- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngày Nhật Thực

09 Tháng Tư 20152:57 SA(Xem: 31864)


TangThanhHa 2
Ảnh Phạm Hoài Nam

         
               Ở thị trấn Phụng Hiệp Hậu Giang có một cồn đất lạ - Cồn Tiên nổi chính giữa dòng sông Ngã Bảy. Chếch lên vài mét, theo hướng Đông- Bắc, lồ lộ một vòng xoáy nơi hội tụ bảy dòng kinh nước ngọt. Vài năm trước, đúng ngày nhật thực, ngày mặt trăng cưỡng hôn mặt trời, đất tối sầm hỗn mang, dân thị trấn bạt hồn bạt vía khi thấy những đám ma trơi dập dờn mặt nước sông, kinh hoàng, vài cột nước sủi bọt dựng đứng tại vòng xoáy, kèm theo tiếng nổ lác đác và xác dăm con cá sấu (sổng chuồng) banh thây đỏ ngầu. Người duy vật chép miệng dạy đời. Bày đặt, ba cái đám lân tinh và khí metan nổi giận từ đáy sông, chứ có gì đâu. Kẻ duy tâm lại thì thầm, hồn ma cậu Chín đó. Ổng đang dằn vặt về hai chữ hạnh phúc. Chết rồi, chẳng được yên thân, phải ray rứt vì tiếng đồn tằng tịu với dì Cúc, oan nghiệt.

Dì Cúc nê cái bụng bầu bảy tháng lặt lè chăm vườn hoa cúc trắng. Chỉ có Dì mới được sờ vào hoa, bất kể ngày đau ốm. Hai hàng hoa cúc trắng tạo thành lối đi zích zắc, rắc rối như cuộc đời của dì, chạy từ ngõ tận hiên nhà. Bây giờ chòm xóm đã quen dần cái bụng lúp xúp của dì. Dăm tháng trước, tin dì có bầu chấn động cả thị trấn nhỏ bé có duy nhất một con lộ. Dì không có chồng lẫn bạn trai mà có bầu. Nhiều người thấy dì từ xa đã lườm nguýt, bỏ đi mười thước vẫn còn nghe tiếng vọng khinh miệt, cô giáo mà chửa hoang (dù bây giờ dì chẳng còn dạy ai). Còn sắp nhỏ, thấy dì liền a lại, nhìn chằm chằm vô cái bụng bầu như nhìn người ngoài hành tinh. Thế nhưng dì vẫn bình thản, xem mọi chuyện nhẹ như sương sớm mai. Mẹ dì nhắc sao con cứ im lặng hoài. Dì chỉ cười, nhìn ra song cửa, rồi cắm cúi may áo quần.

          Cay độc hơn, dân thị trấn ác ý đồn tác giả bào thai chính là cậu Chín. Nhà cậu và dì gần như đối diện trên con đường chạy ngang chợ lúc nào cũng tấp nập, nhầy nhụa, và nhão nhẹt đầy dấu chân người. Chẳng qua bảy tháng trước, dì lên thành phố nghỉ hè nhằm lúc cậu lên đó dưỡng bệnh. Miệng thế gian quái lạ, cậu bị ung thư bao tử giai đoạn cuối, sao làm cha được chứ. Dì có vào bệnh viện ung bướu, cầm tay cậu mà khóc. Khóc vì bệnh, chỉ vậy thôi.

 Nhà cậu có hai mặt tiền. Phía trước buôn bán tấp nập ồn ào, đầy tiếng trả giá, la hét, chửi, vì hỏi mà không chịu mua. Những âm tạp nham, lắm khi lừa đảo của thời nói thách bán gian. Phía sau nhìn thẳng ra sông luôn ngập tràn gió mát yên tịnh, bông lục bình tím lặng lờ trôi theo con nước. Hai mặt tiền trái ngược nhau như hai mặt đối lập của cuộc đời, bất hạnh và hạnh phúc. Từ hiên nhà sau, thấy rõ mồn một Cồn Tiên và vòng xoáy giữa sông. Khi say cậu thường phán. Đó, hố đen sâu thẳm của nhân loại, nơi chôn vùi tất cả bất hạnh của con người. Con cháu phân trần, lỗ đen chứ. Cậu cười, tụi mày trẻ dại. Trong vũ trụ mơ hồ kia, mới gọi lỗ đen. Chứ trên mặt đất, mặt sông thế này, phải gọi hố đen chứ. Đây chính là trung tâm của miền đất chín con rồng. Nói xong, cậu Chín lại cười hà hà ra vẻ đắc ý.

          Cậu đang nửa ngồi nửa nằm trên chiếc ghế đu, miệng nghêu ngao vài câu vọng cổ bài Tình anh bán chiếu. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên dòng kinh Ngã Bảy...Bàn chân trái giả của cậu (bị tai nạn lúc hoảng loạn năm bảy lăm) vẫn đung đưa muồi lắm theo năm nốt đàn Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Ai ngờ, bàn chân trái ấy lại song hành với giàu sang. Số là những năm tháng khó khăn cuối thập niên bảy mươi, cả dòng họ Nguyễn Tiên đều vượt biên. Cụt chân nên đành ở lại, thế là, khi không thừa hưởng mọi tài sản của dòng họ. Có bột mới gột lên hồ. Cậu giàu, phất lên từ đó.

          Dì Cúc thần tượng cậu dữ lắm. Cái gì cũng anh Chín. Thời trung học, cô bé Cúc nhà bên vẫn qua anh hàng xóm học lóm vài con chữ. Nhưng dì vẫn kính nhi viễn chi thôi, đâu dám mơ tưởng gì. Khi cậu dời nhà từ Cần Thơ về miệt Phụng Hiệp này, cậu đã yên bề gia thất. Cậu Chín lấy vợ sớm. Mới mười chín tuổi, ông nội đã dạm hỏi trầu cau đám cuối xóm. Ngày rước dâu, nghe đâu nhiều nàng ở Cần Thơ phải dấu lệ trong mắt. Rồi dì phải lòng anh kĩ sư thành phố về Phụng Hiệp sửa cầu Trắng.

          Năm đó, dì đang dạy học môn tiếng Anh ở trường cấp hai trong thị trấn. Thời sau Tết, mùa bông lục bình nở nhuộm tím ngát cả dòng sông. Màu bông tim tím giản dị, tinh khiết, nổi bật lên bên cạnh màu xanh mướt của lá. Lúc còn tuổi thơ dại, dì thường mơ mộng làm cô dâu phải cài bông lục bình tím… Đang vớt lục bình mà mắt dì len lén nhìn vào bờ. Vớt hoa lên ghe, hoa lại rớt xuống mặt sông. Mèn đéc ơi, hôm nay là ngày gì vậy cà. Dì thảng thốt. Trái tim của dì như muốn nổ tung. Máu trong người cứ rần rần. Chết thật. Có người đang tắm. Đúng ra chàng trai. Bắp tay ấy, vòng ngực ấy cứ cuồn cuộn nhấp nhô theo giọng hò.

          Hạnh phúc đang len lỏi trong tận trái tim của dì, nhưng Mẹ cứ nhắc hoài. Con trai thành phố khó tin. Đêm cuối tháng, trời tối chẳng thấy mặt người. Dì và anh kỹ sư lặng lẽ chèo ghe ra Cồn Tiên. Ảnh đi trước, gạt những đám cỏ tranh cao qua đầu người, cứ thế mà đi. Tình yêu có lí lẽ của nó. Người thường đố ai dám ra cồn buổi tối. Rắn đầy. Hai tay nắm chặt mái chèo. Vùn vụt, chỉ ba nhát phang, mấy cây cỏ tranh ngã gục đủ khoảng trống cho hai người. Hơi thở nóng, nỗi sợ rắn, khiến hai người nhích lại gần nhau. Cứ mỗi lần anh kỹ sư đưa tay qua, dì phải giữ riệt tay ảnh lại, quyết không cho qua vùng rốn. Hơi thở dì cứ dồn dập, hổn hểnh. Đến lần thứ năm, dì không còn tay mà giữ tay người … Vì hai bàn tay lại ôm chầm đôi mắt. Ánh sáng chói lòa. Không phải trời đầy sao, mà hàng trăm ngọn đuốc từ mặt sông liếm dần lên cồn đất. Giọng the thé đàn bà cất lên. Kiếm cho tao con Bạch Cúc. Người người chạy rần rần vang cả khúc sông. Bóng người đổ dài lên người dì. Có lẽ bóng không bao giờ đuổi kịp người, may mắn, chẳng ai nhìn thấy nhau. Dì hốt hoảng nhảy ùm xuống sông, lặn một hơi vô bờ. Đến nhà. Hoàn hồn, dì mới biết người ta đi đánh ghen. Ai ngờ anh kỹ sư đã có hôn thê tận Sài Gòn.

Dì tê tái tận cõi lòng. Tan nát. Ban giám hiệu trường lại băm nát tim dì lần nữa. Kiểm điểm. Chuyện đánh ghen vô cớ đã làm nhà trường bị tai tiếng. Bất hạnh đã đánh úp, đo ván dì một cách nghiệt ngã trong thời khắc dì không bao giờ ngờ đến. Dì quăng giáo án, quăng viết, về nhà dùng phấn, mở tiệm may. Dì chẳng còn tin ai, kể cả bản thân. Dì cũng chẳng buồn khóc. Tuyến lệ có lẽ đã khô cháy hết trong thời khốn khó ngày xưa. Hạnh phúc mãi đi tìm, còn bất hạnh chỉ là kẻ không mời mà đến.

Nhắc lại dì Cúc. Cậu chỉ cười lặng lẽ. Cái bao tử đang hành Cậu dữ quá. Tiếng cười ngạo mạn ngày xưa đã vắng trên môi. Số con Cúc vậy mà khổ. Đã bốn mươi tuổi già, bỗng nhiên mang tiếng thị phi. Hạnh phúc đâu có ngọt ngào dễ nắm bắt, mà xù xì trơn tuột lắm. Hạnh phúc như giọt mưa. Thấy, nhưng không thể hứng chặt giọt nước trong bàn tay. Đối với cậu, hạnh phúc, chẳng qua, trò chơi đong đầy của tạo hóa. Đạt hạnh phúc, thế nào chẳng sớm thì muộn cũng nếm mùi bất hạnh. Con người chính là sự kết hợp tinh tế của hai cỗ máy hạnh phúc và khổ đau. Đơn giản, trần tục vậy thôi. Cậu ném xuống sông hết ba cái định nghĩa khác về hạnh phúc của mấy triết gia. Ai mà còn tin họa là phúc, phúc là họa, phúc là những gì sau khi cho… vớ vẩn, rối rắm.

Cậu biết đời mình chỉ còn đếm từng ngày. Ung thư đã di căn khắp nơi. Lòng cậu thanh thản lắm. Người giàu nhất thị trấn, hỏi sao không hạnh phúc. Đời cậu cũng phiêu bạt giang hồ. Ngoài kia xô bồ, căng thẳng, ganh tị quá. Cậu bằng lòng ở cái miệt nhỏ này. Trong thị trấn, chẳng ai dám gọi cậu thằng cụt. Ai nấy đều cung kính một anh Hai, hai anh Hai. Từ phía sông, làn gió đêm chợt ùa vào nhà, đong đưa mành sáo. Tiếng chuông gió ngoài hiên leng keng lạnh lùng như đang nguyện hồn ai. Lảm nhảm một hồi, cậu thiếp đi với nụ cười viên mãn.

Đêm sắp qua. Chú đại bàng xanh nuôi trong nhà bỗng dưng vỗ cánh ầm ĩ, kêu thất thanh, bay về phía cồn Tiên. Cậu Chín qua đời đúng mười một giờ năm mươi chín phút khuya. Thời khắc cuối cùng ngày nhật thực. Ma chay xong, dân thị trấn giật mình. Tấm bảng tiệm may Bạch Cúc không còn. Hàng hoa cúc trắng xơ xác như vườn hoang.

Đêm cậu mất, dì Cúc chuyển dạ dù thai chưa đủ ngày đủ tháng. Phụ nữ lớn tuổi sanh con đầu lòng nhiều bất trắc. Dì sanh mổ, mệt, thiếp đi. Nhìn con, dì rất hạnh phúc, rồi ngất. Nước da trắng, khuôn mặt khôi ngô ấy, sao mà giống cậu Chín như hai giọt nước. Kể cả bàn chân trái bị teo (tuổi lớn sanh con dễ bị tật), giống như bàn chân trái cụt của cậu.

Căn nhà mặt tiền chợ dưới quê vẫn không bằng giá căn nhà xập xệ cấp bốn ở Sài Gòn. Dì bán hết những gì ở quê rồi cả nhà líu ríu lên thành phố. Mái nhà tôn, những đêm mưa, tiếng mưa rơi lộp bộp, buồn thê thảm. Từng giọt mưa rơi nháo nhào, rồi văng xa trên mái nhà, nghe như tiếng đồng hồ đếm thời gian. Dì không biết phải đếm xuôi hay đếm ngược để trông chờ hạnh phúc. Nhiều đêm hai mẹ con thủ thỉ với nhau. Con hỏi Mẹ. Con có cha không Mẹ. Ai cũng có Cha, con à. Cha con bỏ chúng ta đi xa lắm rồi. Dì vuốt lưng thằng bé, rồi thở dài xa vắng. Hay tiếng mưa buồn thế này, Cha đành ra đi. Thằng bé buông một câu nghe già chát.

 Thằng Mười, dì đặt tên con tỏ lòng kính trọng cậu Chín, càng lớn càng giống cậu. Nụ cười móm duyên, cái dáng đi liêu xiêu vì có tật bên bàn chân trái, không lẫn vào đâu được. Mười học rất giỏi, trừ cái tội hay lảm nhảm một mình, lúc trời chạng vạng. Có khi nào con mình mắc bệnh tự kỷ. Dì hay nghĩ thế. Ai ngờ, Mười có khả năng ngoại cảm.

Một hôm, Mười hớt hải chạy về. Hỏi Dì dồn dập. Cha con là ông Chín giàu nhất ở Phụng Hiệp, phải không Mẹ? Dì nghe mà toàn thân lạnh ngắt. Bất hạnh sao cứ theo hoài.

Mười tần ngần đứng trước căn nhà lầu năm tấm cao nhất thị trấn. Nhà cậu Chín. Mợ Chín nhìn Mười, nhìn lên bàn thờ, rồi xỉu. Thiên hạ đua nhau đến nhà mợ Chín xem đứa con rơi. Chẳng còn ai ở nhà, kể cả đám con nít. Nhìn cảnh ấy, Mười tẻn tò te, rồi tót thẳng ra Cồn Tiên. Phải sau năm buổi chiều nhập nhoạng, Mười mới gặp được hồn ma cậu Chín. Chợt nhìn thấy Mười, hồn ma chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than. Bất hạnh đúng là kẻ vô tình, không mời mà đến. Làm sao ta có thể có con rơi thế này. Mà lại con với dì Cúc nữa. Hồn ma muốn khóc mà không được. Ma đâu có nước mắt.

Dòng họ Nguyễn Tiên mở cuộc họp báo độc nhất vô nhị tại Phụng Hiệp. Nhằm thanh minh cho người sống lẫn người đã khuất. Cả thị trấn vui như hội. Mười chẳng có cha, xét về mặt giấy tờ. Mười là kết tinh nền y học hiện đại, con thụ tinh nhân tạo. Năm đó, dì Cúc lên trung tâm hiếm muộn, đòi cho được tinh trùng người miền Tây. Người miền Tây đâu có thói quen hiến tinh trùng. Trong ngân hàng tinh trùng chỉ có một mẫu. Ngẫu nhiên hay oan nghiệt lại của cậu Chín. Dân thị trấn nhao nhao hẳn lên, quyết nhìn cho được mảnh giấy xác nhận của bệnh viện. Chỉ có dì bình thản nhất. Ai trố mắt chuyện ngộ quá. Dì cười. Ai xin lỗi vì lâu nay nghĩ oan. Dì cũng cười luôn.

Mười là con cậu Chín, theo di truyền học, dù hồn ma chẳng lấy dì Cúc bao giờ. Ngoài đời, nhìn Mười, người người đều nói con ông Chín. Hồn ma ray rức. Đâu nỡ để con nghèo khổ. Mà bây giờ hồn ma làm được gì nữa. Chết chưa phải là hết. Bất hạnh thật dai như đỉa. Hồn ma thăng nhưng lòng vẫn day dứt.

Rồi Mười mất tích.

Người duy tâm rỉ tai nhau. Có ông lão đánh cá thấy Mười lân la trên cồn Tiên đúng ngày nhật thực. Hồn ma nắm tay Mười bay, bật trên mặt nước sông đúng chín bước. Rồi cả hai rơi tõm xuống vòng xoáy, mặt sông chỉ còn đám bong bóng nước vật vờ. Kẻ duy vật tặc lưỡi lần nữa. Vẽ chuyện, mợ Chính đưa Mười qua Úc du học, chứ đi đâu mà mất tích.

Kể từ đó.

Không còn đám lửa lân tinh bùng cháy trên cồn Tiên.

Không còn cá sấu sẩy chuồng từ trại nuôi giống.

Không còn vòng xoáy trên dòng sông Ngã Bảy.

Chiếc cầu mới, mở đường quốc lộ chạy vòng quanh thị trấn (nay thị xã Ngã Bảy), đã uốn dòng chảy của sông. Có lẽ chẳng còn bất hạnh cho con người. 

Oan nghiệt dòng họ Nguyễn Tiên đã lắng. Những chiều buồn, dì Cúc thường ngồi một mình trên chiếc ghế đẩu trước hiên nhà, mỏi mắt ngóng  đứa con trai về. Bão trong lòng dì như đi cùng với những đám mây vần vũ ở trên đầu. Cơn mưa giải hạn đang về. Nhất định dì phải về miệt Phụng Hiệp, mua lại căn nhà xưa. Dì mơ về vườn hoa cúc ngay ngắn đẹp như tranh.

Mỗi lần đám giỗ cậu Chín, hiện một nhành hoa cúc trắng tinh khiết e ấp nằm sát bên mộ phần.

THÁI BẢO

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 15024)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 15049)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14994)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15496)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17811)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19535)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 14035)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16649)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15812)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15901)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.