- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI GÁC CỔNG

23 Tháng Ba 20152:49 SA(Xem: 31904)
LinhGac
(Lính gác - Ảnh Internet)



       Tôi đứng gác cổng. Cánh cổng phía ngoài tòa kiến trúc. Công việc đã từ lâu và tôi nhận nó cũng từ lâu. Cánh cổng này chỉ có mình tôi đứng gác và vì thế tôi không được phép lơ đễnh. Tôi được trang bị đầy đủ những loại vũ khí để đối phó với những kẻ có ý định xâm nhập. Những món vũ khí đều là loại tối tân và cần thiết cho những cuộc chiến bắt buộc. Bộ quần áo tôi mặc được làm từ loại vải chỉ có ở tòa kiến trúc. Chất vải mềm nhưng rất bền và dẻo dai, khi cần thiết các lớp áo vải sẽ cộm lên và cứng cáp như áo giáp. Bộ trang phục này không gò bó tôi và tôi vẫn có thể vận động theo ý mình. Những lưỡi dao giắt bên hông rất bén, khẩu súng, cái móc, kìm chích điện cũng đều là những dụng cụ sát thủ. Tôi được toàn quyền sử dụng.    

   “Nào, hãy tránh ra.” – Từ phía ngoài, một người đàn ông cao lớn hô và tôi gật gù, mở cánh cổng ra. Người đó bước vào và rất mau chóng biến mất sau cánh cửa.

Nơi tôi đứng gác là cổng chính. Một cánh cổng lớn, đúc bằng thép. Nó rất rắn và dày tới mức cản được cả xe bọc thép nhưng cũng vì vậy mà tôi sẽ khó khăn trong việc đóng mở cánh cổng. Tôi không ước tính nổi chiều cao và bề rộng của cánh cổng vì khi đứng đó tôi trông rất nhỏ bé.

     Cánh cổng này là một phạm vi quan trọng của tòa kiến trúc. Nó được đặt ở ngoài và che chắn cho tòa kiến trúc. Tôi đứng gác từ rất lâu, và như đã nói công việc này tôi nhận từ lúc còn trẻ. Vóc người tôi cao lớn và tráng kiện, tôi đã từng tay không đánh chết một bầy sư tử và vì thế tôi có đủ sức khỏe để làm việc cho tòa kiến trúc. Một thời gian dài, tôi phải vất vả để ngăn chặn những cuộc xâm nhập vào tòa kiến trúc. Luôn có những cuộc hỗn chiến và tôi luôn giành chiến thắng. Những kẻ tìm tới tòa kiến trúc này đều sống ở xa ( tôi chắc vậy vì họ đã mang theo cả hành lý.) và với những lời quen thuộc như “Hãy cho tôi vào gặp người trong tòa kiến trúc”, “Tôi muốn vào trong”, “Tôi có một vật cần chuyển vào trong.” – Tôi không dễ gì mà tin vào những lời nói đó. Tôi không phải một người đưa thư, càng không phải thuyết khách hay một cố vấn về tâm lý, tôi là người gác cổng và bảo vệ cho tòa kiến trúc là nhiệm vụ của tôi. Khi mọi thuyết phục thất bại, họ nhao nhác cả lên và trở nên hung dữ. Những người đó thường đi theo nhóm và kết thành một đám đông. Họ gào thét, nhào tới như muốn xô đổ cánh cổng.

     Những món vũ khí mà tòa kiến trúc đã trang bị cho tôi đều có sức mạnh và vì thế không mấy khó khăn để triệt hạ đám ô hợp này.

     Nhiều lần, sau khi hạ gục đám người, thân thể tôi ướt đẫm máu. Tôi vẫn án ngữ trước cánh cổng. Hai chân tôi trụ vững như cắm rễ xuống đất.

     Dưới chân tôi là những xác người nằm ngả nghiêng. Nhiều thân thể ôm lấy nhau, co quắp như loài gấu ngủ đông. Một cái xác ở gần phía tôi đã nát bấy nhưng cánh tay với vài ngón đứt lìa vẫn vươn về phía cánh cổng. Chúng chỉ vươn tới đó.

     Máu nhuộm đỏ đôi bàn tay tôi. Khẩu súng tôi cầm trên tay vẫn nóng rẫy, đầu súng chúc lên, giật giật như còn muốn khạc đạn.

     Tôi luôn đứng ở ngoài, trước cánh cổng lớn dẫn vào tòa kiến trúc. Cả những ngày nắng, mưa bão hay chớp giật tôi vẫn đứng ở đó. Điều này chẳng đáng bàn gì vì thể lực của tôi rất tốt. Những gì ở bên trong nằm ngoài công việc của tôi. Thực ra tôi sẽ vẫn gác ở đây, nhưng việc quá nhiều người tìm tới và mong đợi được vào tòa kiến trúc đã phần nào khơi dậy trong tôi chút tà tâm về một sự xâm nhập. Có gì ở trong? Một cuộc thăm viếng hay điều gì khác mà tôi chưa rõ về tòa kiến trúc. Lý do gì khiến đám người kia liều mạng để xông vào.

     Những lúc mở cánh cổng ra để những người làm việc trong tòa kiến trúc đi vào tôi đã từng nhìn vào bên trong. Điều đó vụt qua mau như một ánh chớp. Nhưng tôi đã thấy một khối hình rất lớn trong đó. Nhiều lần tôi đã cố ý mở hoặc đóng cánh cổng thật chậm để có thể nhìn tòa kiến trúc kỹ hơn. Việc này nằm ngoài nhiệm vụ của tôi và sẽ là phạm tội nếu tôi làm vậy, nhưng có thứ gì đó đã thôi thúc và chế ngự tôi. “Tôi là người gác cổng, tôi không thuộc tòa kiến trúc kia nhưng tôi muốn biết...” – Tôi nghĩ thế và buông mình theo cái suy nghĩ đó. Cặp mắt tôi nhìn vào, cố thu gọn khối hình khổng lồ đó vào trí nhớ. Nhưng có thứ gì đó đã che phủ tầm nhìn và tôi không thấy được gì ngoài một khối hình to lớn nhưng mù mờ. Rõ ràng không phải sương mù, cũng không phải tòa kiến trúc xây cách xa cánh cổng tôi gác. Tòa kiến trúc cố định sau cánh cổng lớn và tôi biết nó rất lớn, có tầm vóc như những vị thần Titan. Chỉ là tôi không thể nhìn thấy rõ.

   “Anh trở nên chậm chạp từ bao giờ vậy.” – Một người trong tòa kiến trúc nói khi tôi đang nhòm mắt vào bên trong, qua một khe hở trên cánh cổng. Ông ta bên trong, tôi bên ngoài. Sau đấy, ông ta xòe tay, tôi không thấy gì nữa. Tôi trở về thế đứng thẳng. Tiếng bên trong vẫn vọng ra. “Anh là người gác cổng, bổn phận anh là thế và hãy ở đó đi.” - Câu nói đó chạy vào tai tôi và vang lên rất lớn. Mọi suy nghĩ bị thứ âm thanh đó nghiền nát và thứ còn lại trong tôi là một điều răn của kẻ bề trên.

     Cái kẽ nứt trên cánh cổng đã được bít lại bằng một miếng thép tinh luyện. Cánh cổng thế là hoàn hảo, không một kẽ hở. Tôi vẫn biết sau cánh cổng có người đứng.

     Ngày hôm nay có một vị khách lạ tìm tới cánh cổng dẫn vào tòa kiến trúc. Người này ngồi xe lăn và chỉ một mình. Gương mặt vị khách này chỉ còn lại một lớp sẹo xù xì, lớp da còn lại gần như đã bong ra hết và cái mũi cũng rụng đâu mất, để trơ ra hai cái hốc đen ngòm. Môi người này nứt nẻ, một vài cái răng đã bị gãy. Vết thương ở cổ mà giờ đã thành sẹo khiến giọng nói người này méo hẳn đi và khàn đục như người bị ngạt mũi. Lớp da nứt nẻ, vài sợi tóc bạc mỏng mảnh còn sót lại trên cái đầu trọc đã giúp tôi biết được đây là một người đàn ông và ông ta đang tuổi già.

   “Hỡi người gác cổng, hãy cho tôi vào trong.”

   “Tòa kiến trúc này không dành cho ông đâu, hãy về đi.”

   “Tòa kiến trúc này không có chỗ cho tôi nữa - Người lạ mặt nói – Nhưng tôi muốn anh biết rằng tôi cũng từng có mối liên hệ với tòa kiến trúc, từ rất lâu. Anh hãy cho tôi vào hoặc hãy giúp tôi gặp một ai đó làm việc trong tòa kiến trúc.”

   “Tôi là người gác cổng và công việc tôi là gác cổng. Xin thứ lỗi, tôi không giúp được gì.”

     Người lạ mặt lấy trong chiếc túi mang theo một chiếc hộp. Ông ta đẩy chiếc xe lăn, tiến gần về phía tôi. Tôi nhìn thấy rõ hơn những vết lở loét trên khuôn mặt ông ta.

   “Hãy giúp tôi chuyển nó vào trong. Hãy coi đây là một lời thỉnh cầu.”

   Đôi mắt ông ta mang vẻ buồn bã. Tiếng nói ông ta đứt quãng dần vì những cơn ho. Tôi nghe thấy tiếng gõ cửa bên trong và như mọi lần tôi quay ra và đẩy cánh cửa nặng nề sang một bên. Một người đàn ông đi ra. Cũng như hầu hết những người tôi đã từng gặp trong tòa kiến trúc, tất cả đều mặc một bộ đồ kín mít. Họ mặc nhiều loại áo khác nhau, với đủ loại màu sắc, phụ kiện nhưng tất cả đều phải cố định trong khuôn mẫu một trang phục kín kẽ. Họ có đeo găng tay, cổ quàng một chiếc khăn mỏng, màu sắc của mỗi loại khăn có thể giúp tôi phân biệt được giới tính từng người trong tòa kiến trúc. Thứ duy nhất ló khỏi lớp vải là cái đầu nhưng thường thì một số người chùm một lớp vải để che đi gương mặt, số khác thì đeo kính hoặc kéo chiếc mũ liền áo. Chẳng thể nhìn rõ được họ. Có nhiều người đã để đầu trần, như người đàn ông đang đứng trước mặt tôi đây nhưng tôi chẳng tài nào có thể ghi nhớ khuôn mặt đó quá lâu. Đôi mắt, cái mũi, độ tuổi hay một dấu ấn để phân biệt giữa người này với người kia tôi đều không nắm được, nhưng tôi biết những người họ là chỉ huy của tôi và tôi phải trung thành phục tùng.

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc nhìn tôi và người lạ mặt.

   “Người này chắc hẳn không phải là khách hoặc ai đó tôi biết trong tòa kiến trúc. Và này, anh lại quên mất nhiệm vụ của mình ư.”

   “Hãy mở cửa ra, ta muốn vào trong đó! – Người lạ mặt nói, nhìn chằm chằm về phía người đàn ông vừa bước ra.”

   “Tại sao chứ! - Ông ta nói – Ngươi phải biết tòa kiến trúc không tiếp người lạ.”

     Người lạ mặt đưa chiếc hộp khi nãy ra.

   “Ta biết. Nhưng có lẽ ông cũng biết tòa kiến trúc này vốn được tạo ra vì một cộng đồng. Chiếc hộp này, xin hãy nhận lấy, mọi thứ trong đó đều là của ông, trừ những tờ giấy. Hãy làm ơn chuyển tới tầng cao nhất của tòa kiến trúc.”

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc cầm lấy chiếc hộp. Ông ta nhìn ngắm nó hồi lâu.

   “Được thôi, ta sẽ nhận lấy nó, nhưng ta phải nói trước bây giờ thì ngươi chưa vào được đâu. Ngươi sẽ còn phải chờ.”

   “Tôi đã chờ lâu lắm rồi…”

   “Ta làm việc trong tòa kiến trúc, nhưng nói để ngươi rõ, ta ở tầng hạ. Tòa kiến trúc còn nhiều tầng lắm và ta khuyên ngươi hãy tiếp tục chờ đợi.”

Người đàn ông trong tòa kiến trúc nhìn người lạ mặt. Bốn mắt chạm nhau. Không gian im bặt. Thật khó để kết luận một sự thiện ý gì ở con người quyền uy kia vì tới lúc này khuôn mặt thực của ông ta vẫn vô định như chưa được tạo ra.

   “Được! Ta sẽ về. – Người lạ mặt nói, cặp mắt ông ta vằn lên những tia đỏ rực – Nhưng ta sẽ còn quay lại, và các ngươi nhớ là thế.” Ông ta ho vài tiếng và chiếc xe lăn đi. Cái bóng nhỏ xíu đổ dài xuống con đường rồi tắt ngóm.

   “Sao ngài không mở cửa cho con người khốn khổ đó.”

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc vẫn đứng quay lưng về tôi. Ông ta từ từ đáp.

   “Công việc của anh là gác cổng. Anh quên rồi sao.”

   “Tòa kiến trúc này được một tập thể tạo ra, hoàn toàn không thuộc sở hữu của bất kì ai.”

   “Này người gác cổng! Anh quên mất vị trí của mình rồi đấy.” 

   “Tôi biết. Tôi là người gác cổng, nhưng xin nhớ rằng tôi cũng là người bảo vệ cho tòa kiến trúc và vì thế tôi cũng có quan hệ với nơi đây.”

     Tôi rút súng. Nòng súng hướng về người đàn ông. Ngón tay tôi giữ lấy cò. Chưa kịp kéo cò thì khẩu súng đã tan biến, trong tay tôi. Khi sờ bên hông thì con dao và chiếc kìm chích điện cũng đã biến mất. Bộ quần áo đặc dụng mà tòa kiến trúc trang bị cho tôi co dần lại và cứa vào da thịt. Các lớp vải bó quá chặt khiến tôi không di chuyển được. Phần vải phía dưới chân chùng xuống mang theo sức nặng ngàn cân. Cặp chân tôi đã không còn nằm trong sự kiểm soát của thân thể và bắt đầu trượt xuống. Đầu gối tôi lún xuống đất.

   “Anh là người gác cổng, hãy nhớ như vậy. Tôi không mong chuyện này tái diễn một lần nữa đâu.”

     Người đàn ông quay lưng lại và đi về phía cánh cổng. Ông ta đi gần tôi, đi qua tôi, đi xa tôi và vào sâu trong tòa kiến trúc. Chiếc bóng của ông ta vẫn kéo dài về phía sau, nó to lớn hơn cỡ người vốn có của ông ta. Người đàn ông này và những người khác, to lớn và quan trọng hơn trong tòa kiến trúc mỗi khi đi đều có một cái bóng dài đổ dưới chân. Đây là điều không lạ nhưng cái bóng của họ luôn lớn hơn tôi. Mỗi khi họ đi qua và vô tình tôi lọt vào chiếc bóng đó, thân thể tôi bị thu nhỏ lại. Tôi kẹt ở chiếc bóng và những vùng tối quanh chiếc bóng vẫn tiếp tục tràn ra. Chúng phủ quanh tôi và tôi bị nhấn chìm...

     Cánh cổng đóng lại dù tôi vẫn sụm gối một chỗ.

     Chiếc áo giãn ra và tôi bắt đầu cử động được. Tôi sờ bên hông, khẩu súng vẫn ở đó. Cả con dao mà tôi luôn tìm kiếm lúc trước cũng trở về bên tôi. Tôi muốn quay người lại và mở toang cổng bằng đôi tay mình nhưng tôi không tài nào nhúc nhích được. Tiếng xương vỡ cùng cơn đau thấu tim không giúp tôi quay được nửa thân người. Lớp quần áo bó lại rất chặt mỗi khi tôi gồng sức. Sức lực của tôi bị hút đi và nguồn sinh lực tràn trề mà tôi có là của bộ trang phục. Tôi không còn nhúc nhích được chân. Ngón tay đặt nơi nòng súng đang chĩa vào thái dương cũng không còn là của tôi nữa.

     Bộ trang phục tối thượng một lần nữa dịch chuyển các lớp vải và cố định tôi vào tư thế đứng thẳng người.

     Tôi nén một hơi để hét lên một tiếng thật lớn. Không chắc tiếng hét có thể di chuyển được cánh cổng nhưng nó sẽ đánh động tới ai đó đang trên đường tới đây. Tiếng hét tắc nghẹn trong cổ họng. Tôi chẳng thể phát tiết thứ âm thanh đó ra ngoài vì miệng tôi đã bị chính tay tôi bịt lại. Tay còn lại bóp lấy cuống họng tôi. Những con chữ đáng lẽ vang ra ngoài bị chặn đứng lại. Tôi đẩy thêm hơi, bàn tay đang bóp nơi cuống họng xiết chặt thêm. Hơi thở tôi bị ngăn lại. Chút sức lực cuối cùng. Tôi lấy hết hơi thở. Mắt tôi vỡ tung thành hai cột máu. Bộ quần áo vẫn bó xiết tôi lại. Không thấy được gì nữa nhưng tôi vẫn nhận thấy cơn đau từ hai hốc mắt. Cơn đau của riêng tôi, và máu tôi vẫn chảy dài theo cơn.

     Chúng kéo dài xuống mặt và sẽ bám dính lại như được vẽ từ màu mực chấm từ máu tôi.

     Bộ quần áo vặn mình. Tiếng răng rắc. Tôi được bẻ vào thế đứng thẳng. 

 

TRU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 10588)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 9226)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 9349)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 9470)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 9649)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 10380)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 10223)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 10553)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
23 Tháng Mười Một 20214:03 CH(Xem: 10264)
Chi bằng dành dụm tiền đi học luật, sau này sinh nhai bằng nghề thầy cải nhưng gã không màng, lại dốc hết tiền túi để xuất bản một tập thơ. Tập thơ là một tai họa, mỗi dòng chữ trong thơ là một nỗi cô đơn. Ngay đến xã hội gã đang sống nhưng gã luôn đắm chìm nỗi cô đơn trong đó. Gã đứng giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy mình lạnh lẽo như đang đứng trong bốn vách tường lạnh lẽo này . Gã biến cái thuần túy cô đơn thành tâm hồn, như một thực tế bên ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của gã như tan chảy vào trong. Đứng giữa đám đông nhưng tâm hồn gã luôn bất an, muốn đạp bằng tất cả mọi tầm thường, dung tục. Gã từ chối mọi thống trị của cái hời hợt, nông cạn của những thị hiếu tầm thường, chây lười , những đua đòi dục vọng thấp hèn của đám đông khiến gã chán ngán quá đổi.
23 Tháng Mười Một 20213:54 CH(Xem: 12543)
— Về Việt Nam để mua đất đầu tư... Đó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng. Bao nhiêu lần , chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả . Anh tặc lưỡi , cố chấp : — Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.