- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Đôi Mắt

18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 41842)

- Gửi những người lính ở Iraq 

Jessica đi ra phía hồ cá ở vườn sau nhà. Cô cầm theo hộp đựng thức ăn cho cá. Một đàn cá chép Nhật trong chiếc hồ của cha cô, chúng đang đợi cái bóng cô nghiêng xuống. Cô đã nghe thấy tiếng quẫy mình của chúng, và cô đoán chúng cũng đang nghe thấy tiếng bước chân cô. Cô giơ bàn tay ra nắng, nắng rất ấm, lung linh trên tay, trên vai và thả những khoang nắng trên mặt cô. Cô ngồi xuống bên thành hồ, thong thả ném từng nắm thức ăn cho cá.

Có một bàn tay cũng ấm lắm đang đặt lên trên bàn tay cô

Cho anh ném với.

-A, Cory, anh về bao giờ vậy? Jessica kêu lên thảng thốt.

-Anh được về phép ba tuần, anh mới về đêm hôm qua.

-Anh đi khẽ quá, khẽ hơn cả tiếng cá đớp mồi.

Cory nắm chặt tay cô hơn, anh lấy nắm thức ăn vứt xuống cho cá rồi ôm đầu cô gần sát vào ngực mình.

Anh muốn cho em ngạc nhiên nên anh không báo trước ngày về.

Cory chỉ cần nhấc cái then cổng vườn sau nhà anh là anh ngồi ngay được ở bờ hồ cá nhà Jessica. Họ là hai đứa trẻ hàng xóm, lớn lên cùng với nhau. Tuy đi học khác trường nhưng họ thân nhau hơn là bạn cùng lớp. Rồi bỗng một ngày họ yêu nhau, rồi bỗng một ngày Cory đi vào chiến tranh. 

Mẹ cô khuyên "Con tập chấp nhận, hãy cầu nguyện cho anh ấy trở về bình an." Jessica chấp nhận, cô bình thản tiễn anh và bình thản nhận những lá thư anh gửi về. Cô vẫn đến trường, vẫn theo dõi tin tức ngoài mặt trận. Trái tim cô bắt đầu cũng nổ tung ra cùng với những chiếc xe gài bom nổ, cùng với những thân xác ôm bom nổ, nhưng rồi nó cũng phải chấp nhận, tập bình thản và tập trông cậy vào phép lạ của những lời cầu nguyện.

Ba tuần ở nhà, Cory và Jessica quanh quẩn bên hồ cá sau vườn nhà nàng, hay trong bếp nhà Cory, họ chơi game, (những cái game mà chỉ có Cory mới hiểu và chơi được với nàng,) họ nấu ăn, rồi dắt nhau ra vườn, làm tình với nhau trên bãi cỏ, cạnh hồ, cùng với tiếng quẫy nước của những con cá. Cha mẹ họ mặc cho họ tự do hạnh phúc giữa hai ngôi vườn. Jessica đã qua tuổi thiếu nữ rồi, và Cory thì đang đi lính. Hãy để cho họ hưởng những hạnh phúc vốn sẵn mong manh giữa hai người.

Cory đã trở lại mặt trận. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, Jessica mở ngăn kéo lấy ra một chiếc hộp gỗ. Cô đếm những viên nhựa tròn trong chiếc hộp. Chúng lớn nhỏ hơi khác nhau một chút. Cô đếm bao nhiêu lần mà vẫn không nhớ được bao nhiêu cặp cùng một cỡ. Cô vừa khóc vừa nhớ lại lời mẹ dặn:

"Ba tháng đầu thì mỗi tuần thay một cặp, từ ba tháng đến một năm thì ba tuần thay một cặp. Từ một năm đến ba năm thì một tháng thay một cặp. Từ ba năm đến mười năm thì sáu tháng thay một cặp. Sau đó cứ mỗi năm thay một cặp cho đến năm thứ hai mươi, cơ thể hết phát triển, không phải thay nữa."

Cứ thế, ban ngày, ở trường về, cô ra hồ cho cá ăn, cô đặt tay trên thảm cỏ, chỗ hai người đã yêu nhau. Buổi tối, cô đếm những viên nhựa, cô cất lại vào hộp, cô quỳ gối trước bàn thờ và đọc kinh cầu nguyện cho Cory trở về bình an.

Người ta báo tin Cory trở về, không bình an. Cory về, không vào bếp nấu ăn với Jessica, không ra hồ cho cá ăn, và không ôm cô lăn trên thảm cỏ nữa.

Anh về trong một chiếc áo quan.

Jessica điên cuồng đi tìm cái hộp gỗ. Cô gọi:

Mẹ ơi! Mẹ ơi, phụ con!

Mẹ cô trút tất cả những viên nhựa vào một cái túi. Bà đưa cô đến nhà quàn.

Chiếc áo quan mở một nửa để thân nhân đến viếng, một nửa có phủ quốc kỳ. Người đàn bà đưa cô con gái đến bên cạnh chiếc áo quan.

Cory, đây là những đôi mắt của em, những đôi mắt lớn lên với em từ thời thơ dại. Anh còn nhớ những đôi mắt này không? Chúng đã nhìn anh khôn lớn, đã nhìn tình yêu của chúng ta trưởng thành. Khi em lớn lên và yêu anh, em khám phá ra, chính những viên nhựa vô hồn này là mắt thật trong sáng của em. Em bỏ chúng vào đây để mắt em lúc nào cũng được nhìn anh bên kia đời sống.

Jessica bỏ chiếc túi vải có những đôi mắt vào trong áo quan, cô cúi xuống hôn lên môi người lính, bình thản ra về.

Cô gái mù hoàn toàn, trong hai hốc mắt có gắn hai con ngươi giả bằng nhựa trong veo.

Trần Mộng Tú
Tháng 3/2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Năm 20151:17 SA(Xem: 32021)
Trời đầu tháng năm Cali nắng chan hòa ngoài đường nhưng Thanh còn thấy lạnh. Thế này dù sao cũng còn đỡ hơn ba tháng trước thật nhiều khi Thanh mới theo chồng từ quê nhà sang Mỹ vào đúng giữa mùa đông. Đồng hồ trên lò microwave chỉ mười giờ sáng. Trong vòng vài phút thế nào Thanh sẽ thấy con bé tóc vàng ở nhà cuối đường đẩy xe có đứa bé trai tóc đen đi ngang qua.
14 Tháng Năm 20159:40 CH(Xem: 34369)
Chúng tôi lên Thăng Long Tết Ất Mùi, mặt hồ Dâm Đàm mỏng như ý nghĩ khoa cử trong đầu Kiệt. Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước, mắt dõi theo những cuống sen già trôi quả quyết về hướng Cấm Đình. - Nay mai đỗ đầu tiến sĩ thì ngồi nhà mát ăn bát vàng.
13 Tháng Năm 20154:22 SA(Xem: 30381)
LTS:Cận cái chết, nhìn cái chết ... một tâm trạng đau buồn, ray rứt. Những ra đi vĩnh viễn, mất mát và bấu víu vào mất mát. Nuối tiếc. Trịnh Duy Kỳ đến với Hợp Lưu lần đầu với 28,5 với những cái trên. Xin giới thiệu đến độc giả.
13 Tháng Năm 20154:18 SA(Xem: 31543)
Mấy tay bạn trai của Nga nhiều lúc cũng âm mưu, đưa Nga vào những chỗ nhạy cảm, rồi đòi hỏi này nọ, nhưng Nga cương quyết từ chối. Không phải là Nga không thèm muốn. Thì thịt da ai chả là người. Nhiều lúc ở bên các chàng chuyện trò tâm sự. Rồi chân tay đụng chạm, ôm ấp hôn hít, cũng rực hết người lên. Những muốn mặc kệ cái sự đời…
13 Tháng Năm 20154:12 SA(Xem: 31981)
Tin nhắn chú Tư e không qua khỏi đêm nay làm Nhiên đờ đẫn. Nhiên đóng cửa phòng mạch, chạy chẳng kịp chào ai. Đường vào nhà chú ngoằn nghèo rắc rối tựa ma trận. Sau rốt Nhiên vẫn đến được theo quán tính. Sự âm u lạnh lẽo cô buồn bàng bạc khắp nhà. Một vùng cấm mấy chục năm nay không hề có bóng đàn bà. Chú cấm tiệt. Cấm luôn thằng con trai duy nhất, không được có bạn gái.
13 Tháng Năm 20153:53 SA(Xem: 30888)
Đám đông đã chia thành hai phe và tranh cãi rất quyết liệt. Cuộc tranh cãi có khi đổ máu đã kéo dài suốt 40 năm. Sự tranh cãi ấy bắt đầu từ những thứ tài sản cướp được của những người chạy trốn. Đôi lúc, qua những khe cửa rất nhỏ từ xa, có những ánh mắt nhìn về phía họ mà sợ hãi. “Lạy trời, lạy thánh, cho chúng ôm hết về mà im tiếng ngay đi”. Đó là bọn đĩ điếm và quân ăn cướp.
13 Tháng Năm 20153:43 SA(Xem: 31731)
Từ nhà tạm cư ở Merang, Trăng-ga-nu, đúng chữ là Terrenganu, Cao Ủy đã đưa 38 người của tàu SS0682 nhập trại Bidong, chỉ riêng anh Huân bị đứt một lóng tay và Bố ói ra máu đòi vào nhà thương nên Cao ủy bảo ở lại đất liền. Chớp mắt Ngà thành thông dịch viên đi theo vì dường như đó là điều hợp lý (!) và làm cho người đi kẻ ở được an tâm.
12 Tháng Tư 20154:32 SA(Xem: 33224)
Bất ngờ, chị đến gần la lớn. Chào, ông thiếu úy đồn trưởng. Người xe thồ giựt mình sém phun cọng mì, mắt nhìn lấm la lấm lét xung quanh. Tám năm trong tù ra, giờ mới có người gọi ông là thiếu úy. Lạy chị, đừng gọi tôi như rứa. Tôi mới được…từ trại cải tạo về…trả quyền công dân thôi.
09 Tháng Tư 20154:54 CH(Xem: 33974)
Người đàn ông cán sự xã hội rất nhanh nhẹn và hoạt bát, thao thao bất tuyệt với giọng Bắc nhưng vẫn là âm gốc Huế. Anh dí dỏm kết luận bài học công dân đầu tiên: "Xin nhớ cho đây không còn là ở Việt Nam nữa, quý vị bây giờ đang ở trên đất Hoa Kỳ, đã có hoàn toàn tự do, kể cả tự do phê bình tổng thống hay quốc hội, nhưng - anh ta ngưng lại một chút như để tự tán thưởng bằng một nụ cười riêng thú vị: nhưng quý vị sẽ không có tự do trốn thuế. Trốn thuế ở Mỹ thì chỉ có ở tù và được coi là tội nặng nhất..."
09 Tháng Tư 20153:54 SA(Xem: 32751)
Tôi ngồi nhìn thằng bạn chơi games trong căn phòng của nó, một buổi trưa nóng bức, hơi nóng hầm hập nằm bên ngoài ô cửa kính đóng chặt, khung cửa thỉnh thoảng rung lên vì gió. Trong phòng máy lạnh chạy đều đều mang theo một làn hơi mát có tác dụng phụ khiến người ta khô mũi. Ngày chủ nhật, hai thằng con trai chẳng có gì làm ngoài việc nhìn nhau chơi games.