kiểm. Xếp va-li. Lè lẹ, sợ bị bắt quả tang, sợ sẽ bị giam giữ. Như đang phạm pháp. Tôi dừng tay hai ba lần nghe ngóng. Con tim tôi.


Để lại vài dòng. Nhìn quanh. Lần cuối. Căn hộ bốc mùi ẩm thấp. Thứ mùi sẽ theo chân tôi.


Những tiếng động báo tử.


Khóa cửa. Lật đật như ăn trộm.


Khi gõ cửa nhà Lydia, tôi không tính tới khả năng bị chị chối đẩy. Không dám nghĩ đến điều đó. Tôi chẳng còn biết đi đâu nữa.


Nhưng chị vắng nhà. Tôi ngồi trong lòng thang, trên đống va-li, chờ đợi. Thật lâu. Chân đẫm hơi đá lạnh. Người qua kẻ lại. Tôi nghe thấy tiếng động trong những hộ bên. Đám con nít dòm tôi thắc mắc.


Cuối cùng chị cũng về. Tập phác họa dưới nách, chùm chìa khóa trong tay. Mắt nhìn xuống. Tay xắn váy. Rồi chị trông thấy tôi. Thấy đống va-li và hiểu ra tình huống. Được hay không? Tôi đứng lên. Chị giang tay. Mở cửa.


Chẳng cần nói gì. Chị biết tôi đã sống ra sao. Chị dọn tủ cho tôi cất đồ. Chúng tôi nâng ly nhấp chút rượu nhẹ có màu nâu loãng. Chị đùn mớ va-li vào gầm giường. Tôi tự nhủ phải tẩy xóa Ivar. Kỷ niệm về anh. Biết là vô phương. Anh đã ấn dấu lên tôi. Làm sao có thể trốn chạy kỷ niệm. Mùi anh. Thử thách. Tôi cho mình một kỳ hạn.


Lydia dọn cho tôi bánh mì và phó-mát. Đói bụng lạ lùng. Hồi hộp và vội vã làm tôi cồn cào. Mang mang hư ảo. Tôi đã thực sự cắt đứt với Ivar? Đã rứt khỏi anh chưa?


Suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi vào việc như trước. Lydia hát cho chị. Và cũng hát cho tôi. Tôi cố để chị ru dỗ bằng giọng hát. Chẳng muốn nghĩ đến tương lai. Bây giờ tôi ở đây. Trong gian phòng này. Bây giờ gian phòng này là của tôi, ở đây, lúc này.


Đêm xuống, chúng tôi ngủ chung giường. Lydia khoan thai cởi đồ dưới ánh đèn ấm dịu. Chị gầy hơn tôi tưởng. Ngực nhỏ. Người mảnh. Bắp mỏng. Mắt cá. Khớp khuỷu còm cõi. Trông như một con nhóc.


Chân chị lạnh. Chúng tôi cười. Tôi sưởi chân chị giữa lòng đùi. Giờ đây, trong bóng tối, chuyện đó không còn làm tôi kinh khiếp như trước. Tôi biết phải làm gì. Hôn miệng chị. Nhây môi. Nhè nhẹ. Hôn mi. Chút một nhỏ nhẻ. Lydia nằm, bất động, buông trôi, nhắm mắt. Chị chờ đợi. Như chiếc bóng trong gương. Tay tôi bao bọc bầu ngực chị. Nóng. Đầu vú choi chỉa lòng tay. Tôi há miệng ngốn trọn. Chị đưa mắt nhìn. Trải tay lên tóc tôi.


Tôi rẽ chân chị. Nuốt lấy. Bé cái. Sợi đẫm. Rong rêu. Rẽ ra. Chị, em y xì. Tôi biết cách. Chị rên rỉ, cong rướn. Tôi là sóng. Mặt mũi đầm đìa. Bọt biển. Tảo vướng vào miệng.


Tôi tựa gối xả hơi. Lydia nép vào tôi. Tí teo. Bé bỏng. Dụi tóc vô nách, ngã đầu lên ngực. Cứ thế chúng tôi ngủ.


Chị hôn hít. Vuốt ve. Chải chuốt cho tôi. Ríu rít à ơi. Gọi tôi bằng cả trăm cái tên trìu mến.


Tô tô vẽ vẽ.


Giữa chừng lại ngưng ngang, chạy đến dúi vào đùi. Vết thương trong tôi. Cái mùi thum thủm. Chị tinh tế. Nhẹ nhàng. Ngắm nghía tôi. Không rời. Vẽ mắt vẽ mi, vẽ môi vẽ má, vẽ cánh vẽ lỗ, vẽ cổ vẽ cằm, vẽ vai vẽ vú. Toàn thân.


Khi tôi ngỏ ý muốn ra ngoài một mình, chị lo nơm nớp. Bắt tôi hứa sẽ không trở lại với Ivar. Chị khéo tưởng tượng! Tôi thề không bao giờ làm thế. Đời nào! Tôi sợ gặp anh. E mình không cưỡng nổi hấp lực ấy.


Lydia dẫn tôi đi ăn tiệm. Chị giới thiệu tôi với mấy người bạn nghệ sĩ. Đa số là đàn ông. Họ xem chị như em gái. Họ tỏ tường bản chất chị. Khuynh hướng chị.


Dù ai cũng dễ mến, tôi vẫn thấy mình ngoại cuộc mỗi lần tụ bạ. Thấy mình có mà như không. Vì thuộc về Lydia, tôi mờ nhạt. Phải thế không? Tôi chẳng thể góp chuyện. Có biết gì về nghệ thuật đâu. Tôi là món trang sức. Uống rồi im. Đắm chìm giữa những rù rì trò chuyện, hơi ấm, tiếng ly tách lách cách và khói bủa.


Lydia có vẻ tự hào khi giới thiệu tôi. Chị thích khoe tôi ra. Như của báu. Một thứ do chị tác tạo. Không hiểu sao, tôi thấy ít nhiều tổn thương. Lẽ ra tôi nên hãnh diện mới phải.


Chị mời thân bằng quyến thuộc đến nhà thưởng tranh. Tranh vẽ tôi. Tôi nhột nhạt. Ngượng đã bày truồng ra cho thiên hạ ngó. Cảm thấy xem rồi người ta nhìn mình khác đi. Dù sao đó chỉ là cảm giác riêng. Có thể chỉ có tôi thấy mình khác đi một khi tranh trưng lộ. Trần trụi. Bóc vỏ.


Tôi muốn nối lại liên lạc với mẹ. Nhưng không dám. Tôi không tin bà sẽ chấp thuận. Dù tôi đã thôi Ivar. Nếu như hồi đó tôi giữ lại đứa bé thì sao? Bây giờ không còn nhớ nổi khoảnh khắc ấy nữa. Như đã quá xưa. Tôi xưa ấy, kẻ bất định.


Mối dây vô hình chắp nối tôi vào mẹ. Từ thân thể bà tôi lớn lên. Hư vô xuyên qua hư vô đến với hư vô. Tôi hư vô.


Gần chỗ Lydia ở có nhà thờ. Những lúc đi chợ, tôi thường tạt qua. Mà như đang vi phạm điều cấm kỵ. Tôi ngồi đó, ngước nhìn ánh nến trên bàn thờ. Vòm mái cao ngời. Những bước chân vang.


Có người dợt đàn. Tôi xin Chúa ban cho bình an. Chúa xa vời vợi. Cách ngăn. Vô hình. Giá như Chúa có thể tha thứ cho tôi. Trọng tội. Tôi đã để người ta thọc chết con mình. Tôi không dám đến bên bàn thánh. Muốn, nhưng lại thôi, tự nhủ mình bất xứng.


Ngồi đây, lòng tôi lắng dịu. Một khoảnh khắc. Chiếc giỏ bên chân. Tôi chắp tay. Cầu nguyện, mắt mở trân trân.


Thấy mình trốc gốc. Trôi nổi lênh đênh. Chẳng thuộc về đâu.


Những tỏ bày thương yêu của Lydia làm tôi khó chịu. Quấy nhiễu. Chợt thấy vướng víu. Chả thích thú gì với những ve vuốt ấy. Chỉ có cảm giác bất ổn. Làm như lúc nào chị cũng cần được bảo đảm rằng tôi có ở bên cạnh và thuộc về chị. Tôi có thuộc về chị không? Chị đã giúp đỡ tôi nhiều. Sao tôi lại thất vọng? Chị có làm tôi khổ đâu. Ngược lại. Ngược lại cơ mà.


Tôi cứ ngỡ chị vững chãi hơn. Người chị mỏng mảnh. Chị trao thân cho tôi trong vai phái yếu. Như muốn được chở che.


Mấy ngón tay chị tô vẽ tôi. Chị thừa sức nhìn ngắm tôi hàng giờ.


Nhiều khi cứ ước phải chi chúng tôi là chị em. Chị càng mê, tôi càng rầu. Cóc đoán trước được lúc nào chị muốn sáp vô. Thật chẳng trông mong cái màn đó. Cứ tưởng đã tìm ra một bà chị. Tôi đã để cho chuyện kia xảy ra. Đã tham gia. Đã xâm nhập chị. Dâng hiến. Tôi làm thế là vì thói quen. Không nỡ để chị thất vọng. Vẫn muốn ở lại với chị. Không ở với chị thì ở với ai.


Sẽ không bao giờ tôi quay lại với Ivar. Sợ gặp anh, sợ lại bị anh áp chế. Sợ không tỉnh bơ nổi. Tôi phải kiên cường. Không được thua. Phải vững tin. Thượng chúa cần bầy tôi chứ bầy tôi có cần thượng chúa đâu.


Muốn một mình yên tĩnh. Tôi đến nhà thờ. Trong lòng nhà thờ tôi được bình an. Thắp nến cho vong hồn đứa con xấu số. Tĩnh tâm.


Tôi ngó thấy một vị mục sư trẻ. Tóc đỏ hoe. Ông loay hoay làm gì đó bên mấy cánh cửa. Chỗ hành lang. Tấm áo chùng đen quét đất khi ông trở lên lối đi chính dẫn đến bàn thờ. Ông quỳ xuống trước bàn thờ, đọc kinh. Hay biết đâu chỉ lẩm nhẩm đếm tới hai mươi? Xong, ông biến khuất vào phía sau phòng để đồ cúng.


Ở nhà thờ còn có một vị mục sư lớn tuổi mặt mày vừa hà khắc vừa bọng bệu. Ông này thì tôi ngán. Không khi nào tôi dám kể lể gì với ông. Tôi cần được an ủi. Được ân xá. Được thứ tha. Tôi biết mình chẳng thế nào hé ra nổi chuyện đứa bé bị nạo chết, chỉ có thể nói về nỗi cô đơn sâu thẳm. Nhưng không phải với ông. Mà với vị mục sư trẻ có nước da cớm nắng kia thôi. Người tóc đỏ. Tôi cứ chỉ chú ý khuôn mặt ấy.


Chẳng còn biết mình muốn gì nữa. Láng máng. Mệt mỏi. Triền miên mệt mỏi. Lydia hôn rồi bảo tay tôi lạnh. Quá đỗi lạnh. Chị hà hơi sưởi ấm. Mắt chị nồng nàn. Có nồng nàn thật không? Chị nhìn tôi. Đắm đuối. Chị buông mình, tựa đầu lên gối tôi. Lắm lúc tôi nghĩ chị thích tôi lo cho chị như ông chồng săn sóc vợ. Hoặc như bà mẹ chăm chút con. Bỗng thấy mình không đủ sức. Yếu. Đuối.


Chị nói yêu tôi, yêu thật nhiều. Nên tôi nói yêu chị. Có hôm chị gục khóc trên cổ tôi. Sướt mướt thịt da. Hỏi tại sao thì chị bảo sợ bị ruồng rẫy.


- Mình đã sống đơn độc quá lâu. Trước khi gặp cưng, mình vẫn nghĩ sẽ cứ thui thủi một mình thế thôi.


Tôi vuốt dọc sống lưng chị. Chị ngậm lấy vú tôi, tìm nguồn an ủi. Tôi hứa điều chị muốn. Hứa với chị.


Bà nằm đó, im lìm muôn thuở. Mẹ tôi. Vẫn xa vắng như xưa. Mắt nhìn hun hút nơi nao. Gương mặt khép kín. Không một cánh cửa nào hé mở cho tôi đến được với mẹ.


Trong nhà thờ. Vị mục sư trẻ đi qua. Tôi đứng bật dậy, tằng hắng để ông chú ý. Không biết phải gọi ông thế nào.


- Cô muốn nói chuyện với tôi? Ông nhìn tôi thân thiện dò hỏi. Cô cần chi?


Mi ông trắng như mi thỏ. Ánh mắt phản ảnh tâm hồn mẫn cảm. Da chỗ vách mũi không mấy sạch.


Tôi lúng túng. Sau cùng cũng rán giải thích rằng tôi muốn được trò chuyện, nếu ông có chút thì giờ rảnh.


- Ý cô muốn một buổi nói chuyện riêng?


Tôi gật. Chính thế.


- Vậy thì ngày mai, tôi có thể tiếp cô vào giờ này.


Ông bắt vội tay tôi sau khi hỏi tên. Tôi không muốn biết tên ông. Ông là tu sĩ. Biết làm gì cốt người phía sau lốt áo kia.


Khi tôi về, Lydia vắng nhà. Tập phác họa không có ở đó. Tôi hài lòng được thoải mái một mình chốc lát. Buông mình nhìn lên trần nhà. Đầy bụi. Ngoài kia là bầu trời. Tôi lạc lõng giữa bầu trời vô tận ấy.


Nhớ nhà. Biển. Tiếng hải âu quang quác giữa những ngày hè biếng nhác. Muối tóe lên da. Rêu nhú. Rong lượn. Bóng hải đăng thân thuộc và vững chãi. Nhớ quá. Nhà. Tôi làm gì có nhà. Không mái ấm.


Tôi nhìn xuống gầm giường. Mấy cái va-li nằm đó, sẵn sàng cho cuộc đào thoát.


Sống với Lydia không khó khăn gì. Chị ngưỡng mộ tôi. Cần có tôi. Không thành vấn đề.


Chị cần có một người bên cạnh. Chị bám lấy tôi. Có lần chị kể chuyện mộng mị. Trong mơ, một gã trai vận áo giáp đen tiến về phía chị. Gã nói đến tìm chị. Chị giở vành mũ sắt bao kín đầu cổ, chỉ thấy trống hoác thay vì khuôn mặt người. "Thế mới đáng sợ, chị nói. Khoảng trống."


Chị làm tôi ngộp. Tôi là con chuột rút vào ngách. Ngột ngạt. Lydia quá cần tôi. Tôi lẩn tránh khi chị sờ mó. Đôi bàn tay mỏng mảnh ấy. Chị đằm thắm. Tôi không thèm muốn chị nổi. Cái chuyện ấy, tôi không ham hố mà cũng chẳng hững hờ. Chẳng có gì phức tạp. Làm cho trọn cũng chẳng khó chi. Chị không khiến tôi nhờm tởm nhưng tôi không thích ngủ với chị.


Vị mục sư trẻ đón tôi ở cửa nhà thờ. Ông đã chờ sẵn ở đấy khi tôi đến. Tay cầm hai cuốn kinh. Trao cho tôi một cuốn. Chúng tôi cùng vào trong phòng chứa đồ cúng. Tôi có cảm tưởng như thế không phải phép. Những tấm áo lễ treo trong tủ kiếng. Bàn thờ be bé. Chiếc tủ để rượu và bánh thánh. Nơi trú ngụ của những vị tu sĩ.


Mục sư mời tôi ngồi rồi ông cũng an tọa. Tôi ngồi.


Ông chờ đợi. Bắt đầu thế nào đây?


- Cô có chuyện buồn phiền… Ông lên tiếng, ngập ngừng.


Tôi gật đầu, nín thinh.


- Cứ kể cho tôi nghe hết đi. Cô biết đấy, tôi có bổn phận giữ kín bí mật.


Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt lộ vẻ lo lắng kia. Ông trẻ quá. Ông đã đào đâu ra thời gian để trở thành mục sư?


Tôi không cầm được thắc mắc:


- Mục sư đi tu lâu chưa?


- Năm thứ hai rồi, ông thú thật. Có vẻ bối rối. Trông tôi trẻ quá hả? Nhiều người cũng nhận xét như cô vậy. Tôi phải tập quen với điều này thôi.


Tôi giữ im lặng.


Ông mở sách kinh và tôi bỗng nảy sinh ý định chỉ cầu nguyện cùng ông thay vì trò chuyện. Ông chọn một đoạn kinh đơn giản.


Đức Chúc Trời ơi, Ngài sửa phạt tôi, Ngài cũng chữa lành tôi. Tôi giữ im lặng và không để miệng tôi thốt lên lời oán than. Xin hãy giúp tôi chấp nhận sự đau khổ mà Ngài phó cho tôi. Xin giúp tôi chấp nhận nó, ao ước nó cũng như cảm tạ Ngài về sự ban cho này.


Lúc ấy, tôi chợt nhận thấy giọng ông rất hay. Lịch lãm. Hơi thánh thót. Tôi đan tay. Không cách gì xưng tội. Tội trạng của tôi. Tày đình quá, làm sao bỏ qua nổi. Xin tha thứ cho tôi.


- Tôi không có chỗ nào nương tựa cả.


Ông nhìn tôi tỏ vẻ thông cảm.


- Hiện cô sống ở đâu? Chắc cũng có chỗ ở chứ?


- Tôi tạm trú nhà chị bạn. Nhưng không muốn ở lại đó.


- Cô không còn gia đình thân thích sao?


- Không.


Mẹ chẳng thể nào tha thứ cho tôi. Tôi chẳng thể nào van vỉ mẹ. Tôi không làm được.


- Mục sư có thể giúp tôi tìm chỗ ở không?


- Cho tôi hỏi thẳng nhé, ngân quỹ cô ra sao?


- Tôi xoay được. Chỉ kẹt không biết đi đâu. Tôi chẳng quen biết ai ở đây cả.


- Để tôi hỏi thăm giáo dân xem có ai có phòng cho cô thuê không.


- Mục sư hỏi hộ tôi được chứ?


- Tất nhiên là được. Tôi sẽ làm hết sức.


Chúng tôi đọc bài kinh Lạy Cha quen thuộc. Ông làm dấu thánh cho tôi. Ông ban ân lành. Cho tôi. Xuống tôi.


Tôi dọn bữa cho Lydia. Chị gầy gò nên cần phải ăn uống bồi bổ. Buổi tối chúng tôi đi chơi. Rượu làm tôi ấm mềm. Xoa dịu. Chìm đắm thẳm sâu. Yên vị. Khói ru đưa. Tôi mặc kệ những lời đàm tiếu xung quanh.


Vị mục sư đã tìm ra cho tôi chỗ ở. Nhà của một giáo dân. Bà ta cho thuê hai phòng. Mục sư đưa tôi địa chỉ rồi vui vẻ đề nghị đưa tôi đến nơi.


Trên đường đi, ông hỏi thăm quê quán. Qua giọng nói, ông đoán tôi người vùng biển. Ông đi song đôi với tôi, và khi ông xoay mặt lại, tôi nhìn thấy mấy cái chấm đen trên cánh mũi. Ông mặc đồ đen. Chẳng biết gì về tôi. Biết thì sẽ thất kinh ngay. Tay chân ông lóng ngóng. Vạt áo chùng bay lật phật trong gió. Rồi chúng tôi đến nơi. Tôi đi xem qua một vòng. Bà chủ nhà ngó tôi từ đầu tới chân. Chúng tôi thỏa thuận.


Tôi cám ơn vị mục sư trẻ. Mời ông ghé qua dùng cà phê một khi đã dọn tới ổn định. Ông hứa sẽ đến.


Lydia lo lắng. Chị vốn nhạy cảm. Những đường gân trên thái dương chị cực kỳ mảnh. Chị nhận ra ngay rằng tôi thay đổi. Hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra. Tôi không nói dối chị được. Nhưng gắng giảm nhẹ sự thật. Tôi nói rằng đã đến lúc tôi cần có nơi ăn chốn ở riêng. Chỗ này hai người ở chật chội quá. Tôi nói rằng chất térébenthine làm tôi nhức đầu. Những bức tranh sơn dầu ấy.


Chị tuyệt vọng. Biến sắc. Run rẩy. Đôi mắt. Nồng nàn. Mọng nước. Bỗng như một đứa con nít, chị đứng sựng, tay chân vung giẫy. Tôi ôm chị. Vai chị rúng động.


Tôi thì thầm yêu chị, nhưng đã đến lúc phải dọn đi. Lời nói tuôn ra chẳng mấy khó khăn. Rồi chúng mình sẽ tiếp tục gặp nhau thường.


Lydia lắc đầu. Tóc xổ quanh mặt. Chị sợ bị bỏ rơi. Chị đã quá gắn bó với tôi. Có một điều tôi không hiểu nổi. Chị sợ cô đơn. Song chị đã có nghệ thuật làm đích sống. Lẽ ra tôi mới là người sợ cô đơn hơn chị. Nhưng tôi biết tôi mang nó trong mình. Một định mệnh bất biến. Giờ tôi đã biết điều này. Chẳng ai chia sớt được cô đơn tôi.


Tôi bỏ nguyên buổi tối xoa dịu Lydia. Dùng lý lẽ với chị. Phủ lên má chị cơn mưa hôn. Như mẹ dỗ con. Mí mắt chị. Tôi gây ngứa. Khiến chị nguôi quên chốc lát. Rồi lại khóc.


- Em sẽ bỏ tui. Giống như hồi đó em bỏ Ivar.


- Chị không phải là Ivar.


Sáng hôm sau, chị ngồi đó, quan sát tôi. Ánh mắt rười rượi ai oán. Tôi lôi va-li ra sắp xếp. Nhanh thôi. Tôi lấy hết đồ ra khỏi tủ. Chị lau nước mắt. Tôi biết chị muốn cản chân tôi. Nhưng một khi tôi đã quyết, chẳng gì ngăn cản nổi.


- Để chị đưa cưng đi nhe?


Giọng chị yếu ớt.


- Em đi một mình tốt hơn. Rồi em sẽ đưa chị đến đó. Hứa mà.


Chị ngoảnh nhìn chỗ khác. Tôi xếp đồ xong. Chị tiễn tôi ra cửa.


- Cưng hứa mình vẫn sẽ như xưa?


- Vâng.


Tôi ôm hôn chị. Chị níu rịt lấy tôi. Tôi cứ tưởng chị phơi phới. Tự do. Mạnh mẽ. Cái lần gặp chị đầu tiên ấy. Tôi nhầm: chị cũng sợ sệt như tôi.


Phòng tôi thuê có sẵn tủ giường. Có mùi kẻ khác. Tiếng động mới. Cảnh quang mới, nhìn xuống là mảnh sân. Cửa đóng phải vặn khóa. Tôi ngủ vùi. Chăn mền lúc đầu lạnh ngắt. Tôi kết thân với hơi lạnh. Suốt nhiều ngày không ra ngoài.


Ngày thứ tư, Lydia đến, khóc lóc sau cửa. Tôi dối rằng tôi đau. Không muốn lây cho chị.


- Mặc kệ! Chị gào.


- Đừng làm ầm lên như thế! Tôi đanh giọng. Rít lên. Em đau thật. Chị mà vào sẽ bị lây ngay. Em không muốn thế. Không được. Khi nào khỏe lại, em sẽ đến chỗ chị.


Điều gì khiến tôi tàn nhẫn đến thế? Tôi không cần chị nữa. Đơn giản vậy thôi sao? Chị không bỏ cuộc. Cái kiểu quỵ lụy của chị làm tôi cáu tiết. Tôi muốn chị tỏ ra kiêu hãnh, đừng đến hạ mình với tôi.


Khi đi chợ, tôi len lỏi giữa các dãy nhà. Hết sức tránh chị.


Ai gõ cửa cũng không mở.


Nỗi cô đơn vừa là gánh nặng vừa là một kho tàng bí mật. Những đêm yên ả. Không còn phải thi hành phận sự ân ái. Tôi ngủ thật say.


Tôi sống với nhịp độ riêng. Ăn đứng vớ vẩn ngay tại bếp. Xõa tóc. Nằm lì trên giường tới trưa trật.


Một hôm, có người gõ cửa và rốt cuộc thì tôi mở. Buồn chán và cô độc quá rồi.


Mục sư. Vị tu sĩ trẻ. Trông ông ngơ ngơ ngác ngác. Ánh mắt lạc lối.


- Tôi có việc ngang đây. Đi thăm bệnh ấy mà. Tiện, ghé qua xem cô sống thế nào.


- Mời mục sư vào. Xin cứ tự nhiên cho.


Thận trọng, ông nhấc chân bước qua ngưỡng cửa. Giò dài. Ông cẩn thận nhìn quanh. Đặt mũ lên chiếc bàn ngay lối vào.


- Mục sư dùng cà phê nhé?


- Vâng. Xin cô.


- Mời mục sư ngồi. Bàn ghế chẳng phải tôi sắm đâu. Bộ sa-lông cũng khá tốt.


Gian phòng đã bắt đầu tranh tối tranh sáng. Ánh sáng khó lọt vào đây nổi. Chỉ một chút le lói hắt lại từ phía sân sau.


Tôi pha cà phê. Ông ngồi im lặng nhìn quanh. Trên tường, tôi treo một bức họa do Lydia phác bằng chì. Khỏa thân. Còn nhớ hôm vẽ nó. Chị trần truồng trước giá vẽ, cười vui. Hai đứa nhấm nháp rượu nóng. Những buổi đầu.


- Tranh đẹp ghê! Ông khen.


Tôi đang quay mặt về phía bếp. Không thấy được nét mặt ông khi tôi đáp rằng tranh ấy vẽ tôi. Nhưng cảm được ông đang nín thở. Ông nhột.


- Một chị bạn vẽ cho, tôi trấn an ông.


- Thế à, ông hắng giọng.


Tôi đem cà phê đến, rót mời. Ông cảm ơn.


- Tôi đang cảm thấy cô đơn thì mục sư đến. Tôi rất vui được mục sư ghé thăm.


- Tình cờ vậy mà hay.


Im bặt. Tôi nhìn ông. Tách đĩa trên tay ông va kêu lách cách. Khóe môi ông tụt trễ. Gương mặt vì thế phảng phất vẻ cay đắng. Tôi mời ông bánh ngọt. Ông nhón lấy một chiếc, cho vào miệng. Dè dặt. Như thể việc ăn bánh làm ông xấu hổ.


Tôi nói về hòn đảo quê nhà. Lòng hoài hương. Một đề tài để trò chuyện. Kể tả phong cảnh hòn đảo cho ông nghe. Những rặng đá nhẵn. Gió thổi quanh năm. Chẳng gì che chắn nổi.


- Cô không thể về quê sao?


- Tôi chịu, không trả lời được.


Tôi hỏi làm thế nào ông trở thành tu sĩ. Ông có cảm nhận thiên khải không? Từ lúc nào ông nghe được tiếng gọi ấy?


- Có đấy. Cụ thân sinh ra tôi là mục sư. Tôi vẫn luôn cho đó chính là một thiên chức. Cụ đã dạy dỗ tôi trong tinh thần đó. Tôi cảm thấy việc tu hành hợp với mình. Nhưng tôi chỉ thực sự nhận thức được sự phong phú của công việc khi bắt đầu theo khóa tu tập. Ý tôi muốn nói, phần thưởng cho nỗi vất vả này thật to tát. Bây giờ thì tôi hạnh phúc đi tiếp con đường đã chọn.


- Mục sư sống một mình?


- Đương nhiên rồi. Nhưng tôi vẫn tâm tình với Chúa. Chúa không bao giờ bỏ tôi một mình. Cô cũng đừng bao giờ quên điều này. Không bao giờ Chúa để cô phải cô đơn.


- Mục sư có tin chuyện tà ám không?


Ông cau mày.


- Ý cô muốn nói bị quỷ ám?


- Đúng thế.


- Chúa cứu rỗi những linh hồn bị quỷ ám. Sao cô hỏi vậy?


- Mục sư đừng bận tâm. Chẳng sao cả đâu. Chuyện xưa rồi. Không việc gì phải khơi lại. Thôi quên điều tôi vừa hỏi đi.


Ông kể rằng đã lớn lên ở miền quê. Một tu viện sừng sững giữa đồng.


- Thế rồi làm sao mục sư lên tỉnh?


- Tôi nghĩ ở tỉnh thành mình sẽ hữu ích hơn. Còn cô? Tại sao cô đến đây?


- Dà, theo trai.


Tôi đọc thấy nỗi lo ngại trong ánh mắt ông đang dõi về tôi.


- Không, chẳng chồng con gì đâu. Chưa từng cưới hỏi. Anh ấy thì có bao giờ đá động đến chuyện này. Tôi nghĩ hôn nhân chẳng ăn nhập gì đến mối quan hệ của chúng tôi. Ban đầu chỉ là một cơn si. Lúc đó tôi còn trẻ lắm. Anh ấy là thầy dạy tôi.


- Cô hẵng còn trẻ lắm.


- Nhiều khi không thấy thế. Tôi cứ thầm nhủ đời sống thật vô vị. Thiếu muối. Hồi xưa tôi lãng mạn lắm cơ. Mơ mộng tối ngày.


- Chuyện gì đã xảy ra?


- Ý mục sư hỏi chuyện gì đã xảy ra với mối tình kia hả? Đã chấm dứt. Nói khác đi, đã thay hình đổi dạng. Anh ấy thay đổi. Hay chính tôi đây thôi. Tất cả.


Tôi nhoẻn miệng cười để không khí bớt nặng nề.


- Bây giờ anh ta ở đâu?


- Tôi không biết. Mục sư thứ lỗi, tôi không thích nói về chuyện này nữa.


- Không muốn nói kể cả với tôi sao? Cô biết là tôi sẽ giữ kín mà.


Ông đặt tách xuống bàn, cầm lấy tay tôi. Có lẽ để truyền cho niềm tin.


- Không. Nên quên đi thì hơn.


Hoàng hôn xuống. Phủ kín phòng tôi.


- Tôi lên đèn nhé?


- Tùy cô. Tôi cũng sắp phải tạm biệt đây.


Tôi bật một ngọn đèn. Cơ miệng ông giãn ra đôi chút. Tóc ông sầm sẫm.


- Còn mục sư? Đã có cô nào chưa?


Ông cười, lấy làm ngạc nhiên.


- Không. Chẳng cưới mà cũng không hỏi ai cả.


- Thế có định không?


- Thật tình tôi không biết. Công việc trên hết. Cô thật khéo hỏi. Lúc nào cô cũng thẳng đuột ruột ngựa vậy đó hả?


- Không biết nữa. Tôi thấy mến mục sư.


- Tôi rất vui, ông nói, giọng phẳng lờ.


Ông ớn tôi. Tôi đánh hơi được. Ông sợ tôi không phải như ông tưởng lúc đầu. Có thể ông sợ ngồi đây một mình với tôi. Tôi thấy thinh thích làm cho ông sợ. Một quyền năng. Rõ ràng ông muốn cáo từ.


- Mục sư không ở lại dùng cơm tối sao? Để tôi làm vài món.


- Tối nay tôi bận rồi. Xin lỗi nhé.


Ông nói dối. Ông đã đáp quá vội.


- Có chuyện gì vui vẻ lắm đang chờ đợi à?


- Tôi phải đi thăm một người bạn.


Tôi đứng dậy, nhoài người về ông.


- Đã hôn đàn bà con gái bao giờ chưa?


- Nhảm nhí.


- Sao không trả lời? Có gì nguy hiểm đâu.


- Nếu cô nhất định muốn biết thì: Không.


Tôi chờ đợi.


Tôi nhìn vào mắt ông. Sà đến. Ông lùi.


- Muốn hôn em không?


Ông rụt người nhưng tôi đã chụp được bả vai, áp miệng lên miệng. Thoạt đầu, ông gồng cứng ngắc. Tôi chỉ thấy răng. Mùi mồ hôi khét. Tấm áo chùng tu sĩ của ông. Đôi môi trơ trơ. Sỏi đá. Ông để mặc tôi hôn, nhưng không hưởng ứng. Cái kiểu khựng khịu ấy kích thích tôi, khiến tôi nổi cơn hung hiểm. Chuyên chế. Tôi đẩy lưỡi banh hàm ông ra. Buộc ông nhận lấy lưỡi tôi. Tôi nắm đầu, cưỡi hẳn lên người, đè ông xuống sa-lông. Một tay tôi vén váy. Quần lót. Đến tận thắt lưng. Mắt ông trợn trừng. Bằng trận hôn tới tấp, tôi đẩy ông đến chỗ tuyệt vọng. Rồi tôi cũng dần dà uốn được lưỡi ông vào nhịp. Phải dạy ông tất tật. Tôi tự trật móc áo ngực, dẫn dắt tay ông mò tìm vú. Phải ấn tay ông vào đó. Rồi hôn miệng, hôn cổ. Tháo cổ áo, cởi khuy. Ngực ông trắng bệch. Trụi lông. Núm vú tai tái quái đỏ. Tôi hôn vào, cắn nhằn. Ngực rượt ướt. Đầu ông giật ngược ra sau. Hai mắt lạc thần ngó lên trần. Cứng đờ. Tôi mở quần, lôi ra thằng củ thịt. Trông nó đỏ hỏn trên mặt da xanh mét. Cứ như là của ai khác. Cái thằng bé tí, mềm uột. Tôi nhẹ nhàng bế ấp. Như o một con vật. Cúi xuống hôn hít. Mơn trớn. Tắm táp nó. Cho đến khi nuốt trọn. Ông thở hắt. Thằng nhỏ vẫn oặt oẹo. Tôi thở bằng mũi. Dúi tay ông vào váy. Về phía cửa mình. Vết thương tôi. Hôi ngái. Tôi đẩy ngón tay ông vào đó. Kẹp lại. Hôn hít. Nhay lắc. Chẳng nhằm nhò. Tôi nhìn ông. Ông dán lưng vào ghế, đầu bật ngửa. Trao tráo, trợn đứng, thất thần.


- Anh muốn em ngưng không? Tôi thì thào.


Ông gật. Rươm rướm nước mắt. Chẳng buồn chớp mi xua lệ.


Tôi gài nút quần cho ông. Xốc sửa quần áo mình. Ông mặc áo, vuốt vén lại cổ, vạt.


- Anh có hẹn ở đâu đó à? Tôi hỏi, mặt xoay về hướng khác.


- Tội lỗi. Tôi không thể, ông nói nhỏ. Lí nhí. Cô là yêu nữ. Tôi phải đi.


Ông lóng ngóng đứng lên, đi ra phía cửa. Tôi bước theo, đưa cho ông cái mũ. Ông đội lên, mở cửa. Quay lại phía tôi.


- Xin cô đấy, đừng trở lại nhà thờ của tôi nữa. Tôi không đủ sức.


- Anh không đủ sức chuyện gì?


Ông không đáp. Lúng búng lập bập, nghe như vĩnh biệt hay xin lỗi xin phải gì đó. Ông đi, tôi đóng cửa. Rửa tay, súc miệng. Hết sức bức bối. Kiến động ổ trong người. Mắt đổ đóm. Phòng ngập mùi giấm khú. Tôi ngó ra cửa sổ. Không thể nào ở nhà nổi. Thay áo. Đỏ hực. Soi gương. Dọn dẹp đồ đạc. Cố giảm thiểu cơn bồn chồn.


Ra đường. Tôi tìm đến quán rượu vẫn thường lui tới với Lydia trước đây. Ngồi vào một góc bàn nhỏ, châm thuốc. Rượu đến. Có người chào tôi. Bạn của Lydia. Chúng tôi thăm hỏi nhau vài lời. Tôi lắng xuống. Dịu lại.


Tôi không hiểu hành vi mình. Thân xác tôi. Tôi có đang trả thù? Một hành vi cuồng hung. Ăn miếng trả miếng.


Chẳng còn biết mình muốn gì nữa. Phố thị làm tôi ngộp. Có thể tôi sẽ khá hơn nếu trông thấy biển. Nhớ ánh dương soi suốt vùng sa mù nơi bến cảng. Nhớ mùi cá tươi nồng. Nhớ những khoảng không lồng lộng. Tất cả gộp vào trong tầm mắt. Những cánh buồm. Lóng la lóng lánh. Chiếc ghế bành của ba. Lớp da thuộc cũ kỹ mà trơn láng như làn da ai khác.


Nhớ những lần đi viếng mộ ba. Sờ lên bia đá. Đá lạnh nhắc nhớ thực tại. Nhớ những khi đứng trước mộ người dưng. Chỉ Chúa tỏ con chiên của Ngài. Trôi về từ đại dương. Hoài công bơi tìm đất liền. Vỏ ốc vỡ nát thành cát. Lũ sứa chết khô trên ghềnh đá. Dấu vết để lại tựa những tia nắng tứ bề xanh xao. Nước lạnh buốt máu.


Phải chi tôi bé đi để khởi lại từ đầu. Nhưng làm sao có thể thay hình đổi dạng cô đơn. Với tôi, vô phương. Hồi đó cứ thấy cuộc sống trên đảo nghèo nàn. Xám xịt. Cứ cầu mong được thay đổi. Thay đổi rồi. Giờ thì? Còn gì?


Tôi trẻ. Nhưng không trẻ đến mức cho rằng cuộc đời bất biến. Phải chọn lựa. Có trẻ mãi được đâu. Hấp dẫn. Ham muốn. Cái thứ sân si vừa đem đến hạnh phúc vừa gieo rắc khổ đau. Thèm khát và thờ ơ. Phải thay đổi tất.


Thoát ly: rượu đốt. Xung quanh huyên náo. Thuốc lá ngay tầm. Tay chân đỡ trống trải. Tôi để mặc cho bọn đàn ông ve vãn. Như vậy để thấy mình hiện hữu, dù chẳng bớt cô đơn.


Lydia ngồi dưới kia với đám bạn. Mắt chị u ám. Tôi gật đầu chào. Chị hận tôi bỏ chị. Tôi dối giá. Chị không nán thêm nổi. Cái ghế nghiến ken két khi chị đứng dậy bỏ đi. Là lỗi tôi ư nếu chị không gánh chịu nổi cô đơn? Gia sản của chị. Phần của chị mà.


Tôi là một kẻ nô lệ không biết hưởng tự do.


Cứ ngồi ỳ với ly rượu. Rượu - lực lượng bảo an. Ánh đèn dìu dịu trong quán giúp tôi thư giãn. Bóng tối tặng tôi tự do. Bóng tối làm cho thân thể tôi dễ chịu hơn. Tôi chỉ khoan khoái khi được đắm mình trong ánh sáng êm dịu. Quên đi đời sống thường nhật.


Ánh sáng chợt tràn ngập bục diễn. Một nhóm vài người xuất hiện trên sân khấu nhỏ. Bọn nhạc sĩ. Từ nãy giờ tôi không để ý sự chuẩn bị của họ. Phút chốc bỗng xôn xao, lố nhố. Tôi ngồi trong vũng mờ xa xa. An toàn.


Bắt đầu chơi. Nhạc Czardas. Họ người Hung? Hay Gitans? Anh chàng kéo vĩ cầm. Người đứng giữa. Giờ tôi mới để ý. Chàng không thể nhìn thấy tôi. Tôi ngồi trong bóng tối. Nhìn đi nơi khác. Cảm thấy bị đe dọa. Mãnh lực nào ép tôi quay về hướng chàng? Hình như tôi chán ngán rồi. Ở đó mà chán! Tia chớp đầu tiên chính là cơn thèm muốn. Chàng đẹp. Dã thú. Hiện hữu. Tối ám. Chàng nhắm mắt. Cung vĩ chồm lên dây tơ. Mê cuồng. Từ cao xuống thấp. Từ thấp lên cao. Hoang dại. Tóc chàng bờm xơm. Cái miệng, kìa, những đường xẻ dữ dội loài mãnh thú. Nổi lộ ra từ chòm râu đen khéo tỉa. U ẩn. Đỏ.


Bản nhạc dứt. Vỗ tay. Tôi không nhúc nhích nổi. Chàng nhạc sĩ kéo cung vĩ lướt nhịp trên cần đàn. Chàng đưa mắt nhìn khán giả. Mặt thú. Quái vật. Tôi náu mình trong tối.


Ban nhạc tấu thêm một khúc nghe quen quen. Tôi có thật nghe đâu đó rồi chăng? Họ vẫn cứ chơi. Chơi đến toát mồ hôi. Tôi cạn chén. Gọi thêm ly nữa. Hút hẳn loại nặng, kéo rít sâu đến mờ cả mắt. Màng tang vỗ đập. Tín hiệu báo trước cơn lói đầu. Uống, say. Vì sợ ư? Sợ. Ham muốn bất ngờ trỗi dậy. Thế là chẳng hưu chiến gì sất. Mắt không thôi dán dính vào chàng.


Ngưng lặng. Một tràng pháo tay, rồi ban nhạc cúi chào và rời sân khấu.


Người ta lại hạ bớt ánh sáng. Bóng tối dường như thăm thẳm hơn. Mắt tôi cần quen với bóng tối. Chàng đâu rồi? Đừng để chàng đi mất. Lòng tôi tràn ngập một khát khao kỳ lạ.


Rồi đột nhiên tôi thấy chàng. Chàng đi ngang qua tôi. Tôi đứng dậy lao theo. Không thể để chàng biến mất. Lật đà lật đật, tôi hất đổ cả cái ly xuống đất. Rơi. Vô phương cứu vãn. Rớt, bể. Xấu hổ quá, tôi cúi xuống nhặt nhạnh mấy mảnh vỡ to. Rượu làm tôi hậu đậu. Đống miểng chai khứa đứt lòng bàn tay. Một người chạy bàn bước vội lại bảo tôi để đó cho anh dọn. Tôi trả tiền, vội vàng ra cửa.


Không thấy chàng đâu. Kìa, kia kìa. Chàng lấy mũ, áo rồi. Kẹp thùng đàn dưới nách rồi kìa. Tôi sốc nhanh áo khoác. Giờ chàng mới thấy tôi. Đúng hơn, bây giờ chàng mới ngó tôi. Chàng chỉ vào tay tôi.


- Chết, cô chảy máu kìa! Giọng rè.


Tôi nhìn tay mình. Vết thương không sâu nhưng máu chảy ròng. Lễu nhễu. Chàng sải chân đến bên, cầm tay tôi. Đưa lên miệng mút vết thương chặn máu. Môi chàng nóng hổi. Đêm lạnh bủa quanh hai chúng tôi.


Mắt chàng xanh biếc. Tuy trời tối, tôi vẫn nhìn ra. Môi chàng vấy máu tôi. Chàng xưng tên rồi hôn tay tôi. Đề nghị đưa tôi về.


Tôi say. Khướt. Muốn được bồng. Chẳng ngại ngùng gì hết. Coi như chuyện đương nhiên. Chàng giang tay. Tôi cần lắm. Trao gửi cho chàng. Trong cơn say. E dè chi. Chàng cười khẽ. Xiết tay tôi.


Về. Tôi mời chàng vào nhà. Chẳng chút ngại ngần. Tôi không muốn mất chàng.


Ngồi đó, trên ghế sa-lông, chàng đón tách trà tôi mời. Đôi tay sẫm tuyệt đẹp đặt lên bàn. Chàng quan sát khi tôi rót trà. Tôi thấy mình lóng nga lóng ngóng làm sao ấy. Tay chân vụng về. Mù lòa.


Ai săn, ai mồi?


Đâu cũng vào đó. Bất ngờ. Chẳng chút phấp phỏng khi tôi nhìn vào mắt chàng. Là đây, giờ khắc nạp đạn. Tôi giữ chàng ở lại. Chàng cười.


Chàng đến với tôi bằng thế động của loài thú. Đói khát. Cháy bỏng. Cuốn tôi đi. Tôi để mặc cho mình tan rã. Không một lời. Môi miệng rừng rú ngoạm vào sâu. Da thịt chàng nâu rám. Dấu vết nắng hạ. Mưa sôi. Chàng không phải giống người. Chàng nửa người nửa ngợm. Tụt cởi tôi bằng bàn tay êm ái. Chỉ một hơi thở, chàng đi qua tôi, xiên suốt.


Tôi hỏi nơi chàng ở. Được đáp là trọ nhà bạn bè kèm một cái nhún vai dè dặt.


Dáng vóc củ thịt. Tía đỏ.


Buổi sáng. Tôi xin chàng nán lại. Cười. Nhân sư. Mèo hoang. Dã dượi. Chàng vươn tay chộp. Tôi ngã đầu vào tảng ngực lông lá.


Sao mối tình này không đến với tôi sớm hơn? Nỗi sầu muộn đè tôi nặng trĩu. Cô đơn kia vẫn cứ mãi cầm tù.


Chàng, u sẫm, mắt thú.


Mù tịt về tôi. Tôi nào đâu kể hết. Bóng tối tôi. Chàng đến với đôi tay tế độ. Gột tôi bằng tro. Mắt ngập mến lành. Liếm rửa vết thương tôi. Chàng có thật làm được điều ấy? Có hồi phục tôi nổi không? Tôi nên tin tưởng. Được chứ: chàng thừa sức. Không: chàng cũng bó tay mà thôi.


Tôi phải tan chảy trong một khuôn đúc khác.


Làm sao giải thích được tại sao tôi khóc? Chàng đoán tôi rơi lệ vì hạnh phúc. Vết thương của tôi. Mùi khắm. Có cái gì đó bệnh hoạn trong tôi. Thân thể hằn sâu dấu thích sắt mất rồi.


Chàng là món quà quý hiếm nhưng hiển thực. Chiếc áo đen bạc phếch vắt trên thành giường. Giữa chăn gối, tấu nhạc cho tôi nghe.


Rồi kể về kỷ niệm với chiếc vĩ cầm đầu đời do ông bác rinh về. Thắng được trong một cuộc đỏ đen. Chẳng biết làm gì với chiếc đàn, ông đem cho cậu em. Biết đâu tụi nhỏ sẽ khoái?


Cả đám con nít quay tít chiếc đàn đỏ thẫm bóng nhoáng. Đầu chạm rồng phụng. Tuyệt đẹp. Long cầm. Mấy thằng anh cứ vỗ vả cần đàn. Mặt gỗ. Chúng để lại dấu tay trên ấy. Chúng búng phá dây. Chàng là út. Không được sờ vào. Chỉ đến lượt cậu em chơi khi các anh đã chán.


Nắm được rồi, chàng không muốn buông ra nữa. Thằng anh cả bẻ quặt tay em ra sau bắt trả lại cây đàn. May có ông bố can thiệp, thấy thằng út có vẻ ham mê, ông phán cây đàn thuộc về nó.


Nào có biết lên dây lên cót hay đàn địch gì đâu. Cung vĩ lại thiếu phấn mài. Chàng leo lên gác tập kéo. Lũ anh hét ầm: Tống mẹ cái con mèo kia ra đường đi!


Chàng chơi cho riêng tôi. Chơi nữa, chơi mãi. Tôi không chịu cho chàng ngưng.


Thế rồi thư đến. Lá thư mà có lẽ mẹ tôi đã đọc cho người ta chép. Tôi cố tin đó chính là ngôn từ của bà.


Mẹ kêu tôi về. Những lời bấy lâu tôi mong đợi. Mãi đến giờ mới tới, lúc bà đang hấp hối. Khác biệt là ở chỗ đó. Chỉ bây giờ tôi mới hiểu tôi sắp mất mẹ. Sắp mất hết. Thêm một lần nữa. Và lần này sẽ là vĩnh viễn.


Chàng. Tôi bám lấy chàng tựa kẻ chết đuối. Chỉ riêng mình choáng váng.


Tử thần hiện diện. Cuồng nộ. Phẫn hận. Hai đứa không còn nhiều thời gian. Tôi nghe chàng gào rống. Cặp mắt vòi tình. Ngấu nghiến. Chàng lút sâu vào tôi. Đúng rồi: chỗ đó, chàng là của tôi. Ở yên đó. Tôi lùa ngón vào miệng chàng. Rứt tóc. Lông ngực. Ghì xiết. Rồi ẩy ra. Nữa. Thêm nữa. Chỗ đó đó. Vỡ vụn trong tôi. Nổ. San sớt. Đổi hướng. Thay cực. Hổn hển. Chàng chồng phủ tôi.


Gió lục địa ôn hòa.


Tôi cho đồ vào chiếc va-li lớn. Chàng mi mút mấy đầu ngón tôi. Đan tay chàng vào tay tôi. Đeo găng cho tôi.


Chuyến đi dài. Dằng dặc. Tôi có thời giờ suy ngẫm. Nghĩ đến lúc về đến nhà. Đầu óc mông lung. Phình trướng.


Vừa sáng. Tôi trở dậy, đơ đuỗn, đến bên mẹ. Gương mặt bà. Thiêu thiếu cái gì đó. Tôi thò tay sờ trán mẹ. Sọ ghồ dưới da. Lạng ngắt. Thiếu nhiệt. Tôi hà hơi ấm vào khuôn mặt đông giá. Khí lạnh phả ra từ mẹ. Tôi hôn phiến trán băng buốt. Môi tôi nhiễm lạnh.


Sau riềm mi khép lộ ra hai mảnh tròng trăng trắng. Tôi vuốt đôi mắt chết. Một phím đen trỗi dộng. Hải âu thức giấc.


Người ta sắp đến lo tang lễ. Sẽ tẩm liệm, cho mẹ vào hòm gỗ rồi khiêng đến nhà thờ. Linh mục sẽ đọc một bài điếu văn. Ông thừa biết dụng từ.


Tôi nắm tay mẹ. Cương thạch. Tôi đã hằng mong được nắm tay mẹ. Đó, giờ mẹ là của tôi, chỉ của tôi thôi. Nhưng mẹ chẳng còn đây. Mẹ đâu? Chẳng đâu. Biệt mù.


Miệng nhoẻn kỳ quái, chết chóc.


Người ta sẽ đào huyệt cạnh huyệt cha tôi. Sát bên. Gần mép nước. Đất mặn. Nơi chốn sẽ là người. Huyệt mộ sắp là người. Mái ấm người trong lòng đất. Chút mái ấm còn sót lại của tôi đó. Sỏi đá rồi cùng người kết hợp.


Tôi không muốn chứng kiến cảnh tẩm liệm. Không muốn nhìn tay người dưng rờ mó người mẹ. Không muốn thấy mẹ trong hòm.


Khi có tiếng gọi cửa, tôi sẽ nhìn mẹ lần cuối. Bà nằm đó, như ngủ thôi. Tôi sẽ hôn lên vầng trán sáng.


Cả đời thường xuyên thiếu vắng mẹ. Tôi sẽ tiếp tục sống trong thiếu vắng.


Chờ người ta ghé vai vác hòm ra khỏi nhà xong, tôi sẽ đi vào buồng ngủ của mẹ. Căn buồng bị cấm bén mảng suốt thời thơ dại. Tôi sẽ leo lên giường bà. Nằm vào vết hõm cái xác của bà. Vết hõm của mẹ rồi trở thành vết hõm của tôi. Thống nhập.


Christine Falkenland

Mạch Nha
chuyển ngữ

02/ 2004


(trích đoạn tiểu thuyết ― bản in lần đầu trong Hợp Lưu số 76 tháng 6-2004)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 136317)
M ấy năm trước anh về em dẫn người yêu đến gặp anh Mấy năm sau anh về em đưa em bé đến chào anh Thời gian đi qua đi qua Anh với tuổi già ngồi lại
01 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 114418)
Theo nguôn tin từ RFI - Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 135049)
đ ừng nhìn em như thế hãy để em ở cạnh anh theo cách của mình hãy để em yêu anh theo cách của mình ừ
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 119859)
N ăm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 103271)
Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 91565)
Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 92943)
Mùa xuân năm 2012 này, nước Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống mới, nhiệm kì năm năm của Tổng thống tại chức Nicolas Sarkozy sắp hết hạn. Trong một nước dân chủ, ai cũng có quyền ứng cử trong vòng đầu, từ dân quèn cho đến chánh trị gia lão luyện, kể cả Tổng thống sắp mãn nhiệm, miễn là * tin mình có cơ được bầu, hoặc * muốn lợi dụng thời gian quần chúng chú tâm nghe đề giãi bày tâm huyết và í hướng của mình. Sau đó, hai nhà nào được nhiều phiếu hơn mấy người kia thì mới ứng cử tiếp. Trong vòng thứ hai này, người được đa số phiếu, từ 50,1% trở lên, sẽ đăng quang, chánh thức đóng vai Tổng thống trong nhiệm kì sắp tới.
22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 96506)
Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không có tim hay không có lương tâm. Sao y có thể say mê tẩn mẩn tỉ mỉ về cái ác đến bệnh hoạn vậy? Tôi thực sự nghĩ rằng đó là vì tấm lòng và tình yêu cuộc sống quá lớn của ông! Trong tác phẩm mới nhất,  Vong bướm cũng thể hiện rất rõ điều ấy!
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 133499)
mặt trời đã đi suốt đêm qua để sáng nay làm người khách đầu tiên trong vườn nhà nàng
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 122017)
Lọn sóng xanh thẳm vùng mật ngôn thất tán dấu thời gian trôi rong rêu lơ đãng cuộc du hành chưa định