- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Xuân Tường Vy và dấu ấn Mắt thuyền

15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 78209)

 matthuyen_-f

Đến với địa hạt của văn học di dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Tường Vy là một cây bút mới. Sự “mới” này được ghi nhận bằng khoảng thời gian chị cầm bút chưa phải là dài. Khởi viết từ năm 2006, hơn bốn năm miệt mài sáng tác hẳn đã để lại cho Nguyễn Xuân Tường Vy nhiều kỉ niệm. Vì vậy, tập truyện và ký đầu tay mang tên Mắt thuyền của chị là một văn phẩm đầy ý nghĩa. Nó không chỉ là món quà dành tri ân độc giả mà còn sự tự tổng kết một chặng đường sáng tác. Khép lại một cánh cửa để bước tới một chặng hành trình mới, dù biết không ít chông gai đón đợi nhưng tác giả của Mắt thuyền đã và đang vững bước.

 

 *

Một cách tự nhiên, văn phẩm của Nguyễn Xuân Tường Vy đã thu hút tôi ngay từ nhan đề. Mắt thuyền đâu không chỉ là hình ảnh hoán dụ nghệ thuật đặc sắc trong một sáng tác cùng tên mà còn hé mở tâm thế khi tác giả cầm bút. Ký ức của chị vốn in dấu và không thể nào phai mờ hình ảnh đôi “mắt thuyền ướt đẫm”, “mắt thuyền lặng câm” trên hành trình vượt biên đầy hiểm nguy thuở nào. Nó là đôi mắt phản chiếu thân phận và nỗi đau của một thế hệ phải di tản, rời bỏ tổ quốc trong nỗi mất mát cay đắng. Vì vậy, sẽ không quá lời nếu nói rằng chính đôi mắt ấy đã mở lối để nhà văn bước vào cuộc đời và khám phá thế giới bên ngoài mình bằng văn chương. Bởi giản dị một điều: làm sao có thể mang đôi mắt nào khác ngoài đôi mắt thuyền nhân khi chính từ vị trí này, tác giả của nó đã học làm di dân.

 

Mang tâm sự vào những trang văn, tập truyện và ký của Nguyễn Xuân Tường Vy mở ra bằng lời tự bạch khiêm nhường : “Tôi rời Việt Nam. Hành trang mang theo là chuỗi hạt trai kết bằng chữ của mười bốn năm chào đời. Những hạt trai ngời nắng nhiệt đới. Hơn hai mươi năm hội nhập, tôi đã đánh mất, đã nhặt lại, đã đánh bóng từng viên ngọc của mình. Dù không còn rực rỡ, những viên ngọc đã kết thành chuỗi ngôn ngữ tôi yêu. Vẫn quyến rũ như buổi ban đầu. Vẫn ngọt ngào như tiếng mẹ ru đầu tiên trong đời. [...] Tôi đã chọn và viết bằng ngôn ngữ của trái tim mình ”. Rời xa tổ quốc bên thềm tuổi hoa niên, thế hệ của chị đã phải bỏ lại sau lưng rất nhiều yêu thương và nuối tiếc. Đối với tác giả, khởi đầu cuộc sống mới ở một xứ sở xa lạ ngoài quê hương mình chỉ bằng hai bàn tay trắng quả là điều không hề dễ dàng. Trải qua bao thăng trầm của đời sống, chị nhận ra rằng : thứ gia tài quý giá nhất mà mình mang theo vẫn luôn được cất giữ vẹn nguyên. Tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ ngọt ngào mến thương vẫn vang lên trong trái tim chị, ngân nga những nốt nhạc dịu dàng và sâu lắng. Dường như sức quyến rũ của nó đã vượt ra khỏi biên giới của thời gian và không gian. Do vậy, viết bằng “ngôn ngữ của trái tim mình” là một lựa chọn vừa tự nhiên nhưng cũng thật thiết tha đối với những cây bút di dân như Nguyễn Xuân Tường Vy.

 

Lật mở trang sách, tôi thấy tập Mắt thuyền gồm mười truyện ngắn và hai bài ký. Mười hai tác phẩm hẳn là một con số vừa vặn cho cuốn sách đầu tay. Điều này cũng đồng thời hé lộ sở trường của tác giả : Nguyễn Xuân Tường Vy là cây bút thiên về truyện ngắn và ký.

 

Về truyện ngắn, mười tác phẩm trong Mắt thuyền nhìn chung đều tạo được điểm nhấn riêng. Có sáu truyện xoay quanh đề tài tình yêu với nhiều hướng tiếp cận, hai truyện hướng vào đề tài mang tính xã hội, một về tình mẫu tử và một suy tư về đời sống. Tất cả đều là những đề tài khá quen thuộc, chứng tỏ tác giả của nó là người không ưu phiêu lưu trong việc thám hiểm và khai phá những vùng đề tài mới. Song viết về những điều đã quen sẽ là thử thách không dễ dàng vượt qua bởi nó đòi hỏi người viết phải có sự tìm tòi riêng, để không giẫm lên bước chân của người đi trước. Có thể nói, Nguyễn Xuân Tường Vy đã làm được điều này.

 

Ở mảng đề tài thứ nhất, mỗi truyện ngắn tựa như những mảnh ghép trong bức tranh về tình yêu. Nhân vật trung tâm hầu hết đều là người phụ nữ trải nghiệm những trắc trở trong tình yêu : từ tình yêu đầu đời muộn màng đến mối tình bất ngờ bên lề cuộc sống hôn nhân. Họ khát khao tình yêu, dám yêu và yêu một cách cuồng nhiệt nhưng điều mà họ nhận được thường không như họ mong muốn. Những rung động thổn thức, những nhớ nhung dằn vặt, chờ đợi hy vọng, khát khao dâng hiến, mặc cảm phản bội ... Tất cả những cung bậc cảm xúc và tâm trạng của người phụ nữ khi yêu, đều được Nguyễn Xuân Tường Vy thể hiện khá tinh tế. Và mỗi câu chuyện đều ẩn chứa một triết lý nho nhỏ về tình yêu.

 

Mưa đêmBên kia đồi khai thác một tình huống khá quen thuộc trong tình yêu. Nếu tình yêu giống như một cái cây thì nó rất cần được vun xới, chăm sóc để luôn tươi tốt, đơm hoa kết trái. Những người yêu nhau hãy biết giữ gìn và vun đắp cho tình yêu của mình. Bởi nguy cơ đánh mất tình yêu là điều có thật : “khi tình yêu không được vun xới, hạnh phúc mãi mãi là một điều xa xỉ ”. Dụng ý đó đã được nhà văn gửi gắm qua câu chuyện tình với sự hiện diện của người thứ ba. Sự cảm thông, thấu hiểu và lòng vị tha sẽ là chất keo gắn kết tình yêu bền vững nhất.

 

Bên cạnh đó, Biển hoa vàng cũng viết về mối tình tay ba song thông điệp mà nó truyền tải khác với hai truyện ngắn kể trên. Tác phẩm xoay quanh những mối quan hệ khá phức tạp cùng sự khám phá bất ngờ và thức nhận đau đớn. Nhà văn đã dùng nhiều bản năng nhục cảm để triển khai sự thất lạc của tâm hồn và những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật. Và thông điệp mà Nguyễn Xuân Tường Vy muốn gửi tới độc giả là : trong tình yêu, cần biết chấp nhận. Yêu là trao đi và nhận về. Nhận về những điều mà người khác đem đến, dù tốt hay xấu thì hãy đón nhận. Vì lẽ đó mà tác giả đã để nhân vật của mình tự lên tiếng : “Tôi trầm xuống, đã hiểu điều tôi tìm kiếm không chỉ thuần thân xác, cũng hiểu mình không thể kháng cự với quy luật thiên nhiên. Tôi không thể là ai khác ngoài chính tôi, như N không thể là người đàn ông tôi ao ước”.

 

Tiếp đó, Hương mộng là một truyện ngắn khá thú vị với kiểu cốt truyện – truyện lồng trong truyện. Câu chuyện tình đang viết dang dở của một nữ nhà văn và chuyện tình ngoài đời thực của cô, chúng có mối liên hệ gần gũi với nhau. Chính câu chuyện ngoài đời thực là chất liệu để cô viết lên văn phẩm của mình và gửi gắm vào đó tất cả ao ước lãng mạn về tình yêu. Song tình yêu là sự phức tạp khó có thể đoán biết: “Làn ranh giới giữa tình yêu lãng mạn và tình yêu ảo ảnh vô cùng mơ hồ”. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ thoát khỏi sự ngộ nhận. Tình yêu có thể được tô điểm, nâng đỡ bằng đôi cánh lãng mạn nhưng nó không thể được xây bằng những viên gạch của sự tưởng tượng huyễn hoặc. Tình yêu cũng giống như văn chương, không chỉ chứa đựng những điều đẹp đẽ, nên thơ, êm đềm mà còn là những gì ngược lại. Theo tôi, đó là hàm ý cơ bản của truyện ngắn này.

 

Bằng giọng văn dí dỏm pha chút hài hước, Qué xê ra xê ra đem đến cho độc giả cảm giác vui tươi nhẹ nhàng. Mang dáng dấp của một tự truyện, tác phẩm phản ánh chuyện tình duyên lận đận của nữ nhân vật tên An. Chẳng phải già kén kẹn hom gì, chỉ tại duyên số chưa đến như suy nghĩ của người trong cuộc. Rốt cuộc, tình yêu cũng dừng lại gõ cửa và đem đến cho cuộc sống của cô không ít xáo trộn và những ngọt ngào bất ngờ. Song dấn bước vào tình yêu ấy, cô sớm thất vọng ngay trong lần hẹn hò đầu tiên. Sự thất vọng không che giấu khi cô thốt ra câu hỏi với người đàn ông mà cô tưởng sẽ là bến đỗ của cuộc đời mình : “Anh, anh ... chưa nói yêu em, sao anh đã ... tụt quần em ra?”. Sau câu hỏi của nữ nhân vật chính và đoạn kết câu chuyện, tôi hình dung ra cái nháy mắt kín đáo và tinh nghịch mà nhà văn dành cho độc giả. Dường như khi tạo ra nhân loại, Thượng Đế hoàn toàn có dụng ý khi trao cho họ sự khiếm khuyết : mỗi cá thể chỉ là một nửa và họ luôn đi tìm một nửa còn thiếu của mình. Trên hành trình kiếm tìm ấy, cần biết nhẫn nại và chờ đợi. Một ngày đẹp trời nào đó, tình yêu đích thực sẽ đến. Qué xê ra xê ra dường như được viết cho mục đích đó chăng?

 

Cuối cùng, Đêm nổi lửa là một chuyện tình khá cảm động đan xen giữa yêu thương – đánh mất – kiếm tìm và nuối tiếc; giữa quá khứ và hiện tại, giấc mơ và hiện thực. Tình yêu đích thực nào cũng chứa đựng đầy thử thách. Khi tình yêu đến hãy biết đón nhận và gìn giữ, vun trồng. Đừng để sự vị kỷ giết chết tình yêu : “Tôi yêu em, nhưng tôi chưa quyết định gì hết. Ốc chưa mang nổi mình ốc, tôi đâu thể đa mang. [...] Tôi từng nghĩ tình yêu em dành cho tôi kỳ diệu xiết bao. Nhưng tôi vẫn ngồi bất động. Tôi không đủ can đảm như em đòi hỏi ”. Khi yêu chân thành, người ta không còn sống cho riêng mình. Chính sự hy sinh không vụ lợi đã nâng tình yêu lên thành một giá trị là thông điệp giản dị của tác phẩm này.

 

Nếu sáu truyện ngắn về đề tài tình yêu của Nguyễn Xuân Tường Vy mang dư vị nồng nàn rất riêng thì hai truyện ngắn về đề tài mang tính xã hội lại khiến độc giả không khỏi suy ngẫm, trăn trở.

 

Mưa ở Phnom penh phác họa đời sống của những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở một trung tâm bảo trợ nhân đạo. “Chúng là những đứa bé trời bắt tội”, “ôm trong lòng nỗi đau câm nín” mà sự sống chỉ “mong manh như tơ trời”. Chúng là nạn nhân đáng thương hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp từ “những nhà chứa, những quán mát – xa trá hình” : bị dày vò, bị lạm dụng, bị đánh đập. Tuổi thơ bị vùi dập và tương lai bị bôi xóa là mẫu số chung cho cuộc đời những đứa trẻ ở đây. Hướng ngòi bút vào phản ánh mảng u ám, đen tối này của đời sống, nhà văn đã chạm đến bề sâu của cảm hứng nhân văn. Truyện ngắn là lời nhắc nhở, thức tỉnh chúng ta đừng vô tâm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Hãy biết cảm thông, chia sẻ và cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau trong cuộc đời. Để màu xám buồn sẽ bị đẩy lui dần và thay vào đó là những gam màu tươi sáng hơn.

 

Nếu một mảng hiện thực đời sống đầy nghiệt ngã là chất liệu cấu tạo chính của Mưa ở Phnom penh thì yếu tố giả tưởng là nhân tố chủ đạo cấu thành Made in the laboratory. Ý tưởng truyện khá lạ ở việc mô tả phương pháp “Tái Tạo Nhân Loại” tức là những đứa trẻ được design theo ý muốn, “thật hoàn hảo”. Bằng cách thức như vậy, một thế hệ người mới sẽ được tạo ra. Thế hệ ấy sẽ là đáp số cho bài toán nan giải của một đất nước mà sự giả dối, tham nhũng, độc tài, bất công đang ngự trị. Một xã hội mới sẽ được kiến tạo và dựng xây bởi chính những con người mang trong mình gen của thành thật, của trách nhiệm, tha thứ, yêu thương... Made in the laboratory thuộc vào loại truyện luận đề được viết cho tham vọng này. Ngòi bút nhà văn tỏ ra khá sắc sảo và thông minh trong việc xử lý và truyền tải một thông điệp không dễ khai thác. Cùng với Mưa ở Phonom penh thì Made in the laboratory là hai minh chứng cho nỗ lực muốn vượt ra ngoài những đề tài mang tính chất cá nhân riêng tư của tác giả Mắt thuyền.

 

Thêm vào đó, Tử biệt là một đoản khúc về tình mẫu tử. Tuy chỉ là những dòng thuật kể, ghi chép về một quy luật bình thường của đời sống nhưng truyện ngắn này lại để lại xúc cảm nhất định cho bạn đọc. “Sinh ly tử biệt” – điều mà chúng ta thấm thía, một lần nữa được Nguyễn Xuân Tường Vy nhắc lại một cách chân thật, tự nhiên. Nó kết đọng trong nỗi lòng của người con khi tiễn đưa mẹ của mình về cõi vĩnh hằng. Những kỉ niệm ùa về, những suy tư trỗi dậy, những xúc động trào dâng trong giờ phút biệt ly đã trở thành biểu hiện đẹp đẽ của lòng nhân. Có lẽ vì vậy mà Tử biệt giản dị nhưng không hề giản đơn.

 

Tiếp nữa, Phía sau cuộc đời là một truyện ngắn mang chất triết lý về đời sống. Không ít người khi chưa hài lòng với đời sống hiện tại thường tìm cho mình một cứu cánh, một giải pháp nào đó. “ Tôi thường thức giấc với niềm luyến tiếc kỳ lạ. Giấc mơ đêm tuyệt diệu hơn đời sống thật. [...] Tôi sống với những ước vọng thầm kín không thể thực hiện được vào ban ngày. Sau màn đêm, tôi tin có một cuộc đời thú vị đang ẩn náu nên tôi yêu đêm. [...] Đêm cất giữ những giấc mơ. Trong mơ, cuộc đời tôi thật đẹp ”. Đó là lời tự bạch của nhân vật chính trong truyện – người phụ nữ luôn dằn vặt vì cuộc sống hiện tại không thật hoàn hảo như cô mong muốn. Những lo toan bề bộn, những va chạm nảy sinh với nguời bạn đời không ít lần làm cô thất vọng. Vì vậy, cô vỗ về mình bằng những giấc mơ của đêm trong một thế giới không có thật. Chỉ khi chứng kiến điều mà cô đã bỏ quên – quãng thời gian hạnh phúc bên gia đình, cô mới thức tỉnh khỏi những ảo tưởng được dệt lên bằng những giấc mơ. Mơ là một cử chỉ của hy vọng nhưng đừng nhầm lẫn mà đánh tráo nó với hiện thực đời sống. Hãy sống thành thật với chính mình – là bằng lòng với những gì mình có. Như một câu nói vui : nếu không có được những gì mình thích thì hãy thích những gì mình có phải chăng là dụng ý của tác phẩm này.

 

Nếu truyện ngắn của Nguyễn Xuân Tường Vy gây ấn tượng cho tôi bởi lối viết có duyên và tính triết lý nhẹ nhàng thì ký của chị lại khiến tôi thao thức với những nỗi niềm nặng trĩu. Ngoài hai bài ký đặc sắc Puerto Princesa CityMắt thuyền, Nguyễn Xuân Tường Vy còn có một bút ký khác, khá cảm động mang tên Ngày của Mẹ, cám ơn Con. Cùng chung một đề tài, giá trị của Puerto Princesa City và Mắt thuyền thể hiện ở việc ghi lại “kinh nghiệm chung của trên một triệu thuyền nhân đã vượt thoát qua đại dương, trong giông tố, trong nỗi lo âu thường trực trước một lòng biển sâu”. Để chuyên chở một nội dung như vậy, người viết cần lựa chọn được những phương thức biểu đạt phù hợp. Nguyễn Xuân Tường Vy đã thành công trong sự lựa chọn này.

Thứ nhất, tác giả đã phá gẫy thời gian tuyến tính trong ký để lồng ghép hiện thực – quá khứ vào với nhau, cùng song hành soi chiếu. Puerto Princesa City là hành trình trở về trại tỵ nạn Palawan nơi tác giả đã tạm trú – để nhìn lại một lần nữa bi kịch của chính mình. “Tôi đến Manila lần thứ hai, như một du khách. Buổi chiều chập choạng. Thành phố bên dưới rực rỡ ánh đèn. Tôi xuống sân bay, gió nóng tạt vào mặt. […] Quang cảnh ồn ào nhộn nhịp của chuyến bay mới đáp tựa trí nhớ tôi mãi khắc ghi. […] Tôi đếm từng chiếc máy bay lên xuống như tôi vẫn thường đếm năm mười bốn tuổi. […] Má dặn không được đi đâu, nhỡ lạc, nhưng tôi không cưỡng được lòng ham muốn tung đôi cánh mỏng phóng lên bầu trời thênh thang. Tôi mải mê ngắm máy bay lên xuống trên đường băng […] Manila năm 83 trên chuyến xe buýt từ bến cảng về trại chuyển tiếp gió vờn lên những gương mặt ủ dột, thất vọng. Trời chùng mây xám. Mưa lất phất rơi, không thấm nổi vào mái tóc tôi còn sũng nước biển. Mưa nhỏ lên mặt tôi giọt nước mắt mặn tôi chưa từng nếm trong đời…”. Đây chỉ là một trích đoạn nhỏ cho thấy cho sự đan xen giữa hồi tưởng và hiện thực trong tâm trí người viết. Dường như đối với tác giả của Puerto Princesa City, hành trình trở về không phải là sự trở về đơn thuần mà với một mục đích khác, ý nghĩa hơn: trở về để lượm nhặt cho mình những mảnh vụn của quá khứ với mong muốn ráp lại – để cắt nghĩa cho thân phận của chính mình. Vì vậy, bao trùm lên tác phẩm này là một câu hỏi đầy băn khoăn: “Tôi là ai?”. Câu hỏi mà tác giả “loáng thoáng bắt gặp hôm qua trên đất Mỹ, nhưng không ngờ hôm nay trở nên mãnh liệt”. Nó luôn thường trực như một vết đau tấy đỏ nhức nhối không thôi, ngay cả khi lời văn đã ngừng mà tâm trí chưa thôi tra vấn day dứt.

Khi hiện thực được tái hiện bằng hồi ức, làm sao nó có thể diễn ra theo một trục thẳng tắp. Bởi dòng suy nghĩ của con người là những hỗn độn ngổn ngang bất tận, không thể sắp xếp theo một trình tự cố định nào đó. Vì vậy, sự xáo trộn trật tự thời gian trong ký của Nguyễn Xuân Tường Vy đã đem lại hiệu quả biểu đạt không nhỏ. Hiện thực phản ánh trở nên sinh động hơn, được soi sáng từ nhiều góc cạnh và mở ra những chiều hướng suy ngẫm, đánh giá. Cũng sử dụng lối viết đồng hiện nhưng hơi khác với Puerto Princesa City, bút ký Mắt thuyền chủ yếu tái hiện hành trình ra đi của tác giả ở điểm nhìn của quá khứ và suy ngẫm về những gì đã xảy ra trước đó. Trong Mắt thuyền, nhà văn đặt nhiều trọng tâm vào việc làm rõ sự đối lập trong đời sống gia đình mình trước và sau biến cố 30 tháng 4. Sự khác biệt trước – sau ấy đã tạo thành một bi kịch : nửa trước là êm ấm, thanh bình; nửa sau là tan nát, chia lìa, mất mát.

Với những gì đã truyền tải, hai bút ký về đề tài thuyền nhân của Nguyễn Xuân Tường Vy đã góp thêm một tiếng nói vào việc nhận diện một mảng quá khứ u trầm, nỗi mất mát của một thế hệ “lớn lên bằng một sự chấm dứt, khỏi đầu bằng một tuyệt vọng”.

Thứ hai, tác giả đã đưa vào ký của mình những hình ảnh mang tính biểu tượng đặc sắc. Với Puerto Princesa là hình ảnh ngón tay mười bốn hoán vị với dáng hình của những con sao biển : “ Tôi đặt con sao biển vào lòng bàn tay. Ngôi sao năm cánh dài hơn ngón tay tôi mười bốn” và hình ảnh của đóa hoa vừa chìm xuống đại dương: “… cuốn vải thấm nước bung ra như một đóa hoa. Tôi đứng yên ở đó. Để gió biển xoa lên da mặt. Nhìn đóa hoa trắng chìm dần vào làn nước xanh”. Với Mắt thuyền, không gì khác chính là đôi mắt làm bằng tấm ván của quê hương tác giả: “của Tam Kỳ tuổi thơ, của những gốc phi lao rì rào”. Tất cả đều là những hình ảnh đẹp, mở ra những chiều sâu liên tưởng. Nếu những ngón tay mười bốn của tác giả là hình ảnh biểu trưng cho bi kịch của đất nước thì bông hoa trắng là biểu tượng cho tuổi thơ vừa chìm xuống đại dương. Còn hình ảnh đôi mắt thuyền là biểu tượng cho một phần quê hương đã cùng theo tác giả ra khơi, cùng soi chiếu nỗi niềm: “…Quê tôi không biến mất, Tam Kỳ chưa biến mất. Tam Kỳ gửi theo tôi đôi mắt ván thuyền”. Không ngẫu nhiên khi ở đoạn kết của mỗi bài ký, một lần nữa những hình ảnh này xuất hiện trở lại :

“Trên máy bay tôi ngắm những ngón tay tôi mười bốn. Những ngón tay vĩnh viễn mang dáng vẻ thuyền nhân. Chúng không khác những ngón gầy của cô gái đưa lên vẫy chào tôi buồn bã. Chúng xót xa vì mang cùng máu mủ. Mười hai năm sau ngày tôi rời Palawan, Puerto Princesa City vẫn giam những nàng công chúa của xứ sở tôi”. (Puerto Princesa City)

“Tôi nhìn đôi mắt thuyền ướt nước ngỡ như đang nhìn chính mình. […] Đêm nay thuyền sẽ về đâu? Con mắt thuyền ướt đẫm. Mắt thuyền lặng câm. Thuyền xa bến như tôi xa quê hương. Biết thuyền có tìm được đường về. […] Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ đôi mắt thuyền ai oán. Mỗi khi soi gương tôi vẫn thấy mắt thuyền long lanh trong mắt mình. Tôi mang đôi mắt ấy, đôi mắt Tam Kỳ và những mảnh vụn ký ức không thể ráp nối…” (Mắt thuyền)

Bên cạnh đó, ưu điểm của ký Nguyễn Xuân Tường Vy còn ở giọng văn uyển chuyển, giàu cảm xúc: trữ tình mênh mang khi hồi tưởng lại tuổi thơ, ngậm ngùi cay đắng khi suy ngẫm về bi kịch của gia đình mình hay sắc sảo trong những tra vấn về thân phận .v..v. Và bao trùm lên tất cả là chất nữ tính, hồn nhiên và giản dị trong từng câu chữ, trong mỗi hình ảnh. Theo cảm nhận chủ quan của tôi, Nguyễn Xuân Tường Vy thành công với ký hơn là truyện ngắn.

 *

Tóm lại, Mắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn:

Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình” (R. Tagor)

Là một độc giả, tôi thật lòng chúc cho Nguyễn Xuân Tường Vy không ngừng “mở rộng bản sắc của chính mình” để rồi như hạt muối nhỏ bé nhưng lại mang trong mình nó sự mặn mòi của biển cả. Nguyễn Xuân Tường Vy sẽ là một hạt muối như thế trong đại dương văn học bao la.

 

Nguyễn Hạnh Nguyên

Hạ Long, tháng 3/2011

 

Tập truyện và ký Mắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy do Hợp Lưu xuất bản tháng 2 - 2011

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 103876)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89581)
" Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản." (Bùi Chát)
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88776)
...C ó người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật...
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 98338)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
27 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101478)
N hà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn ở Việt Nam, đã giành được Giải thưởng Tự do Xuất bản năm 2011 “vì lòng can đảm mẫu mực trong việc giữ vững tinh thần tự do xuất bản,” như thông báo của Hiệp hội Quốc tế các nhà Xuất bản (IPA). Chủ tịch IPA, YoungSuk “Y.S.” Chi, chính thức trao giải thưởng năm nay tại một buổi lễ do Hội chợ Sách Buenos Aires lần thứ 37 tổ chức vào ngày 25 tháng Tư năm 2011, như một bộ phận của chương trình Thủ đô Sách Thế giới.
26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101688)
LTS : Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt. Tạp C hí Hợp Lưu
25 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 105910)
Tin Rome - Bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu là cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm thuộc đệ nhất Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam, đã qua đời ngày hôm qua tại tư gia ở Ý Đại Lợi.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88871)
T in tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 195638)
LTS : V ới những trang viết thật ngắn, bằng nét phát hoạ tưởng như vô tình, Hoài Băng gởi đến độc giả một bức tranh, một khúc phim ngắn như vết dao cắt trong lòng người đọc về xã hội Việt Nam ngày nay.( TCHL)
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 93253)
LTS : ... Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Tạp Chí Hợp Lưu