- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thuyền Câu Trên Sông Cowlitz

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 25364)

wfinalfinal3-hopluu86_0_197x300_1Viết tặng chị Thụy Khuê. Để cùng nhớ về Bourges.

 

Khi chúng tôi đến bến sông thì trời mờ sáng. Con đường đá xanh ngoằn nghoèo đổ dốc xuống bờ sông mở ra dòng Cowlitz còn mù hơi sương phía trước. Tiếng bánh xe lạo rạo trên đá răm. Bãi đỗ xe trống trải. Xe ngừng, tôi tắt máy, tay vịn vô lăng. Xung quanh chúng tôi hoàn toàn im vắng. Anh Việt ngồi cạnh nhìn đồng hồ tay nói:

–Mình đến hơi sớm. Tối hôm qua anh nói chuyện với Steve, tay fishing guide, hắn hẹn mình ở đây, 6 giờ sáng.

–Có đúng ở bến Mission Bar này không? Chỗ này lạ quá. Không có cả boat ramp để xuống thuyền. Em thấy họ thường xuống thuyền ở Trout Hatchery gần Blue Creek cơ mà.

–Không hiểu sao hắn dặn mình đến chỗ này. Tháng trước anh gọi hai ba hãng. Chỗ nào cũng có người book cả rồi vì mùa này sông Cowlitz hot lắm. Chỉ còn mỗi Washington Steelhead&Salmon River Trips nhận lời, giá lại phải chăng. Một trăm tám mươi đô-la cho hai người, bao luôn ăn trưa và nước uống.

Mười lăm phút sau một chiếc xe truck đổ xuống con đường dốc, sau xe kéo theo một chiếc thuyền. Chiếc truck đậu cạnh. Steve quay kính xe xuống thò đầu ra ngoài nói:

–Good morning! Sorry. I’m a little bit late...

Gã mở cửa nhẩy xuống xe. Chúng tôi cũng xuống xe.

Quần jeans, áo ca-rô đỏ, mũ lưỡi trai, râu quai nón, Steve cao lớn vạm vỡ, tiến lại bắt tay chúng tôi:

–Tôi là Steve. Steve Anderson. Còn ông, Mr Nguyen?

–Tên tôi Việt. Đọc như Việt Nam. Đây là em tôi.

Tôi nói:

–Tôi là Thiết. Gọi tôi Ted cũng được. Ted phát âm cũng na ná giống tên thật.

Tôi mở cửa sau chiếc Station Wagon. Chúng tôi mang đồ câu, giầy ủng lội nước và thức ăn bỏ vào trong thuyền. Mặc dù giá tiền bao luôn ăn trưa nhưng chúng tôi cũng cẩn thận mang theo hai ổ bánh mì thịt nguội.

Chuyển đồ xong Steve bảo tôi khoá kỹ xe lại rồi hắn mở cửa xe truck ra hiệu hai chúng lên ngồi băng trước chiếc xe của hắn. Anh Việt hỏi, ngạc nhiên:

–Mình không xuống thuyền ở đây?

Steve mở máy. Chiếc xe chồm trên bãi đá tiến về phía đường dốc. Hắn nghiêng người nhìn kính chiếu hậu bên hông xe nói:

–Không. Bãi Mission Bar này là bãi đến, không phải bãi đi. Mình sẽ xuống thuyền ở Trout Hatchery cách đây 5 dặm về phía thượng nguồn của sông Cowlitz. Chuyến đi câu sẽ dứt điểm ở Mission Bar này vào khoảng 4, 5 giờ chiều nay.

Lên khỏi dốc xe chạy trên đường Buckley Rd một con đường đất gồ ghề. Đến một ngã tư Steve cho xe rẽ phải trên đường Spencer trải nhựa nằm song song phía hữu ngạn của sông Cowlitz.

Hai bên đường toàn là nông trại. Sau những hàng rào gỗ thấp chạy dọc theo xa lộ những con bò cúi xuống ăn cỏ. Cuối cánh đồng lác đác vài căn nhà nằm chìm khuất trong cây. Lẫn trong sương sớm có mùi phân bò thoảng trong không khí.

Steve quay qua hỏi anh Việt ngồi giữa:

–Ông người Việt Nam?

Anh tôi trả lời "Ừ", gã nói tiếp:

–Tôi cũng đã từng ở Việt Nam... Ở Đè Néng... Đe nẽng...

–Ở đâu?

Anh Việt quay qua tôi. Tôi nói:

–Ông ở Đà Nẵng? Năm nào vậy?

–Không nhớ. Khoảng Tet Offensive.

Anh Việt nói:

–À, chắc ông phục vụ trong quân đội Mỹ. Tôi đi Pháp du học từ nhỏ không biết gì về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lát sau, Steve lại hỏi:

–Ông làm nghề gì để sống, ông Việt?

–Tôi là physicist. Tôi dậy ở đại học Stanford.

Steve ưỡn người buông hai tay khỏi vô-lăng thốt một tiếng thán phục:

–Wow!

Mười lăm phút sau chúng tôi đến xưởng nuôi cá Trout và Steelhead nằm cạnh một bến sông. Lúc đó trên boat ramp đã có nhiều tàu xếp hàng. Bến Trout Hatchery này rất quen thuộc với tôi vì tôi vẫn thường đậu xe ở đây đi bộ chừng nửa dặm để câu cá ở Blue Creek, một chỗ câu Steelhead nổi tiếng mà bất cứ một tay câu rành nghề nào của tiểu bang cũng đều biết đến.

Steve cho xe nối vào đuôi đoàn tàu chờ xuống bến. Tàu phần lớn là những chiếc xuồng máy gọi là jet phóng rất nhanh, vừa phóng nó vừa nhẩy chồm chồm trên mặt sông tung những đợt sóng lớn dội vào hai bên bờ. Không ai trên chiếc jet có thể câu trong lúc tàu chạy. Trái lại những chiếc thuyền chèo tay không động cơ như thuyền chúng tôi ngồi mà bây giờ không mấy ai dùng và chỉ được giới fishing guide chuyên nghiệp xử dụng, người câu có thể thả cần để câu ngay trong lúc thuyền trôi lững lờ dọc theo bờ sông.

Trên thuyền có hai tấm ván bắc ngang. Anh Việt và tôi ngồi trên chiếc ván sau thả cần ở hai bên mạn thuyền. Ngồi đối mặt với chúng tôi trên ván trước, lưng xoay về phía mũi thuyền, Steve gò người chèo nhẹ nhàng. Thuyền trôi dọc sát bờ nước. Thỉnh thoảng chúng tôi lại cúi rạp người tránh một tàn cây đổ xuống mặt sông. Không gian yên tĩnh. Trong tiếng khuơ động của mái chèo có tiếng quạ kêu vẳng từ bờ kia của dòng sông. Quác quác... quác quác... Tôi nhìn đầu phao rập rình trồi theo sóng nước...

Thuyền mơ trên dòng sông vắng... Buồn in bóng trên ngàn dâu xanh... Thoáng qua trong trí nhớ lời nhạc Thuyền Mơ của Dương Thiệu Tước đưa tôi về Hồ Tây của Hà Nội một ngày nào thật xa. Anh Việt cúi rạp người trên chiếc perissoire kéo đầu hai mái chèo đưa sát vào lồng ngực rồi lại đẩy ngược mái chèo ra xa, cái ghế con anh ngồi có bánh xe chạy tới chạy lui theo từng chuyển động. Thuyền mỏng như một con thoi lao đi theo hướng sau lưng người chèo. Hình ảnh đó là một mảnh tuổi thơ tôi vụt hiện. Một mảnh xa xăm mịt mùng người em út ngồi sau chiếc thuyền thoi nhìn người anh cả chèo từ bến Petit Đồ Sơn đường Cổ Ngư sang tận bờ kia của Hồ Tây phía bên mạn Quảng Bá. Trên mặt nước hồ tĩnh lặng từ mũi nhọn đầu thuyền rẽ những gợn sóng hình chữ V tôi thấy tôi cúi xuống chiếc thuyền tre tí hon trong thau nước. Thuyền là một lát tre mỏng vót nhọn, dưới có gắn cục xà phòng nhỏ xíu, xà phòng tan đẩy thuyền rẽ nước tạo những nếp răn bé tí trong thau. Những nếp răn trên nước lăn tăn trong trí... núi lam khuất sau ngàn cây... như bức tranh chiều lắng tơ xây mộng vàng...

–Anh Việt à... (Tôi nói)... Nhìn anh chàng Mỹ này ngồi xoay lưng chèo Thiết lại nhớ đến ngày xưa anh chở Thiết trên chiếc thuyền perissoire ở Hồ Tây anh cũng ngồi xoay lưng như thế. Thời đó năm nào anh nhỉ?

Anh Việt quay cần thu giây câu về rồi lại giang tay ném mồi câu ra xa, anh đáp:

–Chắc là năm bốn chín, năm mươi gì đó. Anh không nhớ. Trước khi anh đi Pháp.

Tôi lại hỏi:

–Anh qua Pháp năm nào vậy?

–Năm 1950.

–Lúc đó cậu còn ở bên Tàu hay cậu đã về nước rồi?

–Cậu còn ở Hồng Kông.

–Thế anh có liên lạc với cậu không?

–Có chứ. Cậu viết thư cho anh.

Anh Việt ngừng lại một lát sửa lại mồi trên lưỡi câu rồi anh nói:

–Cậu dặn là anh khi sang Pháp phải gặp ngay người quen của cậu là bác Nguyễn Tiến Hào. Bác Hào là giáo sư toán của một trường trung học thuộc một cái tỉnh rất bé tên là Agde ở miền Nam nước Pháp...

Có tiếng động cơ nổ vang trên sông rồi một chiếc jet chạy xẹt ngang bắn tung bọt nước. Sóng vỗ mạnh vào bờ làm thuyền chúng tôi chòng chành. Tôi vịn tay vào mạn thuyền nói với anh Việt:

–Phải đấy. Chốc nữa anh kể Thiết nghe về thời gian anh ở Pháp, về kỷ niệm giữa anh với cậu khi cậu sang Pháp lần thứ hai.

Trên sông tiếng ồn của động cơ bỗng ngưng bặt. Đang chạy chiếc jet bất thần tắt máy, nó quay ngang táp vào một địa điểm bên bờ sông nơi có cả hàng chục chiếc tàu đang thả neo đậu.

Steve ngừng chèo chỉ tay phía trước mũi thuyền:

–Sắp đến Blue Creek. Đến đó mình sẽ neo thuyền. Mình sẽ câu chừng một tiếng đồng hồ ở đấy. Blue Creek là một cái lạch nước nối xưởng ươm cá Trout và Steelhead với sông Cowlitz. Nơi này hàng năm vào khoảng tháng này cá Steelhead từ ngoài biển đổ về xưởng ươm cá để đẻ trứng, nên khúc sông này tập trung rất nhiều cá. Các ông nhìn xem kìa! Chỗ cửa sông ấy người ta đứng câu san sát...

Tôi nhìn về hướng Steve chỉ. Phía ấy một vách đá cao vọi đứng sững. Chân vách một đoàn người dài xếp hàng đứng câu chật một khúc sông.

Steve cho thuyền táp vào một bãi đất cao trồi khỏi mặt nước như một hòn đảo nhỏ trên sông nằm đối diện với vách đá. Hắn nói:

–Chỗ này tuy câu không tốt bằng phía vách đá bên kia nhưng ở đây mình có riêng một cõi không phải đứng chen chúc với thiên hạ.

Steve nhẩy xuống kéo thuyền ghếch lên bãi. Ba người trang bị cần câu và bộ đồ cao su lội nước xuống bãi tìm một địa điểm thích hợp để câu. Steve dẫn anh Việt lội xuống sông câu ở một chỗ cách chỗ tôi đứng câu mấy chục thước.

Vừa thả cần tôi vừa nhìn về hướng vách đá của Blue creek nơi mà không biết bao lần tôi đã đứng câu ở đó, chen vai trong đám người đông đảo kia và nhìn ra mặt sông chỗ tôi đang đứng bây giờ. Từ phía mặt sông nhìn cái view ngược lại lần đầu tiên tôi thấy được hết cái hùng vĩ của cảnh vật trước mắt trong đó đám người đứng câu kia nom quá nhỏ nhoi so với bức tường đá xanh sừng sững cao vọi ở phía sau.

Phía trước tôi giữa dòng nước ngập ngang bụng anh Việt và Steve vung cần câu ném mồi. Hai người câu fly. Đó là một lối câu nổi trên mặt nước, một lối câu đẹp và vương giả nhất mà tôi biết. Flies là những con mồi giả tí hon làm bằng những sợi len đủ màu sắc cuốn quanh lưỡi câu trông giống những con bọ, con muỗi, hay tất cả những sinh vật nhỏ thường bay lượn vật vờ sát mặt sông. Những chú cá đói bụng dưới nước âm thầm theo rõi những chuyển động bay lượn ấy chờ đợi cơ hội quẫy đuôi phóng vọt lên khỏi nước để đớp mồi. Vì những con flies này nhỏ và nhẹ tênh nên việc ném nó ra xa là cả một công việc khó khăn đòi hỏi một kỹ thuật câu đặc biệt và một sự luyện tập lâu dài, do đó lối câu nổi fly này không phổ thông như tất cả các lối câu chìm khác, chẳng hạn như lối câu drifting đưa mồi chìm xuống tận đáy như tôi và hầu hết mọi người câu ở Blue Creek đang xử dụng.

Steve giơ tay chỉ anh Việt thấy những chỗ câu tốt trên sông, cách nhìn mặt nước để suy đoán đường đi ngầm của cá. Là một tay câu chuyên nghiệp nhiệm vụ của Steve không phải chỉ là chèo thuyền đưa khách đến những chỗ câu đặc biệt trên sông mà còn phải biết cách hướng dẫn khách hàng về kỹ thuật câu cũng như truyền những bí quyết câu cá.

Sương đã tan hết trên mặt sông. Nắng lấp lánh. Steve vung tay. Chiếc cần mảnh mai cong lên vụt trước vụt sau. Sợi dây cước có ánh lân tinh vạch trên nền trời những vòng sáng xanh biếc, vòng tròn bung ra nở lớn dần dần rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt sông thả con fly trôi dật dờ trên nước. Trí tôi thoáng hiện hình ảnh cuốn phim A river runs through it (Có một dòng sông băng qua), phim đoạt giải Oscar do đạo diễn Robert Redford thực hiện với tài tử Brat Pitt đóng về cuộc đời của một người đam mê câu fly trong khung cảnh sông núi của một làng quê hoang dã miền Trung Mỹ; cuốn phim mở đầu bằng cận ảnh hai bàn tay già nua răn rúm đang run rẩy buộc len vào một lưỡi câu để thực hiện một con mồi fly, cận ảnh đó chuyển sang gương mặt nhăn nhúm của một ông già đang hồi tưởng về dĩ vãng của đời mình...

Một giờ sau Steve lại đẩy thuyền xuống nước. Chúng tôi rời Blue Creek đến một địa điểm câu khác. Steve gò người chèo băng ngang dòng sông rộng sang phía tả ngạn của sông Cowlitz. Đến gần bờ bên kia anh Việt và tôi thả cần câu trong lúc thuyền chầm chậm trôi qua một bờ lau sậy. Phía tả ngạn trên một lũng thấp là cánh đồng cỏ cao mà mùa này nước dâng ngập lấp xấp ngang thân những bờ lau. Có tiếng chim kêu tao tác trong không gian. Một đàn ngỗng trời từ dưới thung lũng bay tủa lên cao đập những chiếc cánh trắng lấp loáng ánh nắng.

Nhìn anh Việt thả cần câu ở mạn thuyền tôi sực nhớ tới câu chuyện bỏ giở nên hỏi anh:

–Thế sang Pháp anh có gặp bác Hào không?

Anh Việt ngước mắt theo rõi đàn ngỗng trời bay ngang qua lòng sông. Rồi quay qua tôi anh nói:

–Không... Khi tàu đến bến Marseille anh lại đi Paris vì mấy anh bạn cùng sang với anh là anh Quí và anh Thọ đều muốn học ở Paris khiến anh cũng tính học ở đấy. Không ngờ ít lâu sau bác Hào biết được bác gọi điện thoại lên Paris mắng cho anh một trận. Bác bảo: "Bố mày đã giao mày cho tao mà tại sao mày lại không xuống đây học?". Thế là nghe lời bác anh rủ anh Quí và anh Thọ cùng xuống tỉnh Agde. Agde là một cái tỉnh nhỏ ở trên một cái vịnh thuộc miền Nam nước Pháp. Bọn anh theo học tại một trường trung học nhỏ xíu nhưng có rất nhiều học sinh Việt Nam học. Bác Hào dậy ở trường đó, bác lại dậy kèm thêm toán cho các học sinh Việt Nam. Năm sau anh đến tỉnh Béziers gần tỉnh Agde để thi và đỗ tú tài phần thứ nhất. Đậu xong anh lên Paris học tú tài phần hai ở Lycée Henry IV. Sau đó thì cậu sang Pháp và hai bố con ở với nhau.

Tôi hỏi anh Việt:

–Cậu qua Pháp năm nào và ở bên ấy bao lâu anh còn nhớ không?

–Không nhớ rõ. Năm 1954 thì phải. Hình như cậu ở Pháp 6 tháng.

–Cậu đi Pháp lần đầu năm 1927 và viết cuốn du ký "Đi Tây". Trong thời gian mấy tháng ở với cậu anh có nghe cậu nhắc gì hay có dẫn anh đến những nơi mà cậu đã có kỷ niệm trong lần đi Pháp trước không?

–Ngày xưa cậu học ở Montpellier, không phải ở Paris. Anh không thấy cậu nhắc là xuống thăm tỉnh đó. Không hiểu tại sao. Nhưng có một lần trước khi cậu qua Pháp cậu có viết thư dặn anh là nếu có dịp xuống Montpellier thì nhớ đến một quán cà-phê nào đó ở gần trường đại học xem cái quán đó bây giờ ra sao để có gì kể lại cho cậu nghe. Thế thôi.

–Lúc cậu sang Paris thì cậu và anh ở đâu? Anh đang học gì?

–Hồi mới qua cậu và anh ở một cái nhà gần ga Montparnasse nhưng sau đó khu vực này bị giải tỏa nên hai bố con dọn về ở căn nhà số 45 Rue Monsieur Le Prince trong khu Latin gần trường đại học Sorbonne. Anh và cậu ỏ đó trong một căn phòng trên từng thứ nhất, là một cái studio nhỏ thôi có hai cái giường, có một cái bếp nhỏ và hai bố con tự làm cơm lấy ăn. Lúc đó anh đang học Math Sup., Math Spé. để sửa soạn thi vào mấy Grandes Écoles. Học nhiều anh bị surmenage phải đi lên núi nghỉ một thời gian, khi về thì anh có hỏi ý kiến cậu là có nên theo đuổi con đường học vấn đó hay là ra học đại học cho nó nhàn hơn. Cậu bảo rằng: "Thôi con không nên học quá vì ở trên đời chuyện học đâu có phải là chính. Học thì tốt nhưng ra đời phải học ở đời nhiều hơn". Anh có nghe lời cậu và bỏ trường Lycée Henry IV để vào Sorbonne học lấy bằng cử nhân về vật lý... Hồi đó cậu có một người bạn thân ở Paris là bác Đỗ Đình Tạo. Việc đầu tiên khi sang Pháp là cậu đi thăm bác Tạo, nhà bác ở gần La Bastille. Sau đó cậu đến đó thăm bác luôn. Có bận cậu, anh và bác Tạo đi chơi sở thú ở rừng Vincelles và có chụp ảnh kỷ niệm. Không biết bây giờ bức ảnh đó có còn giữ hay không...

Anh Việt ngừng kể vì lúc ấy thuyền nghiêng hẳn sang một bên. Steve nhẩy xuống nước và đang ra sức kéo thuyền lên bờ. Vừa thở hắn vừa nói:

–Đây là Log Cabin Hole. Chỗ này câu fly tốt vì nước cạn nhưng câu drift thì phải ra chỗ bãi Hinkley kia kìa, chỗ ấy nước sâu hơn.

Chỉ tay về hướng ấy Steve bảo tôi:

–Ông Ted, ông có thể ra chỗ ấy câu. Ông nhớ nhìn kỹ mặt sông. Nếu thấy chỗ nào mà nước lặng tiếp giáp với nước chẩy thì thẩy mồi chỗ đó cho mồi chạy dọc dưới đáy theo đường ranh giới vì đó cũng thường là đường đi của cá.

Tôi xách cần đi dọc theo bãi sỏi. Hai bên bờ sông là rừng cedar một loại cây tùng đặc thù của miền Tây Bắc nước Mỹ. Thân thẳng mà cao, rừng cedar in trên da trời những khối hình chóp màu xanh lá cây đậm. Chính cái màu xanh muôn thủa của giống cây này mà tiểu bang Washington được mệnh danh là "tiểu bang xanh" (Evergreen State).

Màu của rừng cedar cũng là màu của rừng thông Đà Lạt tuy thông Đà Lạt lá thưa hơn, màu nhạt hơn và thân cây thấp hơn. Ném mồi câu xuống dòng sông nhìn mặt nước chẩy ký ức tôi trôi đi trong rừng thông ấy. Vào một ngày xa vợi nào của những năm xưa mấy cha con đi pic-nic ở hồ Than Thở, buổi trưa sau khi ăn xong cha tôi nằm nghỉ dưới một gốc cây thông ngửa mặt nhìn trời. Hình ảnh lóe trong trí nhớ tôi là ánh nắng chiếu qua những chùm lá thông thưa chạy lòa xòa trên gương mặt cha tôi, một tí nắng đậu yên trên cánh mũi, chiếc mũi cao và bóng của cha tôi có chạy một đường gân đỏ. Ông nằm ngửa đôi mắt nâu xa xôi nhìn lên cao những đám mây trôi lững lờ... Đó cũng là hình ảnh Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt nhìn lên. Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao, tiếng thông reo nghe như tiếng vọng ra, đều đều không ngớt; Dũng có cảm tưởng rằng cái tiếng ấy đã có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trong lá thông... Chắc không bao giờ Dũng quên được hình dáng một đám mây trắng ngay lúc đó đương thong thả bay ngang qua, một sự hiển hiện sáng đẹp, linh động êm nhẹ trong sự yên tĩnh của bàu trời và của lòng chàng. Có tiếng gọi nhau xa xôi ở tận dưới cánh đồng đưa lên... Loan nói: Anh yên lặng mà nghe tiếng thông reo... Anh có nghe thấy không... Có phải lúc đó cha tôi đang lắng nghe trong tiếng thông reo có tiếng nói của Loan vương đọng trong lá?

–Steve! Steve!

Từ xa có tiếng động cơ nổ của một chiếc xuồng máy. Rồi tiếng nổ tắt. Có tiếng gọi từ mặt sông đưa vào.

Đứng trên chiếc xuồng jet một người đàn ông úp tay vào miệng làm loa gọi vào bờ. Steve đưa tay lên vẫy vẫy. Người đàn ông nói to:

–Any good?

Steve trả lời câu gì tôi nghe không rõ. Chiếc xuồng nổ máy quay mũi chạy táp vào bờ. Hai người nhẩy xuống. Người đàn ông ra đứng câu gần chỗ anh Việt và Steve. Người kia xách cần câu đi dọc theo bờ sỏi tiến lại phía tôi. Đó là một cô gái trẻ tóc vàng trong bộ đồ lội màu nâu bằng cao su và chiếc áo câu nhiều túi.

–Any luck?

Cô gái vừa móc mồi vào lưỡi câu vừa quay sang hỏi tôi. Tôi nhún vai thay câu trả lời.

Dầm chân trong nước đã lâu cái lạnh của nước sông bắt đầu thấm qua hai lớp quần và lớp cao su của đôi giầy ủng khiến tôi phải cử động hai chân để lấy thêm sức ấm. Mùa đông sắp bắt đầu. Không bao lâu nữa những bông tuyết sẽ lả tả bay trên mặt sông này trên rừng thông cedar kia và choàng những đốm trắng lên trên màu xanh cố hữu của tiểu bang. Thoáng trong trí tôi hiện ra khung cảnh tuyết rơi trên cánh rừng thông của một hòn đảo hoang vắng miền Tây Bắc mang tên San Piedro trong một cuốn tiểu thuyết của David Guterson: Snow Falling on Cedars. Truyện mở đầu với cảnh tuyết rơi bên ngoài courtroom của phiên toà xử trong đó Kabuo Miyamoto một người dân đánh cá Mỹ gốc Nhật bị kết tội giết một người da trắng. Đó là năm 1954, tám năm sau khi thế chiến II chấm dứt, mối hận thù người Nhật vẫn còn sâu nặng trong lòng người dân đảo San Piedro. Tuyết cũng rơi trong lòng phóng viên Ishmael Chambers người bị dằng xé giữa tình yêu và lương tâm; giữa tình yêu đẹp ảo não trong tuổi thơ dại của chàng với Hatsue, vợ của Kabuo, và lòng tin tưởng vào sự vô tội của Kabuo, tin tưởng Kabuo là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc cộng thêm với lòng thù hận đào xé bởi cuộc chiến tranh Mỹ-Nhật. Ishmael đã khổ công tìm kiếm và cuối cùng trưng được bằng cớ minh chứng Kabuo vô tội và nhờ đó Kabuo được tha bổng. Trước niềm vui tột cùng của Hatsue đoàn tụ với chồng là nỗi đau đớn âm thầm của Ishmael biết rằng từ nay chàng sẽ vĩnh viễn mất người mình yêu. Tôi liên tưởng tới sự tương đồng về nội dung truyện Tuyết rơi trên rặng cedars (1994) này với một cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh là cuốn Hai buổi chiều vàng (1937) trong đó những nhân vật như Hatsue và Thoa, Kabuo và Lộc và Ishmael và Triết giao thoa nhau.

Buổi trưa thuyền cập vào mỏm của một ngã ba sông. Steve chỉ vào một nhánh sông nhỏ hơn đâm vào sông Cowlitz, giải thích:

–Con sông Toutle này xưa kia đã có một thời từng là một con sông tốt nhiều cá nhưng từ khi núi lửa Mount St. Helens phun cách đây hơn 20 năm nó trở thành một dòng sông chết mãi gần đây mới hồi phục được phần nào.

Chúng tôi xuống thuyền. Nắng cao ngang đỉnh đầu. Ngồi trên thân những khúc cây đổ nằm ngổn ngang trên bờ sông Toutle, tàn tích của trận núi lửa năm 1982, chúng tôi sửa soạn bữa ăn trưa. Steve xách từ trên thuyền xuống một cái hộp cách nhiệt đựng thức ăn lấy ra hai cái sandwich và hai chai nước lọc đưa anh Việt và tôi. Ăn xong tôi cũng lấy trên thuyền túi đồ ăn mang theo. Lôi ra hai ổ bánh mì thịt nguội tôi đưa anh Việt một ổ; còn ổ kia đưa cho Steve tôi bảo hắn:

–Tôi ăn sandwich no rồi. Đây là thứ bánh mì rất đặc biệt. Mời ông ăn thử. Chắc là hồi ở Việt Nam ông đã có ăn rồi.

Steve chần chừ nhưng rồi cũng cầm lấy ăn. Ăn xong hắn khen ngon. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũ. Chuyện chiến tranh Việt Nam. Đơn vị của hắn đã dự phần vào việc tái chiếm citadel ở Huế năm 1968. Tôi cũng nói với Steve là tôi nhập ngũ ngay sau biến cố Mậu Thân ấy.

Nửa giờ sau Steve xách cần lội xuống nước câu. Anh Việt có vẻ mệt, anh tìm một chỗ rợp nằm ngả xuống bờ cỏ vòng tay sau gáy nhìn ra bờ sông. Tôi câu từ sáng không được cá cũng thấy nản nên bước lại gần anh Việt tìm một chỗ ngả lưng.

Hai anh em cùng yên lặng không ai nói một câu, mỗi người theo đuổi những kỷ niệm riêng trong quá khứ.

Một lát sau bên tai tôi có tiếng kể của anh Việt:

–Thiết biết không? Hồi đó anh có mượn được căn nhà, một cái villa, ở vùng ngoại ô của Paris. Hai bố con cứ cuối tuần thì về đó ở. Cậu cũng rủ bác Tạo đến đó luôn. Villa này rộng nhưng không có máy sưởi, chỉ có một cái lò sưởi ở trong phòng khách. Mùa Đông ở bên Pháp lạnh lắm. Hai bố con bê củi đem vào lò đốt suốt ngày. Ba người ngồi gần lửa trò truyện. Cậu lấy kèn Clarinet ra thổi. Dạo đó cậu hay thổi bản Tennessee Waltz. Cậu làm bếp và dậy anh cách nấu cơm. Hồi ấy anh ngu quá không biết cách nấu cơm, anh cứ nấu nước cho thật sôi rồi mới đổ gạo vào. Cậu bảo việc gì mà cầu kỳ thế, cứ đổ nước sẵn vào gạo cho đúng cữ rồi để lửa nhỏ nhỏ thế là cơm chín thôi. Anh nhớ có một kỷ niêm vui giữa hai bố con tại căn nhà ấy. Mùa Đông năm đó có một con chim trốn lạnh bay lạc vào trong nhà. Không hiểu là giống chim gì nhưng là một giống chim quí thường thường chỉ để dành cho ông tổng thống nước Pháp đi săn ở rừng Rambouillet thì mới được quyền bắn con chim đó. Hai bố con hè nhau bắt được con chim và làm thịt ăn rất ngon, nhưng sau đó phải cất lông thật kỹ vì nếu người ta bắt được thì chắc là bị phạt nặng đó.

Tôi hỏi:

–Chim đó là giống chim gì, anh có nhớ không?

–Không nhớ. Chắc là perdrix. Loại chim người ta thường hay đi săn ấy mà.

Sực nhớ tới mấy bức tranh cha tôi vẽ trong thời gian ông ở Pháp năm 1954 mà tôi còn giữ và treo trong nhà, tôi nói với anh Việt:

–À này, Thiết còn giữ được mấy bức tranh cậu vẽ. Có bức cậu vẽ một cái phòng khách với bộ sa lông và lò sưởi. Nghe anh kể thì bây giờ Thiết chắc là cậu vẽ cái villa ấy. Cậu còn đặt tên cho bức vẽ ấy là Sweet Home. Anh có nhớ cái nhà ấy ở vùng nào không?

–Có. Ở Les Mousseaux, ngoại ô Paris.

Tôi lại hỏi anh Việt:

–Còn một bức tranh khác cậu vẽ một cái nhà thờ đề là Cathedrale de Bourges. Nhà thờ này ở đâu thế?

–Ở tỉnh Bourges, một thành phố cổ ở phía nam Paris cách Paris khoảng 200 cây số. Cậu và anh đến Bourges trong một chuyến đi chơi xa xuống tỉnh Vichy. Vichy là nơi sản xuất nước suối mà ở Việt Nam ai cũng biết. Hôm ấy chú Vịnh có xe ô tô chở cậu và anh xuống đó chơi. Anh nhớ là trên đường từ Vichy về chú Vịnh ngừng xe ở ven đường, ba người rải báo trên bờ sông để ăn pic-nic với nhau, lại uống cả rượu vang nữa, rất là vui vẻ. Xe đi qua tỉnh Bourges nơi mà anh có nhiều kỷ niệm thì cậu bảo chú Vịnh dừng lại ở đó để cậu vẽ nhà thờ Bourges là một nhà thờ rất nổi tiếng và rất đẹp...

Anh Việt đang nói bỗng nhỏm dậy nhìn về phía sông. Phía ấy trên mặt nước có thoáng một ánh bạc lấp lánh. Một con cá quẫy mạnh. Steve cúi rạp người trên chiếc cần câu cong vòng. Vừa lùi hắn vừa kéo cần về phía sau lôi cá vào bờ. Một tay giơ thẳng đưa cần câu lên cao bàn tay kia hắn sỏ một ngón vào mang con cá rồi xách bổng cá lên khỏi mặt nước. Steve cúi xuống gỡ lưỡi câu trên mép cá rồi hắn lại nhẹ nhàng đặt cá xuống nước, vỗ vỗ mấy cái vào thân cá trước khi phóng thích nó.

Tôi bảo anh Việt:

–Con steelhead lớn thế mà lại thả đi. Thật hoài của!

Anh Việt nằm ngả lưng xuống cỏ nói:

–Người Mỹ họ câu cá vì thích câu chứ đâu có phải để lấy cá mang về ăn như người mình.

Lát sau, tiếp tục câu chuyện bỏ giở tôi hỏi anh Việt:

–Theo Thiết biết thì cậu sang Pháp lần thứ hai là để thăm anh và để chữa bệnh. Anh có biết cậu chữa bệnh gì không?

–Không. Cậu chả có bệnh tật gì cả. Anh không thấy cậu đi bác sĩ hay đi nhà thương lần nào.

–Lạ nhỉ? Thế mà trong bao nhiêu năm Thiết cứ đinh ninh là cậu sang Pháp chữa bệnh.

Ngạc nhiên anh Việt nhỏm hẳn dậy hỏi tôi:

–Sao Thiết lại nghĩ vậy?

–Tại vì Thiết dựa vào lời khai của cậu ở sở cảnh sát. Chính cậu khai là cậu qua Pháp chữa bệnh. Chuyện nó dài dòng lắm để Thiết kể anh nghe. Anh ở bên Pháp lâu năm anh không biết những chuyện ở Việt Nam đâu. Vào năm 1960 ở Sài Gòn có xẩy ra một cuộc đảo chính của một nhóm quân nhân muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là cuộc binh biến ngày 11-11 mà cậu bị tình nghi là có dính líu vào. Cuộc đảo chính này thất bại. Sau một thời gian trốn tránh cậu ra trình diện. Người ta không bắt giữ cậu nhưng cậu bị giam lỏng tại gia và bị theo dõi trong mấy năm. Thời gian này cậu phải thỉnh thoảng tới tổng nha cảnh sát để họ hỏi cung. Sang năm 1963 hồi Phật Giáo tranh đấu chống chế độ của ông Diệm cậu nhận được giấy tống đạt phải ra hầu tòa để xử về tội "xâm phạm nền an ninh quốc gia". Không muốn bị xử nên cậu tự tử vào ngày 7-7. Vài tháng sau ngày cậu mất thì ông Diệm bị lật đổ. Một người quen của Thiết làm việc trong Tổng Nha có cho Thiết một bản sao những lời khai của cậu với sở cảnh sát. Bản khẩu cung này là một tài liệu lịch sử nhưng tiếc là Thiết đã không giữ được. Trong tờ khai cậu phủ nhận hoàn toàn không hề dính líu đến cuộc đảo chính 11-11-1960. Riêng một câu hỏi trong tờ khai là cậu sang Pháp năm 1954 có mục đích gì thì cậu nói là cậu sang Pháp để chữa bệnh và cũng là để thăm người con trai trưởng đang du học ở bên ấy.

Anh Việt nói:

– Anh chắc chắn là không hề có chuyện cậu đi chữa bệnh trong mấy tháng cậu ở Pháp.

–Thế thì bây giờ Thiết hiểu rồi. Cậu không không ốm đau gì cả. Những chuyện như cậu giả ốm giả đau hoặc lấy cớ chữa bệnh đều là cái "tắc tích" chính trị của cậu mà thôi. Chẳng hạn như trong tập hồi ký về hội nghị trù bị Pháp-Việt tại Đà Lạt năm 1946 ông Hoàng Xuân Hãn có viết là trưởng phái đoàn Việt Nam Nguyễn Tường Tam có lần bị ốm. Thiết cho là cậu chỉ vờ vịt thôi, ốm đau gì, có thể hôm đó cậu cáo ốm là cốt ý trì hoãn hội nghị để tìm mưu tìm kế đối phó với người Pháp...

Có tiếng gọi anh Việt. Steve từ dưới sông đi lên. Hắn quẳng cần câu lên thuyền rồi cúi mình đẩy thuyền xuống sông. Tôi và anh Việt cũng đứng dậy đi xuống thuyền.

Từ trưa cho đến xế chiều khi thuyền cập bến Mission Bar chấm dứt chuyến đi câu Steve đã chở chúng tôi đến nhiều chỗ câu khác nhau và khuyến khích chúng tôi đừng nản chí và ráng câu để ít ra hai anh em cũng bắt được một con Steelhead mang về nhà. Là một tay câu chuyên nghiệp sống bằng nghề guide cố nhiên là Steve mong khách hàng như chúng tôi bắt được cá để khách vui lòng và trong tương lai còn trở lại lần nữa. Nhưng dù cố gắng chúng tôi cũng về bến tay không.

Thuyền đến Mission Bar, tôi nhìn lên bãi đậu xe. Chiếc Subaru Outback màu xám của tôi là chiếc xe hơi độc nhất đậu trên bãi. Anh Việt và tôi cởi bộ đồ câu và mang cần câu bỏ sau xe. Trước khi chúng tôi lên xe anh Việt trả cho Steve hai tờ giấy bạc 100 đô và bảo hắn khỏi thối tiền lại. Steve tỏ vẻ ngượng khi nhận tiền. Hắn nói:

–Sorry you guys didn’t catch any fish...

Steve chìa ngửa hai lòng bàn tay cho thấy chỗ da phồng rộp lên như có ý ngầm bảo chúng tôi là công việc chèo thuyền không phải nhẹ nhàng gì. Anh Việt đặt bàn tay lên vai Steve bảo hắn:

–Được cá thì tốt mà không được cũng chẳng sao. Mục đích của chuyến đi câu này là để học hỏi và tôi đã học được rất nhiều nơi ông ngày hôm nay. Cám ơn ông nhiều lắm.

Sau khi bắt tay từ biệt chúng tôi tính lên xe về. Steve cười tủm tỉm nói:

–Các ông cho tôi quá giang đến bãi Trout Hatchery để lấy xe truck của tôi.

Tôi thốt lên:

–Ồ! Cố nhiên rồi. Chúng tôi quên khấy đi mất là xe ông đậu ở đó.

Tôi mở cửa xe mời Steve lên ngồi trên băng trước. Hắn nói:

–Đến đó các ông thẩy tôi rồi về thẳng nhà. Còn tôi thì phải lái chiếc truck trở lại đây để kéo tàu về.

Tôi lái xe lên dốc, đi lại đúng con đường mà Steve đã chở chúng tôi đi sáng nay. Đến đầu dốc trước khi bẻ tay lái rẽ sang đường khác tôi nhìn thoáng phía dưới thung lũng. Dưới sâu kia lấp loáng trong ánh nắng chiều qua rặng cây thông là con sông Cowlitz có một chiếc thuyền bé tí trôi ở giữa dòng trên có hai người ngồi câu. Trí tôi thoáng hiện lên phong cảnh một bến sông trong một bức tranh do cha tôi vẽ. Bức họa đề Vétheuil 10-9-54 cũng có hai người đứng câu trên một chiếc thuyền bé tí.

Vétheuil là nơi nào trên đất Pháp?

Mấy chục năm trôi qua tôi không tìm được câu trả lời. Mãi gần đây nhân đi xem triển lãm tranh của các danh họa thế giới thuộc trường phái ấn tượng tôi lặng người trước một bức tranh của Claude Monet vẽ vào năm 1880. Bức họa sơn dầu ấy vẽ cảnh một bến sông có hai người ngồi câu trên một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa dòng. Nhan đề của bức tranh: Vue de Vétheuil. Một bức tranh khác của Monet nhan đề Le Seine à Vétheuil cho tôi biết Vétheuil nằm ven bờ sông Seine của nước Pháp.

Tìm hiểu thêm tôi được biết Vétheuil là một cái làng nhỏ nằm phía tây bắc ngoại ô thành phố Paris nơi mà Monet đã từng sống và vẽ rất nhiều bức họa phong cảnh nổi tiếng. Cùng với Cézanne, Monet là một trong các họa sĩ trường phái ấn tượng mà cha tôi ưa thích.

Trong lúc lái trên đường Spencer để đưa Steve về bến Trout Hatchery tôi suy nghĩ nhiều về mấy bức tranh của cha tôi. Tên tuổi của cha tôi qua bút hiệu Nhất Linh dính liền với nhà văn. Nhưng với tôi ông còn là một họa sĩ. Trong suốt thời gian sống với cha tôi, đặc biệt là thời gian sống chung trên Đà Lạt, tôi chứng kiến cảnh ông ngồi vẽ còn nhiều hơn là ông ngồi viết. Cha tôi vẽ nhà thờ Đà Lạt, vẽ thác suối vàng, vẽ dòng suối Đa Mê, vẽ núi đồi Đà Lạt, vẽ hoa phong lan... Hầu như trong tất cả những lần ông đi chơi xa, đi pic-nic hay đi tầm lan tôi đều thấy ông ngồi vẽ.

Vừa lái xe tôi vừa mơ thấy một cái làng nhỏ xinh xinh ở bên Pháp, một cái làng cổ kính mà thơ mộng bên dòng sông Seine mang tên Vétheuil.

Nơi ấy vào một ngày trong tháng 9 của năm 1954 cha tôi đã đi trên những con đường dài mà hẹp ngắm lá vàng rơi bay lả tả theo làn gió thu. Với hình ảnh Claude Monet trong tâm tưởng có thể là cha tôi đã bước chân vào một nghĩa trang để thăm ngôi mộ phủ đầy lá vàng của người họa sĩ quá cố, có thể là cha tôi đã thả bộ dọc theo bờ sông Seine để tìm kiếm dấu vết người xưa mà ba phần tư thế kỷ trước đã từng đặt chân, và cũng có thể là cuối cùng cha tôi đã tìm ra được đúng khung cảnh trong bức họa của Monet, khung cảnh bến sông có chiếc thuyền câu, để dừng chân vẽ nên bức tranh mà tôi hiện giữ, bức tranh mà từ nay tôi sẽ đặt tên là Thuyền câu trên sông Seine để kỷ niệm chuyến đi câu này với anh Việt trên dòng sông Cowlitz.

Nguyễn Tường Thiết

Seattle, mùa đông 2008.

NTT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 457)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1661)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 1918)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.
05 Tháng Tám 202412:31 SA(Xem: 3575)
Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng như sau: Nguyễn Mộng Giác: "Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999) Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một...
16 Tháng Bảy 202411:32 CH(Xem: 3208)
Năm tôi 37 tuổi tôi đã chia tay chồng, tôi gặp một người đàn ông do sư thầy ở chùa giới thiệu để giúp tôi một công việc. Ông lớn hơn tôi đúng 12 tuổi, là phật tử hay làm công quả ở chùa tư cách đứng đắn đàng hoàng; thật lạ ngày đầu tiên vừa thấy tôi, ông nhìn sững như quen tự đời nào, ông đưa tay chùi một vết lấm lem trên mặt tôi và sau này bảo rằng ông yêu tôi ngay từ ngày đầu gặp mặt. Mà hồi đó tôi ốm nhom xơ xác xấu xí tựa như con chim bị mắc mưa rủ cánh giữa đông tàn. Qua ngày sau, ông ta đem tới tặng tôi hai quả xoài cát và bảo rằng: "cây xoài nhà anh trồng hơn mười năm đến năm nay nó mới có trái anh hái liền cho em" Tôi cảm thấy cảm động. Tôi thấy mình được quan tâm, cái mà 15 chung sống cùng chồng tôi chưa hề có được ...
05 Tháng Bảy 202410:37 CH(Xem: 3842)
Tình cờ tôi gặp một tấm ảnh trên mạng, trong một album ảnh cũ về Nha Trang - Khánh Hoà trước năm 1975. Tấm ảnh được chụp trên đồi Trại Thuỷ, từ phía sau lưng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật trắng), có lẽ vào quãng những cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
05 Tháng Bảy 202410:17 CH(Xem: 3796)
Năm tới 2025, người Việt gốc Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ có thêm một kỷ niệm định cư tại Seattle đươc nửa thế kỷ. Thời gian không còn nhiều sao tôi cứ băn khoăn không hiểu mọi người sẽ chuẩn bị tổ chức ra sao?
05 Tháng Bảy 20249:12 CH(Xem: 3530)
Tháng 6. Sài Gòn buổi chiều thường mưa. Mưa to lắm, mây đen kịt kéo nhanh làm tối cả bầu trời, nhìn xa xa sau màn nước mưa mù trời những đoàn xe trên đường cao tốc xuôi ngược nối dài nhau trên con đường quốc lộ xa tắp mịt mù.
15 Tháng Sáu 20244:38 SA(Xem: 4099)
Trước hết, tôi cần nhắc lại với bạn câu nói: “Sự thật cũng là một thứ Nhân đức” của nhà triết học cổ Hy Lạp Aristotle. Ngắn gọn thôi nhưng chân lý đó đủ sức vượt bao thế kỷ để trở thành bài học quan trọng nhất đối với một kẻ cầm bút, cầm máy quay, và vĩnh viễn không bao giờ cùn mòn, mất tính thời sự!
15 Tháng Sáu 20243:48 SA(Xem: 3858)
Những đổi thay khốc liệt sau cuộc chiến 75 đã đưa đẩy một nhóm bạn bè chúng tôi gần gũi, siêng năng gặp gỡ nhau hơn những ngày tháng trước đó. Một ngày của mùa hè 1978, đi với anh Nguyễn Đình Toàn đến nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa là Trần Quang Lộc trạc tuổi hai mươi tám, ba mươi, với cây guitar trên vai. Nghiêu Đề và tôi luôn vồn vã, thân thiện rất nhanh với bạn mới gặp, nhất là lại có thêm cây đàn. Ham vui như chúng tôi, sự thân thiện sau đó đã tăng lên gấp bội.