- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI VIẾT SỬ

24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 5689)
CON DAO-INTERNET
Côn Đảo - ảnh Internet

NGƯỜI VIẾT SỬ

Truyện ngắn của Nguyễn Trường



Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi...

-Cô tìm tôi?

-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé.

Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi. Tôi hồi hộp lên tiếng:

-Làm sao trên đảo bé tí, chừng mười ngàn dân lại có một cô gái xinh đẹp ngần này?

-Thời của tôi, trên đảo chỉ có vài trăm người dân, chứ không đông như bây giờ.

Tôi thầm nghĩ, lúc có vài trăm dân, hẳn là thời Pháp thuộc. Vì thời chúa Nguyễn, trên đảo đã có vài ngàn dân, lập ra làng Cỏ Ống, An Hội và An Hải. Nhưng khi thực dân Pháp xây dựng thành nơi giam giữ tù nhân thì chúng di dân ba làng đó về đất liền, trên đảo chỉ còn lại gia đình các công chức làm việc cho chính quyền Pháp.

-Đúng như anh nghĩ, dân trên đảo lúc đó chủ yếu là gia đình công chức. Tôi là con của một công chức.

-À, ra vậy. Cô đúng là hoa khôi của đảo. Một người đẹp sống giữa nơi toàn bọn cai ngục lang sói, bọn Pháp ác ôn, chắc là khó sống nhỉ.

-Anh nói không sai. Nhưng chồng của tôi là tù trọng án.

- Đức lang quân của cô trong tù, cô quen anh ấy thế nào, yêu nhau bằng cách nào?

-Chuyện dài lắm….

Nói rồi cô gái nắm tay tôi kéo đi. Người tôi nhẹ bổng, lướt theo cô.

¶¶


Chỉ chớp mắt tôi đã đứng trước một vùng bờ biển mênh mông, vịnh Côn Sơn, vị trí của thị trấn bây giờ, nhưng khung cảnh rất hoang sơ, chưa có đường nhựa, chưa có nhà cửa sầm uất. Dọc bờ biển rải rác dăm ngôi nhà thấp lè tè, nghèo nàn. Các bóng đèn điện đỏ quạch, hắt ra thứ ánh sáng tù mù.

Trong ngôi nhà nhỏ gần bờ biển, một thanh niên dáng cao gầy, chắc khỏe, tóc cắt ngắn, mặc chiếc áo màu nâu đang dạy cho cô bé hơn chục tuổi viết chữ. Cô có hai bím tóc buộc đong đưa, khuôn mặt bụ bẫm; mặc áo hồng, cổ áo bồng bềnh ngộ nghĩnh. Chiếc váy màu trắng, cao trên đầu gối, phô cặp chân thon thả; báo hiệu cô sẽ là một thiếu nữ xinh đẹp trong tương lai. Tiếng cô gái thoáng nhẹ bên tai tôi:

-Cô bé đó là tôi, còn người thanh niên ấy là thầy giáo của tôi đó.

Vậy là chúng tôi về thời cô còn niên thiếu, dễ thương.

-Tôi là con gái một của gia đình công chức nên ba má tôi cưng chiều hết mức. Vậy mà tôi đã khóc không biết bao nước mắt vòi vĩnh, làm mình làm mẩy cả tuần lễ mới được ba má chấp thuận mời ông thầy đó đến nhà dạy học.

-Sao lạ vậy, ai chả muốn cho con được học hành?

- Lớn lên, tôi mới hiểu: Người thầy ấy đang là tù nhân bị đày ra Côn Đảo. Hồi đó tôi chỉ biết rằng người ấy có tuồng chữ quá đẹp. Tôi ao ước được ông thầy này dạy chữ cho. Ba má tôi đã phải bỏ ra khá nhiều tiền điều đình với xếp Chánh để đưa người tù ra ngoài, làm thơ ký ở ty Ngân khố. Chiều đến, lúc hết giờ làm việc, tôi đón thầy về nhà dạy học cho tôi. Học thầy, tôi hiểu thêm thầy không phải là người tầm thường. Thầy hoạt động trong tổ chức chống Thực dân Pháp. Tổ chức cần tiền để hoạt động, thầy đã tham gia vào “Làm kinh tế mạo hiểm” nghĩa là đánh cướp những gia đình kẻ ác ôn, bọn chủ đồn điền người Pháp. Thầy còn là một người có võ nghệ thâm hậu. Ngoài giờ học chữ, tôi nhõng nhẽo đòi thầy dạy võ, tôi mê nhất là môn đánh kiếm.

Trong căn nhà nhỏ, tiếng thầy giáo trầm ấm:

- Em học đánh kiếm để làm gì, là con gái nên lo học chữ nghĩa thì hơn.

- Em học để sau này lớn lên sẽ chém đầu Tây, vì chúng cũng sang cướp nước ta như giặc Đông Hán.

Thầy trừng mắt ra hiệu cô bé nói nhỏ lại kẻo cha mẹ cô nghe thấy. Tiếng thầy vừa đủ cho cô bé nghe:

- Từ nay em không được nói chuyện đánh Tây trong nhà này. Ba má em nghe được sẽ không cho thầy đến dạy em nữa.

-Vậy thì biết nói gì với thầy?

Thầy thì thầm:

- Buổi chiều, lúc em rước thầy, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện.

Cô bé ngoan ngoãn gật đầu.

Cô gái tiếp tục dòng hồi tưởng: 

- Sau này thầy nói lại, rất ngạc nhiên vì tôi là cô bé sống trong gia đình công chức, cha mẹ ăn lương của Pháp mà con lại căm thù người Pháp. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm 1936, mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, bọn Thực dân Pháp đưa thầy về đất liền, giam  thầy ở Hà Tiên, rồi Phú Quốc. Tôi đã phải xa thầy từ đó. Mãi đến đến năm 1942, thầy lại bị đày ra Côn Đảo. Năm 1945, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, Côn Đảo đã được giải phóng. Thầy được đưa từ Hầm Xay Lúa ra làm Tổng thư ký phụ trách mục Hương vị nguồn thơ cho tạp chí Tiếng nói tự do. Cha tôi lên làm Giám thị trưởng. Cô bé Hương ngày xưa được cử làm giáo viên lớp nhất kiêm luôn hiệu trưởng. Lúc đó chúng tôi mới được gặp nhau sau 9 năm xa cách. Hôm đầu tiên gặp tôi, thầy tròn mắt ngạc nhiên: “Cô bé Hương ngày xưa đây ư? Đã trở thành một thiếu nữ rồi, lại quá xinh đẹp!”. Tôi cười sung sướng vì được thầy khen. Tôi là hoa khôi của đảo là điều không phải bàn cãi, xung quanh tôi biết bao người xun xoe, khen nịnh, kể cả người Pháp nữa, nhưng lòng tôi dửng dưng. Trái tim tôi đã dành cho thầy, mặc dù biết chờ một người trọng án trong tù là vô vọng. Gặp thầy, tôi như được hồi sinh. Thầy vẫn vô tư, không biết trong lồng ngực cô thiếu nữ, trái tim đang thổn thức. Mãi rồi tôi mới có dịp thổ lộ tình yêu với thầy. Lần đó tôi đọc số tạp chí đầu tiên, mục Hương vị nguồn thơ có bài thơ của thầy, tựa là “Vịnh Hai Bà Trưng”. Bài thơ thật hay, nói về lòng yêu nước của Trưng Trắc, Trưng Nhị, dù là phụ nữ dám đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng thầy bỏ trống hai câu kết như muốn hỏi: Ngày nay ai là người như Hai Bà Trưng? Tôi sực nhớ lại buổi đối đáp của tôi với thầy hồi còn thơ bé, lớn lên em sẽ như Hai Bà Trưng, cầm gươm giết Tô Định. Có phải thầy nhắc tôi về lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp có còn như xưa? Tôi liền cắt trang tạp chí có bài thơ ấy và điền vào hai câu thơ còn bỏ trống thành ra câu kết bài thơ, ý nói rằng ngày nay, người đứng lên chống Pháp sẽ có em trong đó. Tôi gửi lá thư này đến cho anh.

Vì anh lớn hơn tôi những 17 tuổi nên hay mặc cảm, tôi phải chủ động như vậy.

Những lần gặp nhau, chúng tôi dành nhiều thời gian bàn cách trốn về đất liền cùng cầm súng đánh Tây. Anh đã bàn với một số đồng chí, đóng thuyền, mua sắm mọi thứ cần thiết cho chuyến vượt biển về đất liền. Nhưng không may, buổi xuất phát, thuyền của chúng tôi bị sóng đánh vào bãi đá, vỡ tan tành. Chúng tôi lại chuẩn bị cho chuyến đi mới, nhưng một biến cố trọng đại xảy ra. Chính quyền non trẻ tồn tại chỉ trong vòng 5 tháng, ngày 18  tháng tư năm 1946, giặc Pháp tấn công lên Côn Đảo. Chồng tôi bị bắt, lại quay lại cảnh tù đày, chính quyền thân Pháp lại trỗi dậy.

¶¶


Ngừng một lúc, cô gái quay sang tôi, nhỏ nhẹ - Chắc anh vẫn còn ngạc nhiên vì sao tôi lại rủ anh đi chơi giữa đêm khuya và kể chuyện tình cảm của chúng tôi cho anh nghe, đúng không? Số là chúng tôi biết anh là nhà văn, chồng tôi cũng là nhà văn, bút hiệu là Thành Ngọc, anh có từng nghe danh chồng tôi?

-Tôi không những nghe danh nhà văn Thành Ngọc, mà còn đọc mấy cuốn tiểu thuyết của anh ấy, những cuốn sách lên án tội ác của thực dân Pháp ở Việt Nam và bênh vực cho người nghèo khổ.

-Chính vì vậy nên chúng tôi mới mời anh ra đây gặp mặt.

Từ phía bãi biển, người đàn ông, dáng cao gầy nhưng khỏe mạnh thoăt thoắt đi về phía chúng tôi. Trông thấy tôi, anh bước nhanh đến, giơ tay ra bắt. Bàn tay to, chắc khỏe:

-Hương đã giới thiệu về tôi với anh rồi. Chúc mừng anh đến với Côn Đảo.

-Chào nhà văn, tôi đã đọc cuốn “Lời thề”,  “Duyên nợ” của anh.

Thành Ngọc tỏ ra ngạc nhiên, vui vẻ tiếp: Tôi cũng đã đọc mấy tác phẩm của anh. Tôi tâm đắc cách anh sử dụng tư liệu, dù có sắp xếp, có hư cấu nhưng không thay đổi bản chất sự việc đã xảy ra. Ồ, đúng như bà xã tôi nói, chúng ta có duyên tiền định.

Thành Ngọc kéo tôi ngồi xuống gốc cây dương đổ nghiêng giống chiếc ghế dài ở công viên. Cả ba chúng tôi cùng ngồi nhìn ra biển. Tiếng sóng ngoài kia thầm thì ca hát xen trong âm thanh vi vu đệm nhạc của hàng dương. Tiếng Thành Ngọc như gió thoảng:

- Tôi muốn nhờ anh chuyển đến mọi người một ý nguyện mà nếu không nói ra chắc là tôi sẽ ân hận mãi.

Thành Ngọc kể chuyện về anh, tôi tóm tắt như sau:

Hồi còn làm trong tòa soạn tạp chí Tiếng nói tự do anh có đăng mấy bài “Núi chúa là gì?”; “Sự tích bà cậu Côn Lôn” do anh sáng tác. Anh viết bài đó ở dạng lịch sử, nhưng vì để câu chuyện đi vào lòng độc giả, anh chọn góc nhìn duy tình …Xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù bọn Pháp xâm lược mà viết. Căn cứ vào Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có đoạn: “Mùa thu, tháng 7 (1783) Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở Côn Lôn, sai người đảng là Phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp ...”, anh tưởng tượng ra chuyện Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo, vua đóng trên đỉnh núi cao, cho khắc bàn cờ trên hòn đá để đánh cờ giải khuây với bộ hạ. Một đêm vua bàn với quần thần đưa hoàng tử Hội An, mới 7 tuổi làm con tin theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Chẳng may mẹ của hoàng tử là Phi Yến nghe được, bà nói với vua: “Việc nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn là chuyện tranh chấp nội bộ trong nước, ta không nên cầu viện nước ngoài can thiệp vào, dễ di họa về sau, nếu giành thắng lợi thì cũng chẳng vẻ vang gì, chưa kể sẽ bị nước ngoài khống chế, không giữ được độc lập, chủ quyền, còn mang tiếng đến muôn đời sau”. Vua nổi giận cho rằng Phi Yến thông đồng với Tây Sơn, bắt xử tử bà, may có đô đốc Ngọc Lân cầu xin, nhà vua mới bớt giận cho giam Phi Yến vào hang đá bên kia Sở Đầm. Nghe tin quân Tây Sơn đang kéo ra đảo, nhà vua hạ lệnh lên đường. Vì để cho nhẹ, đi cho nhanh nên nhà vua ra lệnh chôn lại vàng bạc châu báu trên đỉnh núi. Dọc đường hoàng tử Hội An không thấy mẹ, kêu khóc. Nhà vua nóng giận, ném hoàng tử xuống biển. Chuyện còn có chi tiết con báo đen và con vượn trắng  được mẹ con Phi Yến nuôi nên rất trung thành đã cứu bà Phi Yến ra khỏi hang đá và tìm xác hoàng tử chôn ở chân núi. Còn bà Phi Yến ở lại với dân làng Cỏ Ống, làm  nhiều việc thiện giúp dân, khắp vùng ai cũng quý mến bà. Tên Biện Thi thấy bà có nhan sắc, nửa đêm lẻn đến định giở trò sàm sỡ. Bà tri hô, dân làng bắt tên Biện Thi xử trảm. Nhưng bà Phi Yến cũng cho rằng thân  bị ô uế nên gheo mình xuống biển tự trầm. Bà Phi Yến trở thành tấm gương yêu nước. Còn Nguyễn Ánh bị người đời nguyền rủa vì “Cõng rắn cắn gà nhà”, là người cha ác độc, mất nhân tính. Để bài viết có tính thuyết phục, anh đã dùng hai câu ca dao cổ để gán ghép vào hoàn cảnh của mẹ con bà Phi Yến. Muốn thế bà Phi Yến còn có tên là Răm, Hoàng tử Hội An có tên là Cải mới hợp với câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.

Nhà văn Thành Ngọc thành thật: Tôi biết chuyện của tôi có nhiều điều vô lý... Lặng đi một lúc, nhà văn ngậm ngùi: Bài báo đã hại tôi. Sau khi Pháp chiếm lại Côn Đảo, chúng bắt tôi giam vào Hầm Xay Lúa, là nơi còn hơn địa ngục trần gian, phần lớn tù nhân giam ở đây bị “ngợp thở” mà chết trước khi bệnh lao kéo đến. Bọn Cò Út, Đoàn Công Thành là hai tên có thù với tôi, chúng âm mưu hãm hại tôi để trừ hậu họa. Chúng thẻ thọt với tên cò Pellier và cò Gimbert rằng Thành Ngọc là cháu mấy đời của vị cận thần vua Gia Long có giữ bản đồ kho vàng chôn trên núi Chúa. Chúng chứng minh với tên cò Pellier bài báo tôi viết có đoạn “Vừa nhốt xong bà thứ Phi Yến, bỗng có tin cấp báo: Quân Tây Sơn sắp tràn ra bao vây hải đảo. Chúa Nguyễn Ánh bèn tạm chôn một số vàng và ngọc ngà châu báu để lại trên đỉnh núi Chúa rồi tức tốc cùng đám tùy tùng đem cung quyến xuống mấy chiếc thuyền chạy ra đảo Phú Quốc”. Vốn tham, hai tên Cò Pháp tin là thật, chúng đưa tôi ra dỗ dành ngon ngọt, nếu tôi chỉ chỗ chôn kho báu, chúng sẽ chia cho tôi một nửa của cải khai thác được, đồng thời chạy giấy tờ cho tôi được tự do. Tôi sẽ có cuộc sống giàu sang. Dĩ nhiên làm gì có kho vàng. Tôi không chỉ ra được, chúng cho tôi tham, không chịu khai báo nên tập trung vào tra tấn tôi. Từ trò dùng cây ba trắc, roi gân bò đánh lên khắp người tôi đến dùng cây sắt nung đỏ, dí lên khắp người tôi. Chúng tra tấn tôi còn tàn ác hơn cả bọn cai ngục ở bót Catinat Sài Gòn hay bót Polo trong Chợ Lớn. Bọn tra tấn tù nhân với vai trò công vụ cũng khác bọn trả thù cá nhân đang tối mắt vì vàng bạc. Có bữa chúng còng hai tay tôi ra  phía sau rồi dùng túi ni lon trùm lên đầu tôi, thắt lại ở nơi cổ làm tôi ngộp thở ngất xỉu. Hễ tôi ngất đi, ngã xuống thì chúng lại tháo ra cho thở, được mấy hơi cho tỉnh rồi lại trùm túi ni lon lên đầu, tôi lại ngất xỉu, cứ như thế. Kiểu tra tấn này mệt vô cùng vì não thiếu ô xy nên đầu óc mụ mị đi, không còn nhớ gì nữa. Sau này ngoài bị thương tật do tra tấn, tôi còn bị bệnh hay quên vì kiểu tra tấn này làm chết rất nhiều tế bào não. Lúc tôi tỉnh lại vẫn nghe giọng đều đều của tên Cò Út: “Có khai không”. Tôi nghĩ, chúng mày bắt ông khai, thì ông khai đây. Tôi bảo chúng lấy giấy bút, tôi vẽ bản đồ để chúng đi mà tìm lấy. Tôi đã bị chúng tra tấn người mềm oặt như trái chuối chín rục, còn đi sao được. Tên Cò Út cả mừng vội đưa giấy cho tôi vẽ sơ đồ kho vàng chúa Nguyễn với nụ cười đắc thắng. Tên Đoàn Công Thành hỏi tôi “Nếu không đúng thì sao?” Tôi bảo chúng “Thì cứ về bắn tôi đi. Từ bàn cờ tướng của Nguyễn Ánh, nhìn về hướng đông mười thước, đào xuống hai mét sẽ gặp”. Bọn chúng tin là thật, sáng hôm sau đoàn của chúng gồm Gimbert, Cò Út, Đoàn Công Thành, cùng một toán rờ - sẹt cơm đùm cơm nắm hăm hở kéo nhau lên đỉnh núi Chúa. Bọn chúng bỏ ra ba bốn ngày đào xới, hì hục lật tung cả một vùng, chẳng thấy kho vàng đâu. Lúc đó bọn chúng mới biết tôi chơi trác. Dĩ nhiên là chúng căm giận tôi thấu xương. Nhưng tôi mặc kệ chúng, cùng lắm là tôi chết, mà chết đi còn nhẹ nhõm hơn sống bị tra tấn thảm khốc như thế này. Tên Gimbert cho người trói ké hai tay tôi về phía sau, kéo tôi lên khỏi mặt đất rồi thi nhau đấm đá. Khi thấy tôi không còn cục cựa mới hạ tôi xuống. Chúng không giết tôi chết vì còn sợ vợ tôi vốn quen biết nhiều người Pháp, cô ấy sẽ tố cáo chúng bên chính quốc.

Sau tên Cò Út lại thỏ thẻ với tên Gimbert: Hồi cuối năm 1945 Thành Ngọc đã đào kho vàng về giấu ở Sở Đầu Lâu, hắn ta đã thủ tiêu hết người đi đào vàng nên không ai biết.

Tên Gimbert lại tra tấn tôi, bắt tôi khai nơi chôn giấu vàng. Cái bi kịch của tôi là sự thật không có kho vàng, mà chúng lại tin là có, uy lực lại nằm trong tay chúng, nên tôi khai cũng chết mà không khai cũng chết. Nhiều lần tôi nói với chúng, chúa Nguyễn có chôn giấu vàng thật, nhưng khi đất nước thống nhất, chúa đã cho người ra thu về rồi, đâu còn để đến bây giờ. Nhưng tôi giải thích thế nào chúng cũng không tin. Tôi nghĩ thầm, nếu nói có chúng cho là không. Vậy thì hãy nói không, chúng sẽ cho là có. Quả nhiên thầy trò chúng lại tin là có, kéo nhau ra Sở Đầu Lâu đào bới cả mấy ngày nữa. Thất bại, nhưng lần này chúng không có cớ cay cú trả thù tôi vì tôi đã nói là không. Chỉ có tên Gimbert là bực mình, hắn trút hết sự tức giận lên lũ đệ tử ăn hại. Tuy vậy chúng còn hành hạ tôi một thời gian dài nữa vì cho rằng tôi giấu kho vàng để thủ lợi một mình.

Bỗng Hương lên tiếng:

- Lúc vô thăm nuôi ảnh, tôi không còn nhận ra ảnh nữa. Khắp người anh sưng vù, trông như con bê thui, mình mẩy đầy thương tích. Hồi nằm trong chồng cọp cũng không đến nỗi như vậy. Chúng đánh anh ấy mềm nhũn như trái dưa gang chín rục. Tôi vừa ứa nước mắt xót thương  anh vừa lẩm bẩm: “Sao anh lại phải khổ thế nầy”. Hồi bài báo của anh mới ra, tôi đã tranh luận với anh, không được nhân danh lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp để viết bài bóp méo sự thật. Chợt thấy mình nghĩ không đúng với người đang bị trọng thương nên an ủi anh: “Văn chương cũng cần sự trung thực, anh nhỉ”.

Thành Ngọc hắng giọng kể tiếp:

-Những trận đòn của bọn chúng dù cho có đau về thể xác nhưng tôi nghĩ, mình vốn duy tình, thành ra sai sự thật nên ráng mà chịu, còn vết thương tinh thần mình gây ra cho xã hội thì tôi không thể nào chịu nỗi. Không ngờ câu chuyện của tôi được lưu truyền như một truyện dân gian làm nhiều người nhớ. Đến năm 1958, Ông Nguyễn Kim Sáu, nguyên Trưởng ty Ngân khố Côn Sơn, đã cho dựng lên ngôi miếu trên miểu thờ “Thánh Mẫu Thiên Hậu” vốn là vị thần biển trong tín ngưỡng dân gian. Bằng chứng là hai bên trái phải trang thờ bà vẫn còn hai câu đối bằng chữ Hán “kể lại sự tích, công lao, đối tượng được thờ”. Rồi người ta dựa vào truyện của tôi dựng vở cải lương “Mẹ hiền con thảo”, lâm ly, lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Không ngờ rằng bài báo đã có tác dụng ghi địa danh ở Côn Đảo: Nơi Nguyễn Ánh đánh cờ thành Núi Chúa, dãy núi bên kia Sở Đầm gọi là Núi Bà, rồi miếu thờ bà Phi Yến, và miếu thờ hoàng tử Hội An, ngày nay được hiểu như là sự thật. An Sơn Miếu được công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Rồi lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 10 âm lịch tổ chức cúng tế rất linh đình...

Tôi chỉ có ý định viết dã sử, không ngờ người đời sau lại dùng nó để toan tính thay đổi lịch sử.

¶¶


-Chú ơi, dậy đi thôi - Tiếng của Cường, người hướng dẫn viên du lịch gõ cửa làm tôi bừng tỉnh. Tôi ngồi dậy và nhận ra đêm qua đã ngủ một giấc đầy mộng mị. Bộ quần áo viếng nghĩa trang Hàng Dương vẫn còn mặc nguyên trên người. Tôi vội vàng thay quần áo, rửa mặt rồi bước ra khỏi khách sạn. Nắng chói chang trên mặt biển. Đường phố rợp bóng mát bởi tán những cây bàng cổ thụ. Cửa hàng bán đồ lễ bày toàn hoa trắng, nón trắng, quần áo trắng....giăng khắp nơi. Cường chở tôi lượn qua mấy dãy phố rồi vòng lên Họng Đầm. Điểm đến là miếu Bà Phi Yến. Nhớ lại chuyện đêm qua người bỗng nổi gai ốc.

Người đến viếng Miếu Bà tấp nập. Người đi cúng đội mâm lễ gồm hoa quả, quần áo, hài, vàng mã... Tiền du khách nhét đầy thùng phước sương. Đông đến nỗi người đến sau vái lạy vào mông người đến trước. Khói nhang mù mịt, đèn nến lung linh. Cường thẻ thọt bên tai tôi: “Bà linh thiêng lắm, ai thành tâm cầu khấn điều gì bà đều phù hộ độ trì. Chú có thấy cây thị trước miếu, khoảng chục năm trước bão quật đổ, suýt đè sập ngôi miếu, nhưng nhờ sự linh thiêng của bà, cây thị đổ xuống gần mái miếu thì dừng lại”...

Tôi bước vào trong miếu. Tượng bà đang ngồi, phương phi trong áo màu xích đào thêu đoàn loan, cổ đeo tràng hạt khá to, thả dài xuống đến bụng. Bà đội mão thêu ngũ phượng, cài 10 trâm hoa, lấp lánh nhiều màu sắc. Trên cao, bức hoành phi có dòng chữ “Oai linh Nương Nương”. Bên dưới phía trong cũng là bức hoành phi bằng chữ quốc ngữ đắp nổi màu đỏ chói “Đức Bà Phi Yến”. Tôi chợt nhớ đến lời nhà văn Thành Ngọc đêm qua nên cố tìm đôi câu đối bằng chữ Hán nói về Thánh Mẫu Thiên Hậu- chủ nhân thật sự của ngôi miếu cổ này. Để ý kỹ mới thấy hai câu đối ở hai bên trang thờ, chữ màu đen trên các ô hình tròn nền màu vàng đã cũ:

Thánh đức phối Thiên an hải quốc”

Mẫu nghi xứng Hậu ấm Côn bang”.[1]


Tôi bừng tỉnh: Nhà văn Thành Ngọc ơi, tôi sẽ thực hiện ý nguyện của anh. Đã từng trả giá cho sai lầm của mình nên anh hiểu người cầm bút cần phải như thế nào.

NGUYỄN TRƯỜNG

Trại sáng tác Phú Yên 26/4/2023.

 

Chú thích:
Truyện có sử dụng một số cứ liệu trong hồi ký “Quần đảo Côn Sơn máu hòa nước mắt” của Sơn Vương, NXB Văn học 2007 và bài báo “Góp thêm tài liệu về An Sơn miếu ở Côn Đảo thờ ai?” của TS. Hồ Tường đăng trên tạp chí điện tử "Người đô thị" ngày 6/8/2022.

[1]Câu đối này hiện vẫn còn ở Miếu Bà.

Tạm dịch:

“THÁNH đức sánh THIÊN yên lành Hải quốc

MẪU nghi xứng HẬU ơn giúp Côn bang”

(Cao Vĩnh phiên âm, dịch nghĩa)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 6437)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 6312)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 6607)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 6542)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 6650)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 7228)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
19 Tháng Năm 20234:11 CH(Xem: 6226)
Ngày chị Tư gặp tôi ở San Jose, chị mừng ứa nước mắt hai hàng. Vừa lấy tay quẹt ngang mắt, cái điệu quen thuộc i như ngày xưa, chị vừa cười: - Gặp cô ba tui mừng quá à. Lâu lắm rồi tui mới khóc được. Vừa khóc mà vừa cười. Tôi nhìn chị trân trân. Chị Tư Trợn da đen nhẻm ẳm tôi ngang hông ngày xưa bây giờ trắng da dài tóc, không hẹn nhau trước chắc tôi không thể nhận ra. Lúc chia tay chị, tôi hỏi: - Em kể chuyện của chị được không? - Chuyện đời tui có chi đâu mà kể, dị òm. - Em kể chuyện mộ gió nha. - Ờ, cô ba còn nhớ chuyện mộ gió hả- mắt chị chợt buồn xa xăm- tui thì quên lâu rồi. Sao mà tôi quên chuyện mộ gió được.
30 Tháng Tư 20233:45 SA(Xem: 7242)
Con gái hắn, ở tuổi 17 đã hỏi sau một giờ học môn lịch sử: “Bố ơi, thế điều gì có tính quyết định khiến ông Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ạ? Sao còn trẻ thế mà ông ấy lôi cuốn được nhiều người vậy? Bí mật gì, hở bố?”.
12 Tháng Tư 20239:53 CH(Xem: 6589)
Có lẽ, phải vào lúc sống một mình giữa không gian tối tăm, sau hai ngày cả mấy cha con bị xích tay vào trại tạm giam, ông mới sực láng máng nhớ đến cái khái niệm “Tư tưởng của Ruồi” mà một nhà báo nhà văn có số má từng nói với ông gần 10 năm trước. Nó được thốt ra, đúng hơn là được nhắc lại, giữa men rượu Tây hảo hạng do ông chiêu đãi tại một restaurant sang trọng bậc nhất Sài Thành, giữa các nhà văn nhà báo ông sưu tập được qua mấy năm kinh doanh vào quy mô khủng, mà trung tâm là tay nhà văn cộm cán từng kiếm nhiều tiền nhất của gia tộc ông và các doanh nghiệp nổi như cồn, có biệt danh “Ruồi Trâu” do anh ta tự đặt.
20 Tháng Ba 20235:55 CH(Xem: 6307)
Lần đầu tiên anh đến, Mẹ chỉ nhìn anh một lần, từ góc nhà rồi im lặng.Trong khi cô quấn lấy anh, mắt môi ngơ ngơ chìm đắm. Đêm đó, nằm cạnh cô, mẹ khẽ khàng nói; - Khí chất nồng nàn, nhưng tính cách rất lạnh. Mắt rất lạnh nhưng tia nhìn lại giấu kín. Tia nhìn giấu kín, nhưng sắc bén như dao, xuyên thấu tâm can người khác. Con mắc nợ tiền khiên với người này.