- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cái Chết Sau Quá Khứ

22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94243)


 caichetsauquakhu_tranvu

 

 

Ngày xưa, những cơn mưa đầu thu về qua đất Thuận Hoá tuyệt dữ dội. Lão Chu là người thường rũ tôi đi ngắm mưa. Lão đứng hàng giờ ở phá, ngẩng cổ, ngửa mặt thách thức cơn giận dỗi của trời đất. Mưa chúi xuống đất, mưa tắm lên đầu, mưa cắm đầy miệng lão, song lão Chu vẫn trơ trẻn cướp giật thức uống với thượng đế. Lão phá ra cười; tiếng cười sằng sặc lăn lộn trên sóng. Lão Chu nuôi tôi bằng tiếng cười khật khùng điên dại của lão. Nhưng dạo đó tôi còn trẻ, chưa khùng, cũng chưa dại. Tôi chỉ mới bắt đầu biết say mưa. Mà mưa ở phá đẹp kỳ ảo. Cả một vùng trắng ngần, trắng lịm, những tảng nước trắng xóa lồng lộn sa sầm xuống mặt đầm rồi tung bắn lên quẩy với hơi sương, giăng giăng mờ mờ, chạy chạy đường võng trên không. Mưa ở phá rầm rập, ào ạt mạnh mẽ. Bầu trời trắng lòa lòa những nước là nước.

 

Từ khi biết say mưa, tôi đâm biết say Ngự. Những lần theo lão Chu ra phá, Ngự đẹp man dã. Vải áo mớ ba chảy dán, bó rịt người, thân thể Ngự nổi lửng như một nhành lúa trổ vươn trên mặt ruộng lụt nước. Ngự xõa tóc xổ tung rã rượi, chân dầm trong nước, mắt dầm trong mưa. Ngự xòe hai cánh tay mở lòng đón mưa. Những hột mưa nhỏ mà tròn mọng. Ngự bảo là đốt tay Phật, vỡ vào đâu, phúc đến ấy. Phật tắm phúc lên người Ngự. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn phúc của Thượng Đế vỡ hoa trên da thịt Ngự. Lão Chu lại rống tiếng cười sang sảng, thỏa mãn đã uống hết cơn bão mùa vào bụng. Lão trỏ ngón tay lóng nhọn chỉ lên trời, rồi chỉ vào bụng hỏi: Cuộc đời muốn cái chi? Lần nào cũng như lần ấy, trăm lần như một, lão Chu tự giải đáp một mình. Lão gọi Ngự, vít lấy đầu cổ ướt nhẹp của Ngự, cắn vào rái tai Ngự, rồi run run trả lời: Ngự là cuộc đời! Ngự là cuộc đời! Lão Chu lại ré lên cười the thé sung sướng. Mỗi lẫn lão Chu làm những cử chỉ khật khùng đáng ghét đó, thay vì bực tức, Ngự lại phát tiếng cười con gái đương thì ròn tan. Giọng cười của Ngự cũng như của lão Chu bắn theo mưa, châm chích, rã rích, làm tay chân tôi bủn rủn. Vì không hẳn chỉ đơn thuần là giọng cười mà là tiếng kêu khát vọng của một loài sinh vật thèm khát thiên nhiên lẫn hạnh phúc của sự sống. Lão Chu ngắm Ngự, rồi nhìn tôi kiêu hãnh. Bão đã đong đầy bụng lão, bão ngập trong ruột, bão làm căng lòng dạ khác thường của lão Chu. Lão tiến lại gần hỏi: Mi hiểu không? Tôi trả lời: Tôi hiểu, tôi hiểu... Mưa ở Thuận Hóa cực kỳ huyền ảo.

 

 

 

*

 

 

 

Trời vần vần nước. Chúng tôi ở phá suốt buổi, đến khi chiều chạng vạng mới về làng. Cơn giận của thượng đế lắng dần, những cái quẩy thét sau cùng biến thành làn chớp lóe, chưa kịp xé trời đã mất hút. Dọc đường về lão Chu lừng khừng ít nói, lão mất hẳn cái nét xuất thần ngoài phá. Chỉ còn Ngự rủ tôi rình nghe những váng mưa đương vẩy qua đình, nghe giống đấu gạo huyền trân các mụ ưa vãi ra sân kêu lanh tanh, lách tách. Về tới nhà, lão Chu vụt đống quần áo ướt vào góc, xà ngay vào bếp khợi tro lửa. Lửa té tát lên mặt, lửa đỏ kè đôi con mắt lão, lửa phà cả vào mồm miệng bắt lấy hơi rượu cay lão đương tợp lấy tợp để, tu uống ừng ực như con vắt thèm máu. Nền nhà bằng đất, âm ẩm lạnh. Ngự thay áo trở ra than đói. Lão Chu vụt ngay bình rượu, nhào vào bắt siêu đun nước. Lão sàng sàng gạo như người làm xiếc. Lão Chu làm tất. Ngự muốn phụ lão, nhưng lão Chu đã lồng lên dằn lấy con dao trong tay Ngự. Giọng lão bực tức: Mi là cuộc đời!

 

Phải, Ngự chính là cuộc đời của lão Chu. Và lão chẳng muốn ai đụng đến cuộc đời của mình, chỉ muốn cuộc đời của lão sung sướng. Ngự và tôi đành ngồi im thin thít nhìn khúc cá bơi lội thoăn thoắt giữa bàn tay lão Chu. Thớt cá bóng mú, lão Chu đem cắt khía, bằm xả bỏ vào tượng kho. Cá chín, nước kho sánh mỡ, cặp mắt lão Chu sánh niềm vui. Lão ngửng lên ngó Ngự cười ngây ngô. Nét mặt lão giống y vẻ mặt của những đứa trẻ chóng già, mắt có đuôi nheo mà tròng mắt thì dại khờ. Lão Chu kỳ quặc như vậy mà Ngự lại nói Ngự yêu lão. Tôi thù Ngự mỗi khi nghe Ngự nói yêu lão Chu.

 

Mưa đêm nhả nước nhay nhắt từng nhịp. Tiếng mưa khuya nghe như tiếng mõ cầu siêu cho ai văng vẳng buốt vào từng thớ thịt. Tiếng mõ là tiếng kinh kệ, nghe mà thấy buốt là bởi tâm không sạch, Ngự diễn giảng lúc kéo tôi đi nằm. Lão Chu ngó theo chằm chằm, hai con ngươi lão chăm chắp rình mò, nghi kỵ, như thể lão biết hết. Mà lão Chu tinh như quỷ. Lão đe bọn trai làng: Thằng mô để con Ngự ốm nghén, tau giết! Tau xẻ hắn làm đôi, lóc nứa máng cho voi giầy! Lão nói là lão làm. Lão hung ác đến độ vác rựa rượt thằng Hiểm chạy băng đồng, năm ngày không dám về làng. Mẹ thằng Hiểm đang đi cầm bò trên núi phải vội vàng về lạy lão Chu ba lạy, lão mới tha. Mà có gì đâu, thằng Hiểm chỉ mới chòng ghẹo Ngự chưa quá hai câu.

 

Tôi len lén thả tay, chuồi mình dưới lớp chăn đay, cho bàn tay hoá con trăn trườn lên bụng Ngự. Thịt da Ngự lạnh ngắt. Hơi thở Ngự rùng mình bấu nghiếng lấy đùi tôi không cho cử động tiếp. Trong bóng tối, hai con mắt Ngự, hai mắt tôi, bốn con mắt ẩn trốn cặp mắt rình rập của lão Chu. Đôi mắt lão chăm bẳm lục lọi. Lão Chu nhìn tôi nằm chung với Ngự khó chịu. Ánh mắt lão đầy trăn trở, ánh mắt của một kẻ điên biết đang xảy ra điều ám muội mà lý trí không giải quyết. Ý nghĩ lão biết tôi ăn nằm với Ngự đem mổ bụng dồn trấu thả trôi sông làm tôi run lẩy bẩy. Ngự cũng sợ, ghì lấy nan giường mây, thứ mây quý lão Chu vào tận rừng sâu đốn về uốn làm chỗ ngủ cho Ngự. Càng sợ, hơi thở của tôi càng níu lấy hơi thở của Ngự. Trong bóng tối lão Chu d đốt củi suốt đêm, cháy lòe lòe khắp nhà như thể sợ đêm tối có ai vào đánh cắp mất cuộc đời của lão. Lão Chu chỉ mở hé một liếp cửa duy nhất, cho sao đêm ở Thuận Hóa những khuya dứt mưa lấp lánh, chiếu tắt, nhảy nhót động đạy giữa cái nền tím lặng mà sâu hút, đẹp không thua chi đôi mắt Ngự, tưởng chừng là nhúm ngọc trai ai vớt ở dưới đáy biển sâu đem gắn trên trời. Ngự thì thầm hạt sao đêm là mắt Phật. Tôi uống tiếng à ơi và nuốt con mắt Phật bà từ ái dưới mí mắt Ngự.

 

Lửa cháy lồng lộn, như lòng dạ hung dữ của lão Chu, tưởng sôi sục suốt đêm vậy mà cũng nguôi. Tôi đợi cho lửa tắt dần, tắt nhúm trên khuôn mặt lão, chỉ còn soi một đốm hồng cuối cùng mới dám cắn môi Ngự. Miếng lửa bỏng rát ở đầu lưỡi chảy lan vào người tôi những hột mưa châm chích, những váng mưa đã hắt qua mái đình còn nhiểu giọt tâm tích từ những trận nước tinh chất vỡ suốt trên cánh đồng bạt ngàn gió chướng kết lại trong tôi. Mãi sau này nhớ lại, tôi vẫn còn thấy đầy những cơn mưa tầm thu, bay trĩu trĩu qua vai, làm ướt áo lão Chu và ướt tóc Ngự.

 

 

 

*

 

 

 

Thuở đó, ai có sống ở làng Sình mới nghe danh lão Chu Khỏe. Lão Chu không khỏe việc đồng án, nhưng lại khỏe vẽ tranh. Mà lão Chu vẽ cực đẹp. Người ta nói lão có hoa tay. Nhìn lão miên man phóng bút khai họa, rồng bay phụng múa, voi quỳ hổ lạy, Phật bà, tố nữ, núi biển sông đồi, chim lồng cá chậu... tôi cứ ngẩn ngơ. Lão Chu vẽ cực lẹ. Lão vẽ tuyệt nhanh, nhanh như người ta đi tưới trên giấy. Chịch: một bức hình. Rồi chịch: bức nữa. Lại “chịch“, “chịch“, cứ thế lão ’’đi tả“ một lúc mười mấy bức, mà bức nào cũng sắc, đường nét vun vút như roi quất. Chẳng thế mà tranh Sình của lão Chu bán chạy. Lão vẽ trên giấy mộc, rồi đem khắc in lên thếp gỗ mút. Người ta mua tranh Sình của lão để thờ, cúng bổn mạng, cúng gia tiên, cúng sao, tế lễ trời đất, lễ tạ mùa màng. Mấy năm liền ở đất Thuận Hóa được mùa, lúa cấy phơi phới trên ruộng vàng rức mắt. Nhà nông tranh nhau mua tranh Sình, thóc đổ vào túi lão Chu. Người ta càng trọng lão, trọng cái thiêng liêng của tranh Sình. Được tiếng hóa cuồng. Lão Chu rủng rỉnh tiền bạc, mặc nhiên tự xem mình như một thứ thần linh. Lão nhận càn là tổ họa của làng Sình, tên chữ là Lại-Ân. Danh tiếng càng cao, lão Chu càng khó ở. Hễ ai nói động đến, dù chỉ nói khóe, nói cạnh xa xa, tức thì lão nhảy cỡn lên rủa xã bằng cái giọng dấm đặc ợ hơi khế chua; chửi bới người này, xỉa xói kẻ nọ. Lão Chu quá quắt đến độ trong làng bắt đầu ghét lão. Những người xấu miệng thì bảo Lòng dạ hắn dơ dáy như rươi, vẽ tranh Sình Phật mô có chứng, thôi không mua nữa. Những kẻ độc mồm thì trù ếm Lão không biết nhân nghĩa, thị phi phép tắc, bữa mô trời phạt, cho sét đánh hộc máu. Người ta muốn lão Chu chết, nhưng lão không chết, vẫn trơ trơ ra phá, đứng phơi gan thách thức thượng đế. Lão là thần linh, lão có sợ chi. Lão Chu cười rung cả người, mỗi bận ở phá về, ướt nhẹp đầu cổ, lão lại kiếm chuyện để chửi bới, kiếm người để đay nghiến. Những khi ấy, hai con ngươi lão chạy sòng sọc, mùi rượu tanh nồng nặc ở mồm miệng nhớm nhúa ộc ra. Vậy mà Ngự yêu lão. Mà ở làng Sình cũng chỉ có mỗi mình Ngự là thương lão, cho nên lão Chu càng thích gọi Ngự là cuộc đời. Một hôm hứng chí, lão Chu quyết định vẽ lại cuộc đời mình. Lão nắn nót vẻ truyền thần cho Ngự một bức bán thân. Ngự mặc áo Mã-Tiên màu đỏ nghệ, ai cũng trầm trồ khen đẹp. Có người xin hỏi mua, lão Chu nghe được, trợn mắt, thè lưỡi: Mi dám mua cuộc đời của thần linh, tau vẽ mi ra con bòi! Lão Chu ném chai lọ, rác rưởi đuổi khách. Ngự buồn lắm. Tôi xin Ngự bức vẽ, song Ngự không cho. Ngự nói: Ngự muốn giữ giùm cuộc đời cho lão. Tự trong thâm tâm, tôi biết Ngự rất yêu bức vẽ truyền thần đó. Còn tôi? Tôi yêu Ngự. Tôi si tình Ngự, mà sao không ai biết?

 

Tháng Giêng, triều đình làm lễ tế đàn Nam Giao. Không hiểu vì cớ chi? Lão Chu nằng nặc đòi lên kinh thành Huế. Lão sắm sửa cho Ngự, mướn thuyền, thâu tóm tiền bạc, quyết định làm một chuyến thưởng ngoạn kinh kỳ. Trời tờ mờ sáng, những hàng cây ngô đồng dọc ven làng Sình còn chưa thức, lão Chu đã dắt díu tôi với Ngự xuống thuyền, bơi ngược khúc sông Bồ lên Bao-Vinh. Tôi với lão dầm mái chèo khoắn nước. Mặt sông trong như mặt kính, lai láng, sáng lưỡng, từ từ rạn vỡ lúc xuồng rẽ nước xa bờ. Lão Chu xăng xái, chèo lấy chèo để, mặt sông dậy sóng, sóng đánh tràn khoang. Ngự la hốt hoảng, nhưng lão Chu cứ bơi dầm cười nắc nẻ. Không phải chỉ có một mình lão Chu kích động, cả tôi lẫn Ngự đều háo hức. Nắng lên ối mui thuyền. Thếp nắng rạng đông, đỏ bừng, dọi vào những đám mây còn đọng ở đáy sông. Ngự hò tiếp sức tôi với lão Chu. Giọng hò Nam Ai của Ngự lẳng lơ, vọng tới cồn, váng trong lau lách. Lão Chu đắc chí cười khanh khách. Cười chán lão vỗ đùi làm nhịp, hai vai oằn xuống, hai chân xoạc, tay vươn tới, khủy kéo về, lão đẩy mái chèo khua thuyền trôi băng băng. Ngự hò một lúc rồi lôi truyện Tàu “Tuyết Hồng Lệ Sử’’ của Từ Trẫm Á đọc cho tôi và lão Chu nghe. Tôi nghe truyện kể thì ít mà say giọng đọc của Ngự thì nhiều. Tôi uống từng câu, nuốt từng chữ, ngậm từng cái ngắt hơi của Ngự.

 

Thuyền qua Thanh Hà, qua Bao Mỹ, đến Bao Vinh, mà giọng kể của Ngự hãy còn chạy trong máu tôi rần rần. Lão Chu cắm nọc, giam thuyền. Mặt lão bỡ ngỡ nhìn mái tường thành, đang ngã bóng đồ sộ, vĩ đại, đè lên người lão. Thân thể lão Chu bẹp dí, như bị tường thành nghiến nát. Lão vụt trở nên nóng nảy giục giả tôi với Ngự nhập vào đám người đi rước Hoàng Thượng ngự đạo. Tôi nắm tay Ngự, chen trong thác người khổng lồ đi dọc sông Hương, ngang chùa Diệu Đế, ngang cổng Thượng Tứ, qua cầu phao, đổ dốc Nam Giao. Hoàng Thượng từ điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành ngự giá lên Trai Cung, lính hầu đánh chuông thét: Thiên tử thọ mệnh ư thiên! Cả giòng thác người cúi rạp đầu khiếp hãi! Lúc Thiên Tử đã đi qua, tôi ngửng lên còn trông thấy hai tròng mắt lão Chu thất đảm, hồn phi phách tán. Kiệu Rồng đi đến đâu, mây cuộn nước dạt, trăm họ vái lạy: Thiên tử vạn niên, Vạn thọ vô cương, Quần phương tập khánh, Vạn bảo trình tường! Lão Chu run lẩy bẩy, cái chức vị “thần linh” của lão xem ra nhỏ mọn, không sánh nổi với Thiên tử. Tranh Sình của lão vẽ trên giấy mộc bản thì có ra gì, so với cờ quạt, trướng liễn, tàn lọng, chiêng trống, voi ngựa, long đình, ngự liễn, hoành phi, lân cầu, bảo kiếm, chung đỉnh, đĩa chạm? Người lão Chu cứ co rúm lại từng chốc, lão đã thật sự gặp thượng đế!

 

Tiếng trống lùng thùng chiêu hô, tiếng chuông xướng họa, phường bát âm tấu nhạc cho đám vũ Bát Dật múa tế giao. Các ngón đàn tỳ, nhị, nguyệt, sáo, uốn éo vây lấy tôi và Ngự. Mặt lão Chu đang xám hóa đỏ bầm như gấc, tôi biết lão sắp lên cơn. Mà lão lên cơn thật. Một hai lão nhảy qua khuôn thành, đòi lên Viên Đàn, chỗ lập án thờ, nhưng quan lính đuổi lão. Lão Chu lại đòi vô Phương Đàn xem tế khí và tế phẩm, cũng không được. Mặt lão hầm hầm, cơn giận xé ruột, cơn giận xé gan, cơn giận bức bối trong óc lão. Song lão Chu cũng biết sợ. Thượng đế ở đàn Nam Giao, không chỉ làm mưa như ở phá, mà có quyền tế sống lão. Giữa rừng người đi xem tế giao, lão Chu lôi ngược tôi với Ngự. Lão xua tôi như xua tà, lão bắt Ngự về. Tội nghiệp Ngự khóc hết nước mắt, lão cứ lầm bầm chửi rủa: Trời sinh vua, sao còn sinh lão? Lão muốn thọ mệnh ư thiên, quần phương tập khánh, muốn mặc áo đại triều, đi guốc cẩn, uống rượu trong chén sứ cẩn tam khí, hút thuốc trong bình điếu bằng ngà, lão muốn tất. Ngự khóc ròng rã, lão Chu quầy quầy xô đuổi. Lần đầu tiên tôi thấy lão Chu xua đuổi cuộc đời của chính lão.

 

Những ngày sống ở Thuận hóa, chỉ có mối tình của tôi với Ngự là đẹp. Mưa xuân trắng mờ mịt cánh đồng. Cả một láng mưa bay vút qua mặt ruộng điểm sương, trổ mai trắng, mọc rưng rứt đến ngút ngàn. Ngự chạy băng đồng, ném chiếc nón Phú Cam xoáy tròn trong không khí. Vải áo lụa mỡ gà của Ngự tất tả, bén nước, nhễu rây trên đất. Tôi theo vết nước tìm bắt Ngự. Hai đứa chạy ra bờ ao, xem sen nở. Màu sen cánh phấn, chao chao, mặt ao chao sóng, những cánh sen dập dình nổi lửng trên cái nền rêu thẳm. Ngự hay cởi áo cho tôi cắn lưng để rụt cổ rùng mình. Tôi thích mơn trớn Ngự dưới gốc đại, nhìn lá đại rụng xuống bụng Ngự, phập phồng lên xuống theo hơi thở Ngự. Mà thịt da Ngự thẩm thấu lạ. Mỗi bận mưa giông, cả một láng mưa, nhọn hoắt, buốt như kim quất qua mái chùa trước khi đâm xuống mặt hồ xanh ngọc, vậy mà khi gieo xuống mình Ngự, những kim mưa tan biến không để lại dấu vết. Tôi săm soi tìm dấu tích của trận bão, chỉ thấy dấu vết con gái thâm sâu giữa bụng Ngự. Tôi mê mùi hương trầm thắp trong chùa đọng ở tóc Ngự. Tôi tưởng tôi sẽ sống với Ngự suốt đời, ai ngờ lão Chu đã nghĩ khác.

 

Từ khi viếng kinh thành Huế trở về, lão Chu đâm khó chịu. Lão dở người cả với Ngự và tôi. Lão giống kẻ thất chí, công không thành, danh không toại. Gặp ai lão cũng lải nhải: Cuộc đời phải cao sang quyền quý? Tôi chán lão, còn Ngự thương lão. Mưa Thuận Hóa vẫn trắng mị mờ những ruộng lúa, hương trầm tiếp tục nồng nàn trên da thịt Ngự. Chỉ có lão Chu là đổi khác.

 

Một sáng tôi đang ngủ với Ngự trên giường mây, thì lão Chu xồng xộc xông vào. Lão ném bắn tôi xuống giường, lôi Ngự dậy. Lão Chu loan cái tin động trời: Tau đem con Ngự tiến cung! Tôi thét: Lão không có quyền! Tôi thề không để lão bắt Ngự đi ở Nội. Nhưng lão Chu đã lồng lên như con báo đói mồi, lão gầm: Mi muốn cái chi? Lão vung tay tát tôi. Lão nện tôi như người ta nện chó hoang. Lão Chu đánh tôi giống lúc lão vẽ tranh Sình. Chịch; một thọi. Chịch; thọi nữa. Rồi chịch; chịch; cứù thế lão thọi. Ngự khóc oà, lão Chu xoay mình xáng Ngự một bạt tai ngã chúi vào góc nhà. Tôi cố chụp thanh củi, nhưng lão Chu đã nhanh tay lấy đòn gánh phang vào đầu tôi đổ máu. Lão đánh tôi ngất lịm ngay trên nền đất. Lúc tôi tỉnh dậy, nhà đầy tiếng khóc. Tiếng khóc của Ngự mang mang, thê thiết tủi hờn. Lão Chu đã trói nghiến tôi lại, lão buộc chân tay tôi quanh cột nhà, mình mẩy tôi còn tắm máu trận đòn ban sáng. Lão Chu thuê các mụ đến trang điểm cho Ngự, rẽ tóc giữa, đội khăn, bắt mặc áo mớ năm, đi hài, đeo kiềng. Ngự nhìn tôi ai oán, tiếng khóc Ngự tức tưởi, đặc khản, sầu thảm. Lão Chu cho mổ heo, mổ bò, giết trâu thết làng. Lão trịch thượng ra vào, trịch thượng độc thoại: Cuộc đời muốn cái chi? – Phú quý! Lão Chu ré lên cười thỏa mãn, giọng cười khé khắt hăng hắc như nước sôi quá độ, tiếng cười luộc bỏng tim gan tôi. Lão Chu vỗ đùi trỏ Ngự kêu: Mi ráng hầu hạ Ngài, Ngài thương cho làm quý phi thì tau được làm Quốc Công! Lão lại ré lên. Mọi người im thin thít, không ai dám phản đối. Người ta sợ lão lên chức Quốc Công thật, vì Ngự đẹp, xứng làm quý phi cho Hoàng thượng. Triều đình đưa kiệu tới đón, phường kèn trống so dây, trổi nhạc. Tiếng Sên Tiền, Tám Âm, đàn Sến, đàn Cầm, mõ Song Lan đệm nhịp ò e. Ngự không ngớt khóc thảm. Tôi lồng lộn chửi mắng lão Chu, đào bới ba họ nhà lão, song lão Chu hung dữ dị thường, lão lấy dẻ tộng vào miệng tôi, rồi lại đánh tôi chết ngất. Hôm Ngự bị mang tiến cung, tôi với Ngự không nói được với nhau một câu vĩnh quyết.

 

Mấy ngày sau, được các mụ cởi trói, tôi vác dao rượt lão Chu. Tôi đã thề giết lão là tôi giết lão. Tôi bửa lão làm đôi, tôi chém lão làm năm, tôi băm lão làm tám. Tôi cắt gân, chọc ruột, moi phèo lão Chu. Trời mưa bẩn xối nước, ruộng ngập sình, tôi vác dao lội sình đuổi lão Chu. Nước sình bắn lên mặt, cỏ lau cứa người, lão Chu chạy như gió, lão phóng mình như cáo nhảy chuồng gà, tôi lụi dao vào lưng lão. Nhưng lão Chu né tài tình, uốn người thót bụng cong lưng tránh những mũi dao tôi không ngớt lia tới. Lão rít kìn kịt: A! Mi giỏi! Mi đòi chém Quốc Công? Tau thưa triều đình cùm mi! Lão Chu vươn hai tay dài khẳng khiu chận lưỡi dao nhọn trong tay tôi, lão nắm chặt bản dao không cho tôi giật lại. Đất sình dính bê bết lên người, tôi vòng tay lấy hết sức bình sinh rút con dao phai dắt ở hông, chém bổ xuống đầu lão Chu, thớt dao xé mưa phạt xuống. Lão Chu nhanh như sét oằn người tránh, làm lưỡi dao trợt trúng vai tóe máu. Tiếng rống lão Chu nứt trời đất. Lão rú lên trong lúc máu phụt có vòi, xịt trây vào mặt mũi tôi tối tăm đỏ kè. A! Mi giết Quốc Công! Lão Chu ngoác mồm trợn mắt, lão không chết, cũng không ngã, máu lênh láng tuôn ròng ròng tắm đẫm châu thân lão, máu chảy theo mưa xuống nước ruộng loang loáng đỏ ngầu, nhưng lão Chu chẳng có vẻ gì là hề hấn, lão chỉ ngạc nhiên vì chức Quốc Công không bảo vệ được lão. Tôi gồng tay, xĩa dao vào mặt lão, con dao nhọn tôi cắm vào mắt, con dao phai tôi chặt ngang bụng. Lão Chu phải chết, lão phải đền mạng cho Ngự dù mười cái mạng lão cũng không bằng một đốt ngón chân Ngự. Lão Chu vùng bỏ chạy. Lão chạy nhanh như cắt, hai đầu gối cất lên khỏi mặt ruộng phóng nước kiệu, chỉ có máu rớt lại đằng sau từng dúm, từng bệt lớn như có ai nhổ trầu. Tôi lao theo lão, mưa giăng kín trời đất, bóng lão hiện, bóng lão mất, mưa cứng như đá, mưa dầy như thép, tôi vụt mặt vào bức tường mưa rượt lão Chu. Tôi đã thề giết lão là tôi giết lão, có ba đầu sáu tay lão cũng không thoát. Tôi sẽ bằm lão ra cám. Ai bảo lão dạy tôi điên, ai bảo lão bắt tôi khùng? Lão đem Ngự tiến cung, tôi biết yêu ai? Tôi biết ngủ với ai nữa? Thịt da Ngự, thân thể Ngự, mắt môi mũi miệng tóc chân mày rái tai Ngự lão đem cho Hoàng Thượng thưởng nguyệt, tôi thù lão. Rừng mía lấp loáng, những đọt mía ròn tan hôm nào tôi cùng cắn với Ngự. Lão đã bẻ mía đứng đợi tôi ở bìa rừng. Mắt lão gườm gườm, môi lão thâm, miệng lão mím, chân lão xoạc xuống tấn, hai tay khuỳnh khuỳnh thủ thế. Mi giỏi, mi đến đây, mi ăn nằm với con Ngự mi tưởng tau khôn biết? Con Ngự mất trinh, tau đem gã cho vua, mi còn muốn chi? Mi muốn chi? – Tôi muốn bới mả con mụ lão, sanh nhằm giờ chi mà độc địa, lòng dạ dơ dáy muối biển cũng khôn rửa được! Tôi lao vào chém lão Chu, lão hươi quyền đỡ. Lão lấy cây mía gạt những mũi dao tôi lụi tới, lão nhảy qua, xạt lại, tiến lui tài tình, không cách chi tôi đâm được lão. Chém một lúc, tôi đuối sức, người vả mồ hôi, nhịp thở hổn hển, mất hết sức lực, lão Chu biết tôi tàn lực, cười khe khé: Răng mi không chém tau nữa? Mi thua rồi ư? Chừ tau độp mi cho mi biết! Lão Chu bất ngờ nhảy bổng lên khỏi mặt đất, quật gốc mía vào đầu tôi tới tấp, lão đánh văng hai con dao trên tay tôi, đè ngửa tôi ra ruộng. Tôi vùng vẫy, lão Chu nhúng đầu tôi xuống nước ruộng, tôi ngạt thở há mồm uống từng bụng nước thum thủm sền sệt đất sình, lão Chu nhấc đầu tôi lên cho thở một giây rồi lại dộng xuống mặt sình, lão la chói lói, tôi thét dẫy dụa cố vùng ra mà không được. Sình chui vào mắt, vào tai, vào lỗ mũi, tôi uống sình căng đầy ruột, mấy ngón tay lão Chu siết ở cần cổ tôi như kềm người ta siết cổ tội hình. Tôi ú ớ, lão Chu bẻ quặt tôi lên, hai tròng mắt lão trắng dã, to như hai cái thúng. Lão Chu ghé sát miệng vào mặt tôi gằn từng chữ: Con Ngự là cuộc đời tau, tau đem hiến vua để nó được quyền quý, sung sướng. Cuộc đời tau được ở trong cung, vàng châu, gấm lụa, một bước có người hầu, hai bước có kiệu khiêng, Ngài thương cho nó làm nhất giai phi, thì nó thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Còn mi? Mi có chi cho nó? Răng tau nói khôn đúng ư? Mi là cái thớ chi trong trời đất?

 

Lão Chu buông tôi ra, cái bóng lão dọi lên giữa rừng mưa, cái bóng thấm đẫm máu lúc lão bước đi, tan biến vào hơi nước. Tôi nằm vật ra trên mặt ruộng, thân thể đau dần bãi hoãi, song cái đau thể xác cũng chưa bằng nỗi đau linh hồn bức từng sợi gân trong người tôi. Mỗi sợi thần kinh bức làm tôi quẫy mình trào nước mắt. Lão Chu đã nói ra sự thật, tôi có gì cho Ngự? Tôi nằm cho mưa nổ xuống mình, đốp chát từng hạt thù hận. Thượng đế là ai? Khóc cho tôi hay khóc giùm Ngự? Chừng nào thì lão Chu mới biết khóc?

 

Mưa ở đâu xót xa cho bằng mưa ở Thuận Hóa? Mưa ở đâu?

 

 

 

*

 

Những cơn mưa tầm thu trở về qua đất Thuận Hóa lạnh tăm tăm từ sau khi Ngự đi ở Nội. Váng mưa không còn trong mà đục. Hột mưa nặng như có huyết, nhễu xuống da buốt thấu xương tủy. Thời gian bỗng ngừng lại ở làng Sình, dài thậm thượt lê thê... Mỗi khắc mưa là một niên kỷ, đợi cho hạt mưa bám ở mái rỏ xuống sân, mất từng canh. Mỗi giọt nước là một khối chờ đợi, thai nghén, thành hình, dâng tròn rồi căng cứng mạch máu đầu óc đến lúc vỡ tung vào hư không vắng lặng. Tất cả tẻ nhạt, trầm buồn, u uất. Tất cả theo Ngự đằng đẳng mất biệt âm tín. Tất cả theo lão Chu đằng đẳng mõi mòn đợi chờ chiếu chỉ triều đình ban xuống tấn phong Quốc Công. Chiếu không đến, chỉ không về, lão Chu chỉ còn biết sống với nỗi điên khùng tạo tợn. Nhưng lão già đi trông thấy, người lão teo tộp lại chẳng khác trái ớt mất mùa, vừa dú lên, đã nhăn nheo như da mụ già. Lão giống một hình nộm cũ, Thượng Đế lôi ở đáy rương mang ra giật dây, cho cử động, bắt ăn uống và cho nheo mắt ngủ gà ngủ gật những trưa thoi thóp tàn tạ. Lão Chu tuyệt vọng đợi một tờ chiếu có đóng ấn ngà.

 

Vết thương tôi chém vào vai lão Chu khép miệng liền da, thì viên mụt nhọt thâm sâu giữa bụng lão lở lói. Lão Chu đau căn bệnh cuộc đời. Lão cũng đoán lờ mờ là Ngự bị thất sủng. Nhưng lão Chu chỉ đoán, còn các mụ ở làng Sình thì bém xém sau lưng lão. A! Con Ngự mắt phụng mày ngài, mặt trái soan, vú non da hồng... Con nớ đi ở mô trong Nội, biệt tăm rồi, chắc là không biết cách giao hoan nên Ngài không thỏa mãn, răng cho làm nhứt giai phi! Một mụ nói, bốn mụ cười hăng hắc, tôi tránh ra đình những buổi chợ phiên. Chợ phiên ở làng Sình không giống chợ Gia Lạc trên kinh thành Huế, đông vui như ngày hội. Lúc xưa Ngự chỉ đợi phiên chợ họp để rủ tôi ra đình đánh bài thai, chơi bài ghế, đậu bài chòi... Giờ Ngự ở cung Đoan Hòa, còn tôi trốn ở nhà, sợ hãi từng giọt mưa bay. Những sáng không có mưa thì thằng Hiểm dẫn con vợ mới cưới đi qua nhà lão Chu. Thằng Hiểm cay lão vác rựa rượt nó lúc xưa, bây giờ thấy lão mất Ngự thân tàn ma dại, nó lấy làm hả hê. Lúc vợ chồng thằng Hiểm đi ngang, lão Chu còn ngủ. Chỉ có tôi đứng dựa cửa. Con vợ thằng Hiểm vác bụng bầu chửa vượt mặt, đi thè lè nói lớn tiếng: Tưởng ăn nằm với con nớ, dạy hắn kiểu cách, ai ngờ cũng có biết chi tề! – Bậy! Hắn có dạy con nớ đó ri, răng khôn dạy sao con nớ vú tưng bụng ỏng? Thứ chi mờ hắn khôn dạy, nhưng dạy thét Hoàng thượng biết con nớ hết trinh, Ngài giận! Thằng Hiểm oang oang trả lời con vợ hắn nham nhở. Tôi nóng bừng mặt, trời đánh thánh đâm vợ chồng thằng Hiểm! Tôi bứt dây lạc lão Chu cột ở cửa, mười ngón tay tôi co giật run bắn muốn chém thằng Hiểm, nhưng thằng mất nết lực lưỡng như trâu, sô vai hắn nổi từng bện, thằng Hiểm quá tuổi dậy thì ngực nở chướng phình như cái trống, tôi có muốn chém hắn cũng khó. Ngự đâu biết sáng đó tôi cắn dập môi trong mình vì giận, vì bất lực?

 

Còn nhiều chuyện nữa mà Ngự không biết. Lão Chu sau này ít nói, hay nằm liệt ở một góc nhà cho đến lúc nắng đổ lửa vào đầu lão mới tỉnh dậy. Những lúc thức giấc, lão Chu như đứa trẻ sơ sinh, lão bặp bặp môi, mắt đảo loanh quanh, ngây thơ tìm kiếm... Đến lúc nhận ra Ngự không còn nằm ở chiếc giường mây, lão mới khom lưng oằn mình cho cái lỗ miệng móm mém khạc đờm. Nắng rơi đầy vại nước, soi phơ phất mấy hàng tranh lão Chu tết trước nhà. Lập đông, nắng ở Thuận Hóa ui ui khô đét, xương xẩy theo lão Chu bước dần ra phá. Nhưng nắng không đủ ấm, chỉ chảy nhớt, bỡn cợt xuồng xả cắm loe hoe trên trán lão Chu đã gần rụng hết tóc. Tôi theo lão Chu ra phá đứng nghe tiếng thở mệt nhọc của đất. Cả một mặt đầm óc ách, nhấp nhô ruớn mình thở. Tôi lắng nghe, nhưng không tài nào phân biệt được đâu là hơi thở hổn hển của lão Chu, đâu là tiếng thở hì hục của phá. Chỉ thấy ở những kẽ nứt, hơi nước toát ra, tung phụt lên tỏa mờ trên không. Cái khối trắng ngần, trắng lịm, trắng mờ, trắng lòa lòa vẫn còn đó, vẫn còn giăng giăng quẩy mình cựa quậy, song lão Chu không còn gì để thách thức. Lão đã đem cuộc đời của lão tiến cung, lão không còn gì trong túi để dám ngửa mặt thách đố cơn giận dỗi của Thượng Đế. Lão Chu đứng lặng trước mắt đầm. Đến lúc tôi kêu lão về, lão Chu nghe tiêùng gọi quay lại, thì nước mắt đã giàn đầy ra má. Lần đầu tiên tôi chứng kiến lão Chu khóc.

 

Tin Ngự được tấn phong cửu giai Tài Nhân đưa về làng Sình như sét đánh. Lão Chu chạy bổ từ phá về làng, phủ phục trước sân thềm để nghe chiếu chỉ. Lão vỡ òa tiếng khóc như trẻ nít. Lão khóc vì mất chức Quốc Công. Trong triều đình, có cửu phẩm cho các quan, thì cũng có cửu giai cho các mệ. Ngự được phong giai áp chót, chỉ trên bọn cung nga thế nữ. Giọng khóc nấc của lão Chu đau đớn tủi hèn, lão khóc ngất hơn bọ chết mạ chết, lão dập đầu tóe máu, gục mặt nhận chỉ. Quỳ bên cạnh lão Chu, hai bàn tay tôi bảo dậy, vật vả trăm nghìn phen vì thương Ngự. Tiếng chuông chùa ai đánh gõ loong koong... Mỗi đêm lão Chu rên rỉ lảm nhảm độc thoại: Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai mỹ nhân, bát giai quý nhân, cửu giai tài nhân... Đến chữ tài nhân thì lão chết lịm đi, tròng mắt đứng lại, trong bóng tối lão thở hắt rồi há hốc mồm, quai hàm cứng lại như chết rồi, cho tới lúc lão từ từ hồi lại, nằm xụi lơ như cái xác sống. Cái buổi sáng mà thằng mõ đi gõ rao trong làng bản tin rùng rợn: Hoàng thượng băng hà! Lão Chu mới thật sự hóa cuồng. Tiếng rống khủng khiếp của lão Chu chạy khắp làng gào thảm thiết. Lão như một con quái vật trúng tên, lồng lộn tìm chỗ chết. Lão Chu tự cắt gân, rạch mặt, khợi cho máu phun, người ta phải buộc lão lại, kềm tay, giữ chân, đánh cho lão ngất, để lão đừng tự vẫn. Mùa mưa năm đó, cả kinh thành Huế để tang Hoàng Thượng, khắp lành Sình trắng khăn sô. Mình Rồng được khâm liệm để lên trướng chở qua sông Hương đi vào núi an nghỉ. Các mệ phi âm thầm, lẳng lặng lên ở Khiêm Lăng để suốt đời lo việc hương khói. Tôi trông thấy bóng Ngự đi theo các mệ lên Khiêm Lăng. Mặt Ngự tái nhờn nhợt, màu trắng của sợ hãi, màu trắng của những giọt mưa bay. Màu trắng của thần trùng. Những trận mưa trắng ngần trắng lịm khăn tang, màu trắng của vải sô bay phần phật trên khói hương thắp nghi ngút không đứt. Bao nhiêu bó nhang đốt đời Ngự? Lão Chu đã thật sự đánh mất cuộc đời.

 

Cuộc đời lão Chu đi khuất thì gió Lào nườm nượp thổi về đất Thần Kinh. Sức nóng dữ dội chui hút vào dãi đất nằm kề bên dãy Trường Sơn, giống con rắn hổ chui vào hũ tĩnh, bị đóng nắp, sùng sục tháo bẫy. Cái đuôi rắn quất lửa xuống những cánh đồng cháy oằn oại. Cái đầu rắn hổ mổ chan chát vào lưng vại sành chẳng khác chi tiếng chày các mụ nện lên cối đá. Hơi nóng tát lên mặt, hơi nóng bỏng rát làm đỏ dộp mình mẩy. Cả một biển lửa vàng thau cháy lan lan đến tận rừng chuối. Tôi tắm ở ao, thấy lửa xém vào gốc chuối, tức thì thân cây chuối teo xộp lại chẳng khác bị vắt hết nước. Những tàu lá chuối mới xanh non nõn rờn rờn phe phất, chạm phải nắng cứ khô ròn, khô ròn rồi vàng ỏng rụng dần, cho đến khi cả một rừng chuối mật chỉ còn là một bãi đất cằn đá. Buồng chuối nào thoát chết, thì đỏ toét màu máu, người ta gọi là chuối lửa. Đất Thuận Hóa trở thành nứt nẻ. Đất như thiêu, nung hừng hực. Buổi trưa ít khi nào có tiếng động, một cánh ruồi bay cũng nghe, từng tiếng chắc luỡi của thạch thùng nhấp môi giữa cái nóng ran người. Làng Sình vắng danh, vắng ngắt. Họ đổ hết ra sông, xuống biển, xuống đầm, phá. Lão Chu hồi sinh bởi cái sức nóng kinh khiếp của Thuận Hóa. Mà lão lấy lại sức lực nhanh không ngờ. Không ai có thể ngờ. Sét đánh lão không chết. Rạch mặt, cắt gân, cứa cổ tự vẫn lão cũng không chết. Lão Chu nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của một sinh vật bất tử. Mà chính lão Chu cũng tin rằng lão bất tử, sống mãi. Sống - nên lão sùng sục - xục xạo đi tìm lại cuộc đời. Thịt da lão đã mọc trở lại. Thịt mọc trên xương, mỡ bao lấy thịt, da bao lấy mỡ, lão Chu cường tráng như cũ. Trưa dập lửa xuống mình lão Chu. Gió đưa hơi nóng dộp lên trên tấm thớt lưng của lão, song lão Chu vẫn khởi công đi kiếm cuộc đời. Cuộc đời thứ nhì thay cho cái cuộc đời thứ nhất là Ngự lão đã vụng dại đánh mất. Cuộc đời ở mô? Mi biết cuộc đời ở mô? Lão Chu thè chiếc lưỡi dài đụng mặt tôi hỏi. Đầu lưỡi lão nhọn hoắc, nháùm nhạp, trây vào đâu làm tôi nổi gai ốc tới đó. Cuộc đời ở mô? Tôi trả lời: Không biết, không biết... Lão Chu cởi trần trùng trục, ngâm mình xuống biển. Mồ hôi võng trên mặt lão nhễu xuống biển. Nước biển cũng hóa thành mồ hôi lão Chu mặn chát. Lão Chu chọn chỗ vắng, khúc biển cuối bãi Thuận An nối liền đầm Thanh Lam xanh ngời ngợi nước. Cả một mặt bể lõng trồi sụt, sóng té tạt vào bờ lôi rong rêu tràn ra đất. Rong bấu trên cát, rong quấn mình lão Chu, rong đu trên vai lão. Lão Chu bắt tôi xuống đứng nước cùng với lão, phơi mắt hứng ánh mặt trời bắn xuyên qua da từng nhát như lao phóng chọc bị. Cái khối lửa chói lọi, chói lòa, chói lòe làm tôi nhức mắt, nhưng lão Chu nhất định không cho tôi đội mũ, nhắm mắt, hay lấy tay che mặt. Lão bắt tôi nhìn trừng trừng vào đường chân trời đang cong oằn theo eo biển sẫm đậm, sẫm rịt. Mi thấy chi? Răng tau hỏi sao mi khôn trả lời? Cái ri ở ngoài nớ? Cái ri kia? Lão Chu xoắn tóc tôi nắm cứng bắt nhìn mặt biển. Giọng lão chắc nịch: Cuộc đời! Cuộc đời ở bên kia biển! Tiếng nói lão Chu tan trên mặt sóng dâng hân hoan bất thần. Thoắt cái lão buông tay cho tôi té vục mặt xuống nước, lão đã phóng mình bơi, hai đầu gối đạp nước, cần cổ lão bạnh ra như mang cá. Nước cản thân, nước ghịt lưng, nước lột vai, nước ngán chân, song lão Chu cứ rẽ sóng bơi vùn vụt . Lão bơi mau lắm, xa tít tắp, chừng muốn vượt đại dương để đến với cuộc đời ở bên kia biển. Nhưng sức lão Chu có hạn, hà bá lùa lão vào bờ, ném lão vật ra đất. Lão Chu thở hổn hển: Tau biết cuộc đời ở bên kia biển! Cuộc đời của tau ở bên kia biển, sống chết tau cũng qua, bão tố tau cũng đi, hải tặc cá kình chi tau khôn ngán! Lão Chu ngồi trở dậy, lão hỏi tôi : Mi thấy không? Thấy không? Tôi trả lời: Tôi thấy, tôi thấy... mặt biển giàn ra vĩ đại. Một sự vĩ đại mà lão Chu không thấy.

 

Thời gian đó, vợ thằng Hiểm sanh khó, làm băng suốt một đêm rồi đi khuất. Hài nhi lẫn sản phụ chết tức tưởi. Cái mặt thằng Hiểm trơ tráo, nham nhở hôm đi qua nhà tôi nói xấu Ngự, vậy mà lúc bốc từng vụm đất ném xuống áo quan cho vợ trông cũng thật thương tâm. Tôi thắp ba nén nhang cắm trong cái bát sành đặt trước linh sàn vợ thằng Hiểm gọi là xá vong, xin nó đừng về quấy rầy tôi với Ngọc Trản. Ngọc Trản chỉ mới mười lăm, không đẹp bằng Ngự, song nước da đã ngó sen, cổ tay tròn bầu bĩnh, và khóe mắt lẫy tình rớp hồn tôi. Tôi yêu Ngọc Trản không giống như say Ngự, với Ngự tôi đong từng nụ cười, hít chậm chạp mùi hương, quý từng phân xương thịt, ân ái dịu dàng, ôm ấp nhẹ nhàng, khẽ từng vuốt ve, nâng niu âu yếm, hứng đón cẩn trọng. Còn với Ngọc Trản, Ngọc Trản bắt tôi yêu khác thường. Chôn vợ rồi thằng Hiểm bỏ làng đi biệt tích. Ngọc Trản nói với tôi rằng bọ mạ Ngọc Trản nói thằng Hiểm đi theo phái Văn Thân. Hai chữ Văn Thân làm tôi rùng mình. Tôi cắn ghì lấy môi Ngọc Trản không cho kể tiếp. Mùi nắng dậy ở đầu lưỡi Ngọc Trản, tôi cắn vào nghe gió Lào thổi từng luồng phừng phựt. Rơm ở chỗ nằm đâm vào người tôi với Ngọc Trản như kim chích. Tóc vướng rơm, ngực vươn trái sữa, thân mình Ngọc Trản nhỏ bằng bàn tay, vết thương con gái còn bọc da non, đỏ hồng. Tôi lấy móng tay cào cho lưng Ngọc Trản chảy máu, để được uống những giọt máu son của Ngọc Trản vừa chảy vào đời mình. Gió Lào tát hơi lửa lên mình Ngọc Trản, cháy lan lan, hai cườm tay quỷ quái của Ngọc Trản đưa lên siết cổ tôi mạnh y hệt như hôm nào lão Chu ghịt đầu tôi nhúng xuống sình. Ngọc Trản khác Ngự ở phong cách, Ngự ngây thơ, Ngọc Trản tinh nghịch, không bao giờ chịu nằm yên lúc giao hoan. Qua kẻ rạ, tôi trông thấy bước chân chú tiểu cầm dùi dộng vào mặt trống đồng. Tiếng trống chùa hắt dội vào ngực Ngọc Trản nẩy lên cằm tôi tiếng nấc bật kêu lạc phúc. Lạc phúc? Cuộc đời ? Lão Chu thét: Tau đã tìm ra cuộc đời! Mi coi tau tìm ra cuộc đời! Lão Chu chồm vào trong đống rạ chỗ tôi đang nằm truy hoan với Ngọc Trản. Lão dí đầu, thè lưỡi, đặt một con mắt lão lên bụng Ngọc Trản, thả nốt con mắt còn lại vào mặt tôi. Tôi tưởng lão lại sắp hóa cuồng vì thấy tôi trần truồng bên cạnh Ngọc Trản, nhưng lão Chu chỉ cười khe khé, dáng điệu ở trên tột đỉnh của sung sướng mãn nguyện. Lão Chu rút đầu ra, lao vun vút về làng Sình, lão vừa chạy vừa cất tiếng hét: «Giô án nà! Giô án nà!» Tiếng hét của lão Chu mau lắm, nắng đuổi không kịp, rơi rớt lại tràn lên mình Ngọc Trản. Tôi bở ngỡ với cái thứ âm thanh lạ lùng, nửa kỳ quặc, nửa chói tai mà lão Chu vừa phát âm. Lão Chu học ở đâu thứ âm thanh kỳ lạ đó? Lão đã thật sự tìm thấy cuộc đời ở bên kia biển chăng? Hai bàn chân Phật, mười ngón chân bồ tát hiện ra trước đống rơm. Tia mắt sư ông trợn ngược trên thân thể Ngọc Trản, tia mắt đám sãi đuối lờ đờ khát vọng. Tôi quờ cào quần áo, kéo Ngọc Trản nhảy ùm xuống ao, bơi cắm mạng sang bên kia bờ. Những cuống sen xanh mát rượi, những lá sen mượt mà trải rộng như những lát chiếu hoa điều đỏ nắng, che chở cho tôi với Ngọc Trản trốn Phật Thích Ca. Nước hồ lạnh mát. Trong vắt. Ngọc Trản lặn thât sâu, tóc bềnh bồng như vi cá. Lúc tôi với Ngọc Trản trồi lên giữa những đài sen nhụy vàng óng ánh, sư ông và các sãi đã về chùa, chỉ còn âm vang của tiếng hét lão Chu «Giô án nà!» váng âm rơi vỡ rợp trên những tàu sen chật mặt nước. Cả một đầm sen xanh ngắt, run rẩy lay động. Các cuống sen cong búp, như thể tiếng kêu của lão Chu làm chúng sợ hãi. Từng hột nước, từng hột nước chảy lăn trên mình Ngọc Trản. Tôi cuối xuống vết thương giữa bụng Ngọc Trản còn nở ngát, hai đứa nắm tay nhau chạy bổ về làng, từ đầu lũy tre, người ta đã xì xầm bàn tán tin lão Chu gặp gỡ kẻ lạ.

 

Lão Chu kể oang oang, dưới nắng chan chan lão nói với mọi người là lão đã tìm lại được «cuộc đời». Những kẻ lạ đến từ bên kia biển lớn cho lão biết: Rằng bên kia đại dương có một người con gái mắt xanh hơn ngọc, tóc vàng hơn tơ, da trắng hơn tuyết, bằng lòng lấy lão làm ông giôn. Hỏi lão có thuận hay không? Lão thuận hay không? Lão Chu mừng quýnh! Lão té tát tươi tả trả lời: Lão thuận! Lão thuận! Lão Chu quýnh quáng lấy tiền dành dụm, những đồng Thông Bảo quý giá mà lão nâng niu, chắt chiu, bỏ trong rương, bỏ trong ruột, chôn dưới đất. Lão đào lên, đào lên, những đồng Thông Bảo nặng chịch sức lao động của mấy trăm, mấy nghìn bức họa mà lão Chu đã vẽ bán cho mọi người, lão đào lên trả công cho kẻ lạ đã đưa tin đến. Vợ lão tên chữ Giô-an-na, nhưng lão Chu thích gọi lãnh lót yêu thương là Giô-án-nà. Giô-án-nà có mái tóc vàng kim óng ả, mắt xanh màu lục lấp lánh ngọc quý và da trắng mịn hơn tuyết phủ trên đỉnh những ngọn núi ở bên Tàu. Lão Chu không ngớt nhắc đi, nhắc lại các chi tiết ấy. Lão hãnh diện vô ngần. «Cuộc đời» bên kia biển của lão cực kỳ đẹp đẽ. Cuộc đời bên kia biển tuyệt lộng lẫy, mà gặp ai lão Chu cũng khoe khoang kể lể. Lão chỉ không nghe thấy những tiếng xầm xì, rì rầm sau lưng lão.

 

Lão Chu bắt đầu nhảy múa trên những đường mương quanh mặt ruộng. Lão say ngất ngưỡng, một tay hồ rượu, một tay đánh quạt, lão phe phẩy điệu múa thỏa mãn. Giọng lão Chu nghêu ngao đầy khoái lạc: «Giôôáánnàà!». Cái bóng lão Chu tắt, cái bóng lão Chu hiện, chiếc bóng lão vờn vờn thoắt thoắt tắt hiện đi tìm kẻ lạ. Ngọc Trản tinh như quỷ, rủ tôi đi rình lão Chu. Nắng hầm hầm oi oi, nhễ nhại lửa cháy ngoằn ngoèo mặt biển lấm tấm đầy dấu chân lão Chu dẫm trên cát. Nắng thêu khắp rừng dương, đổ xuống chỗ tôi với Ngọc Trản núp. Nắng dữ dội vậy mà tay chân Ngọc Trản lạnh tướp mồ hôi vì hồi hộp. Trống cũng đánh trong bụng tôi quặn ruột, tiếng trống ngực dội kinh hơn tiếng trống cửa Ngọ môn. Từ biển lớn, ngược nắng chói lòa, vọng tiếng khoắn nước của mái dầm to bản bơi rẽ vào bờ. Kẻ lạ đến từ một khối nổi sừng sửng mọc nhú lên giữa biển cả. Gót giày của kẻ lạ lún bì bạch trên mặt cát. Bỗng chốc tôi hiểu tất cả! Những chiếc nón rộng vành to như cái mâm, những đôi ủng cao tới háng, muốn liếm bẹn: Thì ra chính là bọn lái Bồ Đào! Những tấm áo choàng của bọn lái buôn Bồ Đào Nha bay phập phùng uốn éo trên sóng biển, rồi rũ đứng trước mặt lão Chu. Gió đưa câu chuyện trọ trẹ giữa lão Chu với kẻ lạ mất, còn: «Vợ ngươi đã hạ sinh được một bé gái đặt tên cho nó là Ô-rô-ra! Ô-rô-ra, ánh mặt trời bình minh!» Tiếng hú lão Chu re ré vang lừng biển lớn. Tiếng lão cúi đầu lạy tạ, mở túi tiền, trút những đồng Thông Bảo chót cùng của đời lão trả cho bọn lái Bồ. Tiếng đồng thau chạm vào nhau loẻng xoẻng, tiếng kêu thương bát ngàn rừng dương của lão Chu. «Ô rô ra! Ô rô ra!» Lão Chu chết lịm đi vì hạnh phúc của đứa con gái mới sanh bên kia biển. Bọn lái Bồ Đào căng áo choàng gói tiền Thông Bảo của lão Chu lại, chúng trở ra khơi, hẹn lần đưa tin khác. Trên bãi cát chỉ còn lại một mình lão Chu đơn độc nhảy múa, và một cái bóng nữa, cao lớn dị thường. Chiếc bóng lạ của kẻ lạ đứng im lìm từ nãy chờ đợi. Ngọc Trản đeo cứng lấy tôi: «Ai mờ dị rứa? Ai mờ dị rứa? Răng lão Chu khôn về đi, lão còn muốn cái chi?» Tôi lắc đầu chịu, không biết. Giải lụa đỏ buột quanh bụng kẻ lạ bay phất phới, tung giật, thướt tha cùng với thân vải đen phủ chùm kín đôi chân. Nếp vải chùng cứ gợn lên, trôi bập bềnh dọc theo mặt biển lưa thưa gió. Tôi với Ngọc Trản nhìn say mê kẻ lạ. Mà lão Chu cũng bất động. Ánh sáng ngời ngời từ mặt trời giăng sau lưng kẻ lạ làm sáng lừng bãi cát. Ngọc Trản nén tiếng kêu, tôi nén tiếng thở, kẻ lạ thong thả, từ tốn, chậm rãi trao cho lão Chu một cuốn sách và một vòng tràng, rồi răn dạy: «Hãy tạ ơn Thượng Đế đã ban ân phước cho ngươi là tôi tớ của Ngài! Ta là đường đi, lẻ thật và sự sống, chẳng bởi ta, chẳng có sự sống đời đời!» Lão Chu phủ phục ngay xuống. Kẻ lạ chậm rải vốc từng vụm nước biển rưới lên đầu lão Chu. Từng vốc nước rơi thánh thót, nhễu bay. Tôi vụt hiểu. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này ở Hải Phố: Kẻ lạ chính là một giáo sĩ! Lão Chu đang chịu phép bí tích! Người tôi run lên, những thớ gân co giật liên hồi làm tứ chi lẩy bẩy không sao điều khiển được nữa. Những giáo sĩ đang bị triều đình truy nã, ai quan hệ thì lụy vào thân. Tôi kéo Ngọc Trản vùng chạy. Mây rượt trên đầu, nắng đuổi sau lưng, gió cản mặt, cát xiềng chân, những bài kinh La ngữ của giáo sĩ réo gọi. Ngọc Trản cuống cuồng ngã ngồi, tôi lôi dậy bắt chạy cho xa, thật xa tai họa. Biển gầm ở phía sau, sóng đập vào óc não tôi tê rần vì sợ, chân vấp đá, gối va vào cây, vai cứa gai, lá chém mặt. Trong nỗi sợ hãi bừng bừng, tôi với Ngọc Trản ngã lăn xuống triền đồi cát lún, cả một khoảng trời lõm trong ngần mây trắng đương tụ lại ở động cát. Ngọc Trản thở hào hển, mồ hôi ứa ở màn tang, tuôn xuống mắt mũi miệng cằm bắp tay bắp chân đùi ngực bụng trây vàng cát. Lẫn trong những bụm cát vàng ngập miệng, ngập trí não, tôi cũng còn đủ tỉnh táo để hiểu lão Chu đã đem vào làng Sình một Thượng Đế mới.

 

 

 

*

 

Lão Chu ba lần lên hầu quan. Quan bắt lão giải thích quan hệ với giáo sĩ. Lão Chu nhận. Quan bắt lão bỏ đạo, lão Chu từ chối. Ba lần quan sai lính nọc lão ra đánh. Lính đánh đòn thù, gậy táng vào mặt, roi quất xối xả vào người, kềm bẻ ngón tay, búa đập dập chân, nhưng cả ba lần lão Chu đều không chết. Lão Chu không thể chết, thân thể lão có sức kháng cự phi thường. Lão Chu đã bất tử. Mùa hè đỏ rộ nắng Lào đi qua, lão Chu được thả về, lão cười ré lên hãnh diện: Tau khôn có tội, ngôi thứ ba chứng giám cho tau! Lão Chu cười ha hả. Người lão tàn dại, tay chân bầm dập, mắt mũi tan nát, xương sườn chằng chịt thẹo, song lão Chu bừng bừng sức sống. Người ta bu quanh lão. Một kẻ hỏi: Ngôi thứ ba là cái chi? Răng ngôi thứ nhất, thứ nhị ở mô? Lão Chu nghe hỏi, ngửng phắt lên, lấy ngón trỏ chỉ lên trời: Ngôi thứ nhất là Thượng Đế của lão. Ngôi thứ hai là con Ngài đã xuống thế gian chịu chết thay cho lão, và ngôi chót là ngôi thứ ba giữ mình cho lão! Cái giọng ụa hơi khế chua, mắt sắc như thép nạo, móng tay nhọn như lưỡi câu của lão Chu làm người ta sợ. Mọi người dạt lối cho lão đi, song mọi người cũng khâm phục lão. Lão Chu là cái thứ chi mà Thượng Đế phải cử con Ngài xuống chết thay cho lão? Lão đóng đến chức chi ở trên trời? Lão Chu cười khè khè: Giô án nà! Giô án nà! Lão đã về đây! Ô rô ra! Ô rô ra! Bọ đã về đây!

 

Lão Chu xộc vào nhà, dắt vợ con dạo chơi. Người lão Chu như mọc cánh, bay là là lướt trên những lẫm lúa khô, từng cọng lúa nặng trĩu hạt, mọc vươn muốn níu chân lão. Mọi người đổ dồn chạy theo xem lão Chu tung tăn lượn trên mặt ruộng. Hơi nắng rươm dầm dề quanh người, phông nắng chín vàng càng làm nổi bật tấm thân thương tích của lão chờn vờn, ngả nghiêng, xiêu vẹo. Lão Chu giang tay như thể đang dắt tay vợ con lão thật. Mỗi bận gần chạm một ngọn cỏ lau cao hút đầu, lão lại giật giật khuỷu tay như nhấc đứa trẻ lên tránh khỏi bị tranh cắt. Lão Chu cứ tiếp tục cái điệp khúc : Ô rô ra! Giô án nà! «cuộc đời» của lão.

 

Triều đình thôi không còn dám bắt lão Chu nữa, mà để yên cho lão an hưởng hạnh phúc, không phải nể vì Thượng Đế của lão, nhưng vì những thế lực bên kia biển mỗi ngày một mạnh. Chiếu dụ cấm đạo thôi còn hiệu lực.

 

Dạo đó lão Chu đã quên hẳn mất Ngự. Lão quên sự hiện diện của tôi trong cuộc sống lão. Tôi làm gì? Yêu ai? Muốn ngủ với Ngọc Trản lúc nào, ở đâu, trước mặt hay sau lưng, lão Chu cũng mặc. Lão chỉ biết đòi lại chiếc giường mây của Ngự, để dành cho Ô rô ra và Giô án nà của lão từ bên kia biển trở về ngủ. Lão Chu trải nệm hồng thúy thơm tho mùi xạ, nhưng mặt giường mây thì cứ trống ngắt. Ngọc Trản trổ mã với cơn mưa tầm thu trở lại đất Thuận Hóa. Cái khối nước trắng mờ ngày xưa giăng trên tóc Ngự, kéo về gieo xuống rưới lên mình Ngọc Trản, mỗi bận Ngọc Trản tắm mưa, da thịt nẩy nở giống cuống hoa dú mình bung cánh đẹp lạ thường. Tôi bảo lão Chu lấy Ngọc Trản làm lẻ, song lão không ưng thuận, lão còn biết gì nữa ngoài mối tình vượt đại dương? Đêm đêm tôi nằm với Ngọc Trản, nghe lão Chu ngâm khe khẽ: ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng, đêm năm canh tiếng lắng chuông rền... Lão Chu chờ cái ngày Giô án nà đưa Ô rô ra về thăm lão. Lão Chu đợi và tôi cũng đợi.

 

 

 

*

 

Phong trào Văn Thân có một năm phừng lên mãnh liệt. Nhắc đến Văn Thân là người ta nhắc đến ái quốc, mà cũng nhắc đến đầu rơi, máu đổ, tương tàn. Ai ở làng Sình nghe hai chữ Văn Thân cũng sợ. Chỉ có lão Chu là không sợ. Lão nói con thượng đế đã chết thay cho lão, lão không chết nữa. Ngôi thứ ba giữ mình cho lão, thì lão sợ thứ chi? Lão sợ chi? Lão Chu cười hăng hắc, xối xả. Tiếng cười khật khùng, điên dại của lão Chu trêu ghẹo Văn Thân đang tàn lụi dần, yếu ớt hẳn đi trước ảnh hưởng vũ bão, mỗi ngày một lan rộng của Tây phương. Lão Chu tin mình đã theo đúng chiều mạnh của lịch sử.

 

Nhưng cái đêm mà thằng Hiểm trở về làng, trán thích hai chữ Văn Thân, ngực xăm hình trống đồng Đông Sơn, thằng Hiểm không có vẻ gì là yếu ớt. Nửa đêm trăng sáng, thằng Hiểm đạp tung cửa, rạch mùng, vác mã tấu chém đôi mình lão Chu. Đôi cánh tay thằng Hiểm cuồn cuộn bắp thịt, ngực nó nở, sô vai nó dầy, thằng Hiểm điểm mặt lão Chu thét: Việt gian! đền tội! Rồi nó bổ phập xuống. Thằng Hiểm chém xuống, chém tới đâu lạc đứt, cột gẫy, mái đổ. Bản thém sáng lạnh trên tay thằng Hiểm giống trận cuồng phong quét ngang mình lão Chu, tưởng đứt làm đôi, tưởng nát thịt, tan xương. Gió đêm rào rào qua mái, gió thổi thốc vào nhà, gió đưa hơi thép của thanh mã tấu rờn rợn buốt thấu tủy. Tiếng gió giống tiếng gào của Thượng Đế ở đất Thuận Hóa nổi giận sai thằng Hiểm trừng trị lão Chu. Song lão Chu cũng có Thượng Đế của lão. Tấm thân ngỡ tàn phế của lão coi vậy mà nhanh như cắt, lão lăn xuống đất tránh thanh mã chặt bửa đôi chiếc giường tre. Thằng Hiểm lại hươi mã, hai bắp đùi lão Chu búng phắt lên, bẩy thân mình lão bỗng mềm dẻo giống thân báo nhảy thót lên mặt bàn. Thằng Hiểm trở đà dao chém nát mặt bàn, làm lão Chu té ngửa ra bếp. Ngọc Trản rú lên sợ hãi, còn tứ chi tôi tê liệt nằm chết cứng ở ổ rạ. Khuôn mặt thằng Hiểm lầm lì, dễ sợ, nó quát: Việt gian! Trả nợ máu! Rồi lại chém xuống nữa. Hai bàn tay thằng Hiểm cầm chắc cán mã, đừng tưởng thằng Hiểm chậm, nó nhanh kinh hồn, lão Chu vừa chụp lấy nan thép khợi lửa, nó đã chém bay tạt đi. Lão Chu túng thế giật thanh củi đương cháy dở chích vào giữa mặt thằng Hiểm mong lửa làm nó lóa mắt. Nhưng thanh mã tấu của thằng Hiểm đã chém vỡ vụn đầu củi, tàn lửa văng tung tóe, những đốm than hồng cháy xòe đôi con ngươi thằng Hiểm đỏ dừ. Lão Chu lồng lên, lão thét: A! Mi giỏi! Mi dám giết chiên của Ngài! Quỷ bắt mi đi! Lão Chu chưa kịp thốt gọi tên Thượng Đế của lão thì thằng Hiểm đã chém phụp tới, bản thép sáng lóe phạt ngang bụng lão Chu, từ cái đường cắt mỏng thịt da lão Chu bỗng vỡ ào đổ ra, máu phụt thành vòi lia tia phun tứ phía. Ngọc Trản kêu rú lên úp mặt vào lòng tôi kinh hãi, tôi cũng kinh hãi, nhưng không sao xoay được đầu đi chỗ khác. Hai cánh tay lão Chu cào cấu, bơi cuống cuồng trong không khí, cằm lão bạnh ra, mắt trợn ngược thất thần không hiểu vì sao ngôi thứ ba không giữ mình cho lão? Lão Chu ngã ngồi xuống đất, mười ngón tay cố đỡ chùm ruột đương lòi ra, song lão kiệt lực ngã gục mặt vào đống máu bất động. Thằng Hiểm từ từ quay lại nhìn tôi với Ngọc Trản. Sắc mặt nó lạnh như lưỡi thép biếc ngời vết máu. Chúng tôi khiếp đảm vái lạy thằng Hiểm. Tôi với Ngọc Trản chắp tay xá không ngừng, như hôm đi đưa ma con vợ thằng Hiểm, tôi cũng chắp tay xá vong. Có lẽ thằng Hiểm bắt gặp lại hình ảnh đó, nhớ lúc hạ quan tôi cùng phụ với nó lắp đất cho người khuất mặt, nên chùn tay do dự. Lão Chu đã ngồi dậy, mắt lão đầy tròng trắng, thằng Hiểm không thấy, lão đứng sau lưng với cây đòn gánh, hươi cao, rồi quất xuống thật mạnh, lão Chu quất liền tay xối xả tàn bạo, man rợ vào sọ thằng Hiểm. Lão Chu quật tới tấp điên dại, không kịp thở cho tới lúc thằng Hiểm chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy dẫy giụa. Ngọc Trản rú lên từng hồi, tiếng gió rít giữa đêm khuya khoắt lẫn vào với tiếng sấm làm mưa kinh hoàng.

 

Lão Chu bắt tôi với Ngọc Trản lôi xác thằng Hiểm ra bờ sông, buộc đá thả xuống. Mưa ướt mặt, sình bết chân, tôi với Ngọc Trản khó khăn lôi thằng Hiểm. Xác nó như các trâu nặng chịch. Ngọc Trản vừa kéo vừa khóc, tâm thần tôi chết đi sống lại, bị khủng bố bởi cảnh người Thuận Hoá giết người Thuận Hoá. Nhưng thằng Hiểm không chết, nước sông đêm mát lạnh làm nó tỉnh dậy, vùng vẫy tháo dây bơi tìm sự sống. Thân thể thằng Hiểm quẫy sóng chìm vào tâm tích của mặt sông. Thằng Hiểm không chết, Văn Thân không chết, chỉ tan vào lòng đất Thần Kinh mai ẩn rình rập.

 

Lúc tôi với Ngọc Trản ôm nhau ở bờ sông về, lão Chu đã tự nhét ruột gan vào bụng, và tự khâu vết thương lại. Lão nằm trên chiếc giường mây của Ngự, mắt nhắm nghiền, miệng lảm nhảm đọc những bài kinh La ngữ. Trong cái đêm rùng rợn đó, tôi đã tin lão Chu không bao giờ có thể chết. Lão đã biến thành một sinh vật bất tử, bởi niềm tin vào cuộc đời.

 

Vậy mà lão Chu chết. Lão Chu chết ba tháng sau khi thằng Hiểm chém lão, khi vết thương ở bụng đã lành, đã kéo da non, lão đã đi đứng được. Lão Chu chết giữa mùa đông, mưa trắng trời, trắng đất. Tôi khóc hết nước mắt, Ngọc Trản khóc khô giọng, đám ma lão Chu chỉ có mỗi mình tôi và Ngọc trản với giáo sĩ đi đưa. Lão Chu yên nghỉ ở ngoài làng Sình, trên đường đi Vĩnh Lại. Có ai ngờ lão Chu chết? Tôi chém lão không chết, sét đánh lão không chết. Vậy mà cái hôm bọn lái Bồ Đào trở lại đưa tin: Vợ con lão ở bên kia biển, Giô án nà và Ô rô ra đã lâm trọng bệnh chết rồi, lão hãy để tang đi! Lão Chu khóc rống lên, thổ huyết ồng ộc, máu vãi ra đất, máu đẫm trên cát, máu nhuộm biển, máu đặc sánh một mặt đại dương đen thẫm. Và lão Chu chết. Suốt đời, chưa khi nào tôi chứng kiến một cái chết kinh khủng như vậy. Mưa bay nghiêng linh cữu hôm động quan. Giáo sĩ không cho thắp nhang, chỉ cho đốt đèn cầy, nên đám tang ảm đạm lạnh lẽo. Tôi với Ngọc Trản oằn vai gánh quan tài ra tới huyệt mộ. Giáo sĩ đi trước, chốc chốc vẫy vào hai bên mặt ruộng những giọt nước phép. Nước phép nhễu vào đâu thấm loang loang đến đó, như dấu ấn của vị Thượng Đế mới ấn vào đất Thuận Hóa.

 

Ở làng Sình, cái chết của lão Chu gây ấn tượng rất mạnh. Các mụ kháo nhau rằng lão chết bởi chứng lạ, song tôi, tôi biết lão chết vì bệnh khát vọng. Tôi chờ giáo sĩ đi khuất, vập đầu khấn: Lão Chu sống khôn, thác thiêng, đừng về quấy rầy tôi với Ngọc Trản, đừng bắt ai phải chết giống lão. Nhưng lão Chu sống không khôn, thác không thiêng, lão không chịu nghe lời khấn của tôi. Hết mùa mưa, Ngọc Trản bỏ tôi lên sống trên kinh thành Huế. Mai trắng ở Huế, mọc quanh hồ Xung Khiêm Tạ có đẹp bằng mai trắng mọc rưng rức quanh làng Sình hay không? Hở Ngọc Trản? Sao bỏ tôi đi? Tình yêu tôi không đủ thắm hay Ngọc Trản cũng đi tìm quyền quý như lão Chu đã khát vọng? Mà lão có tìm được đâu? Mà người ta sau này chết giống lão?

 

Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Những cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền. Tôi mãn tang chồng, mãn tang lão Chu, rồi tiến thêm bước nữa. Lập gia đình hạ sanh thêm một đứa con gái. Tôi sống sót bằng cách hạ sanh một đứa con. Đứa con gái không đẹp bằng Ngự, song tôi cũng say nó như ngày xưa tôi say Ngự. Mưa ở Thuận Hóa vẫn trắng trời, trắng đất và kéo dài mãi cho tới tận bây giờ. Những cơn mưa của khát vọng vỡ trong suốt trên những cánh đồng bạt ngàn gió chướng.

 


TRẦN VŨ

22 tháng 12, 1990 

 

 

 

© Copyright Trần Vũ

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 103876)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89581)
" Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản." (Bùi Chát)
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88777)
...C ó người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật...
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 98338)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
27 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101478)
N hà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn ở Việt Nam, đã giành được Giải thưởng Tự do Xuất bản năm 2011 “vì lòng can đảm mẫu mực trong việc giữ vững tinh thần tự do xuất bản,” như thông báo của Hiệp hội Quốc tế các nhà Xuất bản (IPA). Chủ tịch IPA, YoungSuk “Y.S.” Chi, chính thức trao giải thưởng năm nay tại một buổi lễ do Hội chợ Sách Buenos Aires lần thứ 37 tổ chức vào ngày 25 tháng Tư năm 2011, như một bộ phận của chương trình Thủ đô Sách Thế giới.
26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 101688)
LTS : Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt. Tạp C hí Hợp Lưu
25 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 105911)
Tin Rome - Bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu là cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm thuộc đệ nhất Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam, đã qua đời ngày hôm qua tại tư gia ở Ý Đại Lợi.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 88871)
T in tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 195639)
LTS : V ới những trang viết thật ngắn, bằng nét phát hoạ tưởng như vô tình, Hoài Băng gởi đến độc giả một bức tranh, một khúc phim ngắn như vết dao cắt trong lòng người đọc về xã hội Việt Nam ngày nay.( TCHL)
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 93254)
LTS : ... Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Tạp Chí Hợp Lưu