- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trung Quốc trong nhãn quan Nguyễn Du

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 90109)

 

nguyendu-content

Trong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:

Năm 1803, Nguyễn Du được cử lên trấn Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long.

Năm 1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại nhà Thanh cho đến 1814

Năm 1820 Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 AL (16-9-1820) thọ 54 tuổi. Tương truyền: "Khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Được! Rồi mất. Không trối lại một lời".

“Bắc hành tạp lục” là tập thơ chữ Hán gồm 130 bài sáng tác trong những lần Nguyễn Du đi Trung Quốc.

Ngoài ra, ông còn hai tập thơ chữ Hán khác:

1 – “Thanh Hiên thi tập” gồm 78 bài, sáng tác trong thời gian ông sống ở quê hương xứ Nghệ, trước khi ra làm quan triều Nguyễn

2 - .”Nam Trung tạp ngâm” gồm 40 bài, sáng tác trong thời ông làm quan triểu Nguyễn ở Huế, Quảng Bình và một số địa phương khác từ Hà Tĩnh trở vào.

Phần này chỉ điểm qua một vài bài thơ trong “Bắc hành tạp lục”.

 *

Nguyễn Du vốn rất đa sầu đa cảm, tuy nhiên khi dạo chơi hay lưu lạc ở một nơi nào trong nước, nỗi buồn thi nhân chỉ thấy mang mang:

"Niên niên thu sắc hồn như hử

Nhân tại tha hương bất tự tri". 

 (Giang Đầu Tản Bộ)

 

(Hồn thu vẫn tự bao giờ

Người xa quê cũ chẳng ngờ đó thôi)

 

Hay:

“Vi lô san sát hơi may

Một trời thu để riêng ai một người” (Truyện Kiều)

Nhưng ở Trung Quốc, Nguyễn Du đã có những đêm:

Suốt đêm tiếng thanh la đánh không ngừng,

Cô độc ngồi bên ngọn đèn đến tận sáng.

Mấy tuần nhớ nước lòng buồn như chết,

Đường đi toàn gặp kẻ không quen.

Chân núi đầy bùn lún cả ngựa,

Bên khe suối quái tinh già ẩn nấp.

Khách tha hương tình cảm không có hạn,

Huống gì đường tới núi Yên còn xa vạn dặm

 

(Triệt dạ la thanh bất tạm đình,

Cô đăng tương đối đáo thiên minh.

Kinh tuần khứ quốc tâm như tử,

Nhất lộ phùng nhân diện tẫn sinh.

Sơn lộc tích nê thâm một mã,

Khê tuyền phục quái lão thành tinh.

Khách tình chí thử dĩ vô hạn,

Hựu thị Yên Sơn vạn lý thành).

 (Mạc Phủ Tức Sự)

 

 - Và những cảm giác ghê rợn khi đi thuyền trên sông Minh Ninh:

 

Trên ghềnh nghe có tiếng gì?

Tựa như rồng nước giận ầm ầm như sấm.

Dưới ghềnh thấy có chuyện gì?

Như cung nỏ căng bắn tên đi thật xa

Nước chảy muôn dặm không ngừng,

Núi cao kề cận bờ như bức tường thành.

Dẫy đầy hòn đá dị kỳ xít nhau

La liệt tựa như rồng, rắn, hổ, beo trâu ngựa

Lớn như nhà, nhỏ như nắm tay cũng có

Hòn cao sừng sững, hòn thấp ngủ nằm

Hòn thẳng như chạy, hòn uốn như suối

Nghìn hình muôn vẻ nói sao hết lời

Rắn rồng ẩn hiện dưới sâu vực thẳm

Sóng vỗ ầm ầm tung bọt ngày đêm

Mùa hạ nước lũ mạnh như sôi sùi bọt

Cuộc hành trình ba ngày thuyền, lòng dạ bồn chồn,

Lòng dạ bồn chồn chứa nhiều lo sợ

Hiểm nguy thuyền đắm biết chìm sâu mực nào

Rằng nghe Trung Quốc đường bằng phẳng

Ngờ đâu đường Trung Quốc lại thế này!

 

(Than thượng hà sở văn?

Ứng long kích nộ lôi điền điền,

Than hạ hà sở kiến?

Nỗ cơ kịch phát thủy ly huyền,

Nhất tả vạn lý vô đình yên,

Cao sơn giáp ngạn như tường viên.

Trung hữu quái thạch sâm sâm nhiên,

Hữu như long, xà, hổ, báo,ngưu, mã la kỳ tiền.

Đại giả như ốc, tiểu như quyền.

Cao giả như lập, đê như miên,

Trực giả như tẩu, khúc như tuyền,

Thiên hình vạn trạng nan tận ngôn.

Giao ly xuất một thành trùng uyên.

Dũng đào phún mạt nhật dạ thanh hôi huyên.

Hạ lạo sơ trướng phí như tiên.

Nhất hành tam nhật tâm huyền huyền,

Tâm huyền huyền đa sở úỵ

Nguy hồ đãi tai cốt một vô để,

Công đạo Trung Hoa lộ thản bình,

Trung Hoa đạo trung phù như thị!)

 (Ninh Minh Giang Chu Hành)

 

 - Cảm giác ấy đã xuất hiện ngay từ khi qua cửa ải Quỷ Môn ở Lạng Sơn:

 

Thương cho biết bao người phải đi qua lại.

Gai chông lấp cả đường lối, đầy rắn hổ ẩn nấp,

Khí chướng bốc đầy, ma quỷ tụ họp.

Gió lạnh suốt đời xưa thổi vào xương cốt trắng,

Công nghiệp lạ của tướng nhà Hán có chi mà đáng khen?

 

(Khả liên vô số khứ lai nhân.

Tắc đồ từng mãng tàng xà hổ,

Bố dã yên lam tụ quỉ thần.

Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,

Kỳ công hà thủ Hán tương quân) (1) 

 (Quỉ Môn Quan)

 

(1) - Câu “Kỳ công hà thủ Hán tương quân” nhắc chuyện Mã viện mang quân sang đánh Giao chỉ đã làm cho bao nhiêu lính Tàu vùi xương. Nguyễn Du bảo, sao gọi thế là chiến công được!

 

 - Rồi, bao nhiêu câu hỏi lần khuất, ngay từ khi đến cửa thành Ải Nam Quan:

 

Lý Trần cựu sự diểu nan tầm,

Tam bách niên lai trực đáo câm (kim).

Lưỡng quốc bình phân cô luỹ diện,

Nhất quan hùng trấn vạn sơn tầm.

Địa thiên mỗi vị truyền văn ngộ,

Thiên cận tài tri giáng trạch thâm.

Đế khuyết hồi đầu bích vân biểu,

Quân thiều nhĩ bạn hữu dư âm.

 (Trấn Nam Quan)

 

(Chuyện cũ Lý Trần khó mà tìm hiểu,

Ba trăm năm trở lại đến bây giờ.

Hai nước phân chia tại cửa thành này,

Một cửa ải hùng vĩ giữa muôn ngọn núi.

Lời truyền lại gây hiểu lầm trong trời đất,

Gần mặt trời thấm nhuần mưa giáng xuống.

Thiếu xa vương quay đầu trông qua tầng mây biếc,

Nhạc quân thiều dư âm còn nghe thấy trong tai).

 

Cứ thế, cứ thế, những câu hỏi, những suy tư về quan hệ hai nước trong lịch sử xuất hiện đó đây:

 

 - Đến miếu Mã Phục Ba, Nguyễn Du gợi chuyện Mã Viện.

 

Mã Viện người đời Đông Hán đã ngoài 60 vẫn còn muốn đi đánh trận lập công, vua không muốn cho đi, Mã Viện mặc áo giáp nhảy lên ngựa tỏ mình còn khỏe, được vua cười khen, phong là Phục Ba tướng quân. Tương truyền khi sang Giao Chỉ, Mã Viện cho dựng cột đồng trụ ở Quảng Tây để phân định ranh giới đất Hán.

 

Khi từ Giao Chỉ về Mã Viện có chở theo một xe hạt làm thuốc chữa bệnh nhưng bị gian thần tố cáo là chở ngọc châu về. Vua giận, nên vợ con không giám mang thây Mã Viện về quê mà chỉ chôn sơ sài ở Tây Thành.

 

Vua Hán Quang Vũ cho vẽ chân dung 28 vị công thần ở gác Vân Đài, không có Mã Viện, vậy mà người ta lại bắt dân Việt lập đền thờ. Nguyễn Du chê trách việc làm này:

 

Lục thập lão nhân cân lực suy,

Cứ an bị giáp tật như phi.

Điền đình chỉ bác quân vương tiếu,

Hương lý ninh tri huynh đệ bi.

Đồng trụ cận năng khi Việt nữ,

Châu xa tất cánh lụy gia nhi.

Tính danh hợp thướng Vân Đài họa,

Do hướng Nam trung sách tuế thì?

 (Giáp Thành Mã Phục Ba Miếu)

 

(Ông già sáu mươi sức đà kém,

Vẫn áo giáp phóng lên ngựa nhanh như bay.

Nơi cung điện mong chuốc được nụ cười của vua,

Chẳng kể đến nỗi thương xót của anh em.

Cột trụ đồng chỉ lừa phụ nữ Việt,

Xe ngọc mang về thêm lụy vợ con.

Gác Vân Đài tên ông nên được vẽ,

Chứ sao phương Nam lại phải thờ cúng ông?)

 

 - Chuyện Mã Viện còn được mai mỉa trong bài “Thơ Đề Miếu Mã Phục Ba Ở Đại Than”:

 

Tạc thông lĩnh đạo định Viêm khư,

Cái thế công danh tại sử thư.

Hướng lão đại niên căng quắc thước,

Trừ y thực ngoại tẫn doanh dư

Đại Than phong lãng lưu tiền liệt,

Cổ miếu tùng sam cách cố lư.

Nhật mộ thành tây kinh cức hạ,

Dâm đàm di hối cánh hà như.

 (Đề Đại Than Mã Phục Ba Miếu)

 

(Mở đường Ngũ lĩnh qua đánh gò Viêm,

Tên tuổi công danh lưu trong sử sách.

Về già tuổi lớn còn khoe sức,

Ngoài cơm ăn áo mặc, gì cũng thừa.

Sóng gió Đại Than lưu tên ngày trước,

Miếu cũ tùng bách xa cách làng cũ.

Trong chiều tối phía tây thành đầy cây gai

Nơi Hồ Tây lời hối giờ ra sao?)

 

Tương truyền, khi Mã Viện xin được lãnh nhiệm sang đánh Hai Bà Trưng, em họ là Thiều Du nói: “Người ta sinh ra cốt ăn mặc vừa đủ thôi, nếu cầu thêm thừa thãi thì chỉ khổ thân.”. Đóng quân ở Dâm Đàm (Hồ Tây), thấy mặt hồ đầy khí lam chướng, diều lượn mặt hồ. Mã Viện nghĩ hối hận nói: “Nay nghĩ lại lời Thiếu Du thấy nói đúng nhưng không làm sao được nữa”

 

 - Đi qua đất cũ của Triệu Đà, Nguyễn Du nhắc chuyện đế vương, phiên thần:

 

Khả liên thế đại tương canh diệt,

Bất cập man di nhất lão phu.

 (Triệu Vũ Đế cố cảnh)

 

Thương cho thời đại đời thay đời,

Chẳng bằng ông lão đất man di.

 

Khi nhà Tần suy vong, Triệu Vũ Đế, tức Triệu Đà nổi lên hùng cứ một phương tự xưng Nam Việt Vũ Vương. Hán Cao Tổ lên ngôi, sai Lục Giả xuống phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương. Sau khi chiếm thêm mấy ấp ở Trường Sa, Triệu Đà xưng Nam Việt Vũ Đế. Hán Văn Đế lại sai Lục Giả xuống dụ bỏ hiệu đế để giữ chức phiên thần. Trên đây là câu của Triệu Đà ghi tờ biểu đưa cho Lục Giả về dâng Hán Văn Đế.

 

Ngoài quan hệ Việt Trung, Nguyễn Du còn nêu những nhận xét về chính trị-xã hội Trung Quốc

 

 - Đây là nghịch cảnh nơi triều chính:

 

Hoàng Sào Binh Mã

Đại tiểu Hoa sơn sổ lý phân,

Hoàng Sào di tích tại giang tân.

Khởi tri Kim Thống Tần trung đế,

Nãi xuất Tôn Sơn bảng ngoại nhân.

Ngộ quốc mỗi nhân câu hạn lượng,

Cùng thời tự khả biến phong vân.

Viễn lai nghĩ vấn thiên niên sự,

Giang hộ dao đầu nhược bất văn.

 (Hoàng Sào Binh Mã)

 

(Núi Hoa lớn nhỏ chia cách nhau vài dặm,

Hoàng Sào lưu lại di tích ở bến sông.

Biết là vua Kim Thống của đất Tần.

Là người đội sổ bảng thi như Tôn Sơn,

Lỡ lầm việc nước vì gia phép câu nệ hẹp hòi,

Gặp thời tận cũng biến hóa được chuyện gió mâỵ

Khách từ xa muốn hỏi chuyện ngàn năm trước,

Ông lái thuyền chỉ lắc đầu không thốt lời).

 

Hoàng Sào là người đời Đường, quê ở Sơn Đông, học giỏi, nghĩa hiệp, hay cứu giúp người nghèo, sau một cuộc khởi nghĩa kéo dài 10 năm (875-884), Hoàng Sào vào được Trường An, lên ngôi Hoàng Đế, quốc hiệu Đại Tề; trong khi vua Kim Thống chỉ vào hạng Tôn Sơn là người đội sổ bảng thi.

 

 - Đây là cung cách cư xử với công thần:

 

Trung nguyên đại thế dĩ đồi đường,

Kiệt lực cô thành khống nhất phương.

Chung nhật tử trung tâm bất động,

Thiên thu địa hạ phát do trường

Tàn Minh miếu xã đa thu thảo,

Toàn Việt sơn hà tận tịch dương

Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa,

Như hà hương hỏa thái thê lương.

 (Quế Lâm Cù Các Bộ)

 

(Triều đại lớn Trung Nguyên đã suy xụp,

Ông sức tàn vẫn nhất định giữ thành.

Ngày chót sắp chết tâm không thay đổi,

Ngàn năm dưới lòng đất tóc vẫn dài.

Miếu xã nhà tàn Minh đầy cỏ thu,

Vùng đất núi Việt nhuốm bóng chiều tà.

Dân Trung Hoa nghe nói trọng tiết nghĩa,

Sao đây hương khói tiêu điều thảm thê).

 

Cù Các Bộ tức Cù Thức Trĩ người đời Minh, làm quan được tới chức Lâm Quế Bá. Lúc Mãn Châu chiếm Trung Quốc, vua Minh chạy vào Vân Nam, ông ở lại giữ thành Quế Lâm (Quảng Tây). Thành bị vây hãm, Thức Trĩ chết theo thành.

 

 - Đây là số phận kẻ tài hoa và những bất công xã hội:

 

Thái Bình cổ sư thô bố y,

Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi

Vân thị thành ngoại lão khất tử,

Mại ca khất tiền cung thần xuy.

Lân chu thời hữu hiếu âm giả,

Khiên thủ dẫn thướng thuyền song hạ.

Thử thời thuyền trung ám vô đăng,

Khí phạn bát thủy thù lang tạ.

Mô sách dẫn thân hướng tọa ngung.

Tái tam cử thủ xưng đa tạ.

Thủ vãn huyền sách khẩu tác thanh,

Thả đàn thả ca vô tạm đình.

Thanh âm thù dị bất đắc biện,

Đãn giác liêu lượng thù khả thinh.

Chu tử tả tự vị dư đạo:

”Thử khúc Thế Dân dữ Kiến Thành”. (1)

Quan giả thập số tịnh vô ngữ,

Đãn kiến giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh.

Khẩu phún bạch mạt, thủ toan xúc,

Khước tọa, liễm huyền, cáo chung khúc.

Đàn tận tâm lực cơ nhất canh,

Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục.

Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai,

Do thả hồi cố đảo đa phúc.

Ngã sạ kiến chi, bi thả tân:

Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần.

Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão,

Trung Hoa diệc hữu như thử nhân!

Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ.

Nhất thuyền, nhất thuyền doanh nhục mễ.

25

Hành nhân bão thực tiện khí dư,

Tàn hào lãnh phạn trầm giang để.

 (Thái Bình Mại Ca Giả)

 

(Ở Thái Bình có người mù mặc áo vải thô,

Cùng đứa trẻ dẫn đường bên bờ sông.

Già lão hành khất ngoài thành,

Hát rong kiếm tiền bát gạo nấu ăn.

Thuyền bên cạnh có người ưa nghe hát,

Nắm tay dẫn xuống sát cửa thuyền.

Bấy giờ thuyền tối không ánh đèn,

Cơm rớt, canh trào đổ bừa bãi.

Già mù sờ soạng ngồi một góc,

Hơn ba lần giơ tay xin cám ơn.

Tay nắn giây đàn cất tiếng hát vang,

Đàn hát một hơi không ngừng không nghỉ.

Lời ca tiếng lạ ta không hiểu được,

Nhưng âm điệu réo rắt dễ nghe

Nhà thuyền viết giấy cho hay:

“Đây là bài hát Thế Dân Kiến Thành”.

Hơn mười thính giả lặng ngắt như tờ,

Trong gió hiu hiu, trên sông trăng sáng.

Ông già miệng sùi bọt, tay rời rã,

Ngồi lại, đặt đàn thưa hát đã xong.

Gắng hết sức lực hầu một trống canh,

Lượm nhặt lên được năm sáu đồng tiền.

Đứa trẻ nhỏ dắt lão rời bờ thuyền,

Còn ngoảnh lại ngỏ lời chúc phúc.

Ta thấy thế mà trạnh lòng thương sót ,

Là người thà chết còn hơn nghèọ

Ta thường nghe đất Trung Hoa no ấm,

Sao Trung Hoa cũng có kẻ khổ thế nàỵ

Biết lệ cung phụng đoàn đi sứ thuyền hàng ngày,

Thuyền nào thuyền nấy thịt gạo ê hề.

Mọi người ăn uống no nê, dư thừa vứt bỏ,

Cơm nguội, thức ăn thừa đổ chìm xuống đáy sông.

 

Cho nên, hỡi các hồn oan, xin hãy đừng về, vì: “Đông tây nam bắc không nơi tựa/ Lên trời xuống đất đều không ổn”, vì: “Mặt đất đâu đâu đều là sông Mịch La ” – nơi Khuất Nguyên đã phải dầm mình tự vẫn.

 

Hồn hề ! Hồn hề ! hồ bất qui?

Đông tây nam bắc vô sở ỵ

Thướng thiên há địa giai bất khả,

Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi? (1)

Thành quách do thị, nhân dân phi,

Trần ai cổn cổn ô nhân ỵ

Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa,

Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quì. (2)

Bất lộ trảo nha dữ giác độc,

Giảo tước nhân nhục cam như di !

Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu,

Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.

Hồn hề ! Hồn hề ! suất thử đạo

Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì. (3)

Tảo liễm tinh thần phản thái cực, (4)

Thận vật tái phản linh nhân xi,

Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan (5)

Đại địa xứ xứ giai Mịch La, (6)

Ngư long bất thực, sài hổ thực,

Hồn hề ! Hồn hề ! nại hồn hà?

 (Phản Chiêu Hồn)

 

(Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?

Đông tây nam bắc không nơi tựa.

Lên trời xuống đất đều không ổn,

Đất Yên đất Dĩnh về làm chi?

Thành quách chẳng khác xưa nhưng lòng dân đã khác,

Bụi nhiều nhuốm bẩn dơ quần áo.

Đi ra thì xe ngựa, ở nhà thì vênh váo,

Ngồi bàn tán chuyện ông Quì ông Cao.

Không hề để lộ nanh vuốt ác độc.

Nhưng cắn xé người ngọt như đường!

Hồn có thấy cả trăm châu vùng Hồ Nam,

Toàn người gầy ốm có ai mập đâu.

Hồn ơi! Hồn ơi! nếu theo đường đó,

Thì sau Tam Hoàng nay đã lỗi thời.

Sao bằng thu thập tinh thần về với cõi hư vô,

Chớ về làm chi để người mai mỉa.

Đời sau ai ai cũng Thượng Quan cả,

Mặt đất đâu đâu đều là sông Mịch La.

Cá rồng mà không ăn thì hùm beo cũng nuốt,

Hồn ơi! Hồn ơi! biết làm sao đây?)

 *

Sử sách ghi rằng để củng cố mối bang giao hữu hảo, đồng thời đề phòng ý đồ tái lập ách đô hộ của Trung Quốc, các vua Nguyễn, đặc biệt là vua Minh Mạng rất quan tâm đến tình hình nhà Thanh. Ông đã yêu cầu sứ thần đi sứ nhà Thanh viết “Sứ trình nhật ký” và phải viết chi tiết những điều mắt thấy tai nghe ở Trung Quốc. Tháng 4 năm 1832, vua Minh Mạng khiển trách ba sứ giả được cử đi đã chỉ ghi đại khái về tình hình nhà Thanh không như ý đồ của ông. Ông ra lệnh, sau này các sứ giả phải ghi lại chính xác tình hình nhà nước và dân tình nhà Thanh còn những địa danh, v.v… đã biết thì không cần phải ghi lại. Phải chăng Nguyễn Du đã thực hiện nhiệm vụ sứ thần này bằng thơ.

Nguyễn Thanh Giang

(Hà Nội. Thu Tân Mão)

 


 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 11610)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 10120)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 10118)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9790)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9727)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11593)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10468)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10524)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10505)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9846)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…