- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIAO THỪA CUỐI CÙNG

06 Tháng Ba 20152:31 SA(Xem: 32255)

GIAO THUA -photo NGUYEN LONG
Giao Thừa- photo NGUYEN LONG


Tôi là một quả pháo. Trước đây tôi là con người như bao con người khác, mắt mũi miệng, tay chân, cân đối, bình thường và đầy đủ chức năng. Đó là một bí mật, và tôi là người duy nhất nắm giữ bí mật này. Có lẽ chẳng ai dại lại đi tin một quả pháo tầm thường, le lói cháy sáng trên nền trời đêm giao thừa mang ký ức của con người, có quá khứ, thậm chí có cái thứ, mà loài người vẫn gọi là kiếp trước.

Bây giờ, tôi đã không thể đối thoại được với họ, loài người, đồng loại trước đây của tôi, mặc dù tôi vẫn còn nghe, và hiểu tiếng người, những tràng cười sảng khoái, sự phấn khích, tiếng xì xầm bàn tán đầy hưng phấn, … Mọi con mắt đổ dồn về một điểm trên bầu trời, từng chùm pháo bông, muôn hình vạn dạng, lung linh khoe vẻ đẹp của mình một cách kiều diễm. Một tiếng đùng đoàng rơi tỏm trên không, một tiếng khác nối tiếp. Liên tục, phải đến nửa tiếng, bốn mươi lăm phút. Cả những băng pháo dài, tí tách nổ, nhịp điệu, hàng lối bài bản. Tôi lắng nghe. Có khi chúng khiến tôi giật mình. Tôi sợ run người, đếm ngược thời gian. Phút chốc lát nữa thôi, số phận tôi cũng như những quả pháo kia.

Cậu bé vẫn cầm tôi trên tay và ngắm nghía. Chẳng hiểu sao, cậu ta lắc đầu, phàn nàn. Có lẽ tôi đã không thật làm hài lòng cậu ta bởi vẻ ngoài quá sù sì, quá thô ráp và sai lệch kích cỡ, khuôn mẫu. Cậu ta đắn đo một vài phút rồi chạy vèo qua đường, nơi một cậu bé khác đang ôm khư khư một túi ni-lông màu đen. Cậu bé trông khá chậm chạp. Lúc không có pháo nổ, tôi chẳng trông thấy gì, nên cậu ta hiện ra trước tôi thoắt hiện thoắt ẩn như ma vậy. Chính xác thì cậu ta lùn và béo núc ních, chứ không linh hoạt như những cậu bé khác mà tôi thấy tối hôm nay.

Cậu chủ của tôi gợi ý đem đổi tôi lấy tiền. Cái này, tiền, thì tôi không xa lạ. Cậu ta chuyền tôi qua tay cậu bé béo núc ních một cách nhanh chóng. Tôi nghe tiếng sột soạt của tờ giấy phát ra mà chẳng biết đích thị nó mang mệnh giá nào. Có lẽ đó là một vài tờ tiền lẻ, nhăn nheo. Ha ha, tôi quá rẻ. Nói rồi, người chủ mới của tôi vứt tôi vào cái túi ni- lông màu đen ban nãy. Thì ra bên trong cái túi này chỉ có pháo là pháo, chẳng còn thứ gì khác.

Cậu ta nhát gan, chẳng dám đem pháo ra đốt như những cậu bé kia. Và thái độ hưởng ứng trước mỗi quả pháo được đốt lên cũng thế, hời hợt và trễ nãi.

Tôi cứ nằm đợi mãi, trong túi ni- lông màu đen đến phát chán, vừa ngột ngạt, vừa oi bức, vừà tối, vừa buồn. Chẳng thể nào tả nỗi tâm trạng của tôi lúc này. Không cựa quậy. Không nhúc nhích. Tôi nói thật, thà rằng cậu ta chạy lăng xăng đi qua đi lại hay đốt quách tôi cho xong.

Cậu ta nhiều đồ chơi quá, nào là xe tăng và rô bốt, hai ba chục món như thế cơ mà. Tiếng xe tăng- đồ chơi ro ro và hú còi như thật. Có thứ còn phát ra ánh sáng, nhặng xị như xe cứu thương.

Cứ tưởng cậu ta quên khuấy đi sự tồn tại của chúng tôi, nào ngờ, cậu ta cầm cái bao màu đen lên, túm chặt đầu, đưa ai đó, một cậu bé khác. Tôi phát điên lên được, nhoắng nhoằng tôi đã bị đem đi trao đổi ba lần. Chúng tôi, những quả pháo kém xa nô lệ.

Nhưng chùm pháo hoa vẫn tiếp tục được bắn lên bầu trời cùng tiếng trầm trồ, la ó tán thưởng của đám đông, rặt trẻ con là trẻ con. Những đồng loại của tôi bị hay được bắn lên bầu trời yên tịnh, lúc le lói, lúc rực sáng, lúc quay tít, lúc nằm trốn biệt trong nòng pháo thâm u. Chẳng biết ai xấu số hơn ai. Nhưng nếu là tôi, tôi vẫn ước muốn kết thúc cuộc đời của mình một cách nào đó rực rỡ và thăng hoa. Cầu mong cho tôi đừng mang tật nguyền của một viên pháo thối vô dụng. Chí ít tôi cũng khiến loài người sung sướng, ngất ngây một vài giây phút.

Những quả pháo khác và tôi không có chung ngôn ngữ, à không, tôi lú lẩn quá, chính xác, tôi là một quả pháo đặc biệt so với họ. Vì cái sự đặc biệt này nên tôi thấy mọi thứ thật phiền hà và trái khoáy. Tôi hẵng còn cảm nhận được tiết trời lạnh lẽo, màu sắc của đêm tối tiếng người nói chuyện, tiếng bước chân, tiếng xe máy tuýt còi, tiếng kẻng xe rác- bằng cơ quan cảm giác của một con người.

Cậu bé này có rất nhiều loại pháo khác nhau, bọn trẻ trao đổi khiến tôi choáng. Tôi chỉ cố gắng nhớ tên của mình- pháo lựu đạn. Không biết lúc nào mới đến lượt tôi, tôi nằm co ro, liếc nhìn đồng loại. Chẳng đứa nào giống tôi cả, vỏ bọc bên ngoài của họ chi chít những con chữ tượng hình, những con số, cho đến hạn sử dụng. Tôi thì không. Bộ quần áo của con người đã tùa lại thành như thế này đây, không chữ, không số, không hạn sử dụng.

Tôi lặp lại tên gọi của mình, pháo lựu đạn. Hy vọng tôi không đến nỗi xấu xí như quả lựu đạn. Trong sân chơi này, pháo lựu đạn vẫn là món đồ chơi hợp với bọn trẻ con của loài người. Thôi đành chấp nhận, loài người đã chế tác ra, họ ưng gọi bằng gì chả được.

Tối nay, chắc chắcn chẳng có đứa nào trong chúng tôi thoát khỏi tầm tay của con người, có điều đợi lâu quá, tôi đâm ra hồi hộp. Kho còn làm người, tôi đã từng chứng kiến tận mắt cảnh bọn trẻ tống những quả pháo vào cái ống nhựa, để cuống rốn (tức là ngòi) thò ra ngoài và châm lửa đốt. Đến cả khoảnh khắc bọn trẻ ù chạy ra xa, , đợi chờ, tán thưởng.

Đợi mãi vẫn chưa đến phiên mình lên đoạn đầu đài, tôi lăn ra ngủ. Những giấc mơ của con người, vần vũ, quay cuồng, đánh thức tôi.

***

Tôi tỉnh dậy thì đã Mồng Một tết âm lịch.

Ô hay, hóa ra tôi còn sống. Buồn cười thật.

Tôi lăn lóc trên vệ đường. May mắn thay, không ai ngó ngàng cả.

Mặt trời nóng ran. Những đám mây trắng, cuộn như những con cừu non tơ mập mạp. Mình mẩy tôi nhức mỏi. Cảm thấy mình đang mất dần mọi giác quan, không buồn kháng cự, không buồn vẫy vùng, trườn, bò.

Một quả pháo lựu đạn mang hồi ức của một con người- tôi lặng thinh, cố nhớ lại hành trình của mình, cuộc đời của một con người cho đến cuộc đời một quả pháo. Đó là những ngày tháng tôi đã có từng bố, có mẹ, có một người em gái. Rồi cả những người bạn xã giao, có khi chỉ là tụ tập cho vui. Rồi cả những mối tình ngọt ngào nhưng đầy đau khổ. Những ngả tư, nhưng rào cản, barie trên lối đi vào thành phố. Những cuốn tiểu thuyết và những bài thơ của Tagore tôi thuộc lòng. Giờ này, tất cả đã trở nên xa lạ, chẳng ruột rà.

Tối hôm qua, giận họ, tôi đã bỏ vào khách sạn, một mình. Bỏ lại tất cả những sự trách móc, hờn dỗi quen thuộc. Rồi ma quỷ xui khiến thế nào, tôi bước ra phố đón giao thừa, ngắm pháo bông cho giống mọi người, chó giống truyền thống. Cũng tại đám đông hôm qua quá phấn khích, hơn những gì họ nhận được. Thế mà bước ra phố, tôi lại chẳng hùa vào đám đông reo hò, mà chỉ đi lang thang quanh khu chợ nghèo và vắng vẻ, để ngắm nhìn bọn trẻ chơi pháo. Tôi còn nhớ rõ, âm thanh phát ra trung tâm thị trấn áp đảo khu chợ ẩm ướt này. Những loạt đạn được bắn lên trời cũng thế, hoành tráng, vồn vã, ào ạt và sáng rực nên trời.

Tôi tha thẩn bước đi giữa khu chợ ẩm ướt.

Những quả pháo được bắn rải rác, những hồi rin rít. Hình như tôi mặc chiếc váy xanh, tôi chỉ nhớ mang máng, một đôi dép cao gót, một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ, một lớp phấn trang điểm nhẹ, một chút nước hoa, rồi cả son môi màu đỏ đậm hay nhạt, không rõ.

Tôi bị mê hoặc bởi tiếng pháo nổ tí tách của bọn trẻ. Chúng khá đơn giản nhưng vẫn đủ màu sắc, có lúc là một ngôi sao năm cánh, có khi là một trái tim cân đối, một bông hoa cúc… Chúng kỳ diệu, quyến rũ, không trùng lặp. Tôi mãi mê nhìn lên bầu trời, quên cả nỗi buồn đang đè nặng tôi bấy lâu, của hai mươi tám năm làm người của mình, của ba năm công chức quèn làm công ăn lương, cho đến sự ruồng rẫy tôi nhận được con người ấy- con người tôi yêu thương nhất từ trước đến nay. Vì thế, tôi đã buột miệng bâng quơ, “giá chi được biến thành làm một quả pháo, được bắn lên trời vào đêm giao thừa, để quên đi hết thảy mọi sự”. Thế mà điều ước ngớ ngẩn và chết tiệt đó lại thành sự thật.

Tôi đứng trân người trên con phố, chênh vênh, chếnh choáng như kẻ say rượu, nhắm mắt, rướn cổ lên trời cao. Những cơn co giật đau thắt. Những cơn động kinh khiến thân thể tôi co quắp lại, nhỏ bé nhỏ bé dần.

Tôi chẳng thể kiểm soát được sự thay đổi khủng khiếp này. Tiếng xe máy vụt qua cũng khiến tôi sợ hãi. Tiếng bước chân. Cả tiếng người nói chuyện, cả những lời cầu chúc tốt đẹp cũng khiến tôi ớn lạnh. Tất cả, dồn dập, nhào lộn, nhảy múa như trêu ngươi. Một vài người ăn mày lầm lũi bước, e dè, mặc cảm. Hai cô công nhân vệ sinh đường phố thu dọn những chậu hoa và cây cảnh vất vưởng trên đường, cho vào xe rác, họ vừa cằn nhằn vừa tiếc rẻ cho kiếp cỏ cây, và cằn nhằn về cái nghề hốt rác của mình, năm nào cũng đón giao thừa giữa bãi rác.

Không ai biết tôi đang trải qua cơn đau đớn này. Thân thể tôi như có ai dùng chày, búa, chùy, dằn vào, nện vào từng hồi vô tội vạ. Chẳng có cách nào ngăn cản cơ thể bé lại, co rút lại. Quái lạ, chẳng ai đấm, đá, huých vào người, sao tôi lại đau đớn thế chứ? Tê cứng. Nhức. Nhói. Buốt. Lạnh.

Một tràng pháo dài tanh tách rất gần, khiến bọn trẻ chẳng ai bảo ai, ba chân bốn cẳng chạy rần rật, hiếu kỳ và mong đợi. Kết thúc tràng pháo rộn rã là làn khói trắng xám, bay lên, tan loãng vào không trung.

Một cơn co rút mạnh và đau, xót như xát ớt vậy. Quần áo tôi nhầu nhĩ không khác gì một loại giấy báo cũ kỹ, hăng hắc mùi cánh gián. Và cả mùi gì khai khai, khen khét tựa mùi thuốc súng. Điện thoại di động đổ chuông. Tôi mừng run. Có lẽ sẽ có ai đó giúp đỡ tôi. Đêm nay, giao thừa, cùng lắm là một lời chúc tết khuôn khổ và sáo rỗng, nghĩ thế, tôi loay hoay kiếm tìm cánh tay của mình, bàn tay của mình. Chúng không còn tồn tại trên thân thể tôi nữa! Nhưng chúng đi đâu mới được? Cả đôi chân cũng thế, tôi không tìm thấy nó được.

Tiếng chuông điện thoại vẫn đổ đều, “Please tell me why you made me cry. I beg you please I'm on my knees. If that's what you want me to…” Tôi phát khùng mất. Những đòn đấm đá vô hình vẫn tiếp tục dần lên thân thể tôi. Chẳng biết nó có để lại những vết thâm, thương tích gì không mà tôi đau đớn quá. Tôi nằm vật xuống đường. Từng khúc xương kêu răng rắc như đồng hồ lên dây cót, rót rét rót rét. Chiếc điện thoại văng ra khỏi tôi. Tin nhắn của anh ta hiện trên màn hình điện thoại, một dòng ngắn gọn, “đang ngủ với thằng nào”. Hai mắt tôi nhòe đi. Có lẽ ước muốn được biến hóa thành một quả pháo, lúc này, không còn là điều ngớ ngẩn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn không thoát ra được cảm giác sợ hãi, mất mát và đau đớn về thể xác.

Thực sự, tôi không ngờ, cho đến lúc toàn thân tôi nhăn rúm ró và vo tròn lại tôi mới biết mình đã trở thành một quả pháo. Một quả pháo là giới hạn cuối cùng. Ôi trời đất ơi, tôi chẳng còn tay, chẳng còn chân, chẳng còn hình hài của một con người nữa.

Tôi cố gắng xâu chuỗi lại, hồi tưởng những giây phút cuối cùng của một cuộc đời con người, cuộc đời của tôi trước khi là một quả pháo, một thứ đồ chơi được ưa thích, được đón đợi, mặc dù có khi bị giấu diếm vào xó xỉnh vì mang nhãn mác của hàng nhập lậu. Tôi- bây giờ không còn là người được cấu thành bởi máu, bởi xương thịt; chẳng gen di truyền, chẳng giới tính, chẳng mối quan hệ, chẳng công ăn việc làm.

Cậu bé chạy ào đến lũ bạn, khoe việc mình nhặt được một quả pháo trên vệ đường- là tôi. Lũ bạn của cậu bé xúm lại ngắm nghía phút chốc rồi giãn ra. Chúng bình luận về cái màu sắc bên ngoài của tôi. Dĩ nhiên chẳng đứa trẻ nào biết được cái vỏ bên ngoài này chính là bộ quần áo của tôi trước đây bị co rút lại nên tôi có phần khác với những quả pháo khác. Hoặc giả, nếu biết tôi có xuất xứ từ con người như chúng, thì chúng sẽ chạy tá hỏa có khi.

Tôi không còn cựa quậy được nữa, không nhúc nhích được một milimet nếu không có sự can thiệp cơ giới của con người, chủ nhân của tôi. Cứ thế, tôi nằm gọn trong tay cậu bé. Lúc này lẽ ta tôi không nên chủ nhân của mình là cậu bé, vì so với cậu ta, tính toán qua loa thôi cận nặng của tôi chỉ bằng một phần nghìn cân nặng của cậu ta.

Tôi vô vọng trong bàn tay nhỏ bé của con người. Thế đấy, với ngần ấy năm làm con người, tôi chợt nhận thấy ở cậu ta có cái gì đó, nghệch ngạc đáng thương.

***

Có ai đó gọi tên tôi. Hình như anh ta. Không bao giờ. Anh ta chưa bao giờ biết thị trấn này. Thị trấn đang bị sa mặc hóa, khô cằn. Tôi co dúm người lại và sực nhớ, tôi chẳng thể bé hơn nữa, tôi đã bé đến mức tối đa, và dĩ nhiên, loài người, không ai phát hiện hay nhận ra tôi đã từng là con người.

Tôi cố xua đuổi nhưng hình ảnh loài người còn sót lại của mình, nhưng lúc này, dường như tôi đang buông xuôi, không kháng cự và vô tri vô giác. Buông xuôi hoàn toàn.

Bình minh lùi dần. Ánh mặt trời chói chang. Đường phố cũng chói chang đủ màu sắc, hoa lá, cờ hiệu, đèn giao thông, quần áo, đầm váy từ truyền thống đến hiện đại lẫn lộn nửa truyền thống nửa hiện đại, Tây Tàu, lượn lờ như những đàn bướm ngây thơ và dại dột, gượng gạo kiêu hãnh dưới ánh nắng.

Bụi bay mù mịt lẩn cùng khói thải.

Thị trấn này, ngày hôm nay, có một lễ hội rất lớn, tôi chỉ biết là rất lớn và rất quan trọng, nhưng tôi không nhớ nổi tên gọi và địa điểm diễn ra cũng như thời gian và tính chất của nó.

Chẳng ai buồn nhặt tôi lên. Chẳng ai nghịch pháo vào ban ngày cả, huống chi hôm nay là Mồng Một tết. Tôi không mang nổi một giá trị nào. Lăn lóc. Bơ vơ nhớ tiếc thân phận làm người.

Nắng chói lòa, khiến tôi buồn ngủ. Nhưng tôi cố gắng gượng, không cho mắt mình nhắm lại. Vì biết đâu, ngủ lại mơ. Mà nhất là khi tôi chỉ là một quả pháo, ngủ có khác gì chết. Đêm qua tôi nằm mơ, giấc mơ của Con Người- hoàn toàn. Một vài người khóc thương cho sự ra đi vĩnh viễn của tôi. Họ đâu hay tôi vẫn sống sờ sờ ra đây, nhưng bằng thân thể này. Họ khóc. Họ viết một bảng cáo phó cho Con Người của tôi theo giấy khai sinh và hộ tịch. Tờ cáo phó bay phất phơ. Họ làm cho tôi một cái đám tang tượng trưng, với một cái hòm tượng trưng, trống không cùng với mấy chục chiếc khăn tang tượng trưng. Có lẽ giờ này sang năm, họ sẽ tổ chức cho tôi một đám giỗ tượng trưng, giống như nhiều đám giỗ tượng trưng tại quê hương tôi sống- lúc còn là Con Người.

Đó là lời tự thú của tôi. Tôi òa khóc. Giọt nước mắt của một quả pháo. Chỉ vì tôi xót xa cho số kiếp của mình, một Con Người kết thúc số phận của mình bằng cách biến thành một quả pháo lựu đạn vô danh, chỉ trong phút chốc, cũng chẳng rõ, có thể tôi đang khóc cho một quả pháo không được lóe sáng trên bầu trời vào đêm giao thừa hôm qua. Tôi sắp chết thật rồi, họ sẽ giẫm lên tôi và đá văng lăn lóc, những bánh xe, những gót giày, những chú chó thích mùi thuốc súng, tôi không đếm xuể. Khi chết đi, đó là giây phút trung thực nhất của một số phận, nhưng tôi thì không, cả cái chết cũng bị bao phủ bởi sự dối trá.

Sài Gòn, Tết 2015

N.P.K

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Bảy 20225:29 CH(Xem: 8379)
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuộn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 8292)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.
07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 8652)
Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791.
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 8380)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 9085)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 8802)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 9016)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7877)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 9330)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 8897)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.