- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vườn Mê

20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 97981)

hinh-hopluu105-t138_0_137x300_1LTS: Nguyễn Anh Thế một người viết trẻ lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu qua "Vườn mê", một truyện ngắn đầy ấn tượng và ẩn dụ, tác giả đã dẫn câu chuyện đến tận cùng của sự bất hạnh. Hợp Lưu hân hạnh giới thiệu cùng quí độc giả.

 

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

Sếp gọi tôi lên tòa soạn nói cần gấp một bài. Lúc ấy, ngoài ô cửa kính, trời vẫn mưa rất to. Những hạt mưa căng đầy, tròn trịa quăng mình lao về phía cửa dữ tợn như đang thiếu một món nợ. Chúng vỡ ra nhanh chóng, tan nát ngay dưới mũi giày tôi. Lượng mưa Hà Nội đã lên đến 415mm, có nguy cơ còn lên cao hơn nữa và đã vượt mức cả trận lũ lịch sử năm 1984. Trung tâm khí tượng thủy văn thì báo Hà Nội có mưa rải rác, mưa lâm thâm hay thậm chí là chỗ nắng chỗ mưa. Nhưng ông trời hình như đánh lừa máy móc. Cán bộ trung tâm dự báo ngồi ở cửa sổ, mắt buồn buồn. Ngoài đường, một con chuột cố ghếch chân trước leo lên viền móng một ngôi nhà nhưng bất ngờ ngã dúi và nhanh chóng bị luồng sóng của xe buýt xô mất hút vào một lỗ cống nào đó. Nữa, một người phụ nữ dắt chiếc xe to kềnh thảng thốt nhìn chiếc xe buýt rồi bất lực từ từ ngã theo nhịp sóng. Mưa rơi rất đều. Không, hình như tiếng sếp hòa với tiếng mưa rất đều thì đúng hơn. Tôi sực tỉnh, sếp vẫn nói. Vừa nhìn vào ván picachu chơi dở vừa nói. Sếp cần một bài viết về bệnh viện tâm thần, cần gấp, sếp nhấn mạnh như vậy để chuẩn bị cho số báo mấy ngày tới. Tôi ngán ngẩm gật đầu, dù vẫn phải cố tỏ vẻ hào hứng. Mưa gió lụt lội thế này, phải vào viện tâm thần sao mà chả ngán. Tôi vẫn chưa muốn xin phép xếp đi ra vì ngoài kia mưa vẫn réo xối xả. Tôi nhìn xuống mũi giầy mình, thích thú nhìn xác mưa vỡ nát đầy xung quanh. Không hình thù. Không màu sắc. Không gì cả. Bất giác, tôi thở dài, dấn thêm mấy bước chân ra phía cửa sổ, ngỏng nhìn lên bầu trời. Chỉ thấy trắng mưa xiên xối xả. Phía ngoài chân tường, sóng vỗ ì oạp từng chặp. Hình như lạnh hơn thì phải, sếp với cái áo, khoác lên người, ngáp liền một chặp ra vẻ rất mệt mỏi nhưng mắt vẫn không rời màn hình máy tính. Tôi biết ý xin phép sếp về để chuẩn bị viết bài. Sếp sực tỉnh, hồ hởi dặn dò tôi viết cẩn thận rồi ra tận cửa mở cửa cho tôi.

Muốn đến một bệnh viện tâm thần bây giờ, tôi phải thoát ra được khỏi Hà Nội. Thật là khó đây. Hà Nội bây giờ khác gì cái bãi nổi ở quê tôi mùa lụt. Nhưng mà trước tiên tôi cũng phải kiếm cái gì bỏ bụng đã. Lúc nãy, tôi đã kịp mua ở cổng cơ quan một ổ bánh mì ba tê. Trời lạnh, bánh ngấm nước ẩm xì. Nước đã ngập đến lưng nhà trọ của tôi. Tôi ngó xung quanh rồi lội lõm bõm, ngồi xuống giường, hai chân vẫn buông sõng, khua khoắng trong nước như trẻ con. Hồi bé, tôi hay ngồi ở cầu ao như thế. Cái cầu ao nhỏ, chỉ một người ngồi vừa. Tôi thích ngồi ở đó vì sẽ được cầm hai cái cọc đóng nhô lên rồi uốn éo như cưỡi ngựa. Thằng em tôi phải ngồi trên bờ. Nó ngồi xổm, nước dãi rỏ trượt dài trên má.

Tôi vừa ăn bánh mì vừa vẽ trong đầu khung bài báo mình sẽ viết. Đương nhiên tôi sẽ viết về những người điên. Nhưng bánh mì khó nhuốt quá làm ý tưởng về bài báo của tôi cũng không suôn sẻ. Tôi giơ cái bánh mì ra phía trước mặt rồi lấy hai ngón tay nhón hé mở hai nửa cái bánh mì ra. Khi mua, tôi đã chủ định mua bánh mì ba tê nhưng tôi vẫn muốn xem bên trong chúng có gì. Điều đó chẳng để làm gì cả. Ở đó có những cục thịt lỏn nhỏn, mỡ trắng bám viền xung quanh. Trời lạnh quá đây mà. Rác từ ngoài đường nối nhau trôi chầm chậm vào nhà. Túi nilong, vỏ chuối, một mảnh gỗ...tôi đếm chầm chậm từng theo thứ tự những thứ đang trôi. Thứ cuối cùng là một con chuột. Một cái xác chuột thì đúng hơn. Nó trôi bập bềnh, bập bềnh. Một thứ mùi tanh lợm sục vào hai lỗ mũi tôi. Tôi đưa cái bánh mì ra trước mắt một lần nữa. Lụt thế này làm gì có ai thịt được lợn nhỉ. Tại sao tôi lại không nghĩ đến điều đó nhỉ. Nước lụt, chỉ có chuột là nhiều thôi. Cũng chẳng vì thế mà tôi sẽ giả bộ giật nảy mình sợ hãi rồi quăng cái mánh mì ra xa. Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi. Tôi đặt hai ngón tay cái xoa nhẹ lên thái dương. Miếng bánh mì tan ra, quện vào nhau trong miệng tôi hệt một thứ bùn nhão. Một cảm giác ngán ngẩm lùa nhanh làm tim tôi nhói buốt. Nếu bây giờ còn sống thì bà đang làm gì nhỉ? Lần tôi và bố đang thích thú cho thằng em tôi gặm một con chuột nướng thì bà bước vào bếp. Bà thở dốc nghe như những tiếng hộc. Rồi bà mất.

Tự nhiên, tôi muốn được nói chuyện. Tôi cần được nói chuyện. Không! Tôi phải được nói chuyện. Nếu còn ngồi một mình thế này, tôi sẽ chết mất. Những hình ảnh lộn xộn kia sẽ giết tôi mất. Tôi cầm điện thoại lên, tra danh bạ như khi một người bị bệnh tim rờ tìm thuốc trong cơn đau bất ngờ.

- Dạ, dạ! Không ạ. Em xin lỗi xếp. Em bị nhầm số. Dạ, em cũng đang chuẩn bị đi. Vâng…vâng! Em xin lỗi ạ! Mồ hôi tứa ra quanh trán tôi.

Tôi hít một hơi thật sâu, lấy đà đứng bật dậy. Trời chỉ còn mưa lâm thâm. Một vệt nắng quét tràn khắp cửa sổ. Nắng gì mà đỏ quạch. Nó chập chờn, yếu dần rồi tắt hẳn. Trời vẫn nhiều mây. Có lẽ sẽ mưa tiếp. Chết cha! Vỡ đê thì bỏ bố. Ý nghĩ ấy khiến tôi càng muốn rời xa Hà Nội càng tốt. Đúng, tôi phải đến bệnh viện tâm thần.

Quãng đường thoát ra khỏi Hà Nội quá nhiều khó khăn. Những con đường sùng sục nước. Nước chồm lên, réo to, rồi lì lợm nằm ưỡn trên mặt đường không chịu bò xuống cống. Dòng người ứ lại, nhốn nháo, đen đặc. Bất giác, tôi bật cười một mình. Khung cảnh ấy giống một trò chơi thủa bé của tôi. Tôi lấy những mảnh túi nilong bẩn khắp vườn cuộn lại vào đầu một cái cây và đốt. Rồi tôi nhỏ những giọt nham thạch nóng ấy vào một đường kiến đang đi. Ngay lập tức lũ kiến toán loạn, hốt hoảng. Nhiều con bị đốt chảy đỏ. Nhiều con bị đứt tay, đứt chân. Thằng em tôi lao vào đẩy tôi ngã ngửa ra sau. Nó múc một chậu nước dội mạnh vào đống lửa. Khuôn mặt chảy ra như mếu. Đấy là lần đầu tiên nó dám làm như thế với tôi. Nhưng tôi đã kịp đốt cháy lại được gậy thần của mình. Thằng em tôi lắc đầu quầy quậy, khuôn mặt tái nhợt nằm bò ra ôm lấy lũ kiến. Tôi mặc kệ nhỏ đầy lưng nó, cười sằng sặc.

Những dịch vụ mới nhanh chóng được xác lập. Các ông già ngồi chồm hổm lau bugi xe máy. Những thanh niên hớn hở vác xe thuê. Các bà đứng đợi tranh thủ lấy điện thoại nhắn tin tít tít đại loại như: "Mưa thế này mà anh đưa em ra hồ tây ngắm thì thích nhỉ! Ôi anh yêu, nhớ em hok, sương sương nào...:)" hay "Mẹ cái nhà nghỉ hôm nọ chơi sỏ mình anh ạ! Em hỏi mấy con bạn em chỉ có 90k thôi. Hí hí, nhưng mà ở đấy kín, còn lâu lão nhà em mới biết". Hàng tỉ tỉ cái tin nhắn như thế va vào nhau chiu chíu để tìm đến chủ nhân của mình trong ngày Hà Nội nước lụt. Các ông đứng đợi, khuôn mặt đăm chiêu vừa tranh thủ chỉnh lại vạt comle vừa liếc trộm một bầu ngực núng nính, một cái quần xilip mầu hồng hay đại loại như thế mà nuốt nước bọt đánh ực và nảy lên trong đầu nhiều ý tưởng. Có thể một ông xe ôm đang lau chiếc bugi sẽ ngẩng đầu lên pha trò với quí ông đứng đợi:

- Mưa gió thế này, mà "ra gốc cây xà cừ bắt con ve thả vào cái ca" thì sướng phải biết bác nhỉ!

Quí ông sẽ lảng sang chuyện khác lấy lệ, cảm thấy kinh tởm và kín đáo quay ra phía sau nhổ một bãi nước miếng.

Hóa ra ông xe ôm bị hố. Quí ông ấy là một nhà sư. Vì trời mưa, nhà sư đội mũ bảo hiểm, lại mặc cả áo mưa nữa. Nhưng ai dám chắc, trong cõi lòng thanh tịnh của quí ông – nhà sư không vẩn lên chút gì.

Tôi lại chợt nhớ ra một tư liệu. Chính xác thì hình như là của bác sĩ Hồ Đắc Duy trên một trang Wep y khoa có viết: "Một số thăm dò đúng đắn về lĩnh vực tình dục cho thấy gần 100% đàn ông đã từng thủ dâm. Người ta nói một cách hài hước rằng 70% nhân loại đã tửng thủ dâm, 20% vào giai đoạn nào đó trong cuộc đời từng làm chuyện đó và 10% còn lại thì nói dối". Thế là tôi cứ tự hỏi, không biết vị nhà sư lịch sự kia thuộc phần nào nhỉ! Tôi thực sự rất thích thú với ý tưởng của mình. Hóa ra chăng bãi nước miếng của vị sư là rất phí và câu nói suồng sã của ông xe ôm lại rất là triết học sao. Ông đã đưa thậm chí cả những cư dân thánh thiện và lịch thiệp nhất về với bản chất người. Có một điều đáng tiếc là cả hai người họ lại chả hiểu gì về mình. Vị sư trẻ không biết bãi nước miếng vô tình để tôi nhìn thấy thật là lố bịch còn anh xe ôm lại không định lượng được hết giá trị câu nói của mình.

Nhưng mà rồi tôi cũng đi qua họ rất nhanh. vì trời lại bắt đầu mưa lâm thâm nên tôi không thể nán lại thêm. Trong đầu tôi đã trống rỗng. Ý nghĩ duy nhất là làm sao đến được bệnh viên tâm thần. Tôi luồn qua các ngõ ngách hệt một con chuột. Vừa đi lại vừa nghĩ về một bài phát biểu của một quan chức trên ti vi hôm qua. Vị quan chức ấy có khuôn mặt hồng hào nhưng rất buồn, thông cảm với bà con thủ đô vì mưa gió thế này ô tô bị ngập nước chết máy, vì bà con sẽ thiếu rau xanh để ăn ít nhất trong một tuần. Thế đấy, lụt thế này thì nhằm nhò gì. Quê tôi ở sâu hút thượng nguồn một con sông. Lũ về thật khủng khiếp. Cứ mùa lũ, trẻ con ngồi trên mái nhà đá bọt nước tung tóe,lại gọi nhau í ới qua các mái nhà. Bố tôi ngồi bó gối bất động. Tôi thấy bố gầy như con cò lạc. Sau mùa lũ, lại có dăm mái nhà vắng tiếng người. Trẻ con không dám đi qua. Ở đó chỉ có tắc kè làm tổ thì nhiều. Chúng tôi vẫn phải sống, đói quay đói quắt. Cả làng không có ti vi nên chắc là cũng không được thấy ông quan có khuôn mặt hồng hào đọc bài diễn văn chia buồn như thế.

Tôi phải vượt qua ba mươi cây số để đến bệnh viện tâm thần. Đi qua những khu phố inh ỏi còi xe giục nhau vượt nước, đi qua những khu dân cư, đi qua cả những đoạn đường dài vắng bóng người. Thú thật là tôi chưa bao giờ đến bệnh viện tâm thần. Nhưng người điên thì làng tôi có một người. Lúc người đó mới điên, chúng tôi gọi là chú Ngụ. Một thời gian sau, chúng tôi gọi là ông Ngụ. Rồi bây giờ thì cả làng gọi là thằng Ngụ điên. Điều ấy có nghĩa, chú Ngụ đã chết. Và thằng Ngụ điên chỉ là cái bóng ma của chú vẫn lởn vởn đâu đó mà thôi. Chú hiền như cục đất. Cả làng chỉ mỗi chú cho anh em tôi vào ao câu cá xí cờ. Người ta bảo chú bị điên vì biết vợ bị ông trưởng thôn hiếp nhưng thấp cổ bé họng nên không làm gì được, người thì bảo chú bị điên vì ăn cắp bị đánh, người lại bảo vì hồi đi đào vàng, chú đào được một tảng lớn nhưng bị trấn mất. Một hai năm sau, người ta không còn bảo gì về chú nữa, thế là chú chết hẳn. Đi đâu cũng thấy chú hát bèo dạt mây trôi...í a...í a.

Tôi phải đưa một tay lên giữ chặt mũ bảo hiểm. Gió thốc ở đâu về mà nhiều thế. Mưa cũng nặng hạt hơn, nhìn rõ cả những dòng kẻ nối bầu trời đen đặc với mặt nước loang loáng. Người ta chỉ cho tôi đến một cái cổng sắt lớn đóng kín. Tôi còn đang loay hoay thì tự nhiên cánh cổng kêu cót két rồi từ từ mở rộng. Một người đàn ông nhỏ thó trong bộ quần áo mưa thùng thình bất ngờ thò đầu qua một cái lỗ nhỏ sát bên cạnh tôi. Tôi giật nảy mình, tẹo nữa thì thốt ra câu "mẹ kiếp" theo thói quen. Một cánh tay nữa thò ra vẫy vẫy ra hiệu tôi đi nhanh vào trong.

- Đi luôn được không bác?

Bàn tay tiếp tục vẫy.

Bất chợt một giọng nói the thé vang lên:

- Anh vào đó làm gì?

- Cháu là nhà báo.

- Vào đi!

Một giọng hơi gắt, chua loét, lảnh lót như trẻ con.

Thế chó nào thế này. Hóa ra là một mụ đàn bà. Rõ ràng nãy mình thấy ông ta có râu cơ mà. Chắc tại trời mưa nên không nhìn rõ. Đúng là bệnh viện tâm thần. Mẹ kiếp! tôi lắc đầu ngán ngẩm rồi nhấn ga phóng vào trong. Cánh cửa sắt đóng lại đánh rầm làm tôi lại giật nảy mình. Ngó quay lại thấy bà bảo vệ đang đứng ở cửa cười khe khé, mặt trợn ngược tự dưng im bặt. Bà chắp tay sau lưng, đi vào nghiêm nghị như không có gì. Tôi còn nghe rõ tiếng cười ấy quện vào vào tiếng mưa. Mà tiếng mưa ở đây kiểu gì thế này. Tôi cảm giác nó tiếng mưa xoáy vào nhau âm âm, vang vang ma quái thế nào. Chắc là tại ở đây nhiều cây cổ thụ nên tiếng nó như thế.

- Này, anh kia. Vào nhanh, đứng đấy làm gì!

Giọng nam oàm oàm khiến tôi quay đầu lại. Vẫn người bảo vệ mặc bộ đồ áo mưa ấy đứng hẳn ra ngoài. Nhưng trời mưa, lại mũ lụp xụp nên tôi không nhìn thấy khuôn mặt người đó. Tôi phóng xe vào trong, thấy khắp người nổi kín gai ốc. Chắc tại tôi ngấm nước mưa nên bị lạnh.

Ở phía cuối đường là một khu nhà tầng nhỏ nhắn, có bờ lao quây kín và một cổng vào duy nhất. Tôi ngước nhìn lên tấm biển lớn, nhiều chữ tróc sơn và nhiều chữ uốn bằng các thanh sắt đã gãy gập đánh vần: Viện giám định pháp y tâm thần TW. Một anh bảo vệ nữa cao to, tóc húi cua chạy ra dắt xe cho tôi. Tôi cảm ơn. Anh ta nhìn tôi âu yếm bằng ánh nhìn dành cho một người phụ nữ đẹp làm tôi thấy ngượng. Anh ta dắt tôi lên một căn phòng trên tầng hai. Một người đàn ông thấp đậm hồ hởi bắt tay tôi và tự giới thiệu là trưởng khoa điều trị. Bộ xalông cũ mèm, đôi chỗ rách bươm nhưng ấm áp. Bác sĩ nhìn tôi ái ngại phân trần:

- Đấy anh xem, nhà nước bây giờ phải quan tâm thế nào chứ, bỏ rơi chúng tôi thế này là làm sao. Anh là nhà báo,anh phải có trách nhiệm giúp chúng tôi. Nước chúng ta bây giờ giàu rồi chứ có nghèo như ngày xưa đâu, ông nháy mắt ranh mãnh, này nhé, kim ngạch xuất khẩu..., xuất khẩu lúa gạo, tiền ODA...cứ thế ông liệt một tràng dài toàn những con số. Chỉ đến khi một cô thư kí phía trong đi ra, ra hiệu huých nhẹ vào ông, ông mới dừng lại. Như sực tỉnh:

- À, vâng! mời anh ngồi. Ở đây chẳng mấy khi có khách nên có người là quí lắm.

Nhấp một ngụm trà nóng tôi bình tâm trở lại. Trái với khi nãy, vị bác sĩ giờ ngồi lặng, mặt bần thần như một vị tu sĩ đang chiêm nghiệm một việc hệ trọng. Tôi bối rối không biết vào đề thế nào. May cô thư kí ban nãy lại gỡ thế bí cho tôi:

- Ơ này bác! Anh ấy muốn hỏi gì kìa!

- Chẳng có ai để ý chúng tôi cả. Họ không coi chúng tôi là con người nữa. Họ tiêm cho chúng tôi thứ quỉ quái gì làm chúng tôi không nhấc nổi mình. Họ muốn chúng tôi chết nhanh (khuôn mặt ông bác sĩ mếu như khóc). Đấy, chúng tôi có điên đâu. Chúng tôi chẳng làm sao cả. Anh có thấy như thế không (khuôn mặt ấy lại sáng ra, ngó hẳn vào mặt tôi như muốn phân trần). Tôi thực sự bối rối, không hiểu điều quỉ quái gì.

Ông bác sĩ lại giật nảy mình như ban nãy, miệng cười hỉ hả:

- Đấy! ở đây ngày nào chúng tôi cũng phải tiếp những ca như thế đấy. Anh thấy có mệt không. Phải công nhận ông ta bắt chước bệnh nhân giống thật đến độ tôi vẫn không tin là ông ta bắt chước.

Ông bác sĩ nói rất nhiều, có điều tôi hiểu và có điều tôi không thể hiểu nổi. Chẳng hạn như ông kể về một bệnh nhân ở chỗ ông quê trên một vùng sơn cước xa xôi nào đó. Anh ta bị tâm thần, gia đình cúng ma mãi không khỏi, chán nản dựng cho anh ta một cái chòi trên lưng chừng núi để phát rẫy. Hàng tuần có người mang nước và lương thực lên cho anh ta. Rất nhiều năm trôi qua như thế. Người ta đã quên anh ta đi mất. Tôi lại nghĩ về ông Ngụ điên. Một lần, ông bố của anh ta mang gạo lên núi. Anh ta kinh sợ nấp vào sau một gốc cây. Anh ta bổ chết bố mình bằng cái quốc chim. Sau đó anh ta xẻ thịt ông bố ăn dần. Câu chuyện đại loại như thế. Nhưng tôi đặc biệt để ý đến giọng kể của ông ta. Nó say mê như chính ông là người trong cuộc. Kết thúc câu chuyện, ông chép chép môi:

- Cậu đã ăn thịt người bao giờ chưa? chậc! ngon ngon. À, không không, ý tôi là không biết cảm giác của anh ta thế nào nữa! Ánh mắt của ông lẩn trốn mất. Mưa răng rắc ở ngoài. Tiếng mưa như thế làm sụt nún từng mảng trời. Căn phòng không lớn, lạnh lẽo. Phía đối diện tôi ngồi là một khung cửa sổ. Những thanh chấn song đã han rỉ. Mặt kính cáu bẩn, chắc lâu rồi không có người lau. Bên ngoài cánh cửa ấy, thấp thoáng một cây si già. Từng chùm rễ si bó chặt với nhau thành từng mớ lòng thòng. Ông bác sĩ quay lại phía sau rồi mỉm cười, thản nhiên:

- Anh nhìn mớ rễ si phải không? Có mấy bệnh nhân treo cổ ở đó rồi đấy!

Tôi thấy ớn lạnh. Những chiếc rễ si vẫn đung đưa từng nhịp theo mưa nhưng tôi có cảm giác hình như chúng đang dài ra thì phải. Chúng đang bám vào chân tường leo lên, Chúng đã bám kín ô cửa kính. Một vài cái đã luồn được qua khe cửa kính rồi. Ô kìa, ô kìa...Lúc tôi định hét lên thì những chiếc rễ nhỏ xíu ấy ngay lập tức bị kéo giật mạnh, lại đung đưa theo từng nhịp mưa đều đặn.

Tôi lấy giấy bút ra, ghi chép theo đúng qui trình tác nghiệp mình vẫn làm;

Hỏi:

- Bệnh nhân viện của mình chủ yếu là những đối tượng như thế nào ạ?

- Làm quái gì có bệnh nhân, mặt ông ửng đỏ, tức tối một cách khó hiểu. À, bệnh nhân à, bệnh nhân thì là lũ bác sĩ, y tá, bảo vệ gì đấy!

- Những đối tượng ấy khi nào thì phải vào viện mình ạ?

- Hí hí, cô thư kí ngồi trong góc phòng yên lặng từ khi nãy chợt bật lên một tràng cười cực kì vô duyên. Ông bác sĩ quay mặt lại. Tôi cứ tưởng ông sẽ chỉnh đốn lại nhân viên của mình. Nhưng không ông có một cái liếc mặt tình tứ với cô một cách hồn nhiên.

-Những kẻ mở mồm ra là nói người khác bị điên. Những kẻ chỉ rình chọc thuốc vào mông kẻ mà chúng cho là điên thì bị nhốt tuốt vào đây. Đấy, đại loại thế. Ô, cuộc đời này hóa ra cũng chỉ là những cái đại loại thôi. Chả có chó gì nói cho rạch ròi được đâu anh ạ. Lần đầu tiên khuôn mặt ông có một vẻ nghiêm nghị sâu lắng.

- Thế hiện viện của mình có bao nhiêu bệnh nhân ạ?

- Tôi cũng chả rõ nữa, ông lẩm nhẩm tính. 63, chính xác là 63. Vì tôi vừa cho nhốt nốt một thằng bảo vệ. Cái thằng bảo vệ mà mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, hễ mở mồm ra là vé đâu, là quát tháo ấy. Giờ tôi thay bằng một anh ngày trước phạm tội hãm hiếp và giết người. Mà nó đồng tính hay sao cô nhỉ, ông quay ra phía cô thư kí. Cô thư kí gật đầu lạnh lùng và vẫn chúi vào mớ giấy tờ. Có lẽ sắp đến kì bàn giao sổ sách, cô làm việc rất chăm chú. Nhưng nó phạm tội khi bị tâm thần. Giờ thì hết rồi.

- Ở đây, bác cũng nhận những người có tiền sử như thế ạ? tôi tò mò hỏi riêng ông.

- Các anh thì sướng rồi, các anh coi những kẻ tâm thần không bằng con chó, nét mặt ông thể hiện rõ sự khinh bỉ.

Tôi hoàn thành một phần bài phỏng vấn của mình. Giờ thì tôi cần vào bên trong khu cách li để chụp một bức ảnh.

Đích thân ông ta dẫn tôi xuống. Ông đưa tôi đi qua những đoạn cua từ tầng trên xuống tầng dưới. Rất lâu như vậy, nhưng tôi giật mình thốt lên vì thấy mình vẫn ở chỗ cũ, ngay trước cửa phòng ông. Hoá ra chúng tôi mới chỉ đi một vòng quanh dãy nhà tầng bụi bặm ấy. ông đứng tần ngần một lúc rồi giục tôi đi tiếp. Trời vẫn mưa như sợ ngày mai không được mưa nữa. Mà sao trời tối nhanh như thế nhỉ. Tôi rút điện thoại ra, thấy đồng hồ mới chỉ 4h chiều. Chắc tại trong đây nhiều cây cối nên thấy âm u.

Lại một quãng đường rất dài. Tôi đi qua một hành lang nhìn thẳng ra hàng cây si ban nãy. Lạ thật, trên mỗi một cành si có một sợi vải trắng treo sẵn hình thòng lọng. Những cái thòng lọng ngấm nước mưa chênh chao, nghiêng ngả.

- Những cái kia là cái gì đấy ạ? Tôi rụt rè hỏi ông bác sĩ đi trước.

- Để treo cổ những thằng bệnh nặng nhất. Anh không thấy khi nãy trong phòng tôi chả nói à! Giọng ông bắt đầu gắt gỏng. Tôi không dám hỏi nữa và bắt đầu thấy sợ.

Tôi bắt đầu mất bình tĩnh. Vì ông bác sĩ lại dẫn tôi đi một vòng tròn đến đúng chỗ ban nãy tôi nhìn ra hàng cây si. Vẫn những cái thòng lọng trắng. Những giọt nước mưa ở đây hình như màu đen. Tôi dụi mắt, nhìn kĩ. Không phải màu đen mà là màu máu đông. Thảo nào những cái thòng lọng ấy lại hiện lên rõ đến như vậy.

Hình ảnh cái thòng lọng cứ bám riết lấy tôi. Ông bác sĩ này đã đứng ở đó để nhìn cảnh treo cổ những bệnh nhân sao. Cũng giống như bố tôi đã đứng nhìn mẹ tôi từ từ cho cổ vào chiếc thòng lọng với một khuôn mặt mãn nguyện sao. Bố đã không nhìn thấy tôi. Tôi nấp sau một tấm ván trong nhà bếp. Hôm ấy, trời cũng mưa to thế này. Thằng em tôi đang ngủ. Tôi xuống bếp để bới một củ khoai vùi trộm. Vì thấy tiếng động, tôi đã nấp vào đó. Bố giật khuỷu tay mẹ lôi giật vào trong. Người mẹ bê bết nước. Tóc xõa ra dính đầy trên mặt.

Bố bảo:

- Con đĩ! Mày phản bội tao, mày phải chết!

- Tôi van anh! Tôi không phản bội anh. Tôi...tôi...tôi bị cưỡng hiếp! tiếng mẹ khóc nức lên từng hồi. Tôi quặn thắt.

- Sao ngày đó mày không chết ngay đi, mày lại đẻ ra một giống dở điên dở dại bắt tao nuôi?

- Tôi sống là sống vì thằng Thìn thôi. Anh nghĩ tôi còn thiết sống à?

- Tao sẽ nuôi thằng Thìn. Mày chết đi, bố chỉ lên cái thòng lọng đã treo sẵn, hai con mắt long sòng sọc. Mẹ kinh hãi, ngã vật ra đằng sau. Mùi rượu phả ra, sộc cả vào chỗ tôi nồng nặc. Tôi biết bố đã say. Mà khi bố say, mọi thứ thật kinh khủng. Khi bố say, bố bắt thằng em tôi phải ăn nguyên cả một chuột sống.

- Được! Anh muốn tôi chết, tôi sẽ chết. Giọng của mẹ nhẹ dần đi. Nhưng anh phải nuôi thằng Thìn và đừng bắt thằng Thừa ăn những con chuột nữa. Nó ác lắm! Hóa ra mẹ đã biết tất cả. Lúc tôi đang nghĩ vẩn vơ thì phịch một cái. Những âm thanh rùng rùng một chút rồi yên lặng. Khốn nạn thay, thằng bé 10 tuổi khi ấy thì biết làm những gì. Tôi mất mẹ như thế.

Tôi sợ những cái thòng lọng. Ông bác sĩ cắm cúi đi tiếp. Tôi vẫn theo sau ông.

Bố đã bảo tôi rằng mẹ tự tử vì làm quá nhiều tội lỗi. Tôi im lặng.

Mẹ chết được ba tháng, Bố lại bảo cho thằng em tôi vào trại tâm thần. Ở đó tốt hơn. Tôi im lặng.

Tôi đi cũng đến gần chục năm rồi. Cách nhà có trăm cây số. Cách vùng thượng nguồn có con sông vắt qua những mái nhà đất vào mùa lụt ấy có trăm cây số. Nhớ quay nhớ quắt nhưng không thể về nổi. Ở đó có quá nhiều ám ảnh với tôi. Bố tôi vẫn ở đó, một mình. Tôi đã cầu nguyện cho ông sống đến cuối đời và chết dần chết mòn trong cô độc.

Ông bác sĩ cứ đi lòng vòng như thế. Mãi đến lúc tôi phải chỉ cho ông khu cách li. Vì tôi nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân mặc quần áo kẻ sọc bị nhốt trong một cái cũi sắt khổng lồ. Ông mới giật mình cảm ơn tôi rất khách sáo. Khuôn mặt của ông sọm đi hệt một ông già lẩm cẩm. Tự nhiên tôi cứ hình dung ông có một nét gì đó rất giống với bệnh nhân xẻ thịt cả người cha của mình ông kể ban nãy. Rõ ràng có một nét gì rất giống. Tất nhiên tôi chỉ dám nghĩ trong đầu những ý tưởng như thế.

Một cái cũi khổng lồ, nhơ nhớp nước mưa dầm. Những con người bù xù tóc tai, ủ rũ đứng, nằm, ngồi. Họ nhìn tôi trừng trừng. Khi ông bác sĩ nói to tôi là nhà báo đến viết bài. Mắt họ sáng lên, khuôn mặt thảng thốt như có cứu tinh. Một đống những người bắt đầu chuyển động rùng rùng. Họ ào ào chạy ra gần phía tôi, bám tay vào song sắt mà lay, mà lắc mà kêu gào. Họ van xin, cầu xin tôi hãy cứu họ. Một người đàn ông đầu hói, dáng bệ vệ gào to:

- Nhà báo ơi, cứu tôi với. Tôi mới là trưởng khoa điều trị. Nó là thằng điên xẻ thịt cả bố mình để ăn đấy. Vừa gào, ông vừa chỉ tay về phía vị bác sĩ đang đứng cạnh tôi. Nhưng tuyệt nhiên khuôn mặt vị bác sĩ không có biểu hiện gì.

- Tôi nữa, tôi nữa, cứu tôi, tôi là kế toán, tôi là bác sĩ, tôi...tôi bảo vệ đây! Những âm vang đó lọt thỏm vào trong đầu tôi một cách mơ hồ. Có lẽ tôi đang sốt, nước mưa đã bắt đầu ngấm vào tôi rồi.

- Bảo vệ đâu? Ra đây! Giọng bác sĩ đanh lại.

Anh bảo vệ ban nãy, tất tả chạy ra. Anh uốn éo như một tiểu thư, giọng nói chua lòm:

- Cái bọn trời đánh kia, có im đi không! Không nhà báo của em lại sợ! Anh ta đưa một tay lên mặt che nụ cười duyên trông thật kinh tởm.

- Thằng đồng tính kia, tao mà ra được tao giết mày!

Tôi thực hoang mang, không biết nghĩ thế nào. Thấy tôi đứng gần song sắt, ông bệnh nhân đầu hói ấy nhẹ nhàng ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:

- Anh phải cẩn thận đấy. Chúng tôi toàn là cán bộ bệnh viên thôi. Bọn chúng là bệnh nhân đấy. Một lần chúng tôi bất cẩn, chúng thoát ra nhốt tất cả chúng tôi lại đấy. Anh phải cứu chúng tôi nhanh lên, suýt chút nữa tôi đã tin ông ta nếu như sau đó ông ta không bất ngờ khóc òa rồi cười lên một cách man dại làm tôi giật bắn cả mình.

Ông bác sĩ quay sang, nhẹ nhàng nhắc nhở tôi không nên đứng gần họ. Chụp xong tấm ảnh tư liệu, chúng tôi đi ra, ngó quay lại tôi vẫn thấy tất cả họ đang cười như lắc nẻ.

Tôi cần phải gặp ông giám đốc bệnh viện để có một cuộc phỏng vấn nhỏ trước khi kết thúc. Ông bác sĩ gọi cô thư kí ra ngoài nói là đi liên lạc với giám đốc. Tôi đi quanh phòng xem một số bảng biểu. Dừng lại ở bàn làm việc của cô thư kí. Chẳng có con số nào cả, chẳng có bảng biểu nào cả. Tất cả chỉ là những nét bút bi nghệch ngoạc kín đặc trang giấy. Thế nãy giờ cô ta lẩm nhẩm, tính toán những gì? Tôi bắt đầu nghi ngờ.

Tôi nhanh chóng có một cuộc gặp với giám đốc bệnh viện. Cô thư kí dẫn tôi đi. Phòng ông giám đốc ở cách đó hai dãy nhà. Căn phòng bừa bộn như vừa được dọn vội. Ông giám đốc lạnh lùng bắt tay tôi. Chỉ thiếu chút nữa tôi té ngửa khi nhận ra không ai khác đó chính là chú Ngụ. Không thể thế được. Mà sao lại không nhỉ. Chú bỏ làng đi và có thể đến đây lắm chứ. Dĩ nhiên, chú không nhận ra tôi. Thật là may mắn. Tôi quay cuồng đến độ cố hỏi bừa mấy câu để chạy thật nhanh ra khỏi nơi này. Tôi lao vù vù qua cầu thang.

Chiếc xe máy ngấm nước mưa phải đạp hai ba lần mới nổ. Tôi nhấn hết ga lao thẳng. Mưa vẫn loang loáng. Từng chùm rễ cây si quẫy đạp phía sau. Xe của tôi lướt qua một nhà kính. Hình như bên trong ánh lên hình những xác người đang bị treo lủng lẳng. Nhưng tôi cũng không còn đủ sức để nhìn nữa. Tôi cứ thế lao. Bà bảo vệ đứng ở cổng cười khe khé, răng trắng ởn, tóc bết lại một cục nắc nẻ phía sau. Bà ta chắn ngang cổng, ngửa cổ lên trời cười. Tiếng gió rít, tiếng mưa tuôn, tiếng của một con thú điên. Tôi gào lên, nếu tôi về được đến nhà, tôi sẽ giết lão xếp khốn nạn với ván picachu của gã. Khi tôi chuẩn bị lao được ra được khỏi cái thế giới điên loạn này thì có tiếng gọi thê thiết đúng tên tôi ở phía sau:

- Anh Thìn ơi, anh Thìn...

Tôi quay cổ lại choáng váng khi thấy thằng Thừa em tôi đang bị xốc nách đưa ra bãi treo cổ. Đúng cây si ban nãy tôi nhìn thấy qua ô cửa kính. Cây si nhìn tôi, cười ác độc. Một đầu em tôi đã bị cột chặt vào thòng lọng. Nó khóc. Nó giãy giụa. Nó nhìn tôi căm giận. Phút chốc, tôi thấy mình thật khốn nạn. Tôi thấy mình đang rơi. Một cái vực hun hút phía dưới.

Két... ét...!

Rầm!

Kết 1: - Ối giời ơi, tai nạn. Chết con người rồi này. ông đi cái kiểu gì thế?

- Nó lao vào tôi đấy chứ. Máu me thế này có chết nhau không.
- Gọi xe cấp cứu nhanh lên, còn đứng đấy làm gì.

- Còn sống gì nữa!

- Mọi người ơi, cậu ấy vẫn thở này. Nhanh lên gọi xe, nhanh lên...

U..oa...u...oa...u...oa...

Im lặng.

Kết 2: Sáng hôm sau, báo điện tử Vietnamnet đưa tin: "Đêm qua, ngày...tháng...năm, tại ven đường quốc lộ...hướng Thường Tín – Hà Tây, người dân phát hiện được một xác chết nam. Theo chứng minh nhân nhân dân, nạn nhân là...Hiện các cơ quan điều tra đang làm việc nhưng theo hiện trường rất có thể nạn nhân bị sốc thuốc". Tuy vậy, người dân hai bên đường bảo rằng người thanh niên đó chết là bị dớp. Chỗ ấy năm nào chả có người chết trẻ...

Kết 3: Tại toà soạn X, trong cuộc họp giao ban đầu tuần, xếp tuyên bố tuyển một phóng viên mới. Đồng thời giao cho công đoàn có trách nhiệm đến thăm hỏi một phóng viên vừa phát bệnh tâm thần, hiện đang điều trị tại viện giám định pháp y tâm thần TW. Trong câu chuyện ngoài lề sau cuộc họp, sếp đứng ở hành lang nói chuyện:

- Khổ thân cậu ấy, hôm tôi giao một bài viết về viện tâm thần. Lang thang thế nào, cậu ấy lại mò về nhà đòi giết bố mới chết chứ. Mà nhà cậu ấy cũng hoàn cảnh. Còn mỗi mình bố. May họ hàng biết kịp chứ nếu không thì...Họ đưa cậu ấy xuống viện rồi gọi điện báo cho tôi. Rõ khổ, đến bây giờ vẫn luôn miệng kêu mình không bị điên. Đúng là!

- À, hình như hôm nọ, anh bảo có con cháu vừa ra trường đang muốn xin vào toà soạn phải không? Tối dẫn nó sang tôi uống nước. Xếp nháy mắt một anh nhân viên.

Nắng phả vào mặt mọi người lóng lánh. Nước bắt đầu rút. Họ rời toà soạn. Ngày đầu tuần cũng ít việc.

Nguyễn Anh Thế

(Mỗ Lao – 06/12/2008)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86570)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91912)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94001)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 95788)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 119126)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 97472)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 97379)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87728)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92124)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 93373)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.