- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BƯỚC QUA BUỒN THÁNG BA

21 Tháng Ba 20197:52 CH(Xem: 22355)



THANG 3- photo UL
Tháng Ba - photo UL

Mùa gọi nhớ

 

Bão đã qua rồi anh biết không

Trời bây giờ trời sắp sang đông

Lâu lắm không về thăm cố quận 

Nỗi nhớ nhung như cải lên ngồng

 

Chiếc áo năm nào em đã mua

Anh mặc cho ấm lúc giao mùa

Đông nay trời lạnh hơn năm ngoái

Nắng sớm cũng dường như gió trưa

 

Chẳng biết ngoài kia mưa có rơi

Giăng từng lớp trắng ở trên đồi

Em ở trong đây mà thấy lạnh

Hay là mưa khóc mướn vậy thôi...?

 

Nguyễn Thị Bạch Vân

 

 

Tự hỏi rồi lại tự buồn

 

Hỏi trời hỏi đất tiêu dao

Hỏi mây hỏi gió ta bao tuổi rồi

Hỏi da vừa trổ đồi mồi

Kia con sẻ hót mấy lời sang thu

 

Hỏi trong đêm tối tù mù

Đâu là ranh giới phạm trù yêu đương

Hỏi chân có nhớ con đường

Hỏi thăm chăn chiếu phấn hương nhạt dần

 

Hỏi trăm năm có duyên phần

Nay xanh đã bạc mấy lần qua sông

Biết rằng có đấy rồi không

Bàn tay đang nắm mà dường như buông

 

Tự hỏi rồi lại tự buồn

Tóc xơ mấy cọng vừa buông xuống đời

 

Nguyễn thị Bạch Vân

 

 

 

Bước qua buồn tháng ba

 

Tháng hai còn nằm trong ổ

Mà buồn tôi đã tháng ba

Xuân vừa mới qua một nửa

Sớm mai bỗng thấy mình già

 

Cái buồn là buồn cho có

Cái nhớ là nhớ cho xong

Tôi cười với tôi một tiếng

Đa đoan cũng thấy nhẹ lòng

 

Này vạt nắng vàng trước ngõ

Nghiêng về một phía đắn đo

Nỗi buồn tôi hong dạo nọ

In vào trang giấy thành thơ

 

Bước chân ra đường buổi sớm

Đi về nắng chỉ đường trưa

Gian nan nợ nần hai phía

Trần gian sống cũng như đùa

 

Nguyễn thị Bạch Vân  

         

 

 

Chiều đi ngang nhà thờ lớn

Chiều thấp đi về qua xóm đạo

Ngại ngùng sợ chúa hỏi vì sao

Lâu lắm rồi tôi không đi lễ

Kể từ ngày hai đứa xa nhau

 

Anh có trình bày với chúa chưa

Rằng mưa hay gió cũng theo mùa

Anh đã gặp cha và xưng tội?

Phục sinh này khác với phục sinh xưa

 

Cũng lâu rồi tôi không làm dấu thánh

Làm con chiên ngoan đạo giống như anh

Lòng hai ta là một trời hoa mộng

Ta bất minh, chúa cũng chẳng tán thành

 

Chân bước không đành qua xóm đạo

Nhà thờ tan lễ tự khi nào

Chúa vẫn đứng buồn hiu trên thập giá

Tôi đứng chờ... mà chúa chẳng hỏi vì sao...

 

Nguyễn thị Bạch Vân

 

Tôi thấy tôi ngoài kia

 

Tôi thấy tôi ngoài kia

Tôi chờ tôi ngoài kia

Bên bờ lau sậy gió

Thiên thu một cõi về

 

Thấy trăm năm là mộng

Sắc sắc với không không

Niềm tin và mơ ước

Bay về phía phù vân

 

Một tờ lịch vừa gỡ

Bao nhiêu sợi tóc rơi

Còn sợi thương sợi nhớ

Cũng bạc nửa cuộc đời

 

Tôi thấy tôi ngoài kia

Đứng giữa trời lộng gió

Lẫn vào mây trắng bay

Vương đầu cây ngọn cỏ

 

Hồn lơ lửng trên không

Rơi xuống bài thơ nhỏ

 

Nguyễn thị Bạch Vân

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Ba 201912:04 SA(Xem: 21149)
Kha lên phố chợ ban ngày, tìm mãi chẳng gặp cánh cửa mở, chẳng một bóng người qua. Cậu lái xe hàng thuê cho nhà anh bị tử nạn lúc nửa đêm, cảnh sát đã làm xong hiện trường. Kha tức tốc lên đường bằng xe riêng, ý định tìm khoảnh đất trống nào đó lo hậu sự cho kẻ xấu số theo nghi thức của người chết dọc đường. Loanh quanh mãi lại về nơi đỗ xe. Từ gốc thông già nhìn lên, Kha nhận ra bóng người ngồi bên khung cửa sổ. Anh vẫy liên hồi, gọi khản tiếng, cô gái vẫn im như tượng.
24 Tháng Ba 20193:20 CH(Xem: 21793)
Người thiếu phụ cúi xuống chân thềm / Giọt cay đắng / Giọt ngọt ngào / Lời ru xa vắng / Tan tác / Từng chùm ve ran / Nhói buốt vỉa hè phượng đỏ / Gã học trò thức giấc bụi hồng
24 Tháng Ba 20192:17 CH(Xem: 22284)
rẽ phải nhập vào freeway / xe tôi bỏ lại sau lưng / quá khứ / những trạm xăng / những liquor / những con người đồng hương / những phố nhỏ trên xứ người đã nên cố quận /
21 Tháng Ba 20198:08 CH(Xem: 21293)
Trong hạt mưa sa mùa gió bấc / Em gối đầu lên những cánh diều / Đường xa sợi nắng chiều phiêu bạc / Đời thắp dùm em nổi hắt hiu.
09 Tháng Ba 201910:26 CH(Xem: 22908)
Hơn hai trăm năm trước, trong một cuộc “Bắc hành”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Trong “tòa lâu đài” thơ chữ Hán Nguyễn Du (Mai Quốc Liên), có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Tám bài thơ nói trên mà chúng tôi sẽ khảo sát có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy cả trái tim lớn của đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ-nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt của Nguyễn Du trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn-nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.
08 Tháng Ba 20194:10 CH(Xem: 21457)
Không hồi sinh từ đất như hạt / miền tâm trạng đột nhiên bị phủ nhận / đường chim lãng quên /
08 Tháng Ba 20194:00 CH(Xem: 21406)
Hùng lấy rừng làm nghiệp chính để phụ giúp gia đình. Nói tiếng phụ nhưng anh là nhân vật không thể thiếu trong cái nhà gồm mười một con người. Sự sụp đổ của một chính thể - mà - cha và anh của Hùng là những thành viên đã kéo gia đình rơi tự do. Bao nhiêu của nả sau hai mươi năm lính đã trôi tuột vào hư vô. Cha và anh đi cải tạo nên Hùng phải chủ trì chuyện kiếm sống và thăm nuôi. Một mình không xuể vì thế những đứa em buộc phải nghỉ học. Đứa đi bán cà rem đứa chạy chợ. Má và chị Hùng bê mỗi người một thúng bánh ít trần đi rao khắp làng trên xóm dưới.
05 Tháng Ba 20198:59 CH(Xem: 22763)
Huế là xứ thơ. Có lẽ do các yếu tố lịch sử, phong cảnh và nếp sống, vùng đất sông Hương núi Ngự là nơi sản sinh ra nhiều nhà thơ – cả nổi tiếng lẫn khét tiếng. Nếu kể hết tên, chắc chắn sẽ thiếu sót. Bài này chỉ viết lơn tơn – không phải với mục đích phê bình văn học hoặc tài liệu giáo khoa gì ráo – về hai tác giả mà cuộc đời và sự nghiệp có những liên hệ oái oăm về thân tộc và chỗ đứng của họ trên văn đàn và trong lòng độc giả.
28 Tháng Hai 20192:35 CH(Xem: 36879)
Việt Nam cổ thời chỉ được ghi phụ chép trong cổ sử Trung Hoa như các xứ man di phương Nam rồi Tây Nam từng đến xin cống lễ, hay liên quan đến chiến công xâm lược, thực và giá lẫn lộn, của các triều đại—dưới các chiêu bài giáo hóa, phép thờ nước lớn, và/hay chinh phạt. Lịch sử thành văn của Việt Nam thỉ chỉ xuất hiện từ đời Trần (10[20]/1/1226-23/3/1400)—tức Đại Việt Sử Ký (1272) của Bảng Nhãn Lê Văn Hưu (1230-1322)—nhưng đã tuyệt bản, chỉ còn những mảnh vụn sao chép và sửa đổi theo ý thích của các dòng họ cai trị mà Phó bảng Phan Chu Trinh từng chỉ trích là “hủ Nho” [ultra conservative confucianist].
27 Tháng Hai 201910:53 CH(Xem: 25141)
Anh không thể mang đóa tinh khôi / Không thể nhặt nắng hồng sưởi ấm / Không thể trao nụ cười tưới tắm / gọi tên em làm gì... /