- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHÓC CHA

09 Tháng Tư 20153:19 SA(Xem: 34266)

                                   

Khoc Muon-bw
Khóc mướn- ảnh Internet

 

-         Ới cha ơi, sao nhà cao cửa rộng cha không ở, cha lại  bỏ con bỏ cháu mà đi, ới cha ơi!

-         Ới cha ơi chúng con ăn ở với cha như bát nước đầy sao cha lỡ bỏ chúng con mà đi cha ơi!

           Phướn, người con thứ hai phủ phục xuống quan tài cha khóc nức nở, tiếng khóc không lâm li nhưng cũng đủ làm cho lòng người đến viếng đám ma xao động mà thêm thương tiếc cho ông Phượng, ông sống hiền lành tử tế với dân làng thế mà ông ra đi thật thương tâm. Con cái ông tranh cãi nhau về việc chia đất đai, ông bảo ông vẫn còn khỏe đã chết đâu mà phải tranh nhau? Vợ ông và con cái hùa vào với nhau nói rằng, ôi giời sống chết biết thế nào mà tính, có người vừa ăn xong bát cơm đã lăn ra chết, có kẻ đang ngồi hóng mát thì lịm đi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Trước sức ép của vợ con, ông Phượng đành phải chia đất, theo ông, phần anh con cả được nhiều hơn, sáu trăm m2 vì anh còn mang trọng trách cúng giỗ cha mẹ sau này, rồi đến người con trai thứ hai, thứ ba mỗi người được bốn trăm m2 và  cuối cùng là cô út được hai trăm m2. Anh con cả và cô út đồng ý nhưng hai người kia phản đối cho rằng như thế là không công bằng, con nào cũng phải cúng giỗ cha mẹ chứ riêng gì anh cả, cần thiết sau này thay phiên nhau mà giỗ; còn cô út đi lấy chồng rồi, chỉ được năm mươi m2 thôi. Thế là cãi nhau, anh con cả chửi hai đứa em trai là ngu, không biết trên dưới là gì. Hai người em trai thì chửi lại, rằng làm anh cả mà tham lam, lại nghe vợ xúi vào nên tối tăm mắt mũi vì tiền vì đất. Cô út thương cha, bảo với hai người anh, cô sẽ không lấy phần đất của mình, chia cho mỗi anh một trăm m2 nhưng họ vẫn không nghe kiên quyết đòi anh cả trả lại cho họ mỗi người thêm năm mươi m2 nữa. Cãi nhau, chửi nhau rồi cả đánh nhau, đưa nhau ra tòa. Ông Phượng đau buồn quá liền bỏ nhà ra đi. Con cái mải tranh nhau đất cát nên chả ai đi tìm, mà cũng chả ai muốn ông trở về lúc này để rồi gây khó khăn cho việc chia đất. Năm ngày sau thì thấy xác ông Phượng trôi dập dềnh ngay ven sông cạnh khu đất mà con cái ông tranh nhau, họ vớt lên làm đám ma cho cha.

          Đang khóc cha thì  Phướn nhận được cái vỗ vai:

- Này, có làm một chân không, thằng Khuông nó về rồi!

 Phướn dừng khóc ngay:

- Sao? Thằng ấy ăn non à?

- Không, con nó đang sốt ở nhà, nó đạp xe ra chợ mua thuốc rồi lại về chơi tiếp, có tranh thủ vài ván thì vào.

        Phướn dời cỗ quan tài đi đến chỗ em gái bảo đến bên quan tài cha túc trực, khi nào có khách đến viếng thì cho người gọi. Chả kịp để em gái có đồng ý hay không, Phướn bước nhanh ra góc sân vào chiếu bạc, chơi phỏm. Một lúc, người ta thấy tiếng  Phướn văng chim cò ra ầm ầm:

- Cái con c... bố mày nhầm một tí. Đ... mẹ, chơi đểu thế đến bố tao sống dậy cũng không chơi được huống hồ là tao!

Hai người cãi nhau kịch liệt, Phướn thì bảo nhầm một tí còn con bạc chuyên nghiệp Bốn thì bảo bài đã hạ xuống không được phép cầm lên, ván này anh ù,  Phướn phải đền làng ván ù này năm mươi ngàn. Cả hai đứng lên túm cổ áo nhau, mấy người kia can ngăn đang đám ma không nên đánh chửi nhau. Nếu ngày thường mà Phướn chơi xù thì rất có thể đã mất mấy cái răng cửa với con bạc Bốn nhưng hôm nay là người đám ma bố Phướn nên con bạc Bốn đành buông  cổ áo  Phướn ra, vừa lúc ấy vợ  Phướn chạy vào nói với chồng:

- Anh Phướn, có người đến viếng kìa!

- Chúng mày đợi tao một tý.

Phướn chạy vào nhà , đến bên cỗ quan tài cha phủ phục :

- Ới cha ơi!..

          Bấy giờ đã chín giờ tối nên khách đến viếng cũng thưa thớt, chỉ có đám cờ bạc là thêm đông, từ một chiếu phỏm đã nhanh chóng phát triển thành bốn chiếu, hai chiếu dưới sân, một chiếu trên hè, còn một chiếu mới phát sinh lúc đầu lay hoay tìm chỗ, cuối cùng theo sáng kiến của Đối, người con trai thứ ba của ông Phượng thì trải ngay trong nhà, gần cỗ quan tài để tiện một công đôi việc, Đối vừa có thể túc trực canh quan tài cha mà lại vẫn tham gia chơi phỏm được. Một con bạc trung niên thì nói rằng, chơi ở đây khéo mà ông Phượng cũng được tham gia, ngày còn sống, ông Phượng vẫn hay sang nhà ông chơi tổ tôm, có đêm say quá đến tận sáng mới về! Mọi người cười cười nói nói, phải đấy, phải đấy, không khéo ông Phượng cũng đang chơi tổ tôm ở thế giới bên kia cũng nên!

          Lệ ở làng, mỗi khi có người đến viếng, phải có con cả đứng ở chỗ bàn đặt bát hương để đáp lễ và có con ngồi bên quan tài cha, khi kèn nổi lên thì người con cũng phải khóc lên thành tiếng. Ba người con trai của ông Phượng, chỉ có anh con cả vừa đứng đáp lễ vừa tiếp khách còn hai anh con trai kia thì đang say bạc. Đối đang vào vận đỏ, ù được mấy ván, thu được hơn ba trăm ngàn, miệng cười nói rôm rả. Chợt có tiếng kèn báo hiệu có người đến viếng, Đối ngừng cười, quay lưng lại, một tay vẫn cầm bài, tay kia đặt lên quan tài cha:

- Ới cha ơi, chúng con thương cha lắm cha ơi!

Khóc không có nước mắt xong, Đối quay lại chơi bài tiếp. Lúc này lại có người đến viếng, Đối thấy bực mình liền đi lại chỗ một ông thợ trống kèn, thuê ông một trăm  ngàn để hễ có ai đến viếng thì ông đến bên quan tài khóc hộ cho đến khi hết người viếng. Ông thợ trống kèn cầm tiền, dặn bạn đồng nghiệp đợi ông đến chỗ quan tài rồi hãy nổi kèn, ông này gật đầu, lúc sau phùng mồm:

- Ò e í e!

          Đáp lễ, ông thợ kia cất tiếng khóc:

                - Ông ơi, trời thì cao, đất thì rộng, sao ông vội về nơi chín suối ông ơi!

- Ò e í e!

- Ới ông ơi, ông thác đi, con con cháu cháu xót xa thương nhớ ông ơi!

       Tiếng kèn bi ai xen lẫn tiếng khóc thuê chuyên nghiệp mùi mẫn nghe thật xúc động, giá mà là ban ngày hẳn có nhiều người đã rơi nước mắt. Nhưng đêm đang dần khuya, mà lại là đêm đông giá rét nên không có ai nghe, đám con bạc thì mải mê sát phạt nhau, khách viếng lại là một người đàn ông bị điếc nặng, đến người con cả cảm ơn, ông lại tưởng nói gì nên cứ hả hả hả nên anh đành chắp tay lạy lạy, ông điếc hiểu ra là người ta cảm ơn mình nên cũng đáp lại bằng cách chắp hai tay vái vái. Ông điếc viếng xong tưởng ra về ngay nhưng khổ, đã điếc lại còn thích hóng chuyện, ông châm điếu thuốc lá rồi sà vào chiếu bạc trong nhà:

- Xuống con này đi!

- Lão điếc đừng có nói gì.

- Hả, tao có ăn mì tôm đâu?

- Cút mẹ ông đi!

- Thằng này, mày bảo ai ăn cứt mẹ mày? Tao bằng tuổi bố mày mà mày dám láo  với tao à?

       Ông điếc túm cổ áo con bạc, kẻ kia giáng cho ông điếc một quả đấm chảy cả máu mồm. Thế là đánh nhau to, hai kẻ lao vào nhau như  đấm đá, cào cấu, tất nhiên phần thắng nghiêng về gã cờ bạc vì gã khỏe hơn trẻ hơn. Mọi người can ngăn mãi, anh con cả của người quá cố phải dúi vào tay ông điếc một trăm ngàn uống rựợu thì trật tự mới được vẫn hồi. Các con bạc lại tiếp tục sát  phạt lẫn nhau.

- Đ...mẹ mày chơi nhìn bài à?

       Từ chiếu bạc ngoài sân, Phướn chửi một người kế bên.

- Tao nhìn làm đéo gì!

       Con bạc kia chửi lại, mấy người cùng chiếu bảo tập trung vào chuyên môn, không cãi cọ nhau nữa, im lặng được một lúc thì lại bùng lên dữ dội, nguyên nhân, người kế bên hạ con chín rô xuống rồi lại cầm lên, con này sẽ làm cho bài  của Phướn được ù nên không cho người kia cầm lên nữa, nói bài đã hạ xuống thì không được lấy lại. Người kia bảo nhầm tí. “Nhầm cái con c...” , Phướn văng tục, người kia cũng chẳng vừa, ném bài xuống:” Ông đéo vào chơi nữa!” rồi đứng dậy phủi đít ra về. Chửi nhau ầm ĩ, suýt nữa thì Phướn cầm con dao thái thịt chém cho kẻ kia một nhát nếu không có mẹ anh gào khóc van xin. Tưởng chiếu bạc này sẽ tan nhưng không, ngay lập tức đứa cháu nội của người đã chết đã xung phong ngồi thế chỗ.

       Chiếu phỏm trong nhà, sau nhiều lần thắng bài, Đối bắt đầu thua liên tục, trời lạnh nhưng mặt Đối đỏ gay, mấy giọt mồ hôi còn rịn ra cả trên trán. Hết cả tiền vốn, Đối phải vay hai trăm ngàn, rồi cũng lại mất. Tức quá Đối quay người lại úp mặt vào cỗ quan tài cha thì thầm:” Bố ơi, bố sống khôn chết thiêng phù hộ cho con gỡ lại đi!”. Hoặc là ông bố rất ghét con cái cờ bạc hoặc là hồn ông đang phiêu dạt ở thiêng đàng nên lời cầu cứu của Đối không linh nghiệm, Đối lại thua liên tiếp mà lại thua nhiều, thua nhanh nên Đối qui tội cả cho bố đã không phù hộ mình. Vài trăm ngàn chẳng to tát gì cho lắm nhưng mà cay cú, kẻ nào cũng muốn vơ tiền vào lòng mình rồi hoan hỉ trước sự đau buồn của người khác. Đối cay cú quá, quay lại dập tay vào cỗ quan tài:

- Khi sống, ông ghét tôi nhất nhà, bây giờ chết rồi, ông cũng ghét tôi, ông chết đi chết đi.

       Ô, ông chả đã chết rồi nên mới có cái đám ma này, sao lại còn rủa ông chết đi, chết đi; ấy là vì Đối thua bạc, tâm thần bấn loạn nên mới mắng cả người chết. Hồn bạc nhập vào người Đối nhưng mọi người lại tưởng là hồn ma ông Phượng nhập vào con trai nên ai nấy đều sợ xanh mặt, có kẻ vơ vội tiền bỏ chạy thục mạng, có người dập đầu xuống cạnh quan tài van lạy:

- Con lạy ông, ông tha cho con, con xin không đánh nữa.

- Cháu lạy cụ, lạy cụ!

       Thấy ở trong nhà ầm ĩ, người nhà chạy vào, đám con bạc ở ngoài sân cũng chạy vào, ai cũng cho là Đối bị ma nhập, người con cả thắp hương cắm lên ban thờ làm rầm khấn các cụ tổ tiên, khấn bố phù hộ đừng nhập vào người Đối nữa. Đối thấy nhiều người kéo đến, lại thấy người anh cả xì xụp khấn bố thì thấy ngượng ngập liền đi đến bên quan tài bố, quỳ xuống khóc rống lên hối lỗi:

- Ới cha ơi, chúng con kính yêu cha nhất đời, sao cha lại nỡ bỏ chúng con mà đi cha ơi...

                                           

VŨ ĐẢM


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202411:02 CH(Xem: 2227)
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.
13 Tháng Hai 202410:35 CH(Xem: 1764)
Chuyện Huân có nhiều người yêu thì cả thị xã, quần chúng nhân dân các giới đều biết chứ chẳng cứ gì đám con gái trẻ. Bọn này thực ra cũng đang mắt liên mày láo tia lấy một anh chàng nào đó làm chồng cho xứng đáng cái tấm thân ngà ngọc bố mẹ ban cho. “Lấy chồng cho xứng tấm chồng/ bõ công trang điểm má hồng răng đen”, lời các cụ dạy cấm có sai. Xưa không sai đã đành, nay cũng vẫn đúng nguyên. Nên nói một cách sòng phẳng, hình như Huân bị đám con gái ấy nó chủ động đưa vào lưới tình...
08 Tháng Hai 20242:46 SA(Xem: 1604)
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm… / Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau. / “Xin lỗi cô, tôi không cố ý!” / Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3653)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 3866)
Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh.
19 Tháng Mười Hai 202311:30 CH(Xem: 3145)
Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 4955)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5631)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 5375)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 5903)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.