- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhà Thơ Tô Thùy Yên Từ Trần

23 Tháng Năm 201912:27 SA(Xem: 17244)



to-thuy-yen-

Nhà thơ Tô Thùy Yên (ảnh: dutule.com)

 

HOUSTON (VB) – Nhà thơ Tô Thùy Yên đã từ trần vào lúc 9:15 giờ đêm giờ Houston (tức 7:15 giờ chiều giờ California) hôm Thứ Ba 21/5/2019.

Theo bản tiểu sử trên Wikipedia, nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, đã nổi tiếng từ thập niên 1950s tới nay. Ông là tác giả bài thơ Chiều trên phá Tam Giang mà một phần của nó đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc.

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thuở nhỏ học trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.
 

Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.
 

Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền CSVN cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo hồ sơ tù nhân chính trị, định cư ở Houston, tiểu bang Texas.
 

Tác phẩm đã ấn hành:

-- Thơ tuyển (xuất bản ở Đức năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995).

-- Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004).
 

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê trong bài viết “Tô Thùy Yên, thời gian, tồn tại, cô đơn và đá” ghi nhận về nhà thơ Tô Thùy Yên:

"Đi từ những nghiệm sinh về sự tồn tại và thời gian, rất Heidegger ấy, thơ Tô Thùy Yên đớn đau và sâu sắc, ông tạo ra một mẫu cô đơn hành giả, có khả năng đi ngược thời gian, suốt đời tìm lại chính mình, đằng vân trong một vũ trụ đau thương, ô nhiễm những lừa lọc, tội tù và chết chóc...

 Ở Tô Thùy Yên, còn một con người nữa trong đó chất hành giả, ý niệm quân tử và hào hùng nhào nặn thành một tâm hồn "tráng sĩ" hiện đại. Hình ảnh này rất được quần chúng (di tản) ngưỡng mộ. Giọng thơ quan hoài, biên tái, mang hào khí của người (anh hùng) bại trận, bất khuất. Coi nhẹ tù đầy. Xem thường gian khổ. Kể chuyện mười năm lao cải nhẹ như lông.

     Bài Ta Về được phổ biến ngay khi Tô Thùy Yên còn ở trong nước như một bài ca ngất ngưởng của người tù cải tạo, cao ngạo trở về...”

 

Nhà thơ Du Tử Lê trong bài viết nhan đề “Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam” nhận định:

Tô Thùy Yên, theo tôi, là một trong những nhà thơ của 20 năm văn học miền Nam, có ảnh hưởng rộng, lớn... Duyệt lại hành trình thi ca Tô Thùy Yên, 20 năm văn chương miền Nam, căn cứ trên mấy chục số tạp chí Sáng Tạo, từ bộ cũ đến bộ mới; bên cạnh những bài thơ tự do (rất ít), thì hầu hết những bài thơ ký tên Tô Thùy Yên là thơ có vần, điệu. Đôi khi vần, điệu của ông, nơi những bài thơ ấy, còn chặt chẽ hơn cả những thi sĩ thời tiền chiến nữa. Trong thể loại này, Tô Thùy Yên trội, bật nhất là thể thơ 7 chữ....

Một nét đặc thù khác trong thơ Tô Thùy Yên là chủ tâm sử dụng khá nhiều ngôn ngữ Nam…rặc. Chủ tâm này rất đáng kể; nếu người đọc nhớ lại rằng, đó là những câu thơ được viết trong khoảng thời gian 1956 tới 1975, trên một diễn đàn cổ súy văn chương… mới. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ngôn ngữ đặc biệt kia, trong Tô Thùy Yên Thơ Tuyển (TTY/TT) in năm 1995, tại Hoa Kỳ.”
 

Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc trong bài viết “Tô Thùy Yên – thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người” ghi nhận về thơ Tô Thùy Yên:

“Tô Thùy Yên là kẻ được chọn. Cũng là kẻ được trao ban. Và như một con người Việt Nam, ông đã sống vượt lên và vượt qua, trong một nghĩa nào đó, những kinh nghiệm, những cảm xúc và những suy tư của con người thời đại nói chung. Những giọt nước của trí tuệ và cảm xúc, hắt lên phần đất Việt Nam, nơi những con sóng dâng lên từ Tây Phương và Âu Mỹ kia, ông có tiếp nhận. Ông trải nghiệm được cái sức sống và hơi mát trong sự tiếp nhận ấy. Nhưng cuộc đời của một con người Việt Nam, đặc biệt của một nhà thơ Việt Nam, như Tô Thùy Yên, đã đẩy ông chạm mặt với sự đau khổ và cô đơn ngay trong tình yêu, chạm mặt với chiến tranh, với cái chết, với cái bao la rờn rợn mang mang của vũ trụ đang đè lên kiếp sống mỏng manh, heo hắt, chỉ chợt loé tàn của kiếp người. Cái siêu hình ấy chụp bắt lấy nhà thơ và đẩy hắn trở về đối mặt với chính nó trong cõi con người. Ở đó, hắn lớn lên. Hắn trở thành lớn lao. Nhưng khốn khổ…

  

Nhà thơ Tô Thùy Yên trong bài trả lời phỏng vấn do Nguyễn Mạnh An Dân thực hiện trên mạng Dutule.com/Vanviet.info nói về cái nhìn của ông về văn chương:

“...Nói chung, trước kia cũng như sau này, đối với tôi, văn chương vẫn chỉ là một chứng từ sao lại về sự thất bại của con người trước cuộc sống. Mặt khác, đối với văn chương, có lẽ tôi là người mắc chứng cầu toàn dù tôi hiểu rõ rằng sự hoàn chỉnh, ở bất cứ lãnh vực nào, cũng chỉ là một khái niệm chớ không thể là một thực tế. Bài thơ nào của tôi dẫu có được sửa tới sửa lui bao nhiêu lần, khi đọc lại, tôi vẫn cảm thấy hình như chưa phải vậy. Tôi rất dễ bị ray rứt, dằn vặt chỉ vì một tứ chưa ổn, một chữ chưa đắc. Thậm chí nhiều khi tôi cảm thấy hối tiếc sao đã lỡ viết ra chi vậy...”

 

Đặc biệt là khi được hỏi về bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang do Trần Thiện Thanh phổ nhạc và khi nhìn lại về cuộc chiến Việt Nam, nhà thơ Tô Thùy Yên trả lời Nguyễn Mạnh An Dân:

“...Một tác giả tự trọng không bao giờ nên giải thích thêm nữa về tác phẩm của mình. Yếu tính của nghệ thuật là tự nó nói lên, đúng hơn là gợi lên, bằng những phương tiện đặc thù của mỗi tác phẩm những gì mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Chung cho tất cả những bài thơ khác của tôi, chớ chẳng riêng gì với bài Chiều Trên Phá Tam Giang, tôi xin phép không phải làm một việc vô ích nữa là phụ chú. Còn giả dụ bây giờ nếu phải viết lại bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang, tôi có giữ nguyên cái nhìn như cũ không? Tôi sẽ trả lời là có mà chẳng phải ngần ngừ gì. Chiến tranh, nhất là chiến tranh ủy nhiệm huynh đệ tương tàn, bao giờ lại chẳng gây thương tổn nặng nề cho nhân phẩm?”
 

Một trong các bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tô Thùy Yên là bài Ta Về, sáng tác năm 1985 khi còn trong Việt Nam, về sau in trong tập “Thơ tuyển” ấn hành năm 1995 ở hải ngoại. Bài thơ Ta Về làm theo thể thơ 7 chữ, dài tổng cộng 126 câu thơ, như sau:

 Ta về 


Tiếng biển lời rừng nao nức giục 
Ta về cho kịp độ xuân sang. 

 
Ta về – một bóng trên đường lớn. 
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai… 
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ? 
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay. 
 
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu. 
Mười năm, mặt xạm soi khe nước, 
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ. 

Ta về qua những truông cùng phá, 
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may. 
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ, 
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay. 

Chỉ có thế. Trời câm đất nín. 
Đời im lìm đóng váng xanh xao. 
Mười năm, thế giới già trông thấy. 
Đất bạc màu đi, đất bạc màu… 

Ta về như bóng chim qua trễ 
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa. 
Ai đứng trông vời mây nước đó, 
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ. 

Một đời được mấy điều mong ước? 
Núi lở sông bồi đã lắm khi… 
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động, 
Mười năm, cổ lục đã ai ghi? 

Ta về cúi mái đầu sương điểm, 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời. 
Cám ơn hoa đã vì ta nở. 
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi. 

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa, 
Làng ta, ngựa đá đã qua sông, 
Người đi như cá theo con nước, 
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng. 

Ta về như lá rơi về cội. 
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay. 
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống, 
Giải oan cho cuộc biển dâu này. 

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy 
Ruột mềm như đá dưới chân ta. 
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó, 
Người thức nghe buồn tận cõi xa. 

Ta về như hạt sương trên cỏ 
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời. 
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt. 
Tội tình chi lắm nữa, người ơi! 

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ. 
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây. 
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi, 
Đành uống lưng thôi bát nước mời. 

Ta về như sợi tơ trời trắng 
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh. 
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng? 
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san? 

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng 
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra. 
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ. 
Mười năm, ta vẫn cứ là ta. 

Ta về như tứ thơ xiêu tán 
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên. 
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách. 
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền. 

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ. 
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ. 
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ. 
Khách cũ không còn, khách mới thưa… 

Ta về khai giải bùa thiêng yểm. 
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi! 
Hãy kể lại mười năm mộng dữ. 
Một lần kể lại để rồi thôi. 

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn, 
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà. 
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở? 
Mười năm, cây có nhớ người xa? 

Ta về như đứa con phung phá 
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu. 
Mười năm, con đã già như vậy. 
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu… 

Con gẫm lại đời con thất bát, 
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên. 
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn. 
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên. 

Ta về như tiếng kêu đồng vọng. 
Rau mác lên bờ đã trổ bông. 
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng 
Chờ anh như biển vẫn chờ sông. 

Ta gọi thời gian sau cánh cửa. 
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu. 
Ta nghe như máu ân tình chảy 
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau. 

Ta về dẫu phải đi chân đất 
Khắp thế gian này để gặp em. 
Đau khổ riêng gì nơi gió cát… 
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm. 

Cây bưởi xưa còn nhớ trăng hoa. 
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà! 
Tình xưa như tuổi già không ngủ, 
Bước chạm khua từng nỗi xót xa. 

Ta về như giấc mơ thần bí 
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui. 
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng. 
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi. 

Bé ơn, này những vui buồn cũ, 
Hãy sống, đương đầu với lãng quên. 
Con dế vẫn là con dế ấy, 
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen. 

Ta về như nước tào khê chảy. 
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ. 
Thân thích những ai giờ đã khuất? 
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa. 

Người chết đưa ta cùng xuống mộ. 
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao? 
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng. 
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao. 

Ta về như bóng ma hờn tủi 
Lục lại thời gian, kiếm chính mình. 
Ta nhặt mà thương từng phế liệu 
Như từng hài cốt sắp vô danh. 

Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa, 
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời. 
Ai đó trong hồn ta thổn thức? 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi. 

Ta về như hạc vàng thương nhớ 
Một thuở trần gian bay lướt qua. 
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn, 
Đành không trải hết được lòng ta. 
7-1985 

  

Nhà thơ Tô Thùy Yên từ trần là một mất mát lớn cho văn học Việt Nam.

Nguồn: VIỆT BÁO ONLINE

https://vietbao.com/a294406/nha-tho-to-thuy-yen-tu-tran  

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 20241:03 SA(Xem: 720)
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
21 Tháng Tư 20249:22 SA(Xem: 849)
Gia đình chúng tôi rất đau buồn & thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc & bạn hữu: Chồng, Cha, Ông, Em, Anh, Chú, Bác của chúng tôi:Cụ Ông VŨ - NGỰ- CHIÊU / Tiến-Sĩ Sử Học Thế-Giới, Đại Học Madison, WI, Hoa-Kỳ / Tiến-Sĩ Luật Khoa, Đại Học Houston, TX, Hoa-Kỳ / Cử Nhân Giáo Khoa Triết Đông, Đại-Học Văn-Khoa Sài gòn, Việt nam / Cựu Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức Khóa 16; Cựu Sĩ-Quan Pháo Binh Nhẩy Dù / QLVNCH / Nhà văn NGUYÊN-VŨ / Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN./ Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. / Hưởng thọ 82 tuổi.
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 945)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 945)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 2874)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5938)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 6911)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 60313)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 603)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /
22 Tháng Tư 20242:24 CH(Xem: 710)
Ngày nào tôi cũng gắng làm cho đặc sắc / Cố hữu chỉ là một chủ xị buồn / Đêm tôi uống với lá / Nghe gió rung cành / Rồi chỉ thấy giọt mù lên mắt tượng / Ngày nào là ngày nào làm sao biết /